“Khắc tinh” bệnh chết nhanh, chết chậm…

Ông Thường bên gốc tiêu "miễn dịch"
Ông Thường bên gốc tiêu “miễn dịch”

Bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu được coi như căn bệnh nan y, song hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế tác hại của nó.

Ông Lê Đình Thường (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), người trong suốt 20 năm chiến thắng bệnh chết nhanh chết chậm trên tiêu, đã làm thế nào?

Tìm hiểu cặp “song sát”

Theo Trạm Khuyến nông TX Long Khánh, đối với bệnh chết nhanh chết chậm, một khi mắc phải là cây chắc chắn chết. Song nếu đầu tư phòng trừ bệnh ngay từ đầu, thì tỷ lệ mắc bệnh là rất thấp.

Bệnh chết nhanh hay còn gọi là bệnh thối rễ, do nấm Phytophthora capsici sống trong đất, kết hợp với các loại nấm khác gây nên, khiến cây tiêu chết nhanh chóng. Loài nấm này tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất có dấu hiệu héo.

Triệu chứng này xảy ra khá nhanh, chỉ sau một vài tháng, cả cây tiêu chết. Nguy hiểm hơn, nấm bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa. Nếu một cây trong vườn mắc bệnh, nước mưa sẽ làm mầm bệnh lan sang những cây khác, dẫn tới việc tiêu chết hàng loạt. Ngoài ra, môi trường đất, dụng cụ canh tác cũng là một trong những yếu tố khiến bệnh này lây lan nhanh.

Bệnh chết chậm do các loại nấm Fusarium sp., Rhizoctonia sp., Pythium sp,… và một số loại khác cùng gây hại lên bộ rễ. Khi mắc bệnh này, cây tiêu có biển hiện sinh trưởng chậm, lá hơi nhỏ lại, nhạt màu hoặc biến vàng giống hiện tượng thiếu phân, thiếu nước. Sau đó lá, hoa, quả bị rụng dần từ dưới gốc lên ngọn. Bệnh này làm thối dần lớp vỏ gốc, phần lõi thân bên trong màu nâu lợt. Lâu ngày, toàn bộ rễ và gốc thâm đen thối mục, cây chết khô dần. Quá trình từ khi cây tiêu có biểu hiện bị bệnh đến khi bị nặng hoặc chết có thể kéo dài cả năm. Bệnh này dễ xảy ra trên vườn tiêu bị đọng nước, ẩm ướt.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo ông Lê Đình Thường thì 2 căn bệnh này xảy ra chủ yếu là do lạm dụng thuốc hóa học quá nhiều, dẫn đến cây càng về lâu dài càng suy yếu, thiếu chất đề kháng để chống chọi với bệnh tật. Hơn nữa, việc không làm thông thoáng vườn, thiếu hệ thống thoát nước khiến nước bị đọng lại trong vườn, tạo môi trường phát sinh bệnh tật.

Để phòng ngừa hiệu quả, ông Thường lưu ý: Việc đầu tiên là phải có mương để hồ tiêu thoát nước triệt để trong mùa mưa, hạn chế phát sinh nấm bệnh. Mương cũng đảm bảo lượng nước tưới cần thiết vào mùa khô. Nên bón phân hợp lý, sử dụng phân vi sinh tối ưu, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, cây sẽ không phát triển nhanh bằng phân hóa học, song rất chắc khỏe.

“Các vườn sử dụng phân hóa học, hồ tiêu cho năng suất cao, nhưng cây sẽ nhanh kiệt quệ. Vườn của tôi vẫn duy trì năng suất đều hàng năm, cây sống khỏe, tuổi thọ kéo dài. Cả vườn đã được 20 năm tuổi”, ông cho hay.

Cuối cùng là sử dụng biện pháp phòng ngừa thuốc men theo đợt. Đầu mùa mưa phun 2 đợt phòng trừ tuyến trùng, 1 đợt phòng trừ nấm, cuối mùa phun thêm 2 đợt nữa là hoàn tất. Khi phòng ngừa nên chọn loại thuốc theo khuyến cáo của ngành BVTV.

Với 3,5 ha hồ tiêu, ông Thường thu hoạch ổn định từ 3,5 – 4 tấn/ha cho thu nhập 800 – 1 tỷ đ/năm. Có năm, 60 ha hồ tiêu ở xã bị bệnh chết sạch, riêng vườn của ông vẫn sống khỏe.

