Hồ tiêu đối diện với nguy cơ mất thị trường

tieu-den-dai-dien1“Nếu không chấm dứt tình trạng cường canh, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì Việt Nam không chỉ mất thương hiệu hồ tiêu với khoản thu 1 tỷ USD mỗi năm mà hàng nghìn nông dân sẽ rơi vào cảnh trắng tay, điêu đứng”, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 ở Đăk Lăk cho biết.

Nhiều thị trường từ chối nhập khẩu

Tháng 5 – 2014, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiêu Việt Nam đã bị một số nước châu Âu (Đức, Hà Lan…) trả lại hàng và chịu mọi phí tổn vận chuyển, hợp đồng… do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể là hoạt chất Carbendazim, một chuyển hóa của Benomyl, được sử dụng rộng rãi ở nước ta để diệt các bệnh nấm trên cây hồ tiêu cao hơn mức cho phép là 0,1 mg/kg.

Tại Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế IPC lần thứ 42 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Michio Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội Gia vị Nhật Bản đã gửi văn bản cảnh báo tới các DNXK, nếu không cam kết chất Carbendazim gần bằng 0 thì Nhật Bản sẽ không nhập khẩu tiêu Việt Nam. Còn tại Mỹ, nước tiêu thụ hơn 24.500 tấn tiêu Việt Nam thì hoạt chất Carbendazim lại là chất cấm trong thực phẩm. Như vậy, từ năm 2015 nếu Việt Nam không cam kết bảo đảm được tiêu chí này thì ngành hồ tiêu sẽ mất  30% thị trường cao cấp, khó tính nhưng sẵn sàng trả giá cao nếu bảo đảm các rào cản kỹ thuật, xuất xứ, thương mại bền vững cho xã hội và môi trường… Các DN thay vì xuất khẩu ra tất cả các nước tiêu thụ trên thế giới thì hồ tiêu chỉ còn con đường xuất thô dạng nguyên liệu cho các nhà rang xay, tinh chế dầu… không yêu cầu khắt khe về chất lượng như Ấn Độ, Indonexia… Trong khi đó, người dân lại ồ ạt trồng tiêu ngoài quy hoạch, trồng trên đất không phù hợp, cường canh, chạy đua với năng suất bằng cách lạm dụng các loại thuốc BVTV, chất kích thích… đẩy nguồn cung tăng lên mặc cho việc cảnh báo giá tiêu sẽ giảm sút trong tương lai.

Cũng theo các DNXK, để xuất khẩu hồ tiêu ra thị trường thế giới, khâu kiểm định chất lượng rất chặt chẽ, với khoảng 600 hoạt chất cấm, hạn chế trong hồ tiêu được các đơn vị thu mua nước ngoài đưa ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có phòng thí nghiệm nào đáp ứng được các yêu cầu này, việc siết chặt chất lượng hồ tiêu từ khâu sản xuất đang được các DNXK chú trọng.

dong-bao-tieuSiết chặt chất lượng hồ tiêu xuất khẩu

Theo đánh giá của các DN và nhà khoa học thì dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu là thực trạng chung do tình trạng cường canh, lạm dụng quá nhiều thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng… trong các loại nông sản tại Việt Nam. Ông P.V.T, một nông dân trồng tiêu tại thị xã Buôn Hồ cho hay, hồ tiêu là cây trồng khó tính so với các loại cây khác, nên từ khi xuống giống bà con nông dân đã phải sử dụng chất kích thích rễ… đến giai đoạn kinh doanh thì thường xuyên phun các chất kích thích để được trái to, đều, thuốc diệt nấm…

Theo thống kê, ngành hồ tiêu đang đối mặt với hơn 600 hoạt chất bị cấm, giới hạn do các nước nhập khẩu đưa ra, nhưng với hoạt chất Carbendazim rất khó thực hiện do việc lạm dụng thuốc quá nhiều nên cây tiêu không có đủ thời gian phân hủy. Do vậy, ngay từ khi nhận được cảnh báo của các nước nhập khẩu, công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 đã tới tận các vùng nguyên liệu để mở các lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững cho bà con nông dân ở các huyện thị Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar…; cam kết dành nhiều ưu đãi về giá cho người dân nếu bà con bảo đảm được việc quản lý dịch hại tổng hợp, không lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất nhưng chưa có chuyển biến nhiều. Hiện tại, Công ty chỉ mới có khoảng 30 ha tiêu dạt chứng nhận Rainforest Alliance.

Ông Lê Đức Huy, Phó TGĐ Công ty cho biết, cây tiêu hiện đang mắc phải những dấu hiệu rủi ro tương tự như ngành Chè những năm 2004 – 2006 là cầu giảm, cung tăng, có vấn đề về chất lượng sản phẩm, một số thị trường từ chối nhập khẩu… Vì vậy, ngay thời điểm này phải xây dựng, giữ vững thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.

Ông Phạm Công Trí, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Carbendazim là hoạt chất diệt nấm có thời gian phân hủy rất lâu. Thực trạng tồn dư nói trên có thể do bà con nông dân sử dụng để chữa bệnh, cũng có thể do các nhà thu mua sử dụng để bảo quản nông sản. Thực tế, hoạt chất này phát hiện rất nhiều trong các loại nông sản khác, do vậy nếu không chặn đứng cách bảo quản phi khoa học này thì dù bà con nông dân sản xuất, quản lý dịch bệnh tốt thì tồn dư Carbendazim trong nông sản xuất khẩu vẫn vượt mức cho phép.

Theo Đăk Lăk Online

33 phản hồi cho bài "Hồ tiêu đối diện với nguy cơ mất thị trường"

Hoàng Lân

Giải pháp khắc phục : Nông dân trông tiêu phải canh tác tiêu theo hướng hữu cơ bền vững !

Qua nhiều năm khảo sát ở các tỉnh trồng tiêu cả nước, VPA đã tổng kết: Nếu thâm canh tăng năng xuất vườn tiêu bằng cách lạm dụng phân, thuốc, chất kích thích tăng trưởng…từ chất liệu hóa học (có rất nhiều loại kém chất lượng, giả) là một trong những nguyên nhân làm cho sản phẩm không an toàn, cây tiêu mau tàn, tuổi thọ ngắn, dễ nhiễm bệnh, môi trường đất bị thoái hóa, không dễ gì trồng lại được tiêu trên đất tiêu chết. Những vườn tiêu bền vững, cho sản phẩm an toàn, được thâm canh chủ yếu theo phương pháp hữu cơ.

Doanh nghiệp phải liên kết gắn bó với hộ trồng tiêu, ký kết hợp đồng đầu tư kỹ thuật, vật tư, tài chính, mua lại sản phẩm… với giá cả hợp lý bảo đảm hài hòa lợi ích hai bên. Đến nay đã có một số mô hình liên kết khá tốt như công ty Nedspice với số hộ trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước, công ty Simexco với bà con trồng tiêu ở tỉnh Đắc Lắc, đặc biệt là công ty Kss (Nhật Bản) đã có riêng trang trại nhiêu ha tiêu, canh tác hoàn toàn hữu cơ, tạo sản phẩm sạch, XK thẳng về Nhật. Nếu nhiều DN thực hiện mối liên kết với nông dân, thì chẳng những góp phần làm cho sản xuất tiêu VN bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu ở mọi thị trường.

Trách nhiệm của Nhà nước (Bộ, ngành TW, địa phương) phải có các chính sách về khuyến nông, BVTV, quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, XTTM, đầu tư tài chính, tín dụng, cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến…có nhiều dự án, chương trình…hỗ trợ nông thôn, nông dân, doanh nghiệp thật sự hữu hiệu tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu phát triển.

