Kon Tum: Lời giải nào cho hiện tượng tiêu chết hàng loạt?
Những năm gần đây, nhất là từ mùa mưa năm ngoái đến nay, nhiều hộ dân ở thị trấn Đăk R’Vê, huyện Kon Rẫy, rơi vào cảnh thấp thỏm lo lâu vì tình trạng tiêu chết hàng loạt. Dù đã tìm mọi phương cách trị bệnh cho tiêu nhưng vẫn không có kết quả, bà con đành phó mặc cho rủi may.
Dọc trên con đường chính dẫn vào thôn 8 – nơi có nhiều hộ trồng tiêu nhất ở thị trấn Đăk R’Vê với tổng diện tích lên đến hàng chục héc ta – đập vào mắt những người có dịp qua đây là những vườn tiêu chuyển lá vàng, héo úa, có vườn chỉ còn trơ lại những trụ gỗ hoặc bê tông xi măng bám chằng chịt thân tiêu chết khô.
Anh Võ Duy Hoàng – một trong những người trồng tiêu lâu năm ở thôn 8 cho biết: Hiện tượng tiêu chết hàng loạt diễn ra từ vài năm nay nhưng nặng nhất là từ mùa mưa năm ngoái đến nay. Gia đình tôi cũng chịu khó học hỏi kỹ thuật, rồi sang tận những nơi mà người dân có truyền thống trồng tiêu lâu năm ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Nông để nhờ họ tư vấn kinh nghiệm trị bệnh cho tiêu. Bao nhiêu phân, thuốc đổ vào nhưng cây chết thì vẫn chết.
Gia đình anh Hoàng trồng 8 sào tiêu với tổng cộng 2.000 gốc tiêu. Trung thành với giống tiêu sẻ từ gần 20 năm nay nhưng sau tìm hiểu giống tiêu Vĩnh Linh cho năng suất cao (gấp 1,5 lần giống tiêu sẻ) nên anh quyết định sang Đăk Nông mua về thử nghiệm với 200 gốc trồng xen với vườn tiêu của gia đình.
Năm ngoái, hàng loạt gốc tiêu giống mới của vườn nhà anh cho quả rất to và sai quằn cây thì bỗng dưng lá dần ngả vàng, rụng từ từ rồi chết khô; có cây chết khô lá vẫn bám chặt trên trụ; nhổ gốc cây lên thì thấy rễ đều bị thối.
Mang cây tiêu bị chết đến các nơi chuyên tư vấn trồng tiêu ở Gia Lai, Đăk Nông thì được phán đoán là cây trồng có hiện tượng bị úng thủy. Anh Hoàng cho rằng chẩn đoán bệnh chưa đúng, vì vườn tiêu của gia đình anh nằm trên một khu đất cao, có độ triền dốc và không khi nào xảy ra ngập úng.
Ở thôn 8 hiện nay gần như hộ gia đình nào trồng tiêu cũng đều trồng xen giống tiêu Vĩnh Linh và cây trồng đều bị chết với những biểu hiện rất giống nhau. Nhiều nhà vườn trồng tiêu ở thôn 8 bây giờ “dở khóc, dở cười” vì công đầu tư thì nhiều nhưng chỉ mới thu được một vụ đầu cây đã chết.
Điều đáng lo lắng hơn là, sau một thời gian giống tiêu Vĩnh Linh chết hàng loạt thì hiện nay đến lượt giống tiêu sẻ cũng đang bị chết dần. Điển hình như hộ gia đình ông Hồ Văn Lãnh cũng ở thôn 8, trồng 70 gốc giống tiêu sẻ từ 5 năm nay nhưng sau mùa mưa vừa rồi cũng đã chết sạch.
Bà con trồng tiêu tại thôn 8 cho rằng: Nguyên nhân tiêu chết là do giống tiêu có khả năng không đảm bảo về chất lượng, hoặc do môi trường đất có chứa nguồn gây bệnh. Bởi thực chất, việc trồng tiêu của bà con hiện nay là tự phát, bà con tự đi tìm nhà cung cấp để mua và chọn mua giống tiêu ở khá nhiều nơi – không được kiểm tra chất lượng giống cây trồng và tự học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Và, cũng giống như vật nuôi, rất có khả năng nguồn cây giống bị nhiễm bệnh.
Anh Hoàng buồn rầu cho biết, nếu như những năm trước 8 sào tiêu của gia đình anh mỗi mùa vụ thu về khoảng 4 tấn tiêu khô thì mùa vụ năm 2013 đã giảm xuống còn 1,5 tấn tiêu khô và tình hình như hiện nay – nếu vườn tiêu “cầm cự” được thì mùa vụ 2014 may lắm cũng còn 1 tấn, còn nếu không giữ được thì coi như mất trắng.
Theo ông Phạm Ngọc Chi – thôn trưởng thôn 8, hiện nay, 100% người dân trong thôn đều làm nông nghiệp; bà con chủ yếu tự mày mò để thử nghiệm các loại cây trồng nên khả năng may rủi là rất cao.
Hiện tượng tiêu chết hàng loạt ở thôn 8, thị trấn Đăk R’Vê vẫn chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân. Hiện nay, nỗi lo lớn nhất của bà con là dịch bệnh trên cây tiêu sẽ lây lan và ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác. Bà con đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của ngành chức năng trong việc tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng để từ đó có thuốc đặc trị, ngăn chặn bệnh lây lan trên cây trồng.
6 phản hồi cho bài "Kon Tum: Lời giải nào cho hiện tượng tiêu chết hàng loạt?"
Hi vọng các nhà chức trách sẽ tìm ra được nguyên nhân giúp bà con có hướng khắc phục và phòng chống được bệnh chết nhanh này
Nông dân ta thực ra cần tìm hiểu nhiều hơn nữa về đời sống cây tiêu. Nói đất cao và triền dốc là đất không úng thủy là chưa có cơ sở, do vậy mà khi trồng bà con mình ít khi quan tâm đến đào mương thoát nước cho vườn tiêu. Đây có lẽ là nguyên nhân chính trong rất nhiều nhiều nguyên nhân gây chết tiêu hàng loạt thời gian qua ở khắp các vùng trông tiêu. Các nhà nông nghiệp tại địa phương hảy huấn luyện cho bà con nhiều hơn và thật khoa học. Để cho bà con tự bươn chải thật khổ. Hiện nay đã có nhiều giải pháp để trồng tiêu bền vững.
Hãy làm hố tử thần thành phao cứu sinh, có rãnh thoát nước tốt thì khỏi lo tiêu chết. Đáng tiếc ! dân trồng tiêu đa số vẫn làm hố tử thần cho từng trụ tiêu. Thật khó !
Để giải quyết điều này thì có 2 điều cần làm và thay đổi:
– Thứ nhất : Các cơ quan chức năng cần phải chuyển giao kỹ thuật cặn kẽ cho người nông dân, giúp họ hiểu rõ về đời sống sinh lý cây tiêu, nhu cầu cây tiêu, cách thức chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây tiêu một cách khoa học.
– Thứ hai : Thuộc về người nông dân. Bà con nông dân nên cố gắng tìm tòi, học hỏi, sàng lọc, chuẩn bị kiến thức về canh tác nông nghiệp nói chung và cây tiêu nói riêng trước khi có ý định trồng. Một bộ phận nông dân còn khá bảo thủ nên sẽ khó thay đổi suy nghĩ. Thiết nghĩ kinh nghiệm làm nông là một chuyện nhưng kinh nghiệm mà ko đúng khoa học thì không khéo bà con sẽ tự hại chính mình khi trồng tiêu.
Những vấn đề khác như: phân giả, thuốc giả, phân thuốc kém chất lượng chỉ là chuyện nhỏ khi bà con nông dân hiểu được điều mình đang làm và cần làm.
Đã vào vùng tử thần, đã có màm bệnh nặng thì rất khó nói. Với lại phân thuốc nhái, giả tràn ngập… cũng rất nhiều người có kinh nghiệm mà vẫn không qua được chết nhanh.
Phân thuốc càng thật nên mới chết càng nhiều vậy đó bạn. Cây trồng cũng giống như con người vậy, không ai có thể sống trên thuốc tây, trên hóa chất mà có thể sống lâu, sống thọ đươc. Đừng “xạ trị” cây tiêu nữa !