Nguồn Nongnghiep.vn

64 phản hồi cho bài "“Khắc tinh” bệnh chết nhanh, chết chậm…"

Tuyến Mdrac

Thường thì ta nên dùng chủng loại gì để phun cho cây hả bác?cháu ko hiểu rõ vấn đề này lắm.giúp cháu với.

Trần Khánh

Theo mình không nên sử dụng bất cứ loại phân hóa học, thuốc trừ sâu nào, vì đặc điểm của những loại này là có thể trị tạm thời, nhưng về lâu dài không ổn, và có thể nảy ra nhiều bệnh khác. Cũng giống như bạn muốn giảm béo mà lại đi mua giấm chua về uống vậy.
Theo ý kiến cá nhân mình, chỉ nên sử dụng phân bón hữu cơ (vi sinh). Ta có thể ví phân hữu cơ như thức ăn của con người, cây trồng cũng là vật sống, cũng như con người, có hệ miễn dịch riêng, bạn hãy để cây tự hoàn thiện cơ chế của mình, cho cây “ăn uống” đầy đủ, đất tơi xốp, thì cây sẽ tự khỏi bệnh thôi. Cách này theo mình có lợi lâu dài. Trước 1990 làm gì có mấy bệnh tiêu điên, chết nhanh chết chậm này? Sau đó phân hóa học về mới nảy ra đủ thứ bệnh. Còn nếu bạn muốn nhanh thì cứ dùng thuốc thôi.

Kỳ Long

Ý kiến của anh rất hay. Chúng ta không thể phủ nhận hoàn toàn những loại phân loại thuốc hoá học được. Mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu là do bà con nông dân quá lạm dụng nên dẫn đến hậu quả không thể lường trước được. Vd như đồng bằng sông Cửu Long không có thuốc hoá học thì không thể tiêu diệt rầy náu được, chỉ một mình phân hữu cơ thì không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa nuôi bông được.
Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là rất tốt cho nền nông nghiệp có lợi về lâu về dài nhưng phải chuyển đổi từ từ và đồng bộ, đưa nhung tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành tưu về khoa học hưu cơ cho nông dân thấy được.
Cần phải tiến hành đồng bộ và kỹ càng không được manh mún sẽ dẫn đến một kết quả khác, và cần một quảng thời gian rất dài để thực hiện .
Trân trọng

lê văn thắng

Hiện nay đã vào mùa mưa việc phòng bệnh cho cây tiêu là cần thiết, em đã làm như sau: ngày đầu em xịt thuốc nấm toàn bộ vườn để ngừa, ngày thứ 2 em xịt thuốc sâu, ngày thứ 3 em rải thuốc ngừa tuyến trùng, rồi em định 15 ngày sau là em bón phận vi sinh và rải trichodecma. Không biết làm như vậy có được không? Mong mọi người chỉ giúp.

nguyễn văn điển

Em làm vậy rất nguy hiểm, phải có thời gian nghỉ chứ không nên phun xịt liên tục như vậy.

pham thanh liem

Chào bạn: cứ làm như bạn nói mà kết quả tốt thì pha chung 2, 3 loại thuốc đó xịt luôn 1 lần cho khoẻ. Dùng thuốc thì phải để cho thuốc phát huy tác dụng sau 7 đến 10 ngày mới dùng thuốc khác bạn à.

Châu Phong

Trong khi nhà sản xuất thuốc BVTV cho ra sản phẩm riêng rẻ thì nhà nông cứ gộp tùm lum theo ý muốn của mình một cách giản đơn mà không hề quan tâm rằng phần lớn hóa chất khi trộn chung sẽ xảy ra phản ứng hóa học làm giảm chất lượng thuốc. Cũng không loại trừ gộp chung sẽ gây hại cho cây như rụng bông, rụng lá, cháy lá, cháy đọt non… là nhiều nhất.
Nếu cần thiết phải pha trộn thì cách tốt nhất là pha trộn từng ít một để xem có các phản ứng như sủi bọt, tỏa nhiệt, bay hơi, kết tủa… thì dừng ngay lại. Cũng cần chú ý các khuyến cáo nhà SX ghi trên bao bì.

Theo cách của chú Thường thì 1 năm 5 đợt thuốc, vậy có nhiều quá ko? mỗi ha của chú thu đc 3,5 tấn thì chưa cao.

tuyet mai

Chào mọi người cho phép em hỏi chút xíu mình làm tiêu như vậy thì có thể thay thế phân hữu cơ hoàn toàn cho phân hóa học có được không?

Đỗ Thành Trung

Chào tuyet mai, mình nghĩ có thể thay thế hoàn toàn hoá học được nếu tăng phân chuồng, phân hữu cơ và phân sinh học chất lượng như biogel+biosol

Châu Phong

Vấn đề không đơn giản vậy đâu bạn @Đỗ Thành Trung ạ !
Phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh… phải được ủ đúng cách, biết cách sử dụng kết hợp các loại phân hữu cơ, sinh học khác nữa mới đảm bảo cung cấp đủ chất cho cây trồng. Phần lớn bà con ủ chưa đúng cách nên chất dinh dưỡng bị mất rất nhiều.

Nguyễn Văn Minh

Xin các bác cho em biết loại thuốc nào hiện nay phòng trừ Phytophthora hiệu quả nhất ạ. Xin cảm ơn rất nhiều.

Châu Phong

Bạn muốn phòng hay trừ ? hai việc này rất khác nhau đó.
-Để phòng thì không có thứ gì hơn nấm đối kháng trichoderma, bón gốc 4 lần/năm.
-Để trừ thì dùng thuốc có các hoạt chất Mancozeb+Melataxyl và các thuốc gốc đồng…
Có thể tham khảo thêm trong các thảo luận trên diễn đàn

pham thanh liem

Chào tuyet mai! Nếu bạn đang canh tác hoá học bạn muốn chuyển đổi sang hữu cơ bạn phải chuyển đổi từ từ trong 2 năm. Tiêu kinh doanh nhu cầu dinh dưỡng cao, bạn nên kết hợp nhẹ hoá học nữa thì tốt hơn. Canh tác theo hướng hữu cơ đòi hỏi phân chuồng ủ hoai đạt chất lượng cao, các loại phân sinh học cũng phải đạt chất lượng và rõ nguồn gốc xuất xứ như biogel…

Dan Viet

Theo Dan Viet, những thuốc dùng để trị nấm Phytophthora hiệu quả mà không để lại tồn dư hóa chất trên sản phẩm bị cấm theo chuẩn Âu Mỹ là những thuốc chứa acid phosphorous như Agri – Fos 400, Herofos 400 SL… Các loại khác Dan Viet chưa biết.
Melataxyl để lại tồn dư trên sản phẩm.

Châu Phong

Các loại thuốc BVTV có gốc lân hữu cơ là kịch độc, tuy nhiên khi ra môi trường tự nhiên sẽ được thủy phân giúp giảm bớt độc tính , cho nên cũng không thể nói là thuốc này gây hại mà thuốc kia không gây hại.
Vấn đề là bà con phải sử dụng cách ly trước thu hoạch ít nhất 60 ngày để không tồn dư thuốc BVTV trong hạt tiêu xuất khẩu của mình mới mong hạt tiêu VN sẽ được cao giá.

Không thể bỏ qua phân hóa học đc, vì nó chứa lượng dinh dưỡng nhiều hơn, các nhà khoa học khuyên chúng ta nên bón hợp lí các loại phân chứ có nói ta ko đc dùng hóa học đâu.

nhân đạo

Chào bác Trịnh văn Ba và cộng đồng giatieu.com cho cháu hỏi tiêu lên liếp hoặc vun gốc thì mỗi lần bón phân bằng cách nào. Cháu ở Đăk Nông đất có độ dốc cao. Cháu chân thành cảm ơn trước.

pham thanh liem

Chào bạn! Bạn ko nêu rõ tiêu nhà bạn là tiêu con hay tiêu tơ hay hay tiêu kinh doanh. Tiêu nhà bạn trồng nông hay trước đây bạn trồng tiêu sâu như trồng cà phe ko nữa. Nếu là tiêu con thì bạn thận trọng dùng phân hoá học, tiêu tơ từ 2 năm tuổi cho đến tiêu kinh doanh rẽ đã già nên bạn có thể pha loãng phân hoá học rồi tưới quanh gốc̣. Tôi thừơng dùng ít một pha loãng tưới quanh gốc như vậy ko sợ bị sót rễ. Tôi hoà loãng như hoà biogel vậy, chia làm nhiều đợt. Riêng tiêu bạn đã trót trồng sâu thì bạn nên vét bớt đất lên, tránh làm tổn thương rễ. Sau khi tưới phân đổ phân chuồng ủ hoai + 20g tricho sau đó vun lại thì tỗt. Thân chào

huynhbao

Vườn tiêu nhà em vừa mới ra đi xong. Em cũng không rành về tiêu lắm nhưng thấy vườn tiêu chết thì xót quá, em đi học xa mà khi về thì mới biết chuyện. Muốn giúp gia đình gầy 1 vườn tiêu khoảng 4 sào thì em có thể học hỏi kinh nghiệm hoặc mô hình trồng chăm sóc ở đâu ạ? Mong mọi người giúp đỡ, em sẵn sàng tới nơi để học ạ. Em cám ơn lắm. Em ở BR-VT nhưng hiện tại đang học ở tpHCM. Em xin cám ơn mọi người.

thanh pham

Mình cũng ở Châu Đức . Khi nào rảnh ghé qua ae đàm đạo về tiêu nhé. Sdt 0937395378

Trần Thị Mai Ly

Xin chào mọi người, cho em hỏi vườn tiêu sát vườn nhà em bị bệnh chết nhanh, chết chậm, bữa nay thì chết gần hết rồi. Vậy có bị lây qua vườn nhà em k ạ? Mọi người có chỉ là đào rãnh và rắc vôi nhưng mà vườn nhà em phía dưới, mùa mưa thì ko tránh được nước từ trên chảy xuống rồi. Em tính ít bữa nữa sẽ hạ tiêu.

Cường ChưPuh

Mọi người cho mình hỏi.
Mình chuẩn bị trồng tiêu lươn cho vụ mới này, và mình đã làm xong việc làm bồn cho tiêu, bây giờ ở Gia Lai đang mưa mấy ngày nay rồi, nhưng mình chưa đổ phân bò (bón lót cho tiêu mới trồng). Vậy bây giờ mình tiến hành đổ phân bò cho hố tiêu và sau đó sẽ trồng tiêu . Như vậy có ảnh hưởng gì đến tiêu con không? và sau khi trồng mình sẽ đổ gốc thêm nấm trichoderma cho tiêu mới trồng được không ạ.
Mong mọi người cho mình ý kiến về vấn đề này.
Thân!

nhan nguyen

Bạn muốn bón phân rồi trồng ngay cũng được nhưng bón khoảng 1 mủng phân đã ủ hoai mục trộn với đất.

đình minh

Thân chào cộng đồng giatieu.com
Mọi người cho mình hỏi. Tiêu nhà mình trồng được một năm ko dùng phân hóa hoc từ khi trồng đến nay phát triển bình thường nhưng ko hỉu sao cách đây khoảng hơn mười ngày co môt số trụ bị rụng đọt non. Vậy giờ mình nên tri như thế nào và có thể cắt giống này trồng tiếp năm nay được ko.
Mong mọi người chỉ giúp, thân chào mọi người.

pham thanh liem

Chào @Trần Thị Mai Ly: bạn nên đào rãnh cắt nước. Đào xong rãnh nào bạn nên xịt đồng đỏ để tiêu diệt nấm bệnh ngay, vun gốc cao ko để nước đọng cục bộ làm thối rễ tơ tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập. Sau đó bạn dùng thuốc gốc đồng pha đậm đặc quét gốc, dùng boodo 1%, các loaị thuốc trị nấm phun và sục gốc. 15 ngày sau bạn trộn tricho với phân chuồng ủ hoai hay phân vi sinh bón cho cây. Có thể dùng tricho pha với biosol, amino phun lên cây đễ phòng ngừa, tuyệt đối ko trồng âm dưới mặt đất. Bạn vừa làm vừa theo dõi diễn biến, các biểu hiện cuả tiêu. Đã có rất nhiều ngừơi hỏi câu hỏi này, chú Vịnh và diễn đàn đã trả lời bạn nên chịu khó đọc các bài viết và phần thảo luận nhé. thân

Trường Ngân

Mình dùng phương pháp bón phân vi sinh có tricho, thấy chưa an toàn lắm nên rắc thêm tricho vào phân. Liệu như vậy thì có đảm bảo phòng ngừa chết nhanh chết chậm, tuyến trùng chưa ạ ?

Châu Phong

Vấn đề này để hiểu cặn kẽ khá dài dòng. Mình xin nêu ý cơ bản để các bạn hiểu thêm.
Tricho là nấm đối kháng, có khả năng phòng ngừa cao nên phải bón tricho trước khi nấm bệnh tấn công. Bào tử tricho khi sinh trưởng sẽ tiết ra enzyme gây độc cho một số loại vsv khác nhất là các nấm bệnh, tuyến trùng… nên mới được gọi là nấm đối kháng. Trái lại, bào tử nấm bệnh khi phát triển cũng tiết ra độc tố gây hại mọi sinh vật, kể cả tricho. Cho nên ai chiếm lĩnh trận địa này trước sẽ là kẻ chiến thắng.
Giatieu.com đã nhắc nhở rất nhiều là phải bón tricho phòng bệnh cho tiêu sớm nhất, ngay khi nghĩ đến nó. Để cho nấm bệnh thâm nhập trước thì tricho sẽ rơi vào thế bất lợi, khó phòng vệ tốt được nữa.
Các bạn cũng cần chú ý mật số nấm. Nếu quân ta (tricho) đông hơn quân địch (nấm bệnh, tuyến trùng…) khả năng thắng chắc chắn sẽ cao hơn.

-Cách nói “phân vi sinh có tricho” của bạn chưa rõ ràng. Nên hiểu là phân vi sinh ủ bằng tricho hay phân vi sinh có bổ sung thêm tricho…? (chú ý thêm thuật ngữ của Ngành Phân bón – phần phân hữu cơ)

lý hiếu

Mình có mấy chục trụ tiêu từ đầu mùa mưa mình chỉ bỏ phân vi sinh và đổ gốc humic tiêu ra rất nhiều bông giờ có trụ to đẹp 3 hôm trước thấy hơi héo giờ nhìn héo thật rồi. Chắc bị bệnh chết nhanh rồi ko biết còn cứu được ko hay nhổ bỏ tiêu hủy. Mong mọi người góp ý với ạ.

Trung Anh

Bệnh chết nhanh có tên gọi là HÉO CHẾT NHANH, do nấm Phytophthora làm thối rễ, cây sẽ thiếu dinh dưỡng… tới khi bộ rễ thối hết, cây không hút được nước nên héo lá, rụng lá hàng loạt và chết. Mới bắt đầu héo còn đổ thuốc cứu được, còn héo thật e là khó rồi bạn ơi.
Bạn dùng thuốc hỗn hợp Mancozeb+Melataxyl, xử lý cả những cây gần kề chưa phát bệnh để ngăn chặn nhé !
Trời bắt đầu mưa nhiều, những vườn tiêu không phòng bệnh kỹ càng sợ lắm…

Thanh Hà

Diễn đàn đã trao đổi và kêu gọi bà con sử dụng nấm đối kháng trichoderma sp để phòng các bệnh do nấm và tuyến trùng gây ra. Bạn vào trao đổi cũng nhiều mà sao không tham khảo và sử dụng phòng bệnh cho tiêu của mình!
Giá như bạn có niềm tin vào diễn đàn hơn nữa chắc sẽ không xảy ra sự việc hôm nay.

hung

Tôi có 2 khuôn vườn làm tiêu. Một khuôn vườn không dùng thuốc gì vẫn tốt, còn khu vườn dùng thuốc từ khi mới trồng vẫn chết là chết.
Từ tháng 11 dương lịch, bắt đầu vào mùa khô tôi bắt đầu đổ thuốc phòng ngừa mỗi tháng 1 lần làm đúng theo hướng dẫn nhưng vẫn chết.
Khuôn vườn cách đó 7 km không dùng bất kỳ thuốc gì vẫn không chết.
Như vậy vùng đất bị nhiễm bệnh thì làm sao để triệt để và đảm bảo tiêu không chết ?
Thực sự có rất nhiều thuốc cho là phòng ngừa tốt cho tiêu khỏi mắc bệnh nhưng chẳng có thuốc nào đảm bảo cả nếu tiêu chết thì bảo là do thời tiết năm nay khắc nghiệt…
Giá tiêu tuy cao nhưng nếu đầu tư theo kiểu đó thì cũng chẳng có cao mà ngược lại.

Nguyễn Vịnh

Chào bạn @ hung
Quan điểm của cộng đồng giatieu là thuốc BVTV dùng để chữa bệnh chứ không dùng để phòng bệnh.
Muốn phòng bệnh cho tiêu phải dùng văcxin của cây trồng, đó là các loại phân hữu cơ ủ hoai, hữu cơ sinh học, các amino, humic, các vi sinh vật hữu ích (EM)… đặc biệt là nấm đối kháng trichoderma.
Bón các loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học nói chung là để kích kháng cây trồng chống chịu với sâu bệnh, bảo vệ môi trường sống của cây lẫn người và giữ gìn, bổ sung hệ vsv có lợi thêm cho đất. Nên khuyến cáo bà con tăng cường sử dụng hữu cơ, hạn chế vô cơ là vì vậy.
Muốn phát huy hiệu quả của thuốc BVTV, bạn cần xem lại cách dùng theo “4 đúng” kỹ hơn.
Hy vọng bạn hiểu rõ vấn đề.
Thân

Nongdanchandat

Cám ơn anh Vịnh!
Lời khuyên tốt nhất cho bà con nông dân là đây. Bà con ở nơi tôi mỗi lần đi hội thảo là ôm về một đống thuốc, tiền triệu bà con vẫn tránh nhau mua.
Kết quả thì… than ôi !

Hoàng

Không thể trách nông dân được ! Họ vẫn nghe chuyên gia khuyến cáo trên TV mua thuốc BVTV đổ phòng bệnh vào mùa mưa 2 tuần 1 lần nên bà con làm theo, chẳng qua vì sợ tiêu bị bệnh. Với lại do thuốc BVTV ngày càng kém hiệu quả hay bị lờn thuốc vì lạm dụng.

Thạnh

Tôi cũng mong bạn @ hung hàng tháng vào Bệnh Viện chích thuốc phòng bệnh cho mình để an tâm hơn.

Nongdanchandat

Mình không trách bà con vì thực sự mình không hay hơn họ. Tiêu họ xanh và đẹp hơn tiêu mình. Mình chỉ không hiểu sao họ nhiều năm kinh nghiệm mà lại…
Mình có mấy ông bạn thân, mình có trao đổi về sinh học để ngừa bệnh nhưng họ bảo mình tào lao. Mình biết rằng khi chỉ cho ai đó nếu được họ cũng chẳng nhớ mình mà lỡ có sai thì họ lôi mình ra họ chửi, không như trên diễn đàn đâu bạn à! Vì tiêu là nguồn sống mà, họ thấy tốt trái nhiều dù hóa học vẫn cứ thế mà làm…

Hoàng

Sử dụng phân thuốc hóa học là tất nhiên vì đó là tiến bộ của khoa học.
Vấn đề ở chỗ do bà con quá lo lắng sâu bệnh hay muốn năng suất cao nên đã lạm dụng, nhất là không theo “4 đúng”.

dodat

Chào anh @pham thanh liem
Tôi có đọc qua cách bón phân NPK hòa loãng Biogel từng ít một của anh không sợ xót rễ. Xin anh nói rõ hơn cách bón pha phân NPK liều lượng ít là bao nhiêu tưới cho 1 gốc tiêu định kỳ anh chăm sóc tiêu được không. Cảm ơn anh

Thạnh

Đơn giản mà bạn. Mình thường pha 1 hộp biogel vào tẹc 1000 lít, cho thêm vào 10 kg NPK, khuấy đều rồi xả tưới cho 140-150 gốc tiêu kinh doanh là được. Không nên cho nhiều phân NPK vì có thể gây hai cho vsv có trong biogel. Đây là cách của mình, xin chia sẻ.

dodat

Chào anh @ Thạnh. Thường định kỳ bao lâu anh tưới lại vậy, cảm ơn anh.

Thạnh

Cám ơn bạn. Mình thường khoảng 6-7 tuần tưới lại, thỉnh thoảng xịt biosol bổ sung thêm.
Không nên rập khuôn máy móc, tùy theo thực tế của vườn tiêu để điều chỉnh số lượng tưới, khoảng thời gian giữa các lần tưới cho phù hợp là được.

dodat

Anh Thạnh cho hỏi luôn là tiêu chưa vào kinh doanh, tiêu tơ thì anh pha liều lượng như thế nào vậy.
Cảm ơn anh.

Thạnh

Bạn xem xét để tự điều chỉnh, thấy hợp lý là được. Hay là bạn không tự tin ?
Với lượng như trên có thể tưới 170 – 180 tiêu chưa kinh doanh hay 200 -220 tiêu tơ, tùy theo đó mà linh hoạt…

dodat

Dạ anh Thạnh mới dùng nên hỏi anh kinh nghiệm sử dụng sp này cho phù hợp.
Vì anh áp dụng cho vườn anh chắc cũng lâu nên anh biết cách sử dụng hiệu quả.
Dù sao cũng cảm ơn anh chân thành góp ý.

nguyễn khoa cường

Em xin hỏi các bậc tiền bối chỉ giáo : có nên bón phân NPK 16-8-16+TE, trong những ngày mưa bão này không. Vườn tiêu em ở Nam Yang, Đak Đoa, Gia Lai : 500 cây trồng năm 2014(tính đến nay 12/09/2014: tròn 24 tháng), chưa bao giờ bón phân hóa học, tiêu cao được 2/3 trụ tương đối đều, chỉ bón phân bò và Biogel, Biosol tưới vào khi trời nắng kết hợp phun trên lá. Nhưng 2 tháng nay mưa quá không phun lá và không tươi gốc được, hiện tại nhìn đọt tiêu đã chuyển sang màu nâu nhạt ngã sang vàng và nhỏ. Nếu bón NPK được thì 500 cây bón khoảng bao nhiêu kg. Xin cảm ơn, chào trân trọng./.

Ngok

Trời mưa có thể không phun lá được, chứ sao lại không tưới gốc được ?

Lê Minh

Chào Cường đang mưa bão mà bón NPK khác nào bức tử cây tiêu hả bạn. Mưa nhiều rễ yếu không có oxy để thở nữa là giờ bạn bón NPK chắc chắn sẽ tổn thương rễ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển mạnh mẽ hơn đấy.

Hữu

Chào giatieu. Hiện tại mình có vườn tiêu bị vàng, bới một số gốc thấy rễ cám thối và nổi u. Vậy mình nên dùng thuốc gì để trị ah.

Thanh Điền

Trước tiên bạn dùng thuốc trừ sâu rầy có hoạt chất Carbosulfan để diệt tuyến trùng, đổ liên tiếp 2 lần cách 7 ngày. Sau đó bạn đổ phân sinh học biogel kèm humic để phục hồi rễ và phun lá biosol để trợ sức cho tiêu lấy lại màu xanh.
Nếu quan sát có vết thâm đen trên lá do nấm bệnh thì xử lý thuốc nấm tiếp theo nhé !

Hung

Năm nay mưa quá nhiều, tiêu nhà bà con vùng quanh chết hết.
Chủ yếu là do sử dụng nhiều thuốc BVTV hoá học và lạm dụng phân bón hoá học.
Các loại nấm Phytophthora… chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân là do chính TA.

Đỗ thị Bích

Chào giatieu. Hiện tại em có vườn tiêu bị thối cổ rễ vàng lá chết. Đầu mùa mưa em đã đổ thuốc phòng nấm. Hiện tượng thối cổ rễ giờ vẫn còn. Em tiếp tục mua thuốc đổ mà giờ tiêu vẫn chết. Vài ngày lại thấy một cây chết. Em không dám đổ thuốc hay cho ăn phân nữa. Em không biết phải làm sao, mong mọi người giúp em với ạ. Em cảm ơn nhiều ạ.

Hoàng

Mình tính góp ý cho bạn mua thuốc trị nấm, nhưng bạn không dám đổ thuốc nữa thì mình chịu. Tiêu đang bệnh mà còn cho ăn phân, nhất là phân hóa học thì tiêu càng nhanh toi.

Đỗ thị Bích

Bây giờ mua thuốc gì đổ cho tiêu vậy bạn. Do mình mua thuốc không đúng hay sao nên tiêu vẫn bị bệnh. Mong bạn chỉ giáo mình với ạ. Tiêu chết sốt hết cả ruột

Thanh Hà

Bạn đã xác định tiêu mình bị bệnh gì chưa mà mua thuốc ? Nếu chưa thì chụp vài tấm hình gửi về email bác Vịnh để cộng đồng hỗ trợ cho bạn.

Danghonganh

Cho em hỏi nhà em có 1 ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm nên chết hết không sót cây nào, vậy em có trồng lại tiêu mới được không ạ, nếu trồng nó có lây không ạ? Em xin cám ơn

Ngok

Vẫn trồng được, nếu bạn xử lý đất đai triệt để theo đúng quy trình trồng và chăm sóc tiêu cũng như phòng chống tái nhiễm hiệu quả.
Cần hỗ trợ thêm, bạn email trực tiếp cho bác Nguyễn Vịnh nhé !

Hoàng giờ

Chào các bạn. Tôi cũng trồng tiêu năm nay là năm thứ 8, hiện tôi có 1500 gốc cả tiêu non. Năm nay tiêu nhà tôi bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Tôi cũng cứu từ lúc mới xuất hiện bệnh. Tôi cứu đến giờ vẫn chết, nào là metalaxy+macozeb nào là thuốc khác cũng vẫn chết càng đổ thuốc càng chết thêm thấy sốt cả ruột. Giờ tôi quyết định là từ bỏ thôi. Mà trước giờ tôi chỉ bon phân chuồng + với phân hữu cơ vi sinh komich + lân Văn điển được 7 năm đầu tiêu xanh tốt. Không phun thuốc trừ sâu hay trừ bệnh gì mà tôi chỉ rải vôi thôi, năm nay tiêu chết gần hết. Tiêu tôi không làm bồn, đất dốc thoai thoải nằm trên một quả đồi nhưng vẫn chết đấy thôi các bạn, phải chăng tôi đã làm gì sai? hay làm dụng hóa học ? Năm nay có hội thảo là dùng phân chuyên dùng cho tiêu một bao 25kg tôi bón hết sáu bao. Khoảng 2 tháng tiêu không có đề gì nhưng không ra đọt không ra hoa bón thêm 8 bao lân Văn điển được 3 tuần sau là tiêu bắt đầu chết và bây giờ chết gần hết cả tiêu non. Tôi nghĩ tiêu một khi đã chết thì khỏi mua thuốc cứu nữa. Dùng số tiền mua thuốc để trồng lại, có cứu cũng không dứt được bệnh chết nhanh đâu các bác ạ. Tôi cứu rồi tốn kém gần 20 triệu đồng có sống trụ nào đâu. Bây giờ còn hơn 100 trụ khỏi cứu, sống thì ăn không thì nhổ bỏ sang năm trồng mới. Làm theo kiểu cũ của mình không hội thảo gì hết, thân ái.

Trung Anh

Xin phép được trao đổi với anh @ Hoàng giờ
1. Khi diện tích trồng còn ít, dịch bệnh chưa lan tràn thì không cần phòng bệnh cũng không sao cả. Nhưng khi diện tích trồng gia tăng vượt mức kéo theo dịch bệnh thì không cần phòng có được không ?
2. Chỉ cần rải vôi mà ngăn được dịch bệnh thì có cần mở cửa hàng bán thuốc bvtv khắp thôn xóm như hiện nay không? bán cho ai ?
3. Bón phân chuyên dùng gì tiêu không ra đọt, không ra hoa mà không vấn đề gì. Vậy thế nào mới là vấn đề ?
4. Tiêu bị bệnh, đổ thuốc hết 20 triệu mà vẫn chết. Vậy, đã đúng thuốc thật chưa, hay thuốc dỏm, thuốc nhái ? Liều lượng thuốc đổ ra sao ? Qua lời kể, hình như anh mới đổ 1 lượt đã vội vàng thay thuốc khác. Khi mình ốm đau, chỉ cần uống 1 viên hay chích 1 mũi, cho dù là thuốc tốt có chắc chắn hết bệnh không hay cần phải lặp lại 2-3 lần, hay nên đổi thuốc khác…?
5. Chấp nhận bỏ hết, sang năm trồng lại có được không? Lấy gì bảo đảm trong đất sẽ không có bào tử nấm ? bệnh sẽ không tái phát ? Nên nhớ, nấm bệnh vẫn sinh sôi nảy nở trong đất vài năm vẫn còn nếu không xử lý đất triệt để.
6. Nói đi nói lại, không thể quên câu phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mà thuốc phòng không gì hơn phân hữu cơ, hữu cơ sinh học và nấm tricho sẽ giúp cây tăng sức đề kháng. Tôi thấy vấn đề này anh chưa quan tâm lắm.
Riêng phần phân bón, xin được miễn bàn. Lựa chọn thế nào là quyền của mọi người. Tất nhiên mình cần tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định mua sp. Thị trường thật giả lẫn lộn, rất khó bàn… tế nhị nữa.
Có hơi dài dòng, chỉ mong anh và bà con chăm sóc vườn tiêu của mình ngày càng tốt đẹp hơn.

nguyễn đình thanh

Hồ nhà tôi bị vỡ nước của vườn tiêu chết nhanh tràn vào. Xin hỏi có cần xử lí nước hồ không. Nếu cần thì phải làm bằng cách nào. Xử lí bằng thuốc gì. Kinh mong chương trinh giúp tôi với.

Hoàng

Bạn khẩn trương dùng vi nấm trichoderma bón gốc để phòng bệnh cho vườn tiêu của mình !

Senca

Không vấn đề gì, miễn là bạn phòng bệnh đầy đủ chu đáo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *