Làm sao để hồ tiêu trở lại danh sách cây trồng tỉ USD?
Ngày 21.12, tại TP.HCM, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo Hiệp định EVFTA”.
Theo VPA, tính đến hết tháng 11.2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 212.000 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch đạt 950 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 15%, tương đương hơn 37.000 tấn nhưng kim ngạch tăng 4%, tương đương 34 triệu USD.
Ước tính xuất khẩu cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu vẫn chưa chạm mốc 1 tỉ USD như những năm trước. Nguyên nhân do yếu tố khách quan kinh tế thế giới suy thoái ở nhiều thị trường trọng điểm. Xuất khẩu khó khăn làm giá hồ tiêu nguyên liệu tại Việt Nam liên tục giảm. Bên cạnh đó, chi phí phân thuốc tăng khiến người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn.
Ở thời điểm hiện tại, vụ thu hoạch hồ tiêu 2023 đang bắt đầu tại một số huyện ở Đắk Nông và qua tết sẽ vào vụ thu hoạch rộ, dự kiến sản lượng sẽ tăng nhẹ so với năm 2023.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA, một trong những yếu tố tích cực trong hoạt động xuất khẩu hồ tiêu năm 2022 là nhờ Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) nên xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này có nhiều lợi thế về thuế suất 0% so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka hay Campuchia.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với thị trường này là các quy định về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm thường xuyên thay đổi theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp và người nông dân (hợp tác xã) cần liên kết chặt với nhau trong sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.
“Kỳ vọng trong năm 2023, với sự mở cửa của thị trường Trung Quốc sau dịch và sự phục hồi của thị trường hồ tiêu nói chung, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ trở lại danh sách cây trồng tỉ đô”, bà Liên nói.
Ở góc nhìn cận cảnh, bà Nguyễn Nhật Minh, đại diện Công ty Vietnam Insight, đánh giá, năm 2022, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng tại Đức, nước nhập khẩu và phân phối hồ tiêu lớn nhất châu Âu thì hồ tiêu Brazil vẫn chiếm ưu thế với 43% thị phần, trong khi Việt Nam là 38%. Các công ty của Đức chủ yếu nhập khẩu tiêu về nghiền rồi đóng gói và tái xuất với tỷ lệ lên đến khoảng 50% tổng lượng tiêu nhập khẩu.
Bà Minh cho rằng, thị trường Đức và EU nói chung đang hướng đến các sản phẩm tiêu hữu cơ, chất lượng cao. Đây là điều mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chú ý. Để tiếp cận tốt hơn với thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ quốc tế chuyên ngành và các hiệp hội gia vị quốc tế.
Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của tập đoàn Tentamus, cho biết: Tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý châu Âu đã cao hơn mặt bằng chung của nhiều thị trường và thực tế để đưa hàng vào các hệ thống siêu thị của họ càng khó khăn hơn. Ví dụ, dư lượng hóa chất nào đó của cơ quan chức năm EU là 0,1% thì các hệ thống siêu thị chỉ cho phép 0,07%. Đây là những điều mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý nếu muốn xâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
2 phản hồi cho bài "Làm sao để hồ tiêu trở lại danh sách cây trồng tỉ USD?"
Nhất thiết phải có chính sách của nhà nước thì may ra mới có giá Tiêu tốt và bền vững được. Thử hỏi: trong các nước trồng và xk hồ tiêu có nước nào giá Tiêu bấp bênh như VN không ?!
Xin hỏi: Nếu nhà nước can thiệp vào giá cả thì có còn kinh tế thị trường nữa không ?