Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu
Muốn thành công trong bất kì lĩnh vực nào cũng phải có mục tiêu rõ ràng, có ước mơ để tạo động lực cho ta phấn đấu, tìm tòi học hỏi, đúc kết kinh nghiệm từ bản thân, gia đình và của người đi trước. Và tuyệt đối không được nản chí trên con đường mà ta đã chọn. Trồng cây hồ tiêu cũng vậy.
Khi mới bắt đầu trồng hồ tiêu, tôi may mắn hơn nhiều người khác là được thừa hưởng kinh nghiệm của gia đình. Một kỹ sư công nghiệp trẻ, bỏ về vườn trồng tiêu thì có rất nhiều lời đàm tiếu. Thậm chí cái cuốc còn cầm không nổi, vì bao năm đèn sách tôi chỉ biết cầm cây bút. Phải học từ những nhát cuốc đầu tiên, học từ những người thân trong gia đình đã chỉ cho tôi biết làm thế nào để trồng cây hồ tiêu. Tôi rất biết ơn những người thân đã giúp đỡ để nay tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm lại với bà con.
Hồ tiêu là một loại cây dây leo hoang dại trong rừng được con người mang về trồng từ rất lâu. Hồ tiêu nguyên thủy có chủ yếu là bông đơn tính nên khả năng đậu hạt rất thấp. Hồ tiêu ngày nay năng suất cao nhờ có sự chọn lọc nhân tạo là chính. Cây còn có thể thụ phấn nhờ vào sức gió, côn trùng,… nhưng nhiều nhất vẫn là khả năng tự thụ phấn nếu là bông lưỡng tính. Những bông đơn tính sẽ rụng giống như bông cây trầu không, có ra bông nhưng không đậu hạt.
Hồ tiêu là cây công nghiệp đa niên. Vì vậy, việc chọn giống tốt có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và khả năng đề kháng với dịch bệnh sau này. Theo tôi, khâu quan trọng nhất của việc trồng hồ tiêu chính là chọn giống. Chọn giống làm sao để cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng trồng. Phải chọn những giống có nguồn gốc rõ ràng, đã kiểm định được năng suất và khả năng kháng dịch bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường.
CÁC CÁCH NHÂN GIỐNG
Có nhiều phương pháp nhân giống hồ tiêu như: bằng hạt, bằng dây hom, chiết và có thể ghép.
I. Nhân giống bằng hạt
Việc nhân giống bằng hạt sẽ không đảm bảo những cây con hoàn toàn cho năng suất như cây mẹ. Có thể nó cho ra giống mới năng suất cao hơn. Nhưng cũng có thể nó cho ra cây kém năng suất. Mà cây tiêu chủ yếu tự thụ phấn nên khả năng thoái hóa khi nhân giống bằng hạt là rất lớn. Chỉ có một số ít hạt thụ phấn chéo nhờ gió hay côn trùng thì có thể mang những đặc tính nổi trội của ưu thế lai. Cây tiêu trồng tới ngày nay thì khó tìm thấy cây còn thuần chủng.
Nhược điểm lớn nhất của nhân giống bằng hạt là cây rất lâu ra ác, lâu có trái và cũng không đảm bảo là cây sẽ mạnh hơn phương pháp nhân giống bằng hom cho dù đã chăm sóc đúng cách. Nhưng nếu bà con nào vẫn có ý định nhân giống bằng hạt thì nên chọn giống từ cây bố mẹ mạnh khỏe, hạt to và đều hạt, không bị bồ cào. Giống đó là do mình chọn hạt đem nhân chứ không nên lấy cây mọc lang, mọc dại đem nhân giống. Lấy như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng cây giống. Đợi cho tới khi nó ra trái mới biết năng suất kém cũng mất vài năm, nhổ bỏ thì tiếc mà không nhổ bỏ thì cũng chẳng có lợi về mặt kinh tế. Mục đích chính của bà con trồng tiêu là sản lượng thu hoạch được, chứ không phải là tìm hiểu về các phép lai hay nguồn gen như các nhà khoa học.
II. Nhân giống bằng hom
Với phương pháp nhân giống này cây con mang đặc tính giống hệt cây mẹ.
Ưu điểm là dể thực hiện, và có thể nhân giống nhanh chóng. Bà con ta thông thường nhân giống bằng lươn (lươn là tiêu mọc bò dưới đất, còn tiêu trên đọt mà không có chỗ leo nữa nó thòng xuống gọi là lươn thòng), hay bằng dây bám trong thân mà chưa ra tay gọi là lươn thân. Và dây bám vào thân đã ra tay gọi là tiêu ác, phần tiêu ra tay ở dưới gốc sau đó bò dài ra gọi là ác gốc. Cách nhân giống khá đơn giản.
Chọn dây đã già cứng cáp có nhiều mắt rễ khí sinh (rễ bám) thì cây sẽ phát triển tốt hơn.
Cắt lấy khoảng 3-4 mắt, chiều dài tối ưu là 30-40 cm tùy vào khoảng cách của mắt dây.
Cắt bỏ hết lá và tay phía dưới bầu đất ươm. Chừa 2/3 lá phần phía trên, cây sẽ phát triển mạnh nhất. Thường ít khi nhân giống bằng lươn thòng, vì không có mắt rễ khí sinh nên cây sẽ phát triển chậm hơn. Có khi cây con trồng leo lên tới ngang ngực mà nhổ lên chỉ có vài cái rễ.
Dựa theo cách chọn hom giống mà ta phân ra làm hai loại là trồng bằng lươn hay trồng bằng ác.
Trồng bằng lươn có nhược điểm là cây lâu ra trái hơn nhưng ưu điểm là cây mạnh hơn và tuổi thọ sẽ cao hơn, cây hồ tiêu kinh doanh sẽ lâu suy hơn trồng bằng ác.
Trồng bằng ác lại mau cho ra trái nhưng cây nhanh già cỗi và sớm suy thoái. Với phương pháp chăm sóc tốt, cho dù trồng lươn hay ác, hồ tiêu có thể kéo dài tuổi thọ trên 35 năm.
Cách ươm giống bằng hom
Theo kinh nghiệm, những nhà vườn trồng tiêu năng suất cao chung quanh tôi phân ra làm hai cách ươm. Tôi áp dụng cả hai cách và thấy cả hai đều hiệu quả. Nên tôi chia sẻ với bà con như sau:
-
Cách ươm bài bản
Chuẩn bị bầu ươm kỹ càng bằng cách trộn xơ dừa, tro trấu và đất. Tỉ lệ 50% đất 25% xơ dừa và 25% tro trấu trộn đều với nhau. Dây hom được ngâm vào dung dịch ra rễ cực mạnh trong 5 phút. Vườn ươm phải có sự chuẩn bị, có che chắn cho cây phát triển mạnh. Khi cây đã phát triển mạnh rồi mới được đưa đi trồng. Trước khi đem trồng phải tháo bỏ dàn che chắn, cho cây ra ánh sáng để cây cứng cáp với chế độ ánh sáng tăng dần. Khi trồng, quan trọng nhất là hố đã xử lý tốt để ngăn ngừa dịch bệnh. Phải bón lót đầy đủ phân chuồng hoai mục đã xử lý với lượng 10kg/ hố. Thông thường hố có kích thước 40x40x40cm với đất có tầng canh tác dày, rút nước tốt. Và hố có kích thước 50x50x50cm với đất khó rút nước. Lượng phân chuồng theo kinh nghiệm của tôi thì cứ ngập 2/3 hố là tốt. Sau đó đảo trộn đều, để tối thiểu 20 ngày sau mới xuống giống, hoặc để 1 tháng hay 1 tháng rưỡi cho chắc ăn hơn. Khi xuống giống tiêu không còn sợ cháy rễ vì rễ non của tiêu rất dễ bị tổn thương. Có thể bón lót thêm một tí lân + phân gà đã xử lý chuyên dùng bón lót tiêu con. Tuy đào hố sâu vậy nhưng chỉ trồng cạn thôi, với độ nghiêng chừng 700 so với mặt đất. Không nên dằn chặt đất quá, rễ sẽ kém phát triển. Chỉ dằn gốc và gần mặt cho cây giống khỏi lay. Nếu dây tiêu dài thì nên cột vào một cây giả (nọc phụ) cho tiêu leo lên cây giả trước. Khoảng cách giữa cây tiêu và gốc cây (hoặc nọc) cho tiêu leo là 25 cm và trồng theo 1 hướng nhất định, trồng như vậy sẽ dễ đôn tiêu.
Khi đôn tiêu thì nên khoanh 1 chỗ và 1 hướng cho ta dễ chăm sóc sau này. Tuyệt đối không đôn vòng quanh gốc cây tiêu leo. Vì đôn như vậy sau này rễ tiêu rất dể bị tổn thương khi ta phát cỏ, bón phân… Lưu ý hướng gió bão. Ví dụ: Hướng gió thổi mạnh là từ tây sang đông thì trồng hướng đông đôn sang hướng tây (ngược lại) để cây dễ leo, và khi leo sẽ ít bị tuột. Trồng 1 hướng thôi nhé. Yêu cầu này thường chỉ những người trồng tiêu có kinh nghiệm lâu năm mới để ý. Chỉ nên đôn tiêu khi cây đã ra vài cặp tay cứng cáp. Nếu đôn quá non cây sẽ ra lươn lại, phải mất công bấm đọt. Còn đôn quá già cây sẽ khó ra rễ và hay bị rầy trắng tấn công. Phải xử lý sạch hết rầy trắng trước khi đôn.
-
Cách ươm theo chọn lọc tự nhiên hay chọn lọc nhân tạo
Chẳng có chuẩn bị gì. Cứ cắt hom vô trồng trong đất nhà mình, cây sẽ lên tự nhiên. Hom nào yếu thì sẽ chết ngay lúc mới trồng. Sau khi trồng xuống đất, gặp điều kiện môi trường thích hợp, cây nào sống sẽ phát triển rất mạnh và ít bị bệnh tật. Kiểu chăm sóc “con nhà khó” như của đồng bào thiểu số đó mà. Đây là cách ươm chọn lọc tự nhiên.
Ngoài ra khi giâm hom người ta có thể ủ trong cát khoảng 20-30 ngày để cho cây ra rễ. Khi nhổ hom lên để ươm vô bầu với giá thể đất, xơ dừa và tro trấu, thấy cây nào không ra rễ thì vứt bỏ. Cây nào rễ mạnh thì ta ươm, chăm sóc. Lưu ý cẩn thận không làm đứt rễ, và không ngâm trong bất kỳ dung dịch phân nào, kể cả phân bón lá, cây sẽ bị cháy rễ non. Đây cũng là cách ươm theo chọn lọc nhân tạo.
III. Nhân giống bằng phương pháp chiết
Đầu tiên, phải chọn những cây tiêu bố mẹ là những cây khỏe mạnh, thường là những cây 2-3 năm tuổi.
Với cây tiêu đã ra ác cao chừng 2 mét, bó tiêu y như chiết cây bình thường. Chọn những dây có rễ bám nhiều (rễ khí sinh), sau đó bó lại chừng 2-3 mắt rễ. Tôi thường dùng giá thể là rễ lục bình trộn với tro trấu và đất ẩm.
Bên trong bó bằng rễ lục bình để giữ nước và kích thích cây ra rễ. Bên ngoài bọc đất trộn tro trấu. Nếu có khô bầu thì chỉ khô đất chứ bên trong vẫn giữ ẩm không sợ cháy rễ. Đợi sau 10 ngày kể từ ngày bó bạn dùng kềm bấm dập phía dưới bầu đất, cẩn thận đừng bấm ngược nhé. Đây là thủ thuật đúc kết từ kinh nghiệm. Nhớ tưới giữ ẩm, tránh không để bầu đất khô. Sau khi bấm dập khoảng 30-45 ngày có thể cắt khúc tiêu đó xuống trồng. Trồng chừng 4-5 mắt rễ khỏi tốn công đôn tiêu.
Khi trồng, phải che chắn bằng lá chuối khô hay bao bì gì đó để ngăn ánh nắng trực tiếp trong vòng 20 ngày đầu và tháo dần sau 1 tháng. Để cây không bị sock nên trồng vào lúc chiều mát. Với phương pháp nhân giống này, có thể trồng tiêu quanh năm…
IV. Nhân giống bằng tiêu ghép
Phương pháp nhân giống tiêu bằng cách ghép chỉ trong giai đoạn thực nghiệm, chưa có đủ thời gian để khẳng định tuổi thọ của cây như tiêu trồng bằng phương pháp thông thường.
Hơn nữa, với 2 cách nhân giống để trồng bằng hom và cách chiết tiêu cộng với kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu của gia đình tôi ít khi gặp bệnh tật. Do đó tôi không thực hiện nhân giống bằng cách ghép tiêu. Bà con nào đã thực hiện thành công cách ghép tiêu xin chia sẻ. Tôi sẽ học hỏi và chân thành cảm ơn.
Nguyễn Minh Vịnh
116 phản hồi cho bài "Kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu"
Chào Nam BRVT!
Đa phần là lồng mứt và gòn. Lồng mứt thì không sao, gòn nghe bão là phải chặt tàn chứ không là khắc phục rất mệt. Giống đợt bão số 1 vừa rồi nhà tôi làm chồi kịp nên cũng may là chỉ tổn thất rất ít. Vùng Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu đất bằng và ít gió mới làm tiêu cao như vậy được.
Chào anh Vịnh
Tiêu khu vực Cẩm Mỹ – Xuân Lộc trồng gòn khá nhiều, đợt bão vừa qua nhà em thiệt hại trên 50% số gòn dù đã được neo kỹ, hiện nay gia đình thường xuyên chặt tàn để hạn chế ngã đỗ, nhưng việc này lại làm những cây gòn nhỏ lâu lớn trong khi tiêu phủ khá nhanh nên việc neo cây theo em là khá quan trọng.
Chào anh Vịnh! Em thấy tiêu nhà anh tốt quá. Vậy anh có thể cho em hỏi năng suất tiêu anh 1 nọc được khoảng bao nhiêu kg? Anh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nhiều không ạ? Có quan trọng việc sử dụng phân bón lá không anh?
Chào Huân!
Tiêu kinh doanh nhà tôi thì khoảng 7-10kg/nọc tùy vào chiều cao của cây trụ. Do tôi mới chuyển vườn cà phê già xen hồ tiêu thành vườn trồng toàn hồ tiêu nên hồ tiêu tơ và hồ tiêu con rất nhiều, không biết chính xác bình quân là bao nhiêu. Với những cây lâu năm như trên ảnh thì 15kg/nọc, có khi hơn.
Và xin thưa với bạn nhìn vậy chứ thuốc bảo vệ thực vật không có nhiều đâu. Chỉ 2 lần ngừa tuyến trùng, 2 lần ngừa nấm. Và khoảng 2-3 lần ngừa rầy, bọ cánh cứng chích hút,cắn hoa và lá non.
Ngoài ra phân bón lá sử dụng tùy vào thời điểm để bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho hồ tiêu. Ví dụ phân hóa nhủ hoa tạo mắt cua làm bông, dưỡng bông, dưỡng trái, to hạt chắc trái.
Lưu ý này rất quan trọng nhé. Phân bón lá cây trồng dể hấp thu, hấp thu hiệu quả tức thì. Nhưng không thể thay thế phân bón lá bằng phân bón gốc được.
Thân!
Anh Vịnh ơi, tiêu cao thế làm sao anh phun thuốc, phân, rửa cây được? Chắc dưới đó ít gió?
Thấy vườn tiêu đã mắt thật!
Chào bạn!
Đúng là ít gió thật. Hôm nào không có gió tôi mới xịt. Thường chỉ xịt vào khoảng 4h chiều tới tối mịt nên rất hiệu quả. Máy xịt tầm 30 Pa là xịt tới hết. Còn nếu không tới có thể kéo cần dài thêm được mà hoặc có thể bắc thang 4 chân đứng trên đó xịt. Đất ở đây khá bằng.
Vườn nhà tôi chỉ thuộc loại trung bình ở đây thôi. Còn nhiều nhà nhìn mẫn mê. Mỗi nhà có một phương pháp chăm sóc riêng rất hiệu quả. Nhiều bà con biết mình không có kỹ thuật nên hướng dẫn rất tận tình. Đến nay dường như cây hồ tiêu đã là bạn thân của tôi. Hiểu rõ về nó thì cũng không phức tạp. Tôi rất ham học hỏi.
Các bạn cho tôi hỏi xíu nhen: Cây vạn thọ trông xen trong tiêu có tác dụng gì vậy ?
Theo tôi được biết trồng vạn thọ trong vườn tiêu tránh được rệp sáp và tuyến trùng.
Anh Vịnh ở chỗ khí hậu thích hợp với cây tiêu nên tiêu phát triển tốt và năng suất cao quá.
Em ở Lộc Ninh, Bình Phước. Ở đây nhà nào trồng tiêu đạt năng suất 3kg/nọc được coi là cao rồi đó. Theo anh thì giống tiêu nào có năng suất cao nhất?
Chào bạn!
Do mình chăm sóc cả bạn ạ. Mỗi giống tiêu đều có 1 đặc tính riêng rất hay. Những giống cho năng suất cao như: Phú Quốc, Vĩnh Linh, Lộc Ninh, Sẻ Đất Đỏ BRVT, Tiên Phước…
Đều cho năng suất tương đương nếu chăm sóc tốt. Nhưng giống mạnh nhất theo tôi thấy là Sẻ Đất Đỏ BRVT. Sau đó tới Vĩnh Linh, Lộc Ninh. Tiêu Phú Quốc cho năng suất không ổn định. Nhà tôi trước đây trồng rất nhiều giống. Nhưng qua thời gian chăm sóc bệnh dịch tấn công thì tôi thấy giống Sẻ Đất Đỏ như trên hình bạn thấy tôi leo thang 7m mà không tới đấy là ít bệnh nhất.
Hiện nhà tôi đang chuyển đổi cây giống, trước đây cà phê xen tiêu, giờ cà già làm tiêu đám. Ưu tiên là giống Sẻ Đất Đỏ và cái giống năng suất cao trên hình đấy, giống lai giữa Sẻ Đất Đỏ và Vĩnh Linh. Nó ra giống lá vừa vừa mang đặc tính giống trái sai và mạnh như Sẻ Đất Đỏ nhưng hạt to và chuỗi dài như Vĩnh Linh. Năng suất rất cao năm nào cũng trúng mùa. Mà chẳng thấy bệnh tật gì. Mỗi lần đi qua cái đám tiêu giống lai là tôi ngẩn ngơ mê mẫn. Luồn tay vào là thấy trái không. Rất thích mắt.
Thân!
Có bác nào biết ở DAKLAK chỗ nào có bán giống Sẻ Đất Đỏ BRVT không? xin cảm ơn.
Chào bạn!
Giống đó còn có tên gọi khác là Vĩnh Linh lá nhỏ đó.
Thân!
Vĩnh Linh lá to là tiêu Trâu phải không anh Vịnh?
Chào bạn!
Vĩnh Linh lá to không phải tiêu trâu, tiêu trâu rất ít trái trừ trường hợp tiêu trâu lai. Đặc điểm để phân biệt tiêu Vĩnh Linh rất dễ.
Lấy phần khung xương của chiếc lá làm gốc. Thì lá tiêu Vĩnh Linh nó một bên to một bên nhỏ. Đó là đặc điểm riêng biệt của Vĩnh Linh. Những giống khác như Phú Quốc cũng có. Nhưng lá Vĩnh Linh dày hơn. Nói là lá to chứ so với những giống như Lộc Ninh thì lá nó vẫn nhỏ hơn nhiều.
Thân!
Cám ơn bài viết của Bác. Vườn tiêu nhà bác càng nhìn càng thấy kì công.
Trong ảnh bác trồng lạc dại, liệu khi thu hoạch có khó khăn khi tiêu lẫn vào không bác?
Đọc nhiều bài viết của bác GĐ cháu cũng có đôi chút kinh nghiệm. Nhưng còn 1 số thắc mắc tuy cũ nhưng rất mong bác chia sẻ thêm giúp cháu:
Tỉnh Đồng Nai ngày nắng gắt đêm mưa, ngoài việc đào hố có cần bón thêm thuốc BVTV không bác? Nếu lác đác trong vườn có vài cây bị vàng lá và cháy mép lá? “phân nước hồi phục rễ” là loại phân mình pha hay loại phân mình mua vậy bác? Xin bác tư vấn thêm giúp cháu.
Rất cám ơn chia sẻ từ bác. Chúc Gia Đình bác sức khỏe và thành đạt hơn.
Chào bạn!
Trước tiên là lạc dại. Trồng cây này lan rất nhanh. Khi nó phủ xanh rẫy thì ta chỉ việc nhổ cỏ khác cho đẹp vườn thôi. Còn trong gốc cách tán lá 30-40 cm. Lúc nào cũng phải sạch cỏ. Bất kể cỏ gì. Trừ hoa vạn thọ. Việc làm sạch cỏ gốc thì thu hoạch không có gì khó khăn.
Như bạn nói thời tiết ngày nắng đêm mưa là thời tiết cực kỳ đẹp rất phù hợp với trồng hồ tiêu. Gặp đất rút nước tốt và có hệ thống mương hố thoát úng nữa là tuyệt vời.
Khi đào hố bón lót thì bạn xem thử đất của mình có cần thiết dùng thuốc bảo vệ thực vật hay không? Nếu đất nhiều sùng mối thì ta lót thêm ít Furadan hoặc Basudin. Còn trong phân chuồng hoai mục thì đã có Trichoderma hoặc có thể là Metharizum ngừa tuyến trùng và nấm Phytophthora capsici rồi.
Phân nước đổ gốc là dạng phân Amino tương tự như bón lá nhưng lại pha để đổ gốc. Không phải NPK vô cơ mà ta pha vô nước bỏ gốc nhé.
Thân!
Cám ơn Bác M.Vịnh rất nhiều.
Gần đây có rất nhiều nhà nông trồng tiêu trên nọc ghép trong hồ cá, 1 nọc là 25 ngàn. Cây phát triển cũng bình thường nhưng lại ít bị bịnh. GĐ cháu đang tìm hiểu và quan sát. Nếu có thể mời bác ghé ĐNai chơi nhé.
Nếu trường hợp 1 số cây bị vàng lá và cháy mép, thì mình nên bỏ hay nên cứu là tốt hơn vậy bác? Nếu cứu xin bác cho thêm 1 vài thông tin để cứu.
Để có năng suất tốt khi bắt đầu vào năm 3, 4 (Tiêu Kinh Doanh) thì nên bón phân hay chăm sóc gì đặc biệt để có năng suất cao? Mong bác giúp cháu.
Cám ơn chân thành đến Bác.
Chào Công!
Cây vàng lá cháy mép thì trước tiên phải cứu. Trường hợp cứu không được mới dùng biện pháp cuối cùng là nhổ bỏ đem đốt. Vàng lá cháy mép có thể do nắng quá, cây không có độ che phủ. Chứ không hoàn toàn là do nấm bệnh đâu nhé. Có bạn ở Bình Phước gởi hình qua mail cho tôi, cũng trường hợp vàng lá cháy mép nhưng chỉ bị lá già ở phần dưới gốc còn trên ngọn vẫn xanh. Đó là do bị nắng, vì trồng trên trụ bê tông mà không có độ che phủ nhất định nào đó.
Nói chung vàng lá cháy mép có rất nhiều nguyên nhân. Không thể chỉ nói là vàng lá cháy mép không không mà kê đơn thuốc được. Bạn muốn chính xác thì gởi vài tấm hình qua email tôi. Chụp rõ từ ngọn tới gốc và vùng đất quanh gốc nữa. Còn nguyên nhân vàng lá cháy mép thì thường là tuyến trùng, thán thư, thiếu nước, cháy nắng, bón phân vào trời nắng, cũng có thể là do nấm hoặc virus nữa…
Tiêu kinh doanh muốn có năng suất thì cũng chẳng cần phải có chế độ gì đặc biệt cả. Nguyên tắc cho cây ra trái năng suất cao và đều trước tiên là cây phải khỏe mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian làm bông phân hóa mầm hoa hợp lý, giống cho năng suất tốt…
Hiểu rõ đặc tính giống mình đang trồng, chăm sóc đúng thời điểm, nó mới cho ra hoa ra trái mà cây vẫn khỏe mạnh. Chứ thúc phân ào ào nó ra lá không thôi đấy. Cây hồ tiêu trồng làm sao cho năng suất cao, đều, bền vững mới là khó.
Thân!
Anh Vịnh ơi cho em hỏi tí nhé, anh có nói : bó chiết lươn thòng bấm dập ngược so với tiêu ác nghĩa là sao hả anh? Có phải tiêu lươn thòng bấm trên bầu đất còn tiêu ác bấm dưới bầu đất phải không anh?
Em ở Daklak, thấy cách anh hướng dẫn chiết tiêu lạ và hay quá.
Chúc anh khoẻ.
Chào bạn!
Có nghĩa là ta bấm dập phần phía dưới gốc. Mà lươn thòng thì gốc ngược lại so với chiết ác thân hay lươn thân. Cách chiết tiêu này tôi được một chú giàu kinh nghiệm chỉ. Tôi thực hiện thấy hiệu quả nên chia sẻ lại với bà con.
Như một vài anh trên diễn đàn tính. Trung bình 1 người trên thế giới chỉ ăn 10.000 đồng hồ tiêu/năm. Và không phải nước nào cũng trồng được. Lại hay bệnh dịch tấn công, chi phí đầu tư cao. Đặc biệt thu hoạch phải hoàn toàn bằng thủ công. Nên bà con yên tâm sản xuất.
Tôi rất tâm đắc với câu hồ tiêu là thứ rẻ nhất thế giới.
Thân!
Theo tôi hiểu, lươn thòng bầm trên là do nó thòng, gốc ở trên, mà ngọn ở dưới.
Bấm vậy là bấm phía gần gốc, hạn chế chất dinh dưỡng từ cây mẹ tới dây chiết, kích thích rễ của bầu chiết phát triển nhanh hơn. Chắc bạn đọc chưa kỹ đó thôi, mới đầu tôi cũng có thắc mắc như bạn, coi kỹ lại thì là vậy.
Thân ái!
Cảm ơn chú Nguyễn Minh Vịnh nhiều, kinh nghiệm này thật đáng giá. Chúc chú sức khỏe!
Chào anh Nguyễn Minh Vịnh, tôi nghe nói cây vạn thọ có thể ngừa và trị đươc tuyến trùng, tôi muốn mua giống về trông ở vườn nhà nhưng tôi chưa biết rõ loại cây này. Có người nói cây cúc vạn thọ, có người lại nói là cây vạn thọ, tôi không biết nên trồng cây nào. Nhờ anh chỉ giúp tôi với và ở dâu có bán loại giống cây này?
Cảm ơn anh nhiều.
Chào bạn!
Cây đó gọi là hoa vạn thọ, hay bông vạn thọ còn người bắc gọi là cúc vạn thọ. Cây này rất dể mọc. Kinh nghiệm là bây giờ gieo, rằm tháng 10 bạn cấy, tết sẽ có bông ai vô nhà cũng thích. Cây này chẳng cần mua giống đâu, để ý nhà ai có xin vài bông già về gieo. Sau đó mang đi cấy, 3 tháng sau là lấy bông già đó gieo khắp rẫy. Đơn giản, vừa đẹp lại vừa ngừa bệnh. Người ta vô nhà nói chà anh này làm nông mà lãng mạn dữ trồng đầy bông. Dưới bông vàng lạc dại, trên bông vàng bông đỏ vạn thọ.
Thân!
Anh Vịnh chỉ khá là chi tiết, cảm ơn anh. Nhà em cũng xài thêm cách nhân giống là khi dây lươn bò dài mình chủ động kéo nó sang nọc bên kia, sau đó chôn dây lươn đó xuống đất luôn… Mình không cắt dây lươn để vào hom nữa, kéo trồng trực tiếp luôn, tỷ lệ sống rất cao… Bà con thấy cách này ổn không?
Hín Tắc Phí .
Mình nghĩ không cần phải để quá dài để kéo từ trụ này sang trụ khác, Vì mục đích chỉ là nhân giống cho một trụ thì cần gì phải kỳ công bắt trụ mẹ nuôi một vài thân lươn dài tới vài m rồi đào lấp. Nó còn bất tiện ở chỗ kéo qua. lấp để ngọn tại tru khác cuối cùng cũng phải chờ phát ác, đôn, đoạn thân kéo qua nằm dưới đất có thể phải nằm trên đường đi lại dễ bị nhiểm bệnh và lây trụ này sang trụ khác.
Nó cũng chỉ thực hiện được khi trồng cho trụ bên cạnh nó . Nếu muốn trồng lươn cứ tầm tháng 12 âm chọn lươn bánh tẻ, cắt 3 mắt, cho một bầu 3 dây, tầm giữa tháng 5 trồng, tháng 4 năm sau đôn thì đảm bảo có thu hoạch trước trồng ác. Hoặc nhân giống như bác Vịnh đã hướng dẫn là ok nhất .
Cám ơn bạn, cách của bạn cũng rất hay, bạn có thể chia sẻ thêm thông tin để mọi người rõ hơn :
1. Sau 6 tháng cây có mạnh bằng cách của bác Vịnh không ? (nhìn hình cây bác Vịnh trồng sau 4 tháng rất mạnh) – 2 tháng chiết + 4 tháng trồng
2. Bạn đã áp dụng lâu chưa ? cây đã cho thu hoạch chưa, vào năm mấy (tôi sợ cách này lâu cho trái hơn), sản lượng thế nào, chăm sóc có trở ngại gì không (vì thân ngầm bò từ cây này qua cây khác) ….
Cám ơn bạn!
@Nhân
Mình chỉ nêu thêm cách thôi, ví dụ : như khi bạn trồng 1 nọc mới nhưng mà nọc đó trồng nhiều lần hoặc trồng khó mọc, vậy thì mình chịu khó nuôi chừng 3 dây lươn mạnh khỏe gần đó kéo sang nọc kia cho lẹ, tội chi phải chờ năm sau ươn giống mà không biết có mọc được không nữa. Mình thấy đâu có bệnh đâu, như mùa mưa năm nay mình kéo sang thì nó mọc cắm rễ xuống đất rồi, khi nào thấy nó mọc lên trụ cứng cáp thì mình cắt dây bên dây mẹ đi cho nó tự nuôi nó, nó không còn liên lạc gì với cây mẹ đâu nè…
@Tiêu Sầu
Cây nó là dây lươn mà sao mà ra ác liền được, nó phải leo lên trên từ 1,5m – 2m mới ra ác, tất nhiên sức sống là không thể thua kém được, nó mọc luôn mà, đến khi nào cứng cáp thì hãy cắt đứt liên lạc với cây mẹ.
Cây đã cho thu hoạch, áp dụng được 3-4 năm gì rồi, thì cây cũng cho trái bình thường như mình trồng dây lươn, chăm sóc đâu có trở ngại gì, tại mình chỉ chôn tại chỗ phần nọc tiêu thôi, như mình đào lỗ trồng tiêu bình thường thôi chứ đâu chôn dài đâu mà khó chăm sóc. Còn sản lượng nhiều hay ít là phụ thuộc vào chúng ta chăm sóc thôi mà…
Chào bạn!
Anh Nhân nói đúng đó. Cách của bạn sẽ hoàn hảo nếu bạn chịu khó làm thế này nhé: Bỏ 1 cái bao ngay chỗ đó. Cho dây lươn lên, lấy đất chỗ khác đưa vào lấp lên. Khi nào trồng ta chỉ việc cắt dây gôm cái bao có đất đưa đi trồng. Kỹ thuật này cũng tương tự như chiết vậy, nhưng không mất công bó. Nếu bấm dập thì cây sẽ mau ra rễ hơn. Không bấm dập lươn gốc vào trời mưa nhé. Chỉ bấm dập lúc trời nắng. Mà không bấm dập cũng không sao vì lươn rất mạnh.
Làm như bạn là làm kiểu của anh người Hoa sát nhà tôi hay làm. Tiêu lên rất tốt. Nhưng nếu bệnh dịch tấn công thì nó sẽ chết chùm. Kỹ thuật nhân giống kiểu này người ta gọi là hỗ sinh “dây mơ rễ má”. Phương pháp này người ta thường dùng để cải tạo những cây hồ tiêu già cỗi.
Sẵn đây tôi sẽ hướng dẫn cho bà con cách khôi phục vườn hồ tiêu già cỗi nhé. Đầu tiên bón phân hữu cơ hay phân Amino hồi phục rễ. Trong quá trình hồi phục rễ cây sẽ nứt lươn. Ta để cho nó dài ra. Sau đó lấy đất lấp lên phần tiêu lươn mới mọc đó. Không lấp kín cả ngọn nhé, chừa ngọn lại. Sau đó cột ngọn cây tiêu lươn cho nó bò lên trụ giả. Sau một thời gian cái phần thân lươn bị lấp đó sẽ ra rễ ta cắt bỏ phần ngọn dây lươn, thì những cái rễ này sẽ nuôi dây mẹ. Cây sẽ hồi phục. Với phương pháp này cây già cỗi sẽ hồi phục và có thể cho thu hoạch thêm từ 5-7 năm, chăm sóc tốt thì 10 năm. Đây cũng là phương pháp hay của một người thân truyền lại cho tôi.
Thân!
Trước tiên là cám ơn bác Minh Vịnh.
Bố cháu không có kinh nghiệm về tiêu ghép. Nhưng nếu bác cần Bố cháu sẽ dẫn bác tới tận nơi, xem mô hình thực tế của các bạn nông gần đó.
Như bác đã nói Tiêu nhà cháu không bị nắng, xung quanh gốc sạch sẽ. Bố cháu thì không biết nhưng nhiều nhà nông khẳng định rằng là : bệnh vàng lá, chết chậm, thán thư. Họ cũng tư vấn nhiều loại thuốc, nhưng nếu có thể GĐ cháu rất muốn nghe phản hồi từ bác.
Xin chân thành cảm ơn Bác.
Chào Công!
Hôm qua cũng có người email cho tôi vài tấm hình về những cây bị bệnh của họ. Thông qua hình ảnh thì mới biết được chính xác hơn bệnh. Và xử lý sẽ chính xác. Có khi trồng trên trụ bê tông cho dù có che cây hồ tiêu nhưng mà trụ bê tông hấp thụ nhiệt nóng quá cũng làm cây tiêu vàng lá.
Nếu được bạn cũng gởi vài tấm hình thì dễ phân biệt hơn rồi. Nếu không do nắng thì 100% vàng lá là do tổn thương rễ.
Thân!
Cho dù giống đó là tiêu trâu hay tiêu gì đi chăng nữa. Thì vẫn bị bệnh như thường. Cho nên đừng bao giờ chủ quan rằng ta đã trồng tiêu ghép thì không mắc bệnh gì. Đó là quan niệm sai lầm chết người đấy. Nó chỉ giúp ta đảm bảo là cây tiêu sẽ cho năng suất như cây bố mẹ và gốc ghép có khả năng chống chịu tốt hơn thôi, chứ không phải hoàn toàn là miễn nhiễm với bệnh.
Khi trồng thì không sao nhưng khi có trái thường thì cây mới chết. Giống gì cũng vậy. Vì cây phải tập trung nuôi trái mà rễ tổn thương dĩ nhiên là cây kiệt sức mà chết. Cho nên biện pháp chăm sóc tốt, chất đất phù hợp thì trồng cây hồ tiêu mới bền vững được.
Anh Vịnh ơi, cách phục hồi tiêu già cỗi anh hướng dẫn có nghĩa là mình tạo thêm bộ rễ mới cho cây tiêu già cỗi phải không anh ? Gần chỗ em có nhà họ lấp đất thêm vào gốc tiêu già thấy dây lươn và rễ ra nhiều lắm , làm vậy có được không anh ? Anh tư vấn giùm em nhé ! Chúc anh khoẻ.
Chào bạn!
Đó gọi là đắp mô cho gốc tiêu già cỗi. Phương pháp ấy có khi bị rửa trôi đất, và năm nào cũng phải thực hiện đắp mô chứ tưới hay mưa sẽ xói mòn đất lòi rễ ra. Những cái rễ mà bị lòi ra thế nào cũng bị nắng cháy. Và rễ ra 1 chùm ngay gốc thì hay bị rầy trắng tấn công. Cho nên ta kích thích ra lươn, sau đó lấp gốc thì hiệu quả hơn là chỉ lấp gốc.
Đặc biệt với kỹ thuật chiết tiêu. Trong quá trình lấp gốc. Ta làm 1 cái hố để trồng tiêu con bên cạnh đối với cây quá già cỗi, tiêu hạt ở truồng, bỏ thì thương vương thì tội. Tiêu chiết cho nó bò lên luôn. Đối với những cây già cỗi nhổ bỏ trồng mới cũng rất khó, tiêu con nó hay bị chết, trồng tiêu chiết đối với những trụ này là hiệu quả nhất.
Thân!
Chào anh Vịnh ! Em ở Ban Mê Thuột, đọc bài viết của anh thấy có nhiều điều hay quá. Em sẽ theo dõi thường xuyên để học hỏi.
Anh cho em hỏi điều này : Nhà bác em trồng một vườn tiêu không biết giống gì nhưng sao lúc nào lá cũng màu vàng vàng kể cả mùa mưa này cũng vậy, đến mùa thì cũng có trái nhưng năm được năm mất. Do giống hay do thiếu phân gì hả anh? (Trong khi các vườn chung quanh thì xanh um.) Lạ quá anh ạ.
Chúc anh mạnh khoẻ.
Chào Vũ!
Do chế độ chăm sóc đó bạn à. Cây nhà bạn có thể bị thiếu lượng xác bã hữu cơ và thiếu vi lượng. Chủ yếu là Mg. Thiếu Mg cây nó hay vàng vàng lá lắm. Cây sẽ không chết. Nhưng năng suất không cao. Giống chỉ có một phần nào đó thôi. Vùng đất đó có thể quá chai phân tro không thể xuống rễ không có gì hập thu. Hoặc chỗ đó rêu mọc quá dày. Hiện tượng giống như đất chai giống ở thành giếng đó mà. Yên tâm đi bạn dùng phân chuồng hoai mục bón là sẽ hồi phục thôi. Trồng lạc dại cố định đạm trong đất và tránh rửa trôi màu. Bạn xem thử vùng đất đó có quặng bô xít không?
Bí kíp là thế này. Khi hàng xóm làm thì chịu khó liếc qua học lóm. Hi hi. Tôi hay làm thế lắm.
Thân!
Anh Minh Vịnh cho em hỏi nếu vườn tiêu ở gần quặng boxit thì có bị sao không anh?
Cảm ơn anh trước nhé.
Chào bạn!
Khi trời mưa sấm chớp nhiều hạn chế ra vườn. Đất mà có quặng bô xít thì yêu cầu lượng phân chuồng hoai mục phải nhiều. Cũng không ảnh hưởng nhiều tới cây tiêu. Tôi từng tham quan mô hình tiêu ở Đăk Nông khu vực có quặng bô xít thấy tiêu vẫn phát triển tốt.
Cảm ơn anh Vịnh nhé ! Nếu có quặng bô xit thì hơp đồng với Trung Quốc để khai thác lợi hơn trồng tiêu phải không anh? Chào anh, chúc sức khoẻ.
CẢm ơn Minh Vịnh ! bạn tư vấn dùm tôi lúc này trời mưa nhiều có nên bón phân tiêu k, nếu bón thì nên bón phân gì? Chúc bạn và đại gia đinh giatieu.com mạnh khỏe.
Chào bạn!
Mưa nhiều thì bón phân có hàm lượng P và K và vi lượng Cu hạn chế N. Có thể dùng phân bón lá để tăng sức đề kháng chống bệnh tật cho cây.
Thân!
Có một thắc mắc muốn hỏi thêm ý kiến của anh em.
Thông thường, trên tôi khi trồng bằng thân ác người ta người ta chờ mưa nhiều để thân ác ra hai đợt rể, chờ đợt rễ thứ 2 già thì mới cắt trồng. Mục đích tôi nghĩ vừa có bộ rể khỏe, vừa đủ độ già của dây giống. Vừa chờ cho đủ lượng mưa, độ ẩm không khí.và tôi nghĩ có một mục đích nữa của người muốn bán giống là được nhiều giống hơn. trên tôi thông thường người ta trồng vào tầm 15 tháng 6 âm trở đi.
Năm nay nhuận hai tháng 7, đợt vừa rồi đa phần người dân trồng vào đầu tháng 8 dương lịch. Thời tiết trên tôi năm nay mưa nhiều, đất lạnh, giống thì bộ rễ rất đẹp ( rễ chân vịt) nhìn khỏi chê, vậy mà trồng xuống phát rễ, mầm rất yếu. Vừa qua gặp 3 ngày liên tiếp mưa to, những hộ trồng hơi sâu là ngập đất luôn chẳng thấy ngọn, tôi cũng bị mất mấy chục trụ nên phải đào tìm, moi lên rồi trồng lại lên cao hơn, chắc chắn số này sau sẽ èo uột.
Còn một số tôi cắt ngay từ đầu mùa tầm tháng 6 dương, cho vô bì lớn ươm,tháng 7 đem trồng thì nay có cây đã bám trụ 80 cm và phát đọt rất đẹp.
Một điều nữa là khi ươm dập, nhổ lên bộ rễ nhiều cây phát bám đất cả cục bằng nắm tay. Nhưng đối với cây tiêu lớn, khi đào lên thì lượng rễ không có nhiều, chỉ một vài rễ đâm sâu vài m để hút nước và một số ít cạn để hút dinh dưởng, vậy thì trong quá trình phát triển, bộ rễ tiêu đã tự hủy đi rất nhiều (So với khi mới trồng) .
Trong thực tế, khi trồng tiêu lươn, nếu dây lươn cột tốt vào trụ để phát rễ khí sinh, đầu năm sau trước mùa mưa đôn xuống gặp mấy trận mưa đầu mùa , rễ tại các đốt đã có cành ác sẽ phát sinh rễ cực mạnh, có thể nói không thua kém dây ác trồng trong điều kiện thuận tiện sau khi đã chờ ra hai đợt rễ .
.Như vậy tôi thấy có một điều không cần chờ hai đợt rễ như tôi đã nói ở trên mà có thể cắt ngay cành ác vào đầu mùa mưa để ươm bì ( nếu thời tiết không thuận lợi) . Đến lúc trồng, cây đã phát mầm đẹp, chủ động được thời gian trồng, có thể chọn lọc luôn rồi trồng, nếu mưa cũng không sợ đất trôi lấp, thối đầu giống và sẽ tạo điều kiện cho vườn tiêu đồng đều, có thời gian, chủ động giống để trồng dặm. Cây tiêu phát triển mạnh trong mùa mưa và có sức chống chọi trong 6 tháng khô hạn.
Thấy là thế nhưng tôi cũng phân vân là nếu mình cắt ngay từ đầu mùa, liệu về lâu dài tuổi thọ cây tiêu có đảm bảo không, bộ rễ có đảm bảo không? Nhờ các bác giúp cho. Cảm ơn các bác.
Anh Vịnh ơi, cho em hỏi ngoài lề một tí được không ? Em đọc trong các bài viết của anh có nói đến khoáng đậm đặc vậy khoáng đậm đặc là gì hả anh? tên sử dụng ngoài thị trường là gì vậy anh? Em cũng muốn liếc qua học lóm bên anh nhưng…xa quá.
Chào anh nhé!
Chào bạn!
Phân khoáng đậm đặc là phân thành phần phần chủ yếu là vi lượng khoáng như Mg, Bo, Ca, Fe, Cu….
Ngoài thị trường có rất nhiều chủng loại. Nhưng nếu dùng được phân hữu cơ khoáng đậm đặc là tốt nhất.
Chào bạn Nhân. Có gì mà bạn phài phân vân. Khi vào mùa mưa, lúc bạn chắc là đất đã đủ độ ẩm, bạn cứ việc cắt dây ác mà trồng trực tiếp ra vườn, dây nào sống được và phát triển trong mùa mưa thì vào mùa nắng nếu bạn tưới đủ nước và che mát tốt, trừ khi bị dịch bệnh, bảo đảm vườn tiêu của bạn phát triển ào ào. Vườn tiêu nhà tôi trồng đã 18 năm, lươncó, ác có, đến nay vẫn sống tốt và cho năng suất ổn định, kể cả khi toàn bộ trụ vông (tôi trồng trụ cho tiêu leo bằng cây vông) bị dịch và chết sạch (nguyên nhân từ một loài ong ký sinh chích và đẻ trứng vào đọt vông, khi ấu trùng nở sẻ phá hủy đọt và làm cho cây vông chết từ từ), lúc đó tiêu nằm dưới đất như rau lang,tôi mua trụ gòn về thay thế, lôi dầu dây tiêu lên cột lại, vậy mà tiêu vẫn sống và phục hồi tốt, nay đã phủ trụ gòn 6-7 m. Tôi thường trồng cạn vì ngày xưa tôi không biết chút gì về kỹ thuật hoặc kinh nghiệm đã vậy lại làm biếng nên tôi không đào sâu cuốc bẩm như mấy người chung quanh, mấy anh trồng tiêu đi ngang thấy tôi vừa cuốc vừa trồng cả 6-7 sào tiêu mà chỉ mất có tuần lễ đều cười và chọc quê, bởi ở đây họ trồng tiêu rất sâu dánh bồn như bồn cà phê, vườn thì sạch bóng không một cọng cỏ, còn vườn nhà tôi cỏ rác tùm lum, một năm phát đôi lần, kết quả hầu hết các vườn đó khi vùa phủ trụ đều vàng vọt và chết lần mòn, từ ấy tôi nghiệm ra nhiều diều trong quá trình trồng và chăm sóc vườn tiêu sau nấy. Có đôi lời chia sẻ cùng bạn.
Chào anh Vịnh.
Nhà em có 300 trụ tiêu mới cắt giống được hơn 1 tháng, trong vườn bắt đầu hiện tượng hơi buồn buồn thì em nhổ lên bộ rễ tiêu đã thúi gốc cây vẫn xanh chưa vàng, nhưng 1 trụ chỉ bị 1 dây thôi. Theo em nghĩ nếu bị chết nhanh hoặc bị úng thì nó sẽ chết cả 2 dây. Nhờ anh chỉ giúp.
Chào bạn!
Do bạn trồng tiêu con quá sâu, dây tiêu trồng quá nghiêng. Khi nước rút xuống hố làm úng thì cây sẽ bị như vậy.
Có khi ta nghĩ rằng mình trồng cạn. Nhưng khi lấp đất thì hố nó sập xuống thấp quá gây ra úng. 1 đây chết 1 dây sống là bình thường. Tại dây sống đó quá mạnh. Hoặc có khi là nó thúi mắt cuối, rồi nó ra rễ lại mắt kế tiếp nên nó vẫn sống. Bạn không nói chính xác là tiêu con mới trồng chết hay cây tiêu mẹ cắt giống chết. Kinh nghiệm lần sau có trồng tiêu giống thì bạn làm 1 cái hố nho nhỏ ngoài gốc cho nước rút ra ngoài đó hết. Không liên quan gì tới gốc tiêu con ta mới trồng. Với lại bạn cắt dây trồng cách đây 1 tháng thì vô mưa nhiều rồi. Lạnh đất tiêu con sẽ rất khó mọc.
Thân!
Cảm ơn anh Vịnh.
Tiêu em trồng năm ngoái năm nay cắt giống, em trồng không sâu lắm đâu. Đất đỏ, vườn có độ dốc, nên em nghĩ không thể úng được, em đào xuống xem thử thì đất cũng không ướt lắm không úng nước. Hiện tại tiêu em bị 5 dây ở 5 trụ khác nhau. Em đào lên là bị thúi hết rễ ở đốt thứ 3. Đầu mùa mưa em có xử lý tuyến trùng, em dùng vimoka và 2 lần phun eliet rồi. Anh có cách gì giúp em với. Em cảm ơn nhiều.
Chào bạn!
Theo bạn mô tả đây là bệnh thúi lở cổ rễ. Bệnh này do nấm gây ra. Thường thì cây sẽ bị bệnh do làm bồn quá sâu. Và nước từ bên ngoài tràn vào bồn sẽ làm cho cây úng dẫn đến thúi rễ non sau đó chuyển dần sang thúi rễ. Với lượng mưa lớn như năm nay. Thì bạn nghĩ không úng nước. Nhưng chỉ cần 1 hoặc vài lần nước tràn vào là cây sẽ thúi rễ. Sau đó mới chết dần. Bệnh này chỉ có khơi mương rảnh trồng trên mô đất cao thì sẽ không sao. Bỏ thêm Trichoderma ủ vi sinh bỏ thêm. Khi rễ tổn thương nấm thừa cơ xâm nhập vào vết thương làm cho cây hồ tiêu mất hẳn sức đề kháng. Bạn có thể chụp 1 vài tấm ảnh chi tiết gởi qua email tôi thì sẽ nhận diện bệnh chính xác hơn.
Thân!
Anh Vịnh nói đúng đó. Với trường hợp này thì nên nhổ dây bị hư lên bỏ và rắc vôi hoặc phun dồng đỏ quanh dây còn lại. Tiêu nhà em cũng bị như vậy và cũng như trường hơp của anh em mới cắt giống xong. Dây còn lại sẽ nứt mầm khác và cột cho nó lên thôi. Em cũng vừa đào mương nhưng đào gần quá nên đụng rễ hết. Nêú anh có đào thì nên vét một rãnh nhỏ ở trên bờ của bồn tiêu cho nó rút nước, đừng đào gần bồn như em,
Trước tiên em xin cảm ơn tất cả mọi người trong diễn đàn giatieu.com
Dưới đây em xin có 2 thắc mắc mong mọi người giúp đỡ cho.
1: cho em hỏi cây bông vạn thọ có tác dung ntn trong phòng và ngừa bệnh cho cây tiêu? em chỉ nghe nói nhưng ko biết nó tương tác với nhau như thế nào?
2: tiêu nhà em đang bị nhiễm tuyến trùng rễ (em nghe mấy anh kĩ nông nghiệp nói vậy) nhưng mỗi người chỉ dẫn 1 loại thuốc # nhau…
Vậy cho em hỏi diễn đàn loại bệnh này chữa bằng cách nào + dùng loại thuốc gì là hiệu quả nhất và nhanh nhất?
Em xin cảm ơn mọi người nhiều…
Chào bạn
Thuốc tuyến trùng hiện tại có các loại sau:
vimoka, nokap (nước+ hạt); etokap, matsan vfc (hạt) hoặc bạn có thể dùng losmin cũng được.
Chào anh Vịnh.
Cho tôi hỏi tiêu vừa thu hoạch xong khoảng 5-7 ngày gặp mưa không hãm nước được thì phải xử lý như thế nào?
Chào bạn!
Vừa thu hoạch xong 5-7 ngày gặp mưa thì không có vấn đề gì lớn. Thậm chí tôi còn tưới theo cho tới khi thu hoạch xong để chống suy cây cơ mà. Nó làm cây chống suy thôi. Chủ yếu giai đoạn phân hóa nhủ hoa hãm nước mà gặp mưa thì bạn ra hiệu thuốc BVTV mua thuốc phân hóa mầm hoa xịt thì cây sẽ đảm bảo ra hoa. Chứ không nó chỉ ra lá thôi.
Lưu ý: Chỉ xịt cho cây tiêu sung. Không xịt cho cây tiêu suy.
Thân!
Anh Vịnh thân ! vậy là sau khi thu hoạch xong mình hãm nước thời gian tùy theo cây sung hay suy phải không anh ? và trong thời gian này nếu gặp mưa là mình phun thuốc phân hóa mầm hoa liền hả anh? Em ví dụ thế này nhé : Nếu trường hợp mình mới hãm nước được khoảng 15 ngày mà trời mưa thì mình cũng phun thuốc phân hóa mầm hoa luôn hả anh ?
Cảm ơn anh nhiều.
Chào bạn!
Đúng là sau khi thu hoạch phải phân ra làm hai loại tiêu sung và tiêu suy. Với tiêu sung có thể phải hãm nước từ khi đang thu hoạch. Vì trái nó rất ít nên cây không bị mất sức cần phải hãm nước thì nó mới phân hóa mầm hoa được. Trong điều kiện khô hạn chỉ cần 15 ngày thì cây sẽ phân hóa mầm hoa. Đối với tiêu suy thì chỉ việc tưới nước bón phân theo đầy đủ cây hồi sức sẽ ra hoa. Nếu hãm nước 15 ngày gặp trời mưa với những cây tiêu suy đó là điều kiện thích hợp ra bông. Như trường hợp năm nay bão số 1 tới sớm nên nhà nào trồng tiêu Ấn độ sẽ trúng mùa. vì tiêu Ấn độ hái hay gãy tay làm cây tiêu suy. Năm nay mưa sớm làm cây hồi phục cây sẽ cho nhiều trái còn Vĩnh Linh còn sung mà gặp mưa sớm thì tình trạng không có trái như năm nay là bình thường vì không phân hóa mầm hoa được. Nhưng sang năm thì lại trúng mùa lý do nó không có trái bà con ta ít bón phân tưới tắm thì cây lại tạo điều kiện phân hóa mầm hoa. Đó là lý do tại sao bà con trồng tiêu kiểu tự nhiên trời cho nhiêu hưởng bấy nhiêu thì năm trúng năm thất.
Việc để cho cây tiêu năm nào cũng trúng mùa thì phải đảm bảo dinh dưỡng thật cân đối. Nên trong kỹ thuật bón phân cho tiêu tôi cũng đã hướng dẫn là phải chia ra nhiều đợt mà bón. Cây tiêu đặc tính của nó là ra lá non là sẽ ra hoa cùng lúc. Cây tiêu quá sung thì làm gì mà ra lá non. Dẫn đến cũng chẳng có bông. Thuốc phân hóa mầm hoa chẳng qua là một dạng thuốc gốc đồng và phân bón lá kết hợp xịt lên nó sẽ rụng lá già làm cây yếu đi sau đó ra lá non lại tạo điều kiện phân hóa mầm hoa. Nên chỉ xịt cho những cây tiêu sung không ra hoa kết trái. Nhiều bà con còn dùng cả thuốc kích thích ra bông xoài hay cây ăn quả. Xịt lên lá rụng nó sẽ ra hoa. Nhưng tác động này khá mạnh và cũng khá nguy hiểm. Nên bà con muốn cây rụng lá thì xịt đồng đỏ tác dụng nhẹ hơn. Vừa ngừa được nấm bệnh. Theo kinh nghiệm của gia đình tôi thì giai đoạn hãm nước đó mà cào được lá già lá bệnh tật đốt thì cây sẽ cho bông nhiều hơn. Lý do làm cho gốc thông thoáng. Ngoài ra sức nóng của đống rác cũng làm phân hóa mầm hoa. Có cây bị bị gió bốc làm lửa cháy lớn quá tạt cháy xém rụng cả đốt nhưng nó vẫn nứt lại và ra hoa rất nhiều. ( Lỡ tay chứ đừng làm cháy xém). Kỹ thuật làm bông rất khó. Hãy để ý cây trong vườn tại sao cây này nhiều trái cây kia ít trái. Một thời gian sẽ hiểu rõ qui luật phân hóa mầm hoa thôi. Giống như việc bạn chiết tiêu vậy. Những cây tiêu chiết mới trồng bị héo xong nó hồi sức ra lá lại thì ra hoa non rất nhiều.
Đơn giản mà.
Cảm ơn anh Vịnh nhé !
Thuốc đồng đỏ mua ở chỗ bán thuốc BVTV hả anh? ngoài tên đồng đỏ nó còn có tên thị trường là gì nữa không anh ?
Anh ạ! hiểu hết cái “Đơn giản mà” của anh không phải là dễ.
Anh cho em hỏi thêm điều này: người bán thuốc BVTV tư vấn là chờ khi nào tiêu nhú mắt cua (nhú cựa gà) thì mới được phun thuốc phân hóa mầm hoa, như vậy có đúng không anh?
Rất mong sự giúp đỡ của anh. Chào anh!
NORSHIELD (ĐỒNG ĐỎ)
Cứ nói đồng đỏ là người ta sẽ bán cho thôi. Tác dụng cũng giống Boocdo và các loại thuốc gốc đồng khác.
Chào bạn!
Cái nhú mắt cua đó chính là mầm của lá và hoa. Gặp điều kiện khô hạn tối thiểu 15 ngày thì nó sẽ phân hóa mầm hoa. Người ta bảo xịt lúc nhú cựa gà đó là xịt phân bón lá kích thích cho mầm hoa phát triển. Chứ thực chất việc phân hóa mầm hoa chủ yếu là dựa vào sự hãm nước. Có thể người ta chưa hiểu rõ về chữ phân hóa mầm hoa đấy. Tác động phân hóa mầm hoa cũng giống như bạn lặt lá mai ngày tết đấy bạn ạ. Về mặt bản chất thì mỗi mắt tay của cây hồ tiêu nó đều có 1 mắt mầm. Nhưng việc hãm nước sau đó tưới lại 2 đợt, đợt thứ 3 thúc phân thì những cái mắt mầm đó mới nhú lên như mắt con cua người ta mới gọi là nhú mắt cua. Nên bạn phân biệt rõ là thuốc rửa cây thì khác thuốc phân hóa mầm hoa, còn phân bón lá kích thích phát triển mầm hoa là khác nữa.
Thuốc rửa cây dùng sau khi thu hoạch mục đích làm rụng lá già lá bệnh tật giảm sâu bệnh cho mùa sau.
Thuốc phân hóa mầm hoa dùng khi đang hãm nước mà gặp mưa. Dùng cho tiêu sung.
Phân bón lá kích thích mầm hoa phát triển thì xịt khi nhú mắt cua. Cái này là phân NPK và vi lượng dạng Amino cây trồng hấp thu qua lá.
Thân!
Xin cảm ơn chú tình trần bá, cháu cũng muốn lên đó lắm, nhưng cháu ở Krông Năng, Đak Lak xa Chư Sê, Gia Lai quá… Cháu rất muốn sưu tầm và trồng giống cỏ này, vì mảnh đất nhà cháu rất cằn cỗi, có lẻ cỏ lạc dại mới giúp cải tạo được mảnh đất này.
Chào anh! Cảm ơn anh đã hướng dẫn thật chi tiết. Em làm tiêu nhưng còn mù mờ lắm nên anh cảm phiền nhé !
Anh cho em hỏi : Sau khi thu hoạch xong mình rửa cây liền hay rửa cây sau khi đã hãm nước hả anh ? và mình có thể pha boodo 1% phun lên lá để rửa cây được không anh ? Cách làm của anh rất lạ và hay so với BMT nên anh tư vấn giúp em nhé.
Chào anh ! Chúc anh mạnh khỏe.
Chào bạn!
Cách làm của tôi chẳng có gì lạ bạn à. Khuyến nông và kỹ sư chỗ tôi về hướng dẫn bà con phương pháp chăm sóc IPM. Đều chỉ dẫn rất cụ thể. Nhưng kỹ thuật làm bông thì người ta ít chia sẻ cho nhau trong hội thảo đa phần là phòng trừ dịch bệnh. Vì có khi mình chỉ đúng mà người ta làm sai rất nguy hiểm. Chỉ cần sai 15 ngày là cây chỉ có lá và lá hoặc là suy hẳn. Với lại bà con ta cũng hay giấu nghề. Việt Nam mà. Mục đích của rửa cây cũng có tác dụng làm phân hóa mầm hoa. Cũng tùy vào từng cách chăm sóc. Ví dụ như tiêu nhà tôi đã chống suy từ lúc đang thu hoạch. Nên cây khá tốt vì vậy việc rửa cây sau khi thu hoạch không ảnh hưởng gì lắm. Nhưng với vườn tiêu mà không chống suy khi đang thu hoạch mà sau khi thu hoạch rửa cây liền thì cây sẽ mất sức. Để cây tiêu cho ra trái đều và năng suất cao thì không phải chỉ bón phân lúc ra bông không là chưa đủ. Đặc biệt chỉ có tiêu sung mới luôn cho năng suất cao và ổn định. Chỉ có điều ta nắm bắt được giai đoạn phân hóa mầm hoa nữa là bảo đảm. Vì vậy việc bón phân chuồng hoai mục hằng năm có ủ Trichoderma là luôn luôn cần thiết. Cây sẽ không bị suy.
Boocdo cũng là một dạng thuốc rửa cây tốt vừa có tác dụng diệt trừ nấm bệnh vừa bổ xung Canxi cho cây trồng. Nó là dung dịch Đồng xanh CuSO4 và vôi. Có công hiệu từ rất lâu rồi tôi thấy cũng rất hiệu quả. Tương tự như các loại thuốc gốc đồng khác. Nhưng công pha chế thì cực. Hiện nay trên thị trường cũng có khá nhiều loại thuốc rửa cây có kết hợp phân bón lá. Loại thuốc này thường thì dùng sau khi hãm nước. Nó làm rụng lá già và kích thích ra lá non luôn.
Cho nên tùy vào loại thuốc hay tùy vào cách làm bông mà ta sẽ có một phương pháp cho ra bông khác nhau. Nông dân cũng phải cần có 1 chút linh động. Tùy theo thời tiết. Như thế ta sẽ không phụ thuộc vào thời tiết lắm. Dù thời tiết thế nào ta vẫn có cách khắc phục, cho năng suất cao bền vững.
Nhưng nói gì thì nói thì thời tiết vẫn ảnh hưởng rất lớn đến cách chăm sóc của chúng ta. Như năm nay mưa nhiều và cây ít trái thì nên rửa cây sau khi thu hoạch để thời gian phân hóa mầm hoa kéo dài hơn sang năm cho năng suất cao hơn. Muốn sang năm nữa cũng cho năng suất cao thì việc cân đối phân bón trong đó có lượng phân chuồng chống suy cây thì rất cần thiết. Bạn đang hỏi phần hóc búa nhất trong kỹ thuật trồng tiêu đấy. Cứ từ từ nghiên cứu. Hỏi 1 lúc có khi tiếp nhận thứ này chưa xong thì thứ khác đã đến dể nhầm lẫn lắm. Từ giờ tới khi hãm bông làm trái thế nào tôi cũng chia sẻ kỹ thuật làm bông cho bà con mà.
Thân!
Anh Vịnh ơi! giúp em với : tiêu nhà em sao nhiều bụi càng lên cao nó càng thưa thớt không phủ kín như phần dưới và không phủ ngọn được anh ạ .
Nhân trao đổi của bạn Lê Vũ em hỏi anh tí nhé : trong đợt tưới lần ba sau khi hãm nước mình thúc phân thật đậm vậy ngoài phân hữu cơ ta có thể bón thêm phân hóa học cho nó hấp thu nhanh được không anh ?
Chúc anh vui vẻ. Chào anh !
Anh Vịnh ơi em hỏi thêm cho tiện anh trả lời luôn. Ở chỗ em không có lục bình vậy em có thể dùng rơm đã mục để bó chiết cây được không anh? Giúp em với nhé!
Chào Giao!
Không có rễ lục bình có thể thay thế bằng xơ dừa hoặc rơm mục đều tốt. Nhưng đúng là bó bằng rễ lục bình là tốt nhất.
Còn phần tiêu nhà bạn phần dưới xum xuê phần trên thưa thớt đó là do năm 2 bạn không cắt thân hay bấm đọt cho nó nứt ra nhiều dây hơn đó thôi. Với khi trồng bạn chỉ để 2 hoặc 3 dây từ dưới mọc lên không bấm đọt lần nào. Kinh nghiệm là khi tiêu lên tầm ngang ngực. Đôn xuống một thời gian nó nứt đọt lại thông thường khi tiêu mới nứt lại sẽ bỏ mắt ác. Ta bấm phía trên đầu của tay ác cho cây tiêu khỏi bỏ mắt thường thì bấm phía trên 3-4 cặp tay ác thì nó sẽ nứt thêm 3-4 đọt ác. Và nó lên tầm 30-40 cm thường nó sẽ tiếp tục bỏ mắt 1 lần nữa ta bấm thêm 1 lần nữa. Là từ 2 dây mẹ có thể nhân ra làm 6 dây. Như vậy cây tiêu sẽ đều bụi hơn. Còn nếu ta không cắt ta dể nó dài ra ta chiết cái khúc đó đem trồng. Thì cũng tương tự như bấm đọt mà lại lợi được 1 cây tiêu chiết con. (Lưu ý là ta bấm đọt hay cắt chiết trên mắt ác nhé, chừa mắt lươn nó sẽ ra lươn đấy). Còn lỡ tiêu để cao quá cắt chiết cũng không được mà bấm đọt cũng không xong thì làm thế này. Bắt thang leo lên đọt. Cột cái phần dưới đọt tầm 30-40 cm. Sau đó tháo cho đọt rũ xuống và bấm đọt đi. Một thời gian cây tức nó sẽ nứt ngay cái chỗ ta rũ đó rất nhiều mắt. Ta sẽ cột những mắt đó tiếp tục leo lên trụ sẽ phủ đọt. Đây cũng là một trong những kỹ thuật làm trái cấp cao đấy bạn ạ.
Trong lần thúc phân đó nếu có trộn thì chỉ trộn ít phân vô cơ thôi. Lần đầu cây chủ yếu cần lân cho hồi phục rễ lần 2 mới cần nhiều đa lượng. Cây ra rễ thì phía trên mới ra lá non. Thúc luôn như vậy không hiệu quả bằng chia ra bón hữu cơ trước rồi vô cơ bón thêm sau vẫn hay hơn. Vì giai đoạn này đâu phải nói thúc là nó ra hoa liền đâu. Bên dưới là vậy bên trên phân bón lá thì hoa sẽ ra tập trung hơn. Như thế này nhé. Kinh nghiệm trúng mùa của tôi là thế này cùng một lượng phân đó mà ta bón như sau: Đổ phân nước đổ gốc dạng Amino hồi phục rễ sau đó 1 tuần Bón phân hữu cơ Humix có kết hợp hữu cơ khoáng Hướng Dương Xanh. 1 tuần sau xịt phân bón lá. cách tiếp 1 tuần bỏ phân vô cơ, 1 tuần sau nữa xịt phân bón lá. Vậy là cây đủ phân nhu cầu dinh dưỡng mà không bị bội thực. Cùng 1 lượng phân thúc đó mà ta chia ra. Bảo đảm hoa sẽ ra trắng xóa. Rất đẹp. Lần này rất quan trọng. Vừa hồi phục cây vừa ra trái nên phân bón chia ra bón là rất cần thiết. Làm theo tôi sẽ có nhiều người sợ tốn quá nhiều công lao động, nhưng đảm bảo năm nào cũng trúng mùa. Bạn chưa rõ phần nào thì thẳng thắn chia sẻ vì đó là cả một gia tài lớn không nên làm sai rất nguy hiểm.
Thân!
Chào cả nhà. Em thấy tiêu lươn dễ trồng mà. Khoảng 2 tháng trước em có cắt thử một dây lươn dài gần một mét sau đó em quấn nó lại làm nhiều vòng rồi đào cái hố nho nhỏ lấp nó lại. Bây giờ nó lên rất tốt. Em mới làm thử để sang năm làm không biêt sau này nó lên khỏe không. Em đang theo dõi
Anh Vịnh
Nếu tháo khoảng 30-40 cm xuống sau đó bấm đọt thì cây tiêu sẽ to ở ngon àh. Mình có thể bấm giữa trụ để nó nứt lại không anh (trụ gỗ cao khoảng hơn 3m) với lại làm như vậy cây tiêu có suy không anh. Với nhũng cây tiêu bị quắn lá mình cắt cho nó nứt nhiều đọt xong thúc cho nó lên thi có tốt không anh?
Chào bạn!
Bấm giữa trụ nó nứt lại? Tôi chưa bao giờ nói như vậy bạn làm như vậy là toi đấy. Chỉ có tiêu chừng năm 2 đã leo lên tới trụ mà lèo tèo ta chiết khúc đó đi trồng thì nó sẽ nứt đọt khác. Nhiều đọt. Bấm đọt là cắt đọt tiêu con mới đôn kìa bạn à. Thận trọng nhé! Còn tiêu đã phủ nọc mà không to trụ thì mới tháo ra cho nó tức nó nứt cái khác. Cái phẩn rũ đó mới to. Nếu đã là trụ chết thì không cần thiết. Vì nó phủ trụ nó sẽ không có chỗ leo nó tập trung nuôi tay. Trụ sẽ tự to ra. Còn muốn thêm dây thì đợi cho lươn gốc nứt ra. Ta cột cho nó leo lên luôn. Sau đó lên chừng ngang ngực hoặc qua đầu nó ra ác thì ta tháo xuống đôn y như tiêu con mới trồng bình thường.
Còn với tiêu quăn lá do tiếu dinh dưỡng nó sẽ phát lại. Quăn lá do virus thì thua. Phải nhổ bỏ đốt.
Thân!
Làm sao phân biệt được quăn lá do thiếu dinh dưỡng và quăn lá do virút anh Vịnh?
Chào bạn!
Đơn giản thôi. Lá quăn do virus là nó bị cả cây. Từ lá già tới lá non. Còn lá quăn do thiếu phân hay bị rệp chích hút thì giai đoạn nào thiếu nó sẽ quăn lại. Giống như vân gỗ của cây cổ thụ đó mà. Mùa mưa thì vân to. Mùa nắng vân nhỏ. Điều kiện phát triển tốt hay xấu người ta co thể nghiên cứu dựa vào cái đó. Còn cây hồ tiêu chỉ cần nhìn lá, đọt, rễ là biết ngay nó cần gì.
Thân!
Cảm ơn anh Vịnh nhiều vì đã giúp đỡ.
Anh ơi ! Qua phần trao đổi của anh và bác Nông Dân ở trên em có thắc mắc điều này nhờ anh tư vấn giúp. Nếu hái tiêu xong mà mưa luôn, không có thời gian hãm nước và rửa cây, lá không rụng mà phun thuốc phân hóa nhũ hoa cây vẫn ra bông được hả anh ? Còn trong kinh nghiệm trúng mùa thì tuần thứ ba anh có bón vô cơ. Mình bón NPK hay UREA hả anh ? Anh à, thường thì rửa cây khoảng bao lâu thì lá rụng vậy anh ? Anh giúp em nhé. Chào anh !
Chào bạn!
Nếu vừa thua hoạch xong mưa rào hay mưa 1 hoặc 2 cơn ngay sau đó chỉ làm cho cây chống suy thôi. Không ảnh hưởng tới quá trình chăm sóc. Không phải cứ gặp mưa là mất mùa đâu bạn. Chỉ có tưới mà bón phân sớm quá cây chưa kịp phân hóa mầm hoa. Thì cây sẽ chỉ cho ra lá.
Trong trường hợp vừa thu hoạch xong mà gặp mưa dầm liền. Hoặc vô mùa mưa luôn. Các tỉnh Tây Nguyên hay gặp trường hợp này. Bông sẽ ra lác đác hoặc 2 đợt. Có khi không ra bông luôn. Đối với tiêu suy thì chỉ việc tưới và bón phân theo. Cây sẽ cho ra trái nhiều. Còn tiêu sung thì vẫn rửa cây bình thường. Việc rửa cây nó làm rụng lá già lá bệnh tật cũng giúp phần phân hóa mầm hoa luôn. Dù có mưa thì thường sáng nắng chiều mưa hay có một thời điểm nào đó trời nắng thì gôm lá đi đốt tránh bệnh tật mùa sau. Sức nóng cũng giúp phần phân hóa mầm hoa. Rửa cây sau 1 tuần xịt lại thuốc phân hóa mầm hoa. Sau 1 tuần nữa bón phân và tưới bình thường. Đối với cây tiêu quá sung không chịu rụng lá. Thì mua thuốc ra bông xoài hay cây ăn quả xịt vào nó sẽ rụng lá chừng 30% tác động này khá mạnh. Nên thường thì bà con có kinh nghiệm lâu năm mới nên sử dụng. Còn bình thường rửa cây đã mang lại hiệu quả rồi. Sau đó mình thực hiện chăm sóc y như phân hóa mầm hoa xong vậy.
Xịt thuốc rửa cây thì nó chỉ rụng lá già lá bệnh tật. Còn xịt phân hóa nhủ hoa thì rụng lác đác trong 1 tuần.
NPK +TE (Viết tắt của Trace Elements, tức “vi lượng” bao gồm Silic, Cu, Zn, Fe, MgO, Bo…). Dùng phân DAP cũng được. Dùng với hàm lượng vừa phải. Sau khi dùng phân vô cơ thì ta dùng phân chuồng hoai mục.
Thân!
Em sẽ nghiên cứu kỹ phần trả lời của anh và sẽ nhờ anh tư vấn thêm .Cảm ơn anh nhiều . Chào anh !
Anh Vịnh ơi ! Cảm ơn anh nhiều vì đã cho em một số kiến thức trong kho kiến thức vô tận của anh.
Chào anh !
Chào bạn!
Kiến thức đúng là vô tận. Nhưng những phần bạn hỏi thì nằm trúng phần tôi đã học hỏi, khám phá được thôi. Tôi còn cần phải học hỏi thêm nhiều từ các cô chú khác nữa cơ.
Thân!
Chào anh Vịnh cho em hỏi chút nhé theo em quan sát em thấy tiêu non trồng khi lên ở dưới ra ác rồi bỏ 2 3 mắt rồi ra một cành ác có khi 4 5 mắt vậy là sao vậy?
Chào bạn!
Đó là do nhu cầu dinh dưỡng không cân đối thôi bạn à. Ta cắt cái phần bỏ 4-5 mắt đó đi, bổ sung thêm phân cho cây. Cắt phía trên tay ác nó sẽ nứt đọt ác khác, thường thì nên cắt ở chỗ có ít nhất 2 hoặc 3 tay ác. Nó sẽ nứt 2 hoặc 3 đọt ác. Như vậy tán sẽ đều hơn.
Thân!
Chào bạn mình cũng ở Tân Phú nè! Đúng như bạn nói năm rồi năng suất cao lăm, nhưng năm nay thì chỉ bằng 1/2 năm rồi. Ở khu vực mình năm nay ai cũng thế, nhưng nghe nói năm nay khu vực Trà Lài trúng lắm, mà năm rồi lại thất lăm mà bị chết dây nữa, ALfa romeo ở Tân Phú khu vực nào vậy? Mình ở Trà Cổ nè. Anh Vịnh cho mình xin địa chỉ để tới thăm quan vườn nhà anh có được ko vậy? Hoặc cho số đt cũng được.
Chào bạn!
Vườn nhà tôi đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nên còn hỗn độn. Cà phê già thì có gì để mà xem. Sang năm bỏ cà phê già đi thì rất vui lòng chào đón bạn. Bạn có thể thăm mô hình anh Phát. Anh ấy vừa là nông dân giỏi vừa là người có tâm đấy.
Thân!
Anh Vịnh ơi ! Em đọc bài ” Chia sẻ kinh nghiệm bón phân cho cây tiêu ” thấy có phần anh trao đổi với bạn Nga là dùng phân bón lá hữu cơ sinh hóa BONJOUR SUPER để rửa cây. Chỗ em loại này không có . Vậy em có thể làm như thế này :
Trong thời gian hãm nước mình phun phân bón lá trước rồi một tuần sau rửa cây bằng BOOCDO ( bởi trong boocdo không có chất phân bón lá ) và tiếp đó sẽ làm theo qui trình anh đã hướng dẫn.Như vậy có được không anh ?
Đúng là làm phiền anh nhiều nhưng anh cố tư vấn giúp em nhé ! Chúc anh khỏe.
Chào Giao!
Mục đích của rửa cây là cho rụng lá. Mà bạn xịt phân bón lá thì làm sao mà lá rụng được. Sau khi thu hoạch bạn rửa cây. Chỉ xịt phân bón lá lúc cây nhú mắt cua, và xịt dưỡng bông thôi.
Thân chào Anh Minh Vịnh!
Tôi đang ở huyện Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắk Lắk. Hơn 10 ngày nay ở địa phương tôi lượng mưa rất lớn, vườn tiêu nhà tôi có hiện tượng bệnh như sau:
– Tiêu năm thứ 2: Lá tiêu bị nấm ở mặt dưới làm thâm, chạy theo đường gân lá có màu bả trầu, một thời gian lá rụng trơ cành nhưng cành không chết.
– Tiêu năm thứ 3: Tiêu đã cho trái, một số cây vàng lá.
Đọc trên diễn đàn nhiều nhưng tôi chưa tìm ra triệu chứng bệnh giống trên cây tiêu của tôi để tôi kịp thời điều trị. Thưa anh, tôi đã mất ngủ gần 1 tuần nay vì biểu hiện bệnh trên tiêu nhà tôi chưa chẩn đoán ra bệnh. Giờ này đã là 03 giờ sáng rồi nhưng không sao tôi ngủ được, chỉ mong cho trời sáng để ghi lại vài tấm hình gửi Anh, mong anh tư vấn giúp.
Chào Kha!
-Tiêu năm 2: Theo bạn mô tả đó có thể là nấm hồng rỉ sắt. Cây chỉ suy chứ không chết ngay. Lá rụng lên rụng xuống suy cây làm cây mất hẳn năng suất. Bạn xem lại vườn mình bị rợp quá mới xuất hiện bệnh này. Với bệnh này thì chỉ cần mua thuốc xịt mốc sương, nấm hồng rỉ sắt xịt là sẽ khỏi. Thường bệnh xuất hiện nhiều nếu trồng chung cà phê hay cho tiêu leo lên trụ cao su (quá rợp). Dùng Đồng Đỏ là hiệu quả nhất.
NORSHIELD (ĐỒNG ĐỎ). Nó chuyên đặc trị những loại nấm dạng này.
-Tiêu năm 3: Vàng lá có thể do rất nhiều nguyên nhân. Tuyến trùng, chết chậm, thiếu dinh dưỡng… Nếu bạn biết chính xác đó là gì thì đặc trị cái đó. Còn nếu không chẩn bệnh được thì ta trị tuyến trùng có kết hợp phân Amino đổ gốc (dạng phân Amino hồi phục rễ cây sẽ dễ hấp thu hơn vì bộ rễ của tiêu nhà mình đã tổn thương). Sau đó xịt ngừa nấm. Cuối cùng muốn cây dứt hẳn bệnh thì phải bón phân chuồng hoai mục có ủ Trichoderma. Và ủ phân vi sinh bón thêm.
Có hướng dẫn chi tiết ở mục này.http://www.giatieu.com/cach-nhan-sinh-khoi-bao-tu-nam/2429/
Thân!
Em đã gửi hình ảnh các cây tiêu bệnh theo địa chỉ mail cá nhân của anh, mong anh sớm giúp em để em kịp điều trị. Chỉ cho em chi tiết quy trình thực hiện điều trị và phải dùng những thứ thuốc gì. Em mới ra riêng nên chưa biết gì về chăm sóc vườn, mong anh tận tình giúp đỡ. Cảm ơn anh rất nhiều.
Chào anh Kha!
Có phải tiêu anh (tiêu 2 năm) bị nấm lấm tấm mặt dưới màu nâu nâu hơi đen phải không anh? Nó xuất hiện thành đám theo gân lá.
Nếu bị loại nấm này mình nghĩ do độ ẩm quá cao, nếu vườn anh rút nước tốt, thông thoáng, nấm này tự nhiên sẽ hết khi nắng ráo. Nếu có điều kiện anh phun boocdo hoặc Coc 85 là khỏi, không có vấn đề gì nghiêm trọng anh ạ.
Còn vườn tiêu 3 năm tuổi, vàng lá mới đáng lo anh ạ.
Thông thường thế này:
Khi tiêu đã cho trái, bước vào kinh doanh là lúc bệnh dịch bắt đầu tấn công mạnh, gây thiệt hại nghiêm trọng vào lúc này. Thời gian này mưa nhiều quá, do đó anh phải thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện bệnh sớm như sau:
Vào những ngày mưa nhiều, đang lúc trời mưa, ta ra vườn đi dạo một vòng xem chổ nào bị ngập úng cục bộ không rút kịp nước( những chổ khác vẫn rút nước tốt) thì anh đào tạm một cái hố ở vị trí thấp nhất khu vực đó cho nước rút cục bộ. Sau khi tạnh mưa, anh lấy cây que, bới những gốc tiêu bị úng đo nhẹ nhàng, xem bên dưới bộ rễ có bị anh hưởng gì không. Nễu rễ vẫn trắng, có nhiều rễ con, không bị đen, sưng u là tốt, cần tằng cường phân vi sinh và Trichodema để phòng bệnh. Còn cây nào rễ bị đen, sưng u nhiều, không có rễ con là đang có dấu hiệu bị bệnh, cần can thiệp xử lý ngay, không thị trễ mất anh ạ.
Vài lời chia sẽ cùng anh, mong anh sớm tìm cách chăm sóc vườn tốt.
Thân Ái!
Chí Trung.
cảm ơn anh Chí Trung rất nhiều. Tôi sẽ kiểm tra và báo kết quả lại sau
Chắc là phải chờ bác Minh Vịnh là một bài chi tiết về chế độ chăm sóc cây tiêu sau khi thu hoạch để bà con mình tham khảo. Cám ơn bác Minh Vịnh trước.
Vâng, em cảm ơn anh. Anh cho em hỏi thêm một câu nữa. Tiêu chiết thì mình trồng mỗi trụ mấy bịch hả anh. Chào anh nhé !
Chào Giao!
Chuẩn là 2 dây. Còn không thì 1 dây nhưng khi nó ra lươn hay ra ác gốc ta cột lên khi nào ra ác mình lại đôn cái lươn đó xuống thì cũng được. Với tiêu chiết thì chỉ cần 1 tới 2 dây
Cảm ơn anh đã hết lòng giúp đỡ. Chúc anh mãi là bạn tốt của bà con nông dân. Chào anh!
Anh Vịnh ! Chào anh ! Em lại có điều này muốn hỏi không biết có phiền anh không? Anh ơi ! Em đọc bài “Kỹ thuật trồng tiêu công nghệ cao ” thấy có phần chú ý là trong khi hoa thụ phấn phải tưới gốc và phun lên lá để tăng độ ẩm trong không khí .Vậy nếu mình phun nước lên lá có làm trôi phấn hoa đi không anh ? Mà trôi phấn thì làm sao đậu trái được. Anh giúp em nhé !
Chào Giao!
Miễn sao bạn làm độ ẩm không khí tăng lên thì cây sẽ tăng khả năng thụ phấn.
Xịt lên hoa làm gì cho trôi phấn. Xịt vào gốc hoặc không khí thôi.
Thân!
Cảm ơn anh Vịnh rất nhiều. Em sẽ tiến hành ngay trong ngày mai, chúc Anh và gia đình sức khỏe.
Nguyễn Chí Trung đi một vòng vài trăm cây số về viết bài thấy khác liền. Hy vọng em là người đi tiên phong trong việc thay đổi tập quán canh tác chăm sóc vườn tiêu ở địa phương em, nhất là việc làm bồn và bón phân chuồng không ủ hoai, không sử lý mầm bệnh bằng trechoderma.
Chúc em thành công.
Chào anh tieuphong!
Các anh là những người đi trước, nhiều kinh nghiệm. Em là hậu bối theo sau học hỏi thôi ạ. Chứ đâu dám “múa rìu qua mặt thợ”
Chúc anh và gia đình nhiều sức khỏe, có thêm nhiều bài viết hay cho anh chi em học hỏi. Thân ái!
Chí Trung
Xin mọi người cho cháu hỏi: Cháu ở Krông Năng Đak Lak, cháu muốn mua cỏ lạc dại thì mua ở đâu ạ.
Bạn gọi cho mình 0976022843. Mình ở Dak Lak, mình sẽ giúp bạn xin giống lạc dại về trồng.
Cây lạc dại ở TP.BMT trồng trong các bồn hoa, cây cảnh. Dọc quốc lộ 26 đoạn đường đôi P Tân Hòa trồng rất nhiều. Bạn cắt những dây bò ra ngoài bồn về trồng như dây khoai lang, sau 1 tháng bạn có giống mới để trồng.
Tran thinh, bạn lên tôi, (tôi ở Chư Sê – Gia Lai, đt 0985962697) tôi sẽ giúp bạn.
Em ở Lộc Ninh, Bình Phước. Em muốn tìm cây lạc dại về trồng. Ai biết chỉ giúp em với. Cảm ơn!
Chào bạn Minh Quân! Bạn ở Bình Phước thì có nhiều lạc dại mà, hôm trước mình mới xuống Bình Long xin về xong. Bạn cứ chạy dọc quốc lộ 13 gặp nhà nào có trồng thì ghé vào xin họ cho thôi, họ hay trồng ở trước cổng nhà.
Bạn Minh Quân cứ vào xã Lộc Thiện LN mình thấy nhiều cây lạc dại lắm (Cao su hai)
@TrầnThiKimThoa. Cảm ơn bạn, bây mình mới thấy!
Ở tp.BMT người ta trồng lạc dại trong bồn cây trên vỉa hè đó.
Chào trung tin .
Từ hôm chữa bệnh cho tiêu đến nay có thấy tiến triển gì không ?
Chào anh trihai, em có chuyện muốn nhờ anh giúp đỡ. Anh có thể cho em xin địa chỉ email được không ạ.
Cảm ơn anh rất nhiều!
Vâng! em còn nhỏ tuổi, có gì xin anh Xuân Lực cứ mail theo địa chỉ: haiduonghai86@yahoo.com.vn . Mong được trao đổi với anh. Thân!
Mình ở Mang Yang, Gia lai. Mình muốn mua ít Lạc dại để trồng phủ vườn tiêu. Rất mong các bạn cho biết địa điểm để mua Lại dại .
Chân thành cảm ơn các bạn .
Bác có thể liên hệ với các đại lý cung cấp cây giống ở PLei Ku, hoặc theo tôi, bác tìm ở các khuôn viên tại huyện chắc chắc có, bác xin họ tỉa họ cho thôi, sau đó, mùa này về ươm vô bầu nhỏ. Cứ một bầu tầm 3 dây, cứ tính tạm mổi trụ 1 bầu. Chăm sóc trong vườm thật tốt, đầu mùa mưa trồng sớm cho mổi trụ một bầu, cứ dài ra là bác lại cắt cứ tầm 20cm giâm rộng ra xung quanh. Chỉ có cách đó mới nhanh được chứ 1 lần mà trồng hết cả ha thì khó lắm bác ơi. Tôi đang làm theo cách đó.
Chúc bác thành công. nếu không kiếm ra, năm sau nếu nhân được nhiều tôi sẽ cho bác . Bác để số điện thoại có gì tôi liên hệ nhé.
Trồng lạc dại thì có gì đâu mà khó, đơn giản như rau lang ấy mà. Đầu mùa mưa vừa rồi nhà em trồng vào toàn bộ diện tích vườn tiêu nhà khoảng 2 ha. Trồng theo hàng, cứ cách khoảng 1,2-1,3m là 1 bụi. Chịu khó làm cỏ sạch sẽ khoảng 3 lần là cuối mùa mưa có lạc dại bò kín vườn rồi.
Gia đình mình trồng tiêu đã mấy chục năm nay nhưng hiệu quả vẫn không như mong đợi. 1ha tiêu của gia đình chỉ thu vào được khoảng 8 tạ khô/năm mặc dù khâu chăm sóc rất kĩ. Xin các bạn cho biết yếu tốt quyết định đến năng suất cây tiêu trong quá trình trồng như thế nào? xin chân thành cám ơn.
Chào Thành Công!
Gia đình bạn trồng tiêu đã mấy chục năm như vậy thì chắc cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm chăm sóc tiêu rồi. Nhưng bạn cũng cần xem lại cách mình chăm sóc tiêu đã đúng chưa? Mình ví dụ đơn giản thôi. Có người nói là họ làm cỏ kĩ lắm, cuốc sâu moi hết cả rễ lên. Nhưng với cây tiêu mà làm thế thì sao được. Hoặc như mình đây, hồi trước bón cho 1 gốc tiêu cả 3,5-4kg phân hóa học mà năng suất có được là bao đâu, tiêu nó không chết là may lắm rồi. Mình chỉ nói ngắn gọn thế này. Nên chăm sóc bền vững theo hướng sinh học hữu cơ. Chắc là bạn mới tham gia diễn đàn nên chưa tìm hiểu các comments. Bạn có thể mô tả chi tiết hơn về phương pháp chăm sóc của bạn thì sẽ dễ đưa ra phương án giúp vườn tiêu bạn tăng năng suất hơn
Tiêu nhà anh Thành Công trồng trụ sống hay chết mà chỉ đạt 8 tạ/ha/năm vậy?
Xin cám ơn sự góp ý của anh trung tin, tôi đã đọc các bài viết. Thật sự tôi thấy mình hiểu biết thêm nhiều kinh nghiệm. Gia đình tôi lâu nay chỉ trồng tiêu theo lối lạc hậu. Nên không năng suất. Tôi mới tham gia diễn đàn nên rất mong được sự giúp đỡ của quý anh em chú bác trong việc cải tạo lại vườn tiêu. Xin chân thành cảm ơn !
Tiêu nhà tôi trồng tiêu trên trụ sống anh xuân lực à, tôi mới mua mấy trăm bao phân bò sữa, tôi thấy phân đã khô liệu tôi có thể trộn Hữu cơ vi sinh đậm đặc Trichoderma, rồi đem bón liền cho tiêu được không? Và có ảnh hưởng gì đến chuỗi hạt tiêu không?
Chào bạn!
Mạn phép xin trả lời: Là phân chưa hoai khi bón cho cây trồng vi sinh vật phân giải phân sẽ tranh chấp dinh dưỡng với cây, và rất dể bị tuyến trùng làm cho cây có hiện tượng vàng lá. Với phân bò đã khô bạn dùng phương pháp ủ nóng. Chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi có thể đem bón cho cây trồng được. Với công thức ủ như sau: 4-5 khối phân bò khô thì dùng 1 kg bào tử nấm Trichoderma loại phân giải chất hữu cơ. Ngâm 1kg trichoderma trong phuy 200-250 lít nước (có thể pha chung với đường cát vàng để nuôi nấm). Tưới đều lên đống ủ. Đậy bạt kín lại. Sau 1 tuần đảo trộn 1 lần. Sau 1 tháng rưỡi là lấy đi dùng tốt được. Ngoài ra Trichoderma còn phân giải lân chậm tan, giải độc cho đất, nên ta có thể trộn thêm 1,5% lân và 1% vôi khi sử dụng. Dục tốc bất đạt bạn ơi. Phân bò là một loại phân dùng cho hồ tiêu rất tốt đấy bạn. Hàm lượng chất xơ của phân bò cực kỳ cao. Mỗi gốc tiêu kinh doanh trường thành dùng 10-15kg.
Thân!