Một số giải pháp và qui trình phòng trừ sâu bệnh hại tiêu

Bạn Nguyễn Hồng Sơn từ địa chỉ  soncb72@yahoo.com đã gửi đến giatieu.com bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu sau đây. Xin mời bà con trồng tiêu tham khảo.

 Giới thiệu chung

Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng hồ tiêu trên toàn cầu và 50% thị phần xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên những năm gần đây tiêu bị bệnh và chết hàng loạt ở nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm trong cả nước. Trước tình hình đó với mục đích cải tạo nền đất, tăng cường các chủng vi sinh vật có lợi, nâng cao độ phì nhiêu cho đất giúp cây tiêu sinh trưởng và phát triển ổn định, tăng khả năng chống chịu với nấm bệnh. Vì vậy tôi đưa ra một số phương pháp có thể giúp ích cho bà con tham khảo nhằm xác định được định hướng lâu dài trong việc chăm sóc và quản lí vườn nhà.

 Phương pháp chăm sóc cây tiêu (cây đang thu hoạch)

1.Lượng phân bón

+Hàm lượng:

-10kg phân chuồng hoai mục + (300g-400g)Urê, (450g-600g) super lân, (200g-300g) kali cloroua, (200g-300g) vôi/gốc/năm.

-Hoặc 10kg phân chuồng + 250g vôi + 1kg NPK (18-12-18//18-6-18 hay 15-10-15).

+Bón phân chia làm 4 lần:

-Sau thu hoạch: phân chuồng+lân+vôi+1/4N+1/4K, kết hợp với phân bón lá (dịch chiết từ trùn quế… ) giúp tăng thêm các chất khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây giúp ra hoa đậu trái và tăng khả năng phòng trừ dịch bệnh.

-Số phân còn lại chia đều cho 3 lần bón vào đầu, giữa và cuối mùa mưa.

2.Về nước tưới

Nước tưới cho cây tiêu quan trọng nhất là giai đoạn sau thu hoạch. Vì cây tiêu ở thời kỳ phân hóa mầm hoa cần ít nước nên việc điều chỉnh lượng nước tưới thích hợp vào giai đoạn này sẽ giúp cây phân hóa mầm hoa, ra hoa tập trung và nhiều hơn.

3.Vệ sinh vườn tiêu

Cần rong tỉa bớt cành lá của cây trụ sống để cây tiêu nhận đủ ánh sáng, tạo sự thông thoáng trong vườn (đặc biệt vào mùa mưa) nhằm giảm các tác nhân gây bệnh, thường 3 lần trong năm. Gốc tiêu cũng cẫn được rong tỉa cho thông thoáng nhằm giảm bớt sâu bệnh.
Đặc biệt sau thu hoạch cần vệ sinh vườn sạch sẽ tiến hành phun thuốc nhằm tiêu diệt các loại kiến, côn trùng gây hại nhằm tạo tiền đề cho việc ra hoa và đậu trái một cách tốt nhất.

Các loại nấm bệnh gây hại và đề xuất hướng giải quyết

  • Bệnh chết nhanh do nấm Phytothora capsici

Bệnh xuất hiện trên tất cả các bộ phận và ở giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu. Nấm bệnh có thể gây hại trên lá, chùm quả, thân rễ và cổ rể. Bệnh gây thối rễ, thân cành lá, hoa, quả. Khi gốc tiêu bị ngập nước thì loại nấm này xâm nhập vào bộ rễ, hũy hoại làm rễ thâm đen. Nước là tác nhân để cho nguồn bệnh di chuyển, xâm nhập hũy hoại bộ rể và lây lan bệnh làm cho cây hồ tiêu chết rất nhanh do rễ bị thối và không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng làm cho cây bị héo xanh, rụng lá. Sau khi rụng lá quả bắt đầu nhăn nheo rồi khô teo. Bệnh xuất hiện thường vào giữa mùa mưa và đạt đỉnh cao nhất vào cuối mùa mưa. Những tháng vào cuối mùa khô bệnh gần như không xuất hiện.

  • Bệnh chết chậm(vàng lá) do nấm Fusarium solanin

Nấm bệnh chỉ tấn công ở phần non của rễ làm cho rễ non bị thối dần. Hệ thống rễ của cây tiêu bị bệnh phát triển kém, đầu rễ bị thối, rễ có những nốt. Khi cây bị bệnh nặng thì các rễ chính và phụ đều bị thối cho nên cây không hấp thụ được các chất dinh dưỡng nên lá bị vàng rồi rụng dần dây tiêu suy yếu dần và sau đó nhiều tháng dây tiêu mới chết (nên gọi là bệnh chết chậm).

  • Bệnh thán thư do nấm Collectotrium gloeosporioides

Bệnh thường gây hại ở đầu và mép lá làm lá bị cháy, trường hợp bị nặng lá sẽ rụng. Bệnh cũng tấn công vào gié bông, gié quả làm bông hạt bị khô đen hoặc cũng có thể gây hại thân nhánh cây tiêu làm tháo đốt, khô cành. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường phát triển mạnh vào mùa mưa.

*Các loại tuyến trùng (meloidogyne, radopholus similis…), côn trùng (rệp sáp, bọ xít lưới, sâu đục thân …) gây vàng lá, đốt sần, đen rễ, là tác nhân truyền virut gây vàng lá, xoắn lá.

*Virus trên cây tiêu gây triệu chứng ngọn bị chùn lại, lá non quăn tít cây sinh trưởng và phát triển rất kém.

Xác định được nguyên nhân gây bệnh chính xác giúp chúng ta phòng ngừa và có biện pháp xử lý hiệu quả. Tuy nhiên bệnh chết nhanh không thể xác định được bằng mắt thường được nếu khi xác định được bằng mắt thì bệnh đã nặng khó có thể cứu được vì vậy bệnh chết nhanh cần phòng bệnh theo một phương pháp hợp lý nhằm không cho nấm bệnh tồn tại hoặc tồn tại ở dạng nhỏ không đủ sức xâm nhập vào cây trồng, bổ sung các chủng nấm Trichoderma, tăng cường phân hữu cơ tạo điệu kiện cho cây phát triển mạnh tăng khả năng miễn dịch, tiêu diệt các tuyến trùng bằng vôi hoặc các hóa chất.

Khi phát hiện cây tiêu bị nhiễm bệnh (chết) đặc biệt là bệnh chết nhanh, việc đầu tiên là loại bỏ và tiêu hũy (đốt) toàn bộ cây bệnh nhằm ngăn ngừa sự lan truyền của nấm bệnh. Để phòng trừ cho bệnh không lan xung quanh ta đào gốc lên, dùng dung dịch hoặc chế phẩm hòa tan nấm Trichoderma có thể đổ vào gốc và xịt cả trên thân vào các chỗ rễ phụ (xịt cả những vùng tiêu lân cận) có thể kết hợp với phân hữu cơ nhằm tạo điều kiện dinh dưỡng tốt nhất cho Trichoderma phát triển nhằm mục đích tiêu diệt (cần tạo độ ẩm tốt cho nấm Trichoderma phát triển tuy nhiên khi tưới nước không dể tràn đề phòng nấm bệnh có thể lây lan). Có thể dùng nấm Tricoderma ủ với phân hữu cơ để tăng lượng bào tử Trichoderma, rồi bón vào gốc tiêu nhằm ổn định hệ vi sinh vật có lợi, chống lại các loại nấm gây bệnh. Sau 4-6 tháng mới có thể trồng lại được.

Các biện pháp tủ gốc vào mùa nắng và thiết lập hệ thống mương rãnh thoát nước tốt cho vườn tiêu trong mùa mưa sẽ làm cho năng suất vườn cây được cải thiện dồng thời hạn chế tuyến trùng gây hại.

Ngoài ra các động tác làm cỏ, vệ sinh vườn cũng vô tình gây ra các vết thương tạo điều kiện cho nấm xâm nhập.

Đối với tuyến trùng có thể dùng nấm metharizhum bổ sung vào gốc.

Đối với bệnh do virus thì cần loại bỏ từ đầu, nếu đã lỡ trồng rồi thì cần dùng riêng các dụng cụ cắt tỉa, phải vệ sinh sạch sẽ dụng cụ khi sử dụng sang các cây khác.

Không nên dùng thuốc hóa học đặc biệt là thuốc diệt cỏ làm phá hoại hệ vi sinh vật có lợi trong đất…

Bài viết kết hợp từ nghiên cứu, các tài liệu khoa học và kinh nghiệp của bà con nông dân.

Giatieu.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *