Nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc
Cùng với những sản phẩm như nước mắm, ngọc trai, rượu sim và du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, hồ tiêu Phú Quốc được mọi người biết đến là đặc sản đặc trưng của hòn đảo ngọc này.
Hồ tiêu Phú Quốc đang được tập trung đầu tư phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm không những phục vụ thị trường nội địa, khách du lịch mà còn hướng đến xuất khẩu, tăng giá trị kinh tế cho địa phương.
Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang), diện tích hồ tiêu trên đảo hơn 300 ha, tiếp tục nâng lên 400 ha trong năm 2012 này, với gần 800 hộ trồng, tập trung ở các xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, An Thới và thị trấn Dương Đông; năng suất 3 – 3,5 tấn/ha. Huyện Phú Quốc thực hiện mô hình kết hợp “4 nhà” trong việc nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu. Nhà nông ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, giữ vững thương hiệu sản phẩm truyền thống hồ tiêu của huyện đảo. Nhà doanh nghiệp hỗ trợ vốn, bao tiêu và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hồ tiêu Phú Quốc. Vườn tiêu Phú Quốc không những giúp nông dân sinh lợi mà còn là điểm tham quan của khách du lịch khi đến Phú Quốc.
Hiện nay, huyện Phú Quốc đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Hồ tiêu Phