Năm 2012, xuất khẩu hồ tiêu tăng vượt bậc

Dự kiến, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có thể đạt 850 – 900 triệu USD, năm 2011 đạt 693 triệu USD. Hiện nay, hồ tiêu của Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp đến hầu hết các thị trường, hạn chế tiêu thụ qua các đơn vị trung gian nên đã giảm thiểu được các rủi ro, thiệt hại.

Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam

Thông tin trên được đưa ra tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2001-2011) của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tổ chức ngày 16/5.

Báo cáo của VPA cũng cho biết, sau 10 năm, ngành hồ tiêu của Việt Nam đã có bước trưởng thành và phát triển vượt bậc. Năm 2001, hiệp hội chỉ có 34 hội viên nhưng đến nay đã có 105 hội viên, thu hút hầu hết các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia.

Hiện Việt Nam đã trở thành nước sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới. Hồ tiêu Việt Nam có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Á, Trung Đông… hồ tiêu Việt Nam đã chiếm thị phần chi phối.

Trong 10 năm, năng suất bình quân của hồ tiêu đã tăng từ 3 – 5 tấn/ha lên 5 – 7 tấn/ha, nhiều hộ đạt 7 – 9 tấn/ha, cá biệt lên đến 10 tấn/ha. Trong khi đó, năng xuất bình quân của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Indonesia chỉ đạt 0,2 – 0,3 tấn/ha; cao hơn như Malaysia, Brazil cũng chỉ đạt 1 – 2 tấn/ha.

Về hiệu quả kinh tế, với diện tích khoảng 50.000 ha, chiếm 2,5% trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp nhưng hồ tiêu lại chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu (giá trị xuất khẩu của hồ tiêu đạt 6.886 USD/ha, gấp 4 lần cao su; 3,8 lần hạt điều; 2,6 lần cà phê; 6 lần chè).

Năm 2001, cả nước xuất khẩu hơn 50.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch 90 triệu USD. Đến năm 2011, xuất khẩu gần 120.000 tấn, chỉ tăng hơn 120% khối lượng nhưng kim ngạch đã tăng tới 665%, đạt giá trị 693 triệu USD. Dự kiến năm 2012 này, xuất khẩu có thể lên đến 850 – 900 triệu USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho biết, thời gian qua hiệp hội tập trung chủ yếu vào các hoạt động như tạo cơ hội, hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp trong ngành trong việc trồng, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu; thông tin tình hình sản xuất, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ xúc tiến thương mại…

Hiệp hội đã xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng hồ tiêu quốc tế, tạo dựng được hình ảnh, uy tín và nâng cao giá trị cho hồ tiêu Việt Nam. Đến nay, nhiều địa phương trong nước cũng đang xúc tiến xây dựng thương hiệu hồ tiêu và tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia chung cho hồ tiêu Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam cũng cho biết thêm, Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu, vì thế có thể chủ động điều tiết được giá bán trên thị trường thế giới.

Mạnh Hùng

Nguồn Chinhphu.vn

14 phản hồi cho bài "Năm 2012, xuất khẩu hồ tiêu tăng vượt bậc"

Nam BRVT

Tôi nghĩ giá tiêu của Bà Rịa Vũng Tàu lúc nào cũng cao hơn giá vùng khác, sao mình kg làm thương hiệu tiêu Bà Rịa hay Châu Đức, Xuyên Mộc…

Nguyễn Vịnh

Hoan nghênh ý tưởng của bạn Nam BRVT. Hy vọng có ai đó ở Bà Rịa cũng nghĩ đến điều này!
Tôi cũng không hiểu vì sao chưa xây dựng thương hiệu tiêu Bà Rịa hay Châu Đức…:
-Châu Đức là huyện có nhiều diện tích tiêu nhiều nhất nước (theo số liệu của VPA). Duy chỉ có sản lượng tiêu toàn tỉnh Bà Rịa là chưa cao.
-Bà Rịa là địa phương sản xuất tiêu trắng cũng vào hàng đầu.

BAOPN

Tại sao tiêu ở Vũng Tàu lúc nào cũng cao hơn các tỉnh khác nhỉ. Tại sao không thống nhất giá tiêu toàn quốc luôn? Hay là tùy vào địa lý xa gần cảng hải quan mà giá tiêu chênh lệch? Các bác nào am hiểu xin cho ý kiến!

trung_tin_727

Hình như đầu giá ở Vũng Tàu luôn cao hơn các vùng khác vì họ lấy tiêu dung trọng cao hơn các vùng khác làm chuẩn. Tuy đầu giá cao hơn nhưng khi cộng zem, độ xong thi giá bán vẫn bằng các nơi khác thôi. Chứ nếu bán ở đó được giá cao hơn thì nông dân cả nước sẽ chở tiêu về đó bán mất.

Nam BRVT

Chào các bạn,

Theo mình nghĩ thì giá tiêu BRVT cao hơn mấy nơi khác là do BRVT đa phần trồng giống Vĩnh Linh, dung trọng cao, mà hơn hết đó là hạt tiêu rất to, dễ dàng chế biết thành tiêu trắng có tỉ lệ hao hụt thấp, nên thương lái thu giá cao hơn. Hiện nay theo thống kê của PVA thì Châu Đức có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh, nhưng trên thực tế thì huyện Xuyên Mộc mới là địa phương trồng tiêu nhiều và phát triển nhất, vì dây là vùng đất mới, năng suất cao, diện tích phát triển lớn, rất nhiều hộ dân nơi dây thu 1 năm trên 10 tấn,… Đặt biệt tiêu trồng trên đất sỏi, đất đen (giống Vĩnh Linh) lại cho năng suất cao hơn trên trên đất đỏ bazan.

Do sản lượng tiêu toàn tỉnh chưa cao là do diện tích tỉnh BRVT nhỏ hơn các tỉnh khác.

Gửi bạn Nam BRVT
*Châu Đức có gần 5.500 ha tiêu trong khi Xuyên Mộc chỉ mới gần 1.400 ha tiêu thôi (số liệu của Sở NN)
*Diện tích tỉnh có can hệ gì với sản lượng tiêu của tỉnh?
Admin

hồng anh

Hiện nay Sở NN BR-VT đang xây dựng Thương hiệu hồ tiêu BR-VT đó bạn.

Nam BRVT

Thống kê của Sở NN chỉ đựa trên báo cáo, trong khi thực tế rất khác.
Ví dụ, DT trồng tiêu của Châu Đức là 5.500 ha bao gồm nhà cửa (Châu Đức dân số rất đông so với Xuyên Mộc), và bao nhiêu ha bị bệnh chết, trong khi Xuyên Mộc đất trồng tiêu xen lẫn trong cfe,… Bây giờ giá tiêu cao bà con phá cfe ra thì diện tích đó trên sở vẫn ghi là cfe, do đó phải dựa vào thực tế.
Còn thương lái ở BRVT tập trung phần lớn là người Châu Đức, nên họ sang Xuyên Mộc thu gom hàng về Châu Đức bán. Theo thực tế mình nhận xét thì hiện nay Châu Đức diện tích tiêu bệnh khá nhiều, trong khi diện tích tiêu trồng mới ở Xuyên Mộc gấp nhiều lần cách nay 2,3 năm.

*Hy vọng ý kiến của bạn được ngành chức năng ghi nhận.

Văn Tiệp

Tiêu ở đâu cũng có những đặc điểm giống nhau thôi. Không phải vì tiêu ở Chư Sê hay ở vùng khác không cay bằng tiêu ở Vũng Tàu nên giá của những vùng đó thấp hơn đâu. Giá tiêu mặt bằng chung thì cũng gần như nhau. Giá tiêu ở Vũng Tàu có cao hơn là bởi vì Vũng Tàu ở gần cầu cảng, nên không phải chịu phí vận chuyển, bốc xếp nhiều. Nên khấu hao xếp dở, vận chuyễn ở các tỉnh ở xa cầu cảng được trừ vào giá tiêu chênh lệch vài ngàn tùy vào quảng đường và tùy vào quá trình vận chuyển tiêu đến cầu cảng.

trung_tin_727

Theo em không phải vì Vũng Tàu gần cầu cảng nên giá tiêu cao hơn đâu. Em ví dụ thế này nhé!
Hôm nay giá tiêu ở BR-VT là 129k, còn ở Chư Sê là 124k, chênh nhau 5k/Kg. Nếu vận chuyển 10 tấn tiêu từ Chư Sê xuống Vũng Tàu thì làm gì đến 50 triệu gồm tiền xe, lệ phí giao thông, bốc vác…

Văn Tiệp

Mình nói đó cũng là một yếu tố. Mình bên cầu cảng minh hiểu rõ hơn về vấn đề này đó bạn. Một chiếc tàu nằm tại cảng chờ gom hàng cũng khoảng 3000$/1 ngày đó bạn à. Giống tiêu đồng ý nó cũng đóng vai trò quyết định nhưng cái này còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ và lạng. Nếu tiêu Sẻ mà bằng lạng tiêu Vĩnh Linh thì giá nó cũng như nhau thôi bạn à.

Văn Tiệp

@Nam BRVT
Hạt tiêu Vĩnh Linh nhỏ thua các giống tiêu khác. Cho nên khi bạn tách đôi hạt tiêu Vĩnh Linh ra bạn sẽ thấy phần rỗng ở giữa của nó chiếm diện tích rất nhỏ trong khi đó giống tiêu sẻ khi bạn tách đôi hạt tiêu ra khoảng rổng rất lớn mà hạt lại to, nên dung trọng của nó nhỏ. Điều đó cho thấy cùng một đơn vị thể tích mà khối lượng tiêu sẻ có phần thua tiêu Vĩnh Linh. Cũng như khối lượng của 1 khối cát lớn hơn khối lượng của 1 khối sạn. Nên đó là lí do vì sao cùng một đơn vị thể tích mà khối lượng tiêu Vĩnh Linh lại nặng hơn tiêu sẻ.

Nam BRVT

Mừng vì lâu lắm giá mới trở lại 130k, chỗ mình thì thương lái mua tiêu Sẻ thấp hơn tiêu Vĩnh Linh khoản 2- 3k, Vì nhà mình có khoản 10% tiêu Sẻ, còn lại là Vĩnh Linh và Ấn Độ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *