Lão nông hồ tiêu

Ông Võ Văn Suôn bên vườn tiêu của gia đình

Đó là cách gọi thân quen của những người hàng xóm với ông Võ Văn Suôn ở ấp Tân Hòa, xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ). Gặp ông rồi mới thấy biệt danh ấy không ngoa chút nào, chỉ trồng tiêu mỗi năm ông lời tiền tỷ.

Ở xã Bảo Bình, ông Suôn được rất nhiều người biết đến, bởi lão nông này có đến 7 hécta tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Hơn hai năm nay, tiêu được mùa, trúng giá, ông lời 2 tỷ đồng/năm.

Giấc mơ làm giàu

Đã ở tuổi 65, nhưng lão nông Suôn vẫn còn phăng phăng đi tưới, làm cỏ và bón phân cho vườn tiêu cả ngày không biết mệt. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đời mình ngay trong lúc đang chăm sóc, sửa sang lại vườn tiêu. Ông đến lập nghiệp ở Bảo Bình từ rất lâu, thời vùng đất còn khá hoang sơ. Do gia cảnh khó khăn, không được học hành nên ông cam phận gắn bó với nương rẫy từ nhỏ. Lớn lên ông cũng như bao người khác, lấy vợ sinh con và suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm miếng ăn. Thế nhưng trong lòng ông luôn khắc khoải một giấc mơ, đến một ngày nào đó mình sẽ có khu vườn rộng hàng chục hécta với cuộc sống sung túc.

Nung nấu ý nghĩ ấy nên tích cóp được chút vốn liếng nào là ông Suôn bỏ ra mua đất. Sau đó, ông dồn điền đổi thửa cho bà con láng giềng để có mảnh đất liền khoảnh dễ canh tác. Loại cây trồng đầu tiên ông chọn để đổi đời là cà phê. Nhưng cà phê khi đúng vào thời điểm cho trái nhiều thì giá giảm sâu, khiến giấc mơ làm giàu của ông tan thành mây khói.

Không trụ được với cây cà phê, ông Suôn đành chuyển dần sang trồng chôm chôm. Song chôm chôm cũng không khá hơn bao nhiêu, vụ mất nhiều hơn vụ được. Đầu năm 2005, ông Suôn bỏ cây chôm chôm để trồng tiêu. Sau nhiều năm lăn lộn với vườn rẫy và các loại cây trồng, ông ngộ ra một điều phải đeo bám với một loại cây trồng, đầu tư tăng năng suất sẽ đem lại lợi nhuận cao.

Sống chết với cây tiêu

Gần 8 năm trồng tiêu, có những thời điểm giá tiêu rớt thảm hại, chỉ còn trên 30 ngàn đồng/kg nhưng ông Suôn vẫn quyết tâm chăm sóc vườn và tìm cách gỡ lại bằng cách đầu tư tăng năng suất. Tuy chữ nghĩa không nhiều, ông vẫn cần mẫn tìm hiểu, học hỏi những phương pháp mới áp dụng cho vườn tiêu để hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí và tăng năng suất. Nhờ đó, ông đã biến vùng đất chai cằn của mình thành vườn tiêu tươi tốt, thu hoạch 3-4 tấn/hécta/năm. Hơn hai năm nay, giá tiêu tăng cao giúp ông lời mỗi năm 2 tỷ đồng.

Ông Suôn cho biết: “Từ khi chuyển qua trồng tiêu, chấp nhận rủi ro, gắn bó với cây trồng này tôi mới có được lợi nhuận cao như vậy. Mấy ông bạn già hay nói, lợi nhuận của vườn tiêu một năm giúp tôi sống sung túc nhàn nhã đến hết đời việc gì phải nai lưng ra làm mãi. Nhưng quen rồi, ra vườn làm lụng lại thấy khỏe hơn là ngồi nhà hưởng thụ. Vì thế, vài ngày không ra đến vườn là tôi thấy trong người bứt rứt, khó chịu. Nghề nông đã thành cái nghiệp cả đời của tôi rồi, không thể dứt ra nổi”.

Dù là câu than về cái nghiệp nhà nông vất vả cả đời mình, nhưng trong câu nói của ông chúng tôi lại nghe được âm hưởng tràn trề niềm vui. Ông tự hào cũng phải thôi, vì cái nghề ít được coi trọng này đã giúp ông nuôi được 7 người con trưởng thành và mỗi đứa đều được ông gây dựng cho một cơ ngơi khang trang. Trong đó, chỉ có 2 con trai theo nghiệp ông làm vườn, còn lại mỗi người được ông mở cho một cơ sở sản xuất ống nhựa, cửa sắt.

Hiện tiêu đang vào vụ thu hoạch, không giấu được niềm vui, ông khoe: “Hồi đầu năm 2012, bão làm đổ của tôi mất gần 1 hécta tiêu, nhưng vụ này cũng cầm chắc khoảng 20 tấn hạt. Nếu giá tiêu vẫn giữ mức trên 130 ngàn đồng/kg như hiện nay, tôi sẽ lời hơn 2 tỷ đồng”.

Câu chuyện ông kể vừa đến hồi kết cũng là lúc vợ ông ra gọi về nghỉ trưa. Thấy có khách, bà phân bua: “Ổng ra vườn mười bữa hết chín bữa phải đi gọi mới chịu nghỉ trưa. Nếu không gọi, ổng làm đến hơn 12 giờ, khi nào bụng cồn cào mới nghỉ tay. Già rồi mà không biết giữ sức khỏe”. Nghe câu trách yêu của vợ, ông cười xòa: “Bà thương rồi lấy và sống với tôi đến giờ này chẳng phải nhờ tính chịu làm việc hay sao!”. Nghe câu nói của ông, bà nguýt dài một cái rồi lầm bầm: “Già rồi mà còn hay cà rỡn”.

Nguồn Hương Giang (Báo Đồng Nai điện tử)

9 phản hồi cho bài "Lão nông hồ tiêu"

tiêu lép

Ông Suôn có đến 7 ha tiêu kinh doanh mà không lời tiền tỷ thì mới lạ !

trung_tin_727

Vườn tiêu tươi tốt thế này phải trên 6 tấn/ha chứ sao lại có 3,4 tấn/ha

Nguyễn Thị Tường Vi

7 hecta tiêu lời tiền tỉ là chuyện đúng rồi còn gì.

tieudatden

Thân chào cả nhà giatieu.com
Em cũng ở Tân Xuân, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Hôm nay khi đọc được bài này, em cũng đã có tìm nhưng vẫn không tìm gặp được. Mong được gặp bác tại vì kinh nghiệm trồng tiêu của em còn ít ỏi, đại gia đình mình có biết số điện thoại hay ở gần chú nói trên cho em biết thêm ít thông tin về chú để tìm dễ hơn.
Thân chào cả nhà giá tiêu.

Tiêu Cẩm Mỹ

Anh tieudatden ở đoạn nào thế? ấp Tân Xuân xã Bảo Bình thì gần nhà mình rồi, mình cũng ở ấp Tân Xuân đây

Đỗ Trường Sơn

Ngày tháng êm đềm lặng lẽ trôi
Như dòng sông rộng chảy về xuôi
Nay mùa xuân đến tràn nắng ấm
Tràn ngập niềm vui rộn tiếng cười.

Xuân về mai nở vàng tươi
Nhà nhà sum họp tiếng cười gần xa
Ruộng đồng sinh trái đơm hoa
Hoa khoe sắc thắm bướm dập dìu bay.

Một mùa xuân mới đã trở về trên quê hương Việt Nam thanh bình, ấm áp của chúng ta. Nhân dịp xuân về Trường Sơn xin trân trọng gởi đến các bác, các cô chú anh chị và các bạn trẻ trong cộng đồng giatieu.com, lời chúc sức khỏe, thành công, hạnh phúc và bình an. Xin chúc bà con năm mới có được một vụ mùa bội thu. Xin chúc giatieu.com ngày càng phát triển, luôn xứng đáng là người bạn, người đồng hành của bà con nông dân trồng tiêu. Xin chúc anh Nguyễn Vịnh và gia đình một năm mới an khang thịnh vượng.
Đỗ Trường Sơn kính thư

tieudatden

Thân bạn Tiêu Cẩm Mỹ.
Bạn có sdt cho mình, mình sẽ dùng điện thoại liên lạc với bạn. Mấy hôm nay mình bận đi làm, hôm nay mình mới lên mạng được xin lỗi bạn nha, yh của mình lutrung102@yahoo.com. Chào bạn

Tiêu Cẩm Mỹ

Thân chào anh
Số điện thoại em là 0968033979, em hay về nhà vào chiều tối thứ bảy và chủ nhật, các ngày còn lại em trực tại Long Khánh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *