Hồ tiêu: Nóng chuyện giá và an toàn thực phẩm
Ngày 1/12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu. Những thông tin tại hội nghị cho thấy giá cả và an toàn thực phẩm (ATTP) đang là những vấn đề nóng của ngành hàng hồ tiêu.
Giá giảm mạnh
Sau một thời gian dài luôn đứng ở mức cao, trên dưới 200.000 đ/kg, giá hạt tiêu ở nước ta đang giảm khá mạnh và có xu hướng giảm xuống từ tháng 6, tháng 7 đến nay.
Nếu như hồi tháng 6, tháng 7, giá đầu giá (là giá quy định cho hạt tiêu đen có dung trọng 500 g/l, độ ẩm 13-14 độ, tỷ lệ tạp chất 1%; nếu tiêu của nông dân có dung trọng cao hơn, độ và tỷ lệ tạp chất thấp hơn thì sẽ được cộng thêm giá và ngược lại) bình quân là 200.000 đ/kg, thì đến tháng 10 và 11 đã giảm xuống chỉ còn 187.000 đ/kg.
Sang đầu tháng 12 này, giá đầu giá chỉ còn 173.000 đ/kg, thấp hơn tới 17.000 đ/kg so với giá đầu giá bình quân của tháng 12/2014.
Theo dự đoán của một số doanh nhân ngành hồ tiêu, sang năm 2016, giá tiêu nhiều khả năng còn giảm xuống nữa. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, thực ra, từ năm 2014, VPA đã dự báo, sau khi lên đến đỉnh cao trong năm 2014, trong năm 2015, giá tiêu sẽ quay đầu đi xuống.
Tuy nhiên, nhờ hoạt động đầu cơ tăng mạnh ở Singapore, Trung Quốc, Dubai…, giá tiêu trong năm nay vẫn cao, thậm chí còn tăng cao hơn cả năm 2014. Thế nhưng những dấu hiệu khó khăn của thị trường đang đẩy giá tiêu đi xuống trong những tháng cuối năm nay và cả trong năm 2016.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng thư ký VPA, cho hay, do giá dầu giảm mạnh, nhiều nhà đầu cơ ở khu vực Trung Đông đã gần như ngừng mua hạt tiêu, thậm chí có những khách hàng còn trả lại hàng.
Trong khi đó, nhiều nông dân lại đang trữ hạt tiêu vì cho rằng thông tin Ấn Độ bị mất mùa niên vụ 2015-2016 có thể sẽ khiến cho giá tiêu thế giới tăng lên. Đúng là Ấn Độ có bị mất mùa, nhưng sản lượng tiêu của nước này chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chỉ xuất khẩu một ít ra nước ngoài, vì thế không có nhiều tác động tới giá tiêu trên toàn cầu.
Không chỉ giảm mạnh, theo một chuyên gia trong ngành hồ tiêu, giá tiêu ở Việt Nam còn đang có dấu hiệu bất thường khi thấp hơn khá nhiều so với giá tiêu ở Ấn Độ. Bởi hiện tại, giá tiêu đầu giá ở Ấn Độ, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam, thì vẫn đang ở mức hơn 200.000 đ/kg, cao hơn tới gần 40.000 đ/kg so với giá tiêu đầu giá ở nước ta. Đây là mức chênh lệch lớn nhất về giá tiêu nội địa giữa 2 nước trong nhiều năm nay.
Khó làm ATTP
Lâu nay, xuất khẩu hạt tiêu ít bị ảnh hưởng bởi ATTP như một số sản phẩm chủ lực khác, nhưng cũng đã bắt đầu có những báo động về vấn đề này.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho biết, trong năm nay, Bộ NN&PTNT đã nhận được cảnh báo từ châu Âu về một số lô hàng hạt tiêu có tồn dư thuốc BVTV, nấm mốc…
Theo ông Đỗ Hà Nam, đã có một số lô hàng hạt tiêu của Việt Nam bị khách hàng trả về do không đảm bảo ATTP, khiến cho nhà xuất khẩu chịu thiệt hại không nhỏ.
Do lạm dụng thuốc BVTV, nên tỷ lệ hạt tiêu không đảm bảo ATTP ở nước ta hiện đang khá cao. Điều này đang gây khó khăn lớn cho các công ty đầu tư nhà máy chế biến.
Chẳng hạn, Cty TNHH KSS Việt Nam đã đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến hạt tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhưng do khan hiếm nguồn hạt tiêu nguyên liệu trong nước đảm bảo được các tiêu chuẩn ATTP của nước này (hạt tiêu trước khi được nhập về nhà máy phải kiểm tra dư lượng trên 400 chất BVTV), nên KSS Việt Nam phải nhập khá nhiều hạt tiêu từ các nước khác, về chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết, Nhật Bản hiện có nhu cầu nhập khẩu 8.000-9.000 tấn hạt tiêu/năm, nhưng chỉ mua từ Việt Nam chưa tới 1.000 tấn, bởi nước ta không đủ nguồn hạt tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP mà Nhật Bản quy định.
Một điều đáng lo ngại là việc vận động, thuyết phục nông dân trồng tiêu đảm bảo ATTP là rất khó. Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nói thẳng: “Chừng nào mà nông dân trồng tiêu theo kiểu lạm dụng thuốc BVTV mà vẫn bán tốt với giá trên trời, thì việc kêu gọi họ sản xuất tiêu ATTP là cực khó”.
Ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Gia Lai, cũng cho rằng vận động nông dân sản xuất tiêu VietGAP vào thời điểm này là cực khó khi mà sản xuất như lâu nay họ vẫn bán được tiêu với giá quá cao.
Không những thế, vấn đề dư lượng hóa chất trong hạt tiêu còn đang gây tranh cãi là không biết nguồn gốc từ đâu.
Ông Hoàng Phước Bính cho biết, không có người trồng tiêu nào mà trước khi thu hoạch 2 tháng vẫn còn phun Carbedazim (chất này chỉ sau 20 ngày là đã phân hủy hết).
Vậy mà có vườn tiêu phun Carbedazim trước khi thu hoạch 4 tháng, mà khi kiểm tra hạt tiêu có xuất xứ từ vườn đó, vẫn phát hiện dư lượng chất này, thì nó ở đâu ra? Ông Phan Văn Đon, PGĐ Sở NN&PTNT Bình Phước cũng nêu ra thắc mắc tương tự và đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá lại môi trường vùng trồng hồ tiêu.
Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu về ATTP, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết với nông dân. Như Cty TNHH KSS Việt Nam đã xây dựng 1 trang trại trồng tiêu hữu cơ rộng 6 ha ở Bình Phước, đồng thời tiến hành hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng an toàn cho nhiều hộ nông dân khác và thu mua lại sản phẩm.
Các doanh nghiệp như Pitco, Phúc Sinh… cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu ở một số địa phương bằng hình thức đầu tư, hướng dẫn quy trình canh tác cho nông dân và thu mua lại sản phẩm. Tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, ở những vùng nguyên liệu này, các doanh nghiệp vẫn đang gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan tới ATTP.
13 phản hồi cho bài "Hồ tiêu: Nóng chuyện giá và an toàn thực phẩm"
Tôi nghĩ rằng cần phải kiểm tra thường xuyên các đầu mối thu mua hạt tiêu.
Hoặc các Cty cần phải ra điều kiện với các đầu mối này.
Một số đầu mối thu mua nhỏ đã mua cả tiêu xanh có độ ẩm cao để rồi trộn chung với tiêu khô.
Như vậy không bị nấm mốc mới là lạ.
Thị trường sẽ làm công việc điều tiết của nó thôi. Tiêu sạch với số lượng lớn, chất lượng đồng đều sẽ bán được giá cao hơn tiêu nhiễm thuốc BVTV là đương nhiên. Ấn Độ, Brazil có quy mô trang trại 20ha – 100ha nên việc quản lý chất lượng dễ hơn VN nhiều vì VN rất manh mún.
Để gom được 1 lô tiêu 10 tấn, trung bình từ 30-120 nông dân chỉ cần 1 nông dân trong số này lạm dụng thuốc nhưng không công bố là cả lô hàng đi bụi. Trong khi ở Brazil nông dân bán một lần 50-60 tấn, việc truy ra lô hàng của nông dân nào bị nhiễm để cô lập và tiêu huỷ là cực kỳ dễ dàng.
Do các cty làm ăn chụp giật càng ngày phá sản càng nhiều nên hy vọng 2016 thị trường sẽ trật tự hơn, các cty làm ăn đàng hoàng sẽ có thêm thuận lợi.
Là nông dân trồng tiêu hãy vì kinh tế của mình và vì sản phẩm mình làm ra, đừng vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích tập thể…
Con 25t, ở huyện Châu Đức kêu gọi nông dân việt Nam, vì ngành nông nghiệp bền vững và vì kinh tế của mình mà hãy suy nghĩ như con. Nông sản sạch thì nông dân mình có quyền đòi hỏi giá cả đó. Thế giới đang mỗi ngày thay đổi và con cũng mong mọi người thay đổi theo… Nông dân Việt nam hãy cố gắng hội nhập theo sự phát triển của thế giới.
Chừng nào tật nói một đàng làm một nẻo và không đoàn kết, vị nể bỏ qua những sai sót của nhau để cty XNK lãnh hậu quả (tiêu nhiễm thuốc) thì việc này chưa giải quyết được và việc tổ chức liên kết nông dân chỉ là hình thức, không có thực chất, tiêu nhiễm vẫn xãy ra.
Tiếng nói của người trong cuộc.
Mình muốn tham gia làm tiêu sạch nhưng chỗ mình không có công ty nào đứng ra. Mong được diễn đàn giời thiệu. Hiện nay vườn mình làm tiêu hữu cơ chất lượng rất đảm bảo nhưng vẫn bán cùng với giá tiêu thường, mong được công ty nào liên kết để mình làm tiêu sạch.
Bài nhận định của các bác tôi thấy rất hay. Không biết có khi nào giá tiêu lại đẩy vọt lên lần nữa không. Theo tôi biết hiện nay lượng tiêu ở trong dân đã cạn.
Trích”….. Ông Hoàng Phước Bính cho biết, không có người trồng tiêu nào mà trước khi thu hoạch 2 tháng vẫn còn phun Carbedazim (chất này chỉ sau 20 ngày là đã phân hủy hết).
Vậy mà có vườn tiêu phun Carbedazim trước khi thu hoạch 4 tháng, mà khi kiểm tra hạt tiêu có xuất xứ từ vườn đó, vẫn phát hiện dư lượng chất này, thì nó ở đâu ra? Ông Phan Văn Đon, PGĐ Sở NN&PTNT Bình Phước cũng nêu ra thắc mắc tương tự và đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá lại môi trường vùng trồng hồ tiêu…..”
Cái câu này (chất này chỉ sau 20 ngày là đã phân hủy hết) từ đâu ra? Có bằng chứng khoa học nào không hay là chỉ nói cho vui mà không có căn cứ?
Dan Viet có bằng chứng (test trước và sau, trên 10 mẫu) là trong điều kiện bảo quản hạt tiêu khô bình thường, Carbendazim sau 1 năm không hề giảm nồng độ.
Hiện nay nông dân ở đâu cũng muốn làm tiêu sạch theo tiêu chuẩn nhưng ngặt nỗi không cơ quan hay công ty nào hướng dẫn và liên kết nên người nông dân cũng đành loay hoay với cách làm truyền thống. Vậy muốn tiêu VN chất lượng sạch thì trước hết cần các cơ quan, doanh nghiệp và các công ty và nhà nông cùng hợp tác thì việc sản xuất tiêu sạch của VN là không khó.
Tiêu sạch chất lượng hơn tiêu tồn dư hóa chất là đương nhiên, nhưng giá cả thì như nhau, ngay cả đại lý thu mua như hiện tại cũng không phân biệt được, lấy đâu mà không vàng thau lẫn lộn.
Các đại lý nơi em còn có những nhà buôn đi khắp nơi thu mua, lấy đâu mà quản lý.
Nếu là Dan Viet làm nông thì sẽ không bao giờ sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác để có thể đầu độc khách hàng mình. Có như vậy thì lương tâm mình mới thanh thản, bình an, mình mới có thể tự hào về sản phẩm của mình, tự hào về công việc mình làm. Không cần biết là bán lời được bao nhiêu, không cần biết là bán có chênh lệch so với tiêu bẩn hay không.
Thuốc BVTV được sản xuất ra không nhằm mục đích để đầu độc con người mà chỉ nhằm bảo vệ mùa màng. Cho nên cần hay không cần dùng cũng còn tùy. Khi mà sâu bệnh tràn lan như hiện nay thì cũng không ai tự cho mình làm nông tài giỏi được !
-Ông HPB nói không sai. Trong môi trường tự nhiên thuốc BVTV bị phân hũy khá nhanh do nhiều tác nhân như mưa, nắng, gió, sương… không thể so sánh trong môi trường bảo quản được. Cho nên khi phun thuốc trừ sâu bệnh thì chỉ 5-7 ngày sau phải phun lặp lại rồi (những loại khó phân hũy trong môi trường tự nhiên đều có khuyến cáo hạn chế, thậm chí cấm sản xuất). Trong môi trường bảo quản thì thuốc không bị tác nhân nào phân hũy nên tồn tại rất lâu, vì không lâu thì sẽ không ai dùng để bảo quản.
Bản chất của phân tử thuốc BVTV vốn là 1 sự kết hợp không bền…! Chỉ gây hại khi tồn dư quá nhiều và sử dụng bừa bãi, thiếu chọn lọc, không theo 4 đúng.
Ngày 9/12/2015 Bộ Công Thương sẽ chủ trì cuộc họp bàn về vấn đề dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu. Dan Viet cũng tham dự.
Dan Viet sẽ đề nghị bộ NN&PTNN bổ xung thêm Hồ tiêu vào mục 2, điều 1 của thông tư 34-2015-BNNPTNT : “Loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dung trên rau, quả, chè ở Việt Nam, bao gồm (phụ lục II)”
Đề nghị bổ xung thêm hồ tiêu.
Nội dung thong tư 34/2015 như sau. http://www.ppd.gov.vn/uploads/laws/2015_VBPL/Thong%20tu%2034%20DMBS.pdf
Danh mục các chất cấm như sau: http://www.ppd.gov.vn/uploads/laws/2015_VBPL/Phu%20luc%20TT34.pdf
Nếu bộ đồng ý, thì việc quảng bá, sử dung các chất Carbendazim, Cypermethrin, Metalaxyl… trên cây hồ tiêu sẽ trở thành việc làm bất hợp pháp.
Các trung tâm khuyến nông, phòng nông nghiệp, các hội thảo của các cty nông dược, các viện nghiên cứu, các phương tiện truyền thông sẽ không được phép quảng bá việc sử dụng các loại thuốc trên cho cây hồ tiêu
Hy vọng là tình hình sẽ được cải thiện.
Tôi là một người dân sống ở huyện Ea H’Leo-Đắc Lắc, trồng tiêu đã hơn chục năm nay. Nhưng nói đến phun thuốc thì một năm phun thuốc cũng chỉ từ 1-3 lần là nhiều nhất, và khoảng cách từ lúc phun thuốc đến lúc thu hoạch là từ 4-5 tháng và đa số người dân trong vùng cũng đều phun như vậy.
Nếu như thuốc bảo vệ thực vật chỉ tồn tại 20 ngày đã hết thì tôi cũng không thể nào hiểu nổi lượng thuốc dư ấy từ đâu ra?