Khảo sát vụ Hồ tiêu 2016 tại Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai
Theo kế hoạch khảo sát vụ hồ tiêu 2016, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và các Doanh nghiệp hội viên tiến hành khảo sát đợt 2 ở các tỉnh trồng tiêu trọng điểm còn lại của vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên vào các ngày đầu tháng 1/2016.
-Các địa điểm được khảo sát:
– Bình Phước: xã An Phú – huyện Hớn Quản, xã Lộc An – huyện Lộc Ninh
– Đăk Nông: xã Nậm N’Jang – huyện Đăk Song
– Đăk Lăk: xã Ea K’Tur – huyện Cư Kuin, xã Ea H’Leo – huyện Ea H’Leo
– Gia Lai: xã Ia Le và Ia Phang – Huyện Chư Pưh, xã Ia B’lang – huyện Chư Sê
–Kết quả khảo sát:
1.Tác động của tự nhiên (thời tiết, khí hậu, nước…) đến vụ tiêu 2016
– Thời tiết nắng quá gắt tháng 4 – 5/2015 sau đó lại mưa đột ngột thời kỳ phân mầm, ra hoa đã tác động xấu đến sản lượng vụ tiêu 2016 ở hầu khắp các tỉnh, trong đó đặc biệt là Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai. Các vườn Hồ tiêu ra hoa đợt này đều bị bẻ đốt, rụng khớp hàng loạt. Đa số các vướn tiêu ra hoa đợt 2 (tháng 6) mới cho thu hoạch tốt.
– Thiếu nước là hiện tượng phổ biến trên các vườn tiêu trong năm 2015. Tại Chư Pưh, lượng mưa 2015 giảm 30% so với năm trước, hạn hán khiến năng suất, sản lượng vụ tiêu 2016 bị ảnh hưởng. Nhiều vườn tiêu trồng mới nhưng khoan giếng không có nước để tưới do mực nước ngầm đã xuống quá thấp, đăc biệt là các tỉnh Đăk Nông, Gia Lai. Chính vì khô hạn nên 90% số vườn được khảo sát đều có biểu hiện chỉ có khoảng 50 – 70% hạt đóng trên gié. Thiếu nước còn khiến các vườn tiêu ít thấy cành vươn nên có thể sản lượng vụ 2017 cũng sẽ bị ảnh hưởng không tốt;
– Sâu bệnh: trong thời kỳ sinh trưởng của cây tiêu năm 2015, dịch bệnh chết nhanh hầu hết không đáng kể nên vụ thu hoạch 2016 không bị ảnh hưởng sâu bệnh nặng nề như vụ 2015. Tuy nhiên tuyến trùng, rệp sáp, bọ thánh giá v.v… vẫn gây hại thường xuyên, đặc biệt trong mùa mưa tháng 6 – 9.
2.Phương thức canh tác của nông dân tác động tới vụ thu hoạch 2016
* Giống hồ tiêu:
– Tại các tỉnh Tây Nguyên, giống Ấn Độ chín sớm hơn, gié dài hơn, trái đóng đều hơn giống tiêu Lộc Ninh và Vĩnh Linh.
– Giống tiêu Vĩnh Linh thường được cho là chịu hạn tốt, cho năng suất cao nhưng bấp bênh. Các hộ trồng giống Vĩnh Linh ở Bình Phước năm nay cho năng suất rất kém, Hộ ông Quán ở xã Lộc An, Lộc Ninh năng suất chỉ đạt khoảng 0,5 tấn /ha, trong khi cũng vườn đó năm 2015 cho khoảng 2,7 tấn/ha.
– Giống Lộc Ninh ở vườn ông Lực (Đăk Lăk) năm nay năng suất cũng không cao, tuy nhiên giống Lộc Ninh chống chịu gió mạnh khá tốt và năng suất đều, ổn định.
