Mua hàng trực tiếp của nông dân

Mời 80 nông dân trồng tiêu của xã Xuân Thọ (Xuân Lộc, Đồng Nai) đến họp bàn về cách mua bán trực tiếp giữa nhà máy – nông dân nhưng đã có tới gần 150 bà con đến dự.

Đại diện Công ty Unispice, VPA và nông dân trồng tiêu thảo luận về phương án mua bán trực tiếp giữa công ty và nông dân - Ảnh: T.M.
Đại diện Công ty Unispice, VPA và nông dân trồng tiêu thảo luận về phương án mua bán trực tiếp.

Công ty TNHH Gia vị liên hiệp (Unispice) ở TP.HCM cho biết sẽ tiến hành mua bán trực tiếp với người dân ngay trong vụ tiêu năm 2014 để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Tại buổi làm việc, do người dân không muốn bán số lượng lớn ngay một lúc, đặc biệt thích nhận tiền tươi thay vì chuyển khoản, công ty đã quyết định đặt một trạm thu mua ngay tại địa phương để cân mua tiêu cho nông dân và thanh toán bằng tiền mặt. Vào mỗi buổi sáng, căn cứ vào giá tiêu giao dịch trên thị trường thế giới và giá nội địa, công ty sẽ niêm yết giá tại nơi thu mua hoặc nhắn tin điện thoại cho người dân giá mua trong ngày.

Đây là giá chuẩn áp dụng cho tiêu đáp ứng các yêu cầu cơ bản. Khi người dân đem tiêu đến bán sẽ được công ty lấy mẫu phân tích độ ẩm, tạp chất và dung trọng, chất lượng tiêu càng cao hơn tiêu chuẩn cơ bản thì giá cũng cao hơn tương ứng và ngược lại. Ngoài ra, sau khi mua hàng của nông dân, Unispice sẽ đem mẫu tiêu đi phân tích và nếu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính công ty sẽ trả thêm cho nông dân 1.000 đồng/kg. “Đây là tiền được trích từ lợi nhuận của công ty để thưởng cho bà con làm tiêu sạch ngoài tiền mua bán đúng giá thị trường” – bà Vương Thị Hoàng Yến, giám đốc Unispice, nói.

Có một nghịch lý trong ngành hồ tiêu vài năm trở lại đây là hạt tiêu do nông dân làm ra chất lượng cao nhưng các thương lái lại trộn với tiêu chất lượng kém (lẫn tạp chất, hạt xấu, độ ẩm cao…) rồi bán cho nhà máy. Kết quả, nông dân không được hưởng giá tiêu tương ứng với chất lượng, còn nhà máy thì mệt mỏi tìm nguồn hàng có chất lượng xuất khẩu vào thị trường cao cấp.

Theo bà Yến, hiện công ty này đang xuất khẩu tiêu với giá cao đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm/tiêu chuẩn vi sinh – thuốc trừ sâu theo tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan… Dự kiến năm 2013 Unispice xuất khẩu trên 3.700 tấn theo tiêu chuẩn Asta, tiệt trùng hơi nước (có thể sử dụng ngay) và vào danh sách 10 nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất VN.

Tuy nhiên, các thị trường khó tính có đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng hàng. Ví dụ, để xuất khẩu vào Đài Loan thì hạt tiêu phải vượt qua 252 chỉ tiêu dư lượng hóa chất, vào châu Âu là 450 chất, còn Nhật Bản lên đến 472 chất khác nhau… Trong khi đó, các đơn vị xuất khẩu rất khó tìm nguồn tiêu chất lượng cao do có quá nhiều khâu trung gian trong khi yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng khó khăn. “Nguy hiểm nhất là hàng đến tay đối tác nước ngoài mới phát hiện dư lượng hóa chất, hàng bị trả về thì công ty “ôm sô” do tiền vận chuyển đi và về rất tốn kém” – bà Yến nói. Vì vậy, Unispice chỉ còn cách làm việc trực tiếp với người dân để mua nguyên liệu tại chỗ thì mới đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Hữu Thắng, chủ nhiệm Liên hiệp CLB trồng tiêu năng suất cao Xuân Lộc, cho biết xã Xuân Thọ là nơi trồng tiêu trọng điểm của huyện Xuân Lộc với sản lượng trên 1.000 tấn tiêu khô/năm. Trong những năm qua, người dân ở đây đầu tư làm tiêu với chất lượng rất tốt, không lạm dụng phân hóa học, không dư lượng thuốc trừ sâu. Thế nhưng trước đây chỉ có thương lái đến mua và nhân viên kinh doanh của các công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giá bán tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Đây là lần đầu tiên bà con nông dân được tiếp xúc, bàn bạc với doanh nghiệp về phương thức sản xuất, cách thức mua bán tiêu an toàn. “Bà con bán thẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu chứ không thông qua trung gian chắc chắn sẽ có lợi hơn” – ông Thắng cho biết

Nguồn Trần Mạnh (Báo Tuổi trẻ)

15 phản hồi cho bài "Mua hàng trực tiếp của nông dân"

nguyễn ngọc tuấn

Nên phổ biến mở rộng ở 1 số huyện ở Vũng Tàu

namBRVT

Năm nay gia đình tôi trang bị thêm máy sấy tiêu, chất lượng chắc chắn cải thiện nhiều. Cty sao không về Bà Rịa, Xuyên Mộc mà mua tiêu. Vùng tôi trồng toàn giống Vĩnh Linh, chất lượng dung trọng tốt lắm.

tuanbrt

Anh NamBRVT anh ở XM à? Hai anh em mình làm quen đi, trao đổi kinh nghiệm. Em cũng ở XM, em mới trồng tiêu, kinh nghiệm còn yếu, mong anh giúp đỡ. Thân!

Khanh

Chào bạn namBRVT và mọi người trên diễn đàn. Bạn có thể cung cấp thêm thông tin về máy sấy tiêu cho mình và bà con biết thêm được không. Cám ơn.

namBRVT

Máy sấy đã được đưa và sử dụng mùa tiêu này, lần đầu làm máy sấy nên phải sửa đi sửa lại nhiều lần, Máy sấy tự đảo, sấy 12-15 tiếng là khô, không cần phơi. 1 mẻ sấy 1 tấn tươi, tương đương 3,5 tạ khô. Quá tuyệt vời luôn bà con ơi.

Nguyen van dong

Mua bán trực tiếp với công ty còn gì bằng, có lợi cho cả đôi bên ko còn sợ thương lái ép giá ,trộn tạp chất… Cần nhân rộng mô hình này.

Phạm Hữu Nhì

Sao Công ty TNHH Gia vị liên hiệp (Unispice) không mở rộng địa bàn lên vùng Tây nguyên như Gia Lai, DakLak, Dak nông, … vì những vùng này SX khá nhiều tiêu mà lại chuẩn bị bước vào thu hoạch rồi. Mua trực tiếp đến người SX là giảm bớt khâu trung gian, sẽ có lợi cho cả đôi bên.

Phạm Hữu Nhì

Mình dự đoán theo xu hướng này vào vụ giá tiêu có thể (+/-) lên được 200k/kg, vì Cung – Cầu vẫn mất cân đối. Hơn nữa ở VN sản lượng sụt giảm mạnh do vừa qua và hiện nay dịch tiêu đang diễn ra, làm chết khá nhiều DT tiêu như ở Gia Lai, Daklak …

Ba Thiện

Vấn đề công ty cần không chỉ là nguồn hàng mà còn là chất lượng hàng. Đặc biệt là dư lượng hóa chất phân bón, thuốc sâu… tồn trong hạt tiêu.

Sáng_tiêutơ

Trồng tiêu đầu tư rất tốn kém. Ai đang có ý định trồng thì trước tiên hãy trang bị cho mình kiến thức về cây tiêu.

trongquyetle

Mình ở Đăk Nông, làm tiêu theo hướng bền vững. Mỗi lần phơi khô giê sạch lại bị quân buôn mua về trộn vào bất nháo. Thật chán, nếu công ty về đây mua thì hay biết mấy!

Mỹ Dung

Vậy hả? Mình định mua 7.000m2 đất ở BRVT trồng tiêu nè vì mình có đầu ra khá tốt. Nhưng mình không có kinh nghiệm. Xin chỉ giáo…!

Tuyet Mai

Chị Dung có mối nào liên hệ đầu ra về tiêu sọ không ah.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *