Lâm Đồng: Trồng tiêu hữu cơ bền vững cho thu nhập cao
Trước những nguy cơ về dịch bệnh bùng phát trên cây tiêu, việc tìm ra mô hình trồng tiêu bền vững là việc làm cấp thiết. Chính vì vậy, huyện Lâm Hà chủ trương phát triển diện tích tiêu theo hướng hữu cơ bền vững.
Trồng tiêu hữu cơ
Những năm gần đây nhờ giá tiêu cao và ổn định, tại huyện Lâm Hà, bên cạnh loại cây trồng chính chủ lực là cây cà phê thì bà con nông dân cũng đã đẩy mạnh việc trồng cây hồ tiêu. Khi trồng tiêu, vấn đề cần thiết đặt ra hiện nay đối với bà con nông dân bên cạnh giá cả thị trường, đầu ra còn quan tâm đến kỹ thuật trồng, canh tác để tránh sâu bệnh, đạt hiệu quả năng suất cao. Chính vì vậy, việc trồng tiêu theo hướng hữu cơ bền vững trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Gia đình ông Đỗ Viết Khoa ở xã Liên Hà đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha cà phê sang trồng cây hồ tiêu. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu nên ban đầu vườn tiêu của gia đình ông Khoa sinh trưởng và phát triển chậm, có nhiều cây bị sâu bệnh, bị chết.
Nhờ sự tư vấn cũng như hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ bền vững của các nhà khoa học, các chuyên gia trồng tiêu; gia đình ông Khoa đã học được những kiến thức cơ bản, cần thiết trong việc chăm sóc cây tiêu để đạt hiệu quả, cho năng suất cao; đồng thời biết cách phòng trừ những loại sâu bệnh thường gặp trên cây tiêu.
Ông Khoa cho biết: “Từ khi chuyển sang trồng tiêu hữu cơ đến nay, vườn tiêu nhà ông cũng như các vườn tiêu trong thôn chưa hề dính bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm. Sở dĩ tránh được bệnh này bởi gia đình đã tuân thủ 4 nguyên tắc của trồng tiêu hữu cơ, đó là trồng tiêu trên trụ sống; chọn giống sạch bệnh; trồng tiêu trên chân đất có chủ động nước tưới, thoát nước tốt, bón phân hợp lý, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.
Ông giải thích, trồng tiêu trên trụ sống, đặc biệt trồng trên cây keo dậu cho tiêu leo bám không chỉ che mát, giúp dây tiêu quang hợp tốt mà còn cho phép kéo dài thời gian khai thác, hạn chế được các dịch bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Hơn nữa, keo dậu là cây họ đậu nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu và cành lá dùng làm phân xanh bón cho cây rất tốt.
Về cây giống, theo ông Khoa, tuyệt đối không lấy hom trong vườn tiêu đã bị bệnh. Nên chọn giống tiêu Vĩnh Linh vì có khả năng kháng bệnh tốt. Do được bón nhiều phân vi sinh và phân chuồng nên đất trong vườn tiêu nhà tôi tơi xốp, xung quanh gốc tiêu có nhiều giun đất đùn lên, nhờ vậy chi phí bón phân hóa học giảm đáng kể. Mỗi trụ tiêu tôi chỉ bón khoảng 1,2kg NPK/năm trong thời kỳ cây bắt đầu ra hoa và trái bắt đầu chắc hạt”, ông Khoa chia sẻ.
Hiệu quả cao
Chúng tôi vào vườn tiêu nhà ông Đặng Huy Long – một trong những hộ trồng tiêu hiệu quả ở thôn Phúc Thạnh, xã Liên Hà. Với tổng diện tích 5 sào tiêu, đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm ông Long thu hoạch lãi khá cao. Ông Long cho biết, gia đình bắt đầu trồng hồ tiêu hữu cơ vào năm 2012. Ban đầu ông trồng tiêu xen canh trong vườn cà phê, sau đó, ông mở rộng vườn tiêu, thay thế một phần diện tích cà phê già cỗi. Đến vụ tiêu năm ngoái, vườn tiêu nhà ông cho thu hoạch được 2 tấn tiêu khô, lãi gần 300 triệu đồng. Tương tự, vườn tiêu nhà anh Lê Văn Trung, người cùng thôn, với diện tích 7 sào đang thời kỳ kinh doanh, thu hoạch được 3 tấn tiêu khô, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay, hồ tiêu đang là một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân. Nếu như những năm 2.000 diện tích hồ tiêu tại địa phương còn khiêm tốn, chỉ vài ha, thì nay đã lên đến 250ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 25ha, diện tích kiến thiết cơ bản khoảng 225ha. Cây tiêu được trồng rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện,…
Trong tổng số diện tích 250ha hồ tiêu, ước diện tích trồng xen vào cây trồng khác chiếm khoảng 15%, diện tích trồng thuần 85%. Do cây tiêu được trồng trên vùng đất mới, chú trọng thâm canh, đặc biệt trồng tiêu theo hướng hữu cơ nên cây tiêu ở địa phương những năm qua sinh trưởng và phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh, năng suất trung bình đạt từ 3-3,5 tấn khô/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi hàng trăm triệu đồng/ha…
12 phản hồi cho bài "Lâm Đồng: Trồng tiêu hữu cơ bền vững cho thu nhập cao"
Ông Khoa tiết lộ: Mỗi trụ tiêu tôi chỉ bón khoảng 1,2kg NPK/năm trong thời kỳ…
Còn bón bao nhiêu phân hữu cơ thì ông dấu tịt.
Vậy có chắc là hữu cơ bền vững ko?
Theo tôi, bón bao nhiêu không quan trọng, miễn là sử dụng hữu cơ, hữu cơ sinh học, ở mức tối đa và vô cơ ở mức tối thiểu. Người làm vườn nhìn cây phải biết cây cần ăn gì, cho ăn thêm hay giảm bớt, phải biết phòng bệnh hơn chữa bệnh… Không nhất thiết rập khuôn, máy móc như người khác. Lấy phương châm: đói cho ăn rau, đau cho uống thuốc để áp dụng. Không việc gì tự nhiên đang yên lành lại đem phân ra bón hay đem thuốc ra xịt…
Ấy vậy mà không đơn giản tí nào !
Thân
Theo như bài viết nói NPK 1,2kg/năm như vậy đâu có ít. Theo tôi bón như vậy quá nhiều. Chắc vùng đất này nghèo dinh dưỡng.
Bón NPK cho tiêu một trụ 1,2 kg là mức tối đa được các nhà khoa học khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông ! Nhưng quan trọng nhất là người chủ vườn phải biết mức nay có hợp với vườn tiêu của nhà mình không! Ví dụ : Tiêu nhà này trồng trụ chết cao 3,5 m thì làm sao mà bón nhiều bằng tiêu nhà nọ trồng trên trụ sống cao 6-7 m được .v.v. Với nền đất giàu hữu cơ khi ta bón NPK vào thì đất vẫn giữ lại được lượng phân nhiều hơn giúp cây trồng hấp thu tối đa để phát triển . Hàm lượng hữu cơ cao trong đất cũng làm cân đối các thành phần có trong phân hóa học khi bón, hạn chế sự tàn phá của phân hóa học với đất, môi trường. Với nền đất nghèo hữu cơ thì hạn chế tối đa bón phân hóa học! Đất nghèo hữu cơ mà bón nhiều hóa học càng làm chai đất, làm cây dễ cháy rễ tơ, sâu bệnh phát triễn mạnh! Với vườn này lượng phân vậy vừa đủ nhưng vườn bên cạnh cũng lượng như vậy lại là nhiều ! Tốt nhất là tăng lượng phân hữu cơ, phân vô cơ vừa phải ! Những người có kinh nghiệm khi bón phân họ đều nhìn đất, nhìn trời, nhìn cây và nhìn cả ngày tháng nữa !
@honam nói đúng, mức này là phù hợp với khuyến cáo chăm bón.
Nhưng phải gọi cho chính xác là “vô cơ bền vững” !!!
1,2kg NPK/trụ/năm, tức là 1920kg/ha (tính 1 ha 1600 trụ). Một lượng rất cao so với mặt bằng chung. Vậy nên nói canh tác hữu cơ là hoàn toàn không đúng!
Thân
Thật ra 1,2kg NPK/gốc một năm là ở vườn này họ dùng thế. Tôi biết nhiều người sử dụng 100% hữu cơ chỉ phân chuồng và phân sinh học nhưng tiêu vẫn tốt vẫn sai. Tôi cũng đang áp dụng quy trình 100% hữu cơ thấy tiêu vẫn tốt. Đôi lời chia sẻ
Một số người hay lạm dụng từ “Hữu cơ”, đặc biệt là 1 số nhà báo thiếu chuyên môn khi viết bài. Đã bón NPK cao rồi thì không còn gọi là canh tác hữu cơ nữa !
Nhà báo nói láo quả nhiên là không sai. Tôi ở gần nhà anh Long đây mà chưa thấy anh thu được 2 tấn tiêu bao giờ. Anh Long có khoảng hơn 300 trụ và năm nay mới được thu chính.
Chào các bác và các cô chú trên diễn đàn. Cháu ở Liên Hà, mới xuống được 3 sào tiêu ác, cháu đang theo mô hình hữu cơ nhưng chẳng có kinh nghiệm gì cả. Ở chỗ của cháu thì mới trồng tiêu có 2 năm trở lại đây thôi nên cũng không ai có kinh nghiệm. Mong các bác và cô chú hướng dẫn cháu hướng canh tác hữu cơ bền vững… Tiêu cháu mới trồng được 4 tháng nhưng cũng èo uột lắm…
Cảm ơn diễn đàn. Chúc các cô các bác sức khỏe và có một vụ mùa bội thu !
Nếu đã bón phân NPK thì không thể gọi là hữu cơ được.
Nhà báo viết nhầm lẫn như vậy làm cho bà con ở địa phương cứ cho rằng mình đang trồng tiêu theo hữu cơ bền vững.
Hữu cơ tuyệt đối không có hóa học. Còn mới chỉ “hướng” hữu cơ cũng phải cần giảm hóa học xuống mức tối thiểu và tăng hữu cơ lên tối đa.