* Việc sử dụng phân bón:
Khác với nhiều năm trước, nông dân trồng tiêu đã có nhận thức tốt hơn về vai trò phân hữu cơ với độ bền vườn tiêu, 100% vườn khảo sát đều dùng phân hữu cơ để bón lót. Bình Phước dùng nhiều phân dê, các tỉnh Tây Nguyên dùng chủ yếu phân bò, phân cá … và tất cả đều được ủ ít nhất 6 tháng và đều được trộn với Trichoderma để diệt mầm bệnh. Việc bón thúc, bón bổ sung vi lượng cũng đều rất khoa học, chủ yếu chỉ bón khi cây ra hoa và đóng trái. Nông dân trồng tiêu đã rất ít dùng phân vô cơ cho tiêu.
* Sử dụng thuốc BVTV:
Do tình hình thời tiết năm 2015 ít mưa ẩm, không có dịch bệnh, các cơ quan nông nghiệp lại tuyên truyền tấp huấn sâu rộng, nhiều doanh nghiệp lại có chính sách khuyến khích mua bán tiêu sạch, cộng thêm thông tin về nguy cơ mất giá, khó tiêu thụ nếu hạt tiêu nhiễm dư lượng thuốc BVTV cao đã khiến nông dân sử dụng ít thuốc BVTV hơn các năm trước, đặc biệt ở những vườn bón nhiều phân hữu cơ, tưới thoát nước khoa học gần như không phải dùng thuốc. Phần lớn hộ được hỏi, nếu có dùng, chỉ phun 1 – 2 lần thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp. Thời gian kết thúc phun đều cuối mùa mưa, trước thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng.
* Sử dụng trụ tiêu:
So với những năm trước, số hộ dùng trụ sống tăng lên đáng kể, đăc biệt ở những vườn tiêu tơ 4 – 5 tuổi bởi thực tế đã cho thấy vườn dùng trụ sống luôn có tán che nên ít bị khô hạn, bộ rễ do vậy phát triển tốt, giúp nhà nông đối phó với tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt. Tại Bình Phước nông dân thường dùng trụ vông, gòn, ở các tỉnh Tây Nguyên nông dân dùng cây keo, muồng, lồng mức. Trụ vông, gòn ưu điểm là sinh trưởng nhanh nên có thể trồng cùng với lúc đặt bầu nhưng nhược điểm là sau 7 – 10 năm thường bị sâu, mục gẫy nên phải thay trụ. Trụ sống bằng cây keo, lồng mức … bền nhưng lớn chậm nên phải làm trụ gỗ khi mới trồng.
Ngoài ra, một số vườn tiêu trồng theo hướng sinh thái kết hợp khai thác gỗ rừng nên dùng trụ là cây gỗ quí như sưa đỏ v.v… Hình thức này cho hiệu quả kinh tế không cao tức thời (năng suất tiêu chỉ 1 – 1,5 tấn/ha) nhưng rất bền vững cho cả hồ tiêu và cây lấy gỗ.
3. Dự kiến diện tích, năng suất, sản lượng hồ tiêu 2016 của các hộ được khảo sát: …
4. Nhận định chung về vụ hồ tiêu 2016 ở 4 tỉnh trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước:
– Diện tích tất cả các địa phương khảo sát đều tăng mạnh, đặc biệt các huyện còn đất rừng như Bù Đốp (Bình Phước), Đăk Đoa, Mang Yang (Gia Lai). Xã An Phú, huyện Hớn Quản, Bình Phước trong năm 2015 đã tăng tới 35% diện tích so với 2013. Tuy nhiên, phần lớn diện tích trồng mới chưa cho thu hoạch nên chưa tác động lớn tới sản lượng 2016.- 90% vườn tiêu sẽ được thu sau Tết Âm lịch (từ giữa tháng 2/2016). Phần lớn sẽ thu khoảng 3 đợt.
– Hiện có khoảng 50% diện tích hồ tiêu của Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai là trên 15 năm. Trừ những vườn canh tác tốt ở Ea K’Tur năng suất đạt 8 – 9 tấn/ha, phần lớn diện tích các hộ đều già cỗi. Vụ thu hoạch 2016 do vậy cho năng suất trung bình chỉ khoảng trên dưới 2 tấn/ha, sản lượng chung kém những năm 2014 – 2015.
– Có khoảng 30% diện tích là vườn tiêu tơ 5 – 10 tuổi cho năng suất khá hơn, đạt trung bình khoảng 3 – 5 tấn/ ha, nhìn chung chỉ cao hơn vụ 2015 chút ít và không bằng vụ 2014.
– Diện tích trồng mới chưa cho thu hoạch ước khoảng 20% trong đó khoảng trên 10% là trồng mới 2015. Số diện tích này đều được làm bài bản (che lưới, làm bồn đúng kỹ thuật, hệ thống tưới, thoát nước rất tốt v.v…). Diện tích này nếu không có biến động về sâu bệnh và thời tiết sẽ đóng góp mạnh vào việc tăng sản lượng 2017 – 2018.
– Trong số 20 hộ được khảo sát chỉ có 1 hộ còn trữ 10 tấn. Cho rằng vụ thu hoạch mới sắp bắt đầu, giá bán không thể cao hơn năm 2015 nên gần như các hộ đã bán hết. Các ý kiến của các hộ trồng tiêu và đại lý thu mua hồ tiêu đều cho rằng tổng lượng tiêu vụ 2105 còn tồn trữ ở 4 tỉnh không vượt quá 2.000 tấn.
* Kết luận:
– Nhìn chung, qua kết quả khảo sát 4 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu, cùng với kết quả khảo sát đợt 1 ở Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, dự đoán vụ 2016 sản lượng hồ tiêu cả nước chỉ cao hơn chút ít so với vụ 2015 nhưng không bằng vụ 2014, uớc đạt tổng sản lượng khoảng 135 – 137.000 tấn.
– Về giá cả và thị trường trong nước: Các đại lý thu mua hồ tiêu đều cho rằng năm 2016 sẽ không có biến động về giá mạnh như 2015. Giá trung bình năm sẽ không cao như 2015.
16 phản hồi cho bài "Khảo sát vụ Hồ tiêu 2016 tại Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai"
Người đeo khẩu trang chắc là chủ vườn !
Người đeo khẩu trang không phải chủ vườn – Anh Hồng mặc áo nâu hồng mới là chủ vườn – tại xã Bào Hầm – H.Trảng Bom, Đồng Nai. Với 9ha tiêu trung bình trên 2,5 tấn ha, thu hoạch bền vững trong nhiều năm nhờ chăm sóc bằng hữu cơ.
Chào Anh Lập !
May mà người đeo khẩu trang không phải chủ vườn. Nếu đúng là chủ vườn thì mang tiếng cho người trồng tiêu lắm lắm ! Người đó đó đề phòng quá cao độ.
Trang này, bài viết này – đâu phải chỉ mình người Việt. Chuyện lạm dụng thuốc BVTV trên hồ tiêu… Họ cảnh giác cao độ là phải, Anh Lập nhỉ ! Họ vô thức hay có ý thức – góc nhìn của mỗi người …
Rất cảm ơn Anh, thân chào Anh !
Hôm nay tôi đã đến nhà bác Trịnh Văn Ba đẻ xin học hỏi, bác đã sẵn sàng bỏ cả công việc vườn để chia sẻ cho tôi. Tôi thấy hình như với bác chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác lại là niềm vui.
Cảm ơn bác, cảm ơn diễn đàn đã làm cầu nối cho những người yêu cây hồ tiêu !
@phong buôn hồ à !
Chưa thể trao đổi hết vì thời gian, hoặc do những mối quan tâm khác – mà chú cháu không thể trao đổi toàn diện. Việc cháu nêu – thực chất không đúng ý chú !
Chú và cô đã từng đi nhiều nơi – học hỏi khá nhiều ở những vùng trọng điểm tiêu – học hỏi cũng khá ; ngậm đắng trở về cũng không ít. May mà chưa đến gặp các vị được gọi là vua tiêu… và vô vàn những lý do khác nữa ! Vì vậy mà chú kính nể những người chịu khó đi học hỏi, đã từng trải nghiệm – nên cháu và vô vàn người người khác đến với chú, chú vẫn hết lòng. Không phải là niềm vui đâu cháu ! Chỉ là sự chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ lẫn nhau – đúng với tiêu chí của Giatieu.com. Cháu thông cảm nhé !
Chào chú Ba và mọi người, cho cháu xin hỏi. Tiêu nhà cháu khoảng giữa tháng 2 âm lịch mới bắt đầu hái. Có người khuyên nên áp dụng thêm biện pháp làm cho tỷ trọng hạt tiêu khô được nặng hơn. Chú và mọi người áp dụng biện pháp nào xin chia sẻ cho cháu với. Cháu cám ơn chú và mọi người.
Dùng phân sinh học biogel+biosol, tăng cường thêm loại humic làm hạt nữa thì khỏi chê
Chào cháu ! theo trải nghiệm của chú thì khi tiêu chưa to trái, hái trái tiêu dùng ngón tay cái và trỏ bóp thì nó vỡ – nhưng hơi cứng thì dùng kaly bón gốc – sớm quá thì tiêu không to trái – chậm thì kém hiệu quả !
Khi tiêu chưa có hiện tượng có sọ đừng vội dùng.
Ý kiến chú Ba rất hợp lý, chỉ dùng kali để giúp to hạt khi tiêu bắt đầu làm sọ. Tuy nhiên vào mùa khô cần cân nhắc, do phần lớn rễ tơ đã hỏng, dùng phân hóa học lúc này “lợi bất cập hại”,… dễ gây tổn thương rễ, nấm bệnh cơ hội thâm nhập. Nên sử dụng phân hữu cơ, anino, humic các loại… hay phân sinh học là tốt nhất vì cây dễ hấp thụ, hạn chế sự thất thoát lãng phí, góp phân cải tạo đất… Chất lượng nông sản là do các acid hữu cơ quyết định chứ không phải các chất vô cơ.
Chào chú Ba!
Theo nghề nào thì mình phải yêu nghề đó. Cháu biết theo nghề trồng tiêu chắc chắn phải trải qua những sai sót, thất bại. Nhưng không được nản chí mà từ bỏ. Hơn nữa, cháu là người đi sau, cháu được kế thừa những kinh nghiệm quý báu mà những người đi trước như chú đã đúc kết. Nên cháu sẽ giảm bớt được những rủi ro mà những người đi trước đã trải qua. Cháu còn phải học hỏi rất nhiều nữa thì mới tiến bộ được. Chúc chú và gia đình năm mới sức khoẻ và thành công !
Chào cháu ! Cháu là tuýp người mà chú luôn kính nể, có kiến thức, ham học hỏi, khiêm tốn, có ý chí.
Năm khỉ vàng sắp tới – chúc cháu và gia đình vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc
Humic làm hạt là humic gì… Cây nào cũng cần kali để nâng cao chất lượng sản phẩm… Muốn tăng dung trọng tiêu thì cần cho cây sung… Cây sung thì năng suất cao và ổn định cho năm sau… Muốn cây sung thì cần cung cấp cho cây đầy đủ dinh dưỡng…
@Tuan le đọc kỹ bài này, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ về humic hơn.
>> http://www.giatieu.com/su-dung-axit-humic-cho-cay-trong/6495/
Bạn nói đúng nhưng chưa rõ. Ở mỗi giai đoạn cây cần những chất với liều lượng khác nhau.
Biết được nhu cầu để cung cấp thì hiệu quả sẽ cao hơn, còn tránh được sự lãng phí…!
Chẳng hạn như bạn, sao không bón NPK mà lại là kali ?
Nhận thức về nông học vào lúc này phát triển rất nhanh bạn à !
Xin chào mọi người trên diễn đàn !
Xin cho cháu hỏi : “Thay vì rửa vườn bằng thuốc gốc đồng cháu dùng Agri-fos 400 có được không?”
Và ở ĐăkLăk chỗ nào bán cây đậu phộng dại? Số là vườn tiêu nhà cháu độ dốc cao quá nên cháu dự tính mua ít giống về trồng chống xói mòn vào mùa mưa này vì được biết cây này ngoài chống xói mòn đất thì còn nhiều tính năng tốt nữa. Cháu ở Cư M’gar, ĐăkLăk.
Xin chân thành cảm ơn mọi người !
-Rửa vườn bằng thuốc gốc đồng có 2 tác dụng : vừa để tiêu diệt nấm bệnh vừa để làm bông, trong khi Agrifos chỉ 1, tùy vào bạn lựa chọn.
-Tìm kiếm trong các thảo luận ở bài này :
>> http://www.giatieu.com/lac-dai-giup-che-phu-dat/6485/