Dan Viet

Với tốc độ gia tăng diện tích trồng tiêu như hiện nay thì cung sẽ sớm vượt cầu ( khoảng 2016 trở đi ).
Khi cung vượt cầu thì người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn.
Lúc đó, không ai dại gì chọn ăn những sản phẩm kém an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Lúc này, quy luật đào thải sẽ thực hiện vai trò của nó. Mong bà con tỉnh táo để có lựa chọn hướng đi đúng cho mình cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Trịnh Văn Ba

Chuyện sạch – bẩn, lùm xùm con lâu lắm. Nó có thể kéo cả chùm cùng chìm ! Giống như cafe…

đỗ duy huy

Mong bà con nông dân mình đừng ham lợi nhuận mà làm hại đến sức khỏe. Khuyên bà con trông ít mà đảm bảo mọi mặt. Chúc bà con nông dân mạnh khỏe?

Phan Văn Minh

Có phần một số bà con do nhiều nguyên nhân (thiếu thông tin, ít hiểu biết cũng có thể là do tham) dẫn tới lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, đổ lỗi hết cho bà con liệu có đúng? Tôi cũng được nghe, có doanh nghiệp đã sử dụng carbenzime để xử lý mốc trong kho của doanh nghiệp. Vậy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng hồ tiêu? Đừng đổ hết lỗi cho bà con nông dân nhé.

Phạm Xuân Phổ

Tôi thiết nghĩ các nhà khoa học phải giúp nông dân mình giải bài toán khó này ! Ví dụ như nghiên cứu ra một vài thiết bị cầm tay để đo mẫu đất, mẫu nước v.v… Có như vậy mới mong giảm dư lượng thuốc BVTT được !

Dan Viet

Nếu tôi là nhà nước, tôi sẽ thiết lập cổng chặn ở cửa ra: kiểm tra gắt gao dư lượng thuốc BVTV trong tiêu tại cảng xuất. Lô hàng nào không đạt yêu cầu là tiến hành tiêu hủy ngay.
Cách này sẽ tạo áp lực dây chuyền: nhà xuất khẩu sẽ kiểm tra gắt gao bạn hàng, bạn hàng sẽ kiểm tra gắt gao đại lý, đại lý sẽ kiểm tra người thu gom và người thu gom sẽ chỉ dám mua hàng từ những vườn canh tác sạch.
Trả giá, chịu đau một lần để có được uy tín và thương hiệu quốc gia lành mạnh.

Đinh Hữu Vấn

Không riêng gì chuyện của ngành hồ tiêu mà tất cả các vấn đề hiện nay của xã hội Việt Nam, muốn dứt điểm thì phải trị triệt để như vậy.
Tình trạng này càng kéo dài thì chính ta sẽ tự hại ta, đừng đỗ lỗi hàng Trung Quốc hay hàng nhái nữa. Hãy nhìn lại chính mình.

Hưng Điền Hậu Giang

Chào Anh DanViet!
Thật khó để trông chờ vào nhà nước Anh ah! Cần thiết phải tự xây dựng thương hiệu cho mình bằng cách kết hợp thành lập vùng chuyên canh hoặc hợp tác sản xuất, triển khai sản xuất theo GAP và kết hợp nguồn vốn ưu đãi cùng các chính sách của Nhà Nước.
Với tình hình hiện tại, chúng ta đang chi phối thị trường hạt tiêu xuất khẩu nhưng không có thương hiệu và chỉ xuất thô là chủ yếu, có thể chắc chắn rằng chúng ta đang sản xuất gia công cho thế giới.
Nhằm tránh trường hợp này, chúng ta đang từng bước xây dựng nhận thức việc sản xuất sản phẩm tiêu sạch trên diễn đàn này, tôi dùng từ chúng ta vì tôi rất trân trọng từng ý kiến trên diễn đàn hiện tại. Truyền thông tốt theo hướng tích cực, dám nhìn nhận thiếu sót sẽ cho chúng ta cơ hội. Khó khăn hôm nay là kết thúc cho sự khởi đầu, nhưng nắm bắt được việc chi phối giá và chất lượng mới là khởi đầu cho sự ổn định !
Vài lời xin được trao đổi.

Nguyễn Vịnh

Liên kết giữa DN với nông dân trồng tiêu để xây dựng vùng nguyên liệu sạch không phải là vấn đề khó. Điều đáng nói là DN liên kết thu mua với giá cao hơn thị trường nhưng giá chênh lệch đó đã tương xứng với công sức mà nông dân bỏ ra thêm cho cây tiêu chưa? Đầu tư thêm công sức, vật tư nhưng thu lại giá chệnh lệch không bù đủ thì khó mà thuyết phục được bà con nghe theo. Chưa nói là có thể xuất hiện sự đẩy giá tranh mua của các DN khác, khó chỉ cho nông dân thấy được chỗ này mà bà con cứ cho là DN liên kết chèn ép giá. Càng khó hơn nữa khi giá cả thị trường luôn không ổn định. DN liên kết cần quan tâm nhiều hơn đến thực tế này.
Đã bao nhiêu liên kết ngành hàng khác đổ vỡ rồi !

Lê Tuấn Anh

Chào bà con!
Đây quả là vấn đề đã và đang rất khó cho sản xuất bền vững, cũng biết bao nhiêu liên kết đều thất bại thành ra người nông dân luôn gặp những vấn đề giá cả, thị trường.
Chỉ mong các đơn vị liên kết cần đảm bảo uy tín và tôn trọng quyền lợi của người nông dân.

Dan Viet

Thật sự rất khó đấy chú Nguyễn Vịnh.
Chúng ta đã bị rơi vô một cái vòng lẩn quẩn: Dùng thuốc vô tội vạ => chất lượng dưới chuẩn => mất niềm tin => bán giá thấp => dùng thuốc nhiều hơn, vô tội vạ hơn để năng suất cao hơn ( bù đắp cho việc bán giá thấp) => mất niềm tin hơn => giá rẻ hơn =>…. và cứ như thế, cái vòng xoáy ma quái đó đã kéo nhiều ngành hàng xuống địa ngục giá rẻ-chất lượng thấp.
Trong bối cảnh cầu>cung chúng ta chưa thấy rõ hậu quả đâu. Khi cung>cầu (mà chắc chắn sẽ có ngày đó), chính quyền các nước nhập khẩu sẽ mạnh tay siết chặt chất lượng hàng nhập.
Theo dõi động thái của các cty có nguồn gốc Âu-Mỹ, chúng ta dễ dàng hình dung ra là họ đang chuẩn bị cho ngày ấy.

Nguyễn Vịnh

DN đòi hỏi nông dân phải sản xuất sạch trước. Nông dân đòi hỏi DN phải tăng giá thỏa đáng trước. Chẳng khác gì cái vòng lẩn quẩn: con gà sinh ra trước hay quả trứng sinh ra trước.
Bản thân DN phải tìm ra lối thoát chứ không phải nông dân, bời vì nhận thức của họ có hạn (và có tính bảo thủ), cho nên họ mới là nông dân… !

Lê Hai

Cứ tình hình như vậy thì bà con nông dân chuẩn bị gánh chịu hậu quả lớn rồi. Mà tiêu không chứa Carbendazim với tiêu có chứa Carbendazim thì người mua của bà con nông dân giá cũng bằng nhau vì lấy cái gì mà kiểm tra được.

Châu Huế

Carbendazim chỉ là 1 ví dụ thôi chứ công ty FDI cho cán bộ xuống nói nhiều loại hóa chất đang được kiểm tra dư lượng khi mình nhập khẩu hạt tiêu vào các nước tiêu thụ nhiều, nhất là Mỹ, Nhật… và khuyến cáo khi thu mua phải cẩn thận hơn. Nhưng biết phải làm sao…?

Dan Viet

Thực tế là các doanh nghiệp đang thực hiện các chương trình tiêu sạch đang chịu lỗ vì họ chưa bán được tiêu sạch với giá cao hơn. Nếu như không được tài trợ từ chính phủ của nước họ trong giai đoạn châu Âu-Mỹ chưa ra tay siết chặt chất lượng thì ngay cả những Cty FDI có vốn mạnh cũng khó mà đeo đuổi dự án.

Trịnh Văn Ba

Chào các anh !
Ai cũng biết có 4 nhà … Có cái nhà quyền lực nhất để kết nối nhưng đã bị vô hiệu hóa vì “lợi ích nhóm”. Lực lượng thì hùng hậu, hiệu quả thì “thả cửa”. Tôi và các anh có tâm, nhưng chưa đủ ! Cảm ơn các anh đã trải lòng tâm sự cùng bà con !

Trịnh Văn Ba

Chào cộng đồng, chào các bạn !
Mấy tháng nay tôi buồn vì tiêu, nên cũng hay lang thang khắp nhiều vườn tiêu làm khách mời.
Nhưng đa số là “làm khách không mời” để học hỏi. Điều tôi học hỏi được khoan hãy nói tới.
Nhưng có chút xíu kinh nghiệm chia sẻ cùng cộng đồng về 1 vấn đề nóng không khác gi bệnh chết nhanh chết chậm… Đó là bệnh tiêu điên !
Tiêu điên quá nhiều, hậu quả cực kỳ nặng nề. Tôi chỉ có kinh nghiệm phòng mà thôi !
Đa số bị mắc tiêu điên thường là sau khi cắt đọt làm giống. Do vậy, các bạn cần lưu ý 1 số vấn đề sau :
-Trước khi cắt dùng thuốc trừ sâu, trừ nấm xịt kỹ trước từ 1 đến 2 ngày.
-Dùng dao inox để cắt.
-Sau 3 tuần, khi phát đọt, mới được dùng phân với liều lượng thấp.
Vì sao phải vậy các bạn tự suy luận được.
Làm đúng như vậy vườn của các bạn sẽ không có tiêu điên.
Chúc các bạn có vườn tiêu sạch, đẹp…

Đinh Hữu Vấn

Cháu chào chú Nguyễn Vịnh, ko biết là admin ở trang này ngoài chú ra còn ai nữa không. Nhưng cháu thấy rất thích cách điều hành, quản lý website giatieu.com. Bản thân cháu nhiều lúc bức xúc quá nên bình luận trên đây đôi khi có những câu văn nặng nề quá, nhưng BQT website đã lọc bỏ bớt tính chất nặng nề của comment và sửa lại câu chữ một chút nhưng vẫn giữ được ý của người comment. Cháu rất ấn tượng về điều này.
Chắc là mọi người, những ai từng comment ở đây đều đã gặp trường hợp như cháu. Cảm ơn chú (BQT) website về điều này, vì nhiều khi bức xúc con người ta có thể viết những câu hơi nặng nề nhưng sau khi suy nghĩ lại thì thấy nên thay đổi, rất may là đã có người giúp làm điều này.
Chúc chú luôn khỏe.

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @Đinh Hữu Vấn
Tiêu chí khi thiết lập website giatieu.com được nêu rõ trong nguyên tắc gửi phản hồi. Bên cạnh còn là những định hướng xa hơn, đặc biệt khi có nhiều khách nước ngoài cùng đọc nữa… Mục tiêu lớn nhất là giúp bà con trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trồng và chăm sóc hồ tiêu theo hướng sinh học hữu cơ (bio-organic), vừa giúp người mà cũng là giúp chính mình.
Những thảo luận ngay trên trang này là một phần định hướng lâu dài của giatieu.com.
Cách tôi làm cũng nhằm để cộng đồng nông dân trồng tiêu thân thiện với nhau nhiều hơn, và để cùng chia sẻ những khó khăn vất vả trong chuỗi sản xuất kinh doanh hạt tiêu nước mình.
Mong mọi người ai cũng hiểu và cảm thông như cháu.
Thân

duongtam

Nền nông nghiệp của VN chúng ta còn nghèo nàn về công nghệ, nghèo kiến thức cũng như sự am hiểu về cây mình đang trồng. Mọi người nói đúng, chúng ta cần trãi lòng với nhau chia sẻ cho nhau những gì mình biết để bớt đi phần nào khó khăn. Hãy thay đổi cách sống cách suy nghĩ, đừng vì sự ích kỷ hay vấn đề nào đó mà không chia sẻ cho nhau giúp nhau vươn lên…

Lê Hai

@duongtam ơi. Không phải nền nông nghiệp của VN chúng ta còn nghèo nàn về công nghệ, nghèo kiến thức đâu mà là bà con nông dân chưa áp dụng khoa học kĩ thuật vào làm thôi. Các sáng kiến cũng như khoa học kĩ thuật hàng ngày đều đưa tin mà.

duongtam

Mình không biết nói sao cho phải. Như bạn nói thì đó cũng là một lý do. Hơn nữa cũng khó để áp dụng công nghệ tiên tiến khi đang còn khó khăn về kinh tế, tiền bạc…
Cũng như chú Vịnh nói bà con đa phần rất bảo thủ nhưng ngược lại cũng rất thích nghe nổ.

ho nam

Vấn đề này nằm trong nhiều vấn đề của Việt Nam mình! Nó xảy ra trong ba nguyên nhân cơ bản:
-Thứ nhất là cơ chế quản lý, điều hành nền kinh tế của chính phủ (về luật, ban hành một số chính sách chưa hợp lí, khó khuyến khích kinh tế phát triển, dễ lách luật cho các tệ nạn, hội nhập nền kinh tế thị trường muộn …).
-Thứ hai các doanh nghiệp khi thu mua hàng tốt hay xấu, sạch hay bẩn không phân biệt được (một phần vì thiếu phương tiện đầu tư, một phần vì theo thói quen làm ăn theo kiểu chụp giựt không đặt lợi ích lâu dài).
-Thứ ba là do người nông dân đại đa số nhận thức có hạn, thấy cái lợi trước mắt là làm mà không tính đến hậu quả sau này! Vấn đề này không phải là không có cách giải quyết mà cái chính là có chịu làm và ai là người đứng ra làm mà thôi!

Dan Viet

Nghiên cứu bỏ túi của Dan Viet chỉ ra:

80% nhiễm thuốc BVTV từ đại lý và mạng lưới thu mua.
20% nhiễm từ nông dân.
Chưa ghi nhận bất kỳ doanh nghiệp XNK nào xử lý hàng bằng thuốc BVTV.

Dan Viet kêu gọi các đại lý nào đang làm điều đó dừng ngay việc này lại. Đây là nồi cơm của nhiều người, đừng vì mối lợi ngắn hạn của riêng mình mà đập đổ.
Các doanh nghiệp nào càng tiếp cận nông dân gần hơn thì rủi ro thấp hơn (nhưng không phải là không có).

NGOCLAM

Một vài ý kiến trao đổi của nông dân!
Câu chuyện về chăm sóc cây tiêu không bị bệnh và cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn luôn là vấn đề khiến các nhà nghiên cứu cũng như nông dân đau đầu.
Tôi cũng từng nghe và tìm hiểu về phương pháp sử dụng hữu cơ bền vững cho vườn tiêu. Tuy nhiên tôi mới thấy được kết quả về mặt độ bền vững, ít dịch bên cho vườn tiêu khi sử dụng phương pháp này ở 1 vài địa phương khi sử dụng đồng bộ. Còn khi vườn này sử dụng, vườn kia không sử dụng thì nấm, vi khuẩn lây bệnh từ các vườn với nhau. Cơ quan nào đứng ra định hướng cho nông dân triển khai đồng loạt? Họ có dám đảm bảo điều gì đó cho nông dân hay không?
Và về vấn đề thu mua sản phẩm sạch, đạt chất lượng thì cơ quan nào đứng ra thu mua? Giá cả cao hơn những vườn tiêu sử dụng phương pháp phân vô cơ, thuốc BVTV là bao nhiêu? Hay là đầu tư rồi lại bán cho thương lái với giá cả như nhau?
Mong được sự đóng góp ý kiến. Trân trọng!

đỗ duy huy

Tôi đồng ý với bạn ngoclam. Tôi cũng đang sử dụng toàn hữu cơ không àh. Từ giờ tôi trồng tiêu chưa sử dụng BVTV bao giờ mà tiêu phát triển rất nhanh. Điều tôi mong ước nhất là chúng ta cần tuyên truyền vận động nông dân trồng tiêu, các DNXNK cũng đừng ham lợi trước mắt mà lạm dụng thuốc BVTV dẫn đến rủi ro khó lường. Đừng để mất hai thị trường Nhât và Mỹ là tiếc lắm bà con ơi! Chúc bà con mạnh khỏe.

Thúy Hà

Thưa chú ! Kết quả sẽ là như thế nào trong khi nhà cháu áp dụng canh tác theo lối sinh học hữu cơ, còn chung quanh cháu bà con vẫn sử dụng phân thuốc hóa học “khủng khiếp”, nhất là từ khi giá tiêu tăng cao 2 năm qua, và từ đó là môi trường thuận lợi cho dịch bệnh tràn lan. Càng buồn hơn nữa khi tiêu chết vì dịch bệnh nhưng không ai chịu thu gom để tiêu hũy, cứ vô tư để cho bào tử nấm bệnh phát tán tràn lan khắp nơi mà không hề có ý thức ngăn chặn. Chính quyền địa phương cũng bất lực vì không thể can thiệp, khuyến cáo thì dân không nghe, cứ mặc kệ. Cháu nghĩ chỉ 1-2 năm nữa sẽ có rất nhiều, rất nhiều vườn tiêu bị xóa sổ, kể cả vườn nhà cháu vì không chống đỡ nổi…
Phải làm sao, thưa chú ?!

Nguyễn Vịnh

Chú cũng nghĩ chống dịch bệnh do nấm gây ra trên cây hồ tiêu phải quyết liệt như chống dịch cúm gia cầm thì mới mong hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp VN cứ như thế này khác gì “thầy bói sờ voi” !

nguyen phuong

Đối với tình hình hiện nay thì phải phát động giữa người dân với Cty và đại lí để họ biết về dư lượng thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng như thế nào. Dùng đúng theo 4 nguyên tắc cơ bản của thuốc BVTV là sẽ ổn thôi, chạy đua rồi gặp nguy cơ rủi ro cao lúc đó chỉ có nông dân là người chịu hết.

đỗ duy huy

Mình còn trẻ lắm bạn ah! Trước hết bạn trồng cây chắn gió xung quanh vườn tiêu của bạn cũng đỡ một phần nào đó. Mình khuyên bạn đừng làm bồn sâu quá. Làm cạn mùa nắng bạn chịu khó tưới thì mùa mưa ít bệnh hơn. Vườn tiêu nhà mình mưa càng nhiều càng tốt, minh không sợ bệnh chút nào. Đó là mình có kinh nghiệm chút ít mình chia sẻ để cùng nhau giữ vững thương hiệu. Chúc bạn có cách khắc phục cùng bà con ở địa phương thật hiệu quả.

duongtan

Có gì khó mà nước ta không giải quyết được, chẳng qua nhà nước còn bận quá nhiều việc chưa quan tâm tới chất lượng nông sản của nông dân.

Thanh sang

Xin mọi người cho tôi biết sử dụng hoạt chất Carbendazim trước khi thu hoạch bao nhiêu ngày để đảm bảo không còn tồn đọng dư lượng thuốc hay tuyệt đối không được dùng (theo tôi nghĩ thu hoạch xong tiêu mà phun hoạt chất này chắc cũng không sao) vì tôi vẫn dùng cái này để trị thán thư cho vườn tiêu. Xin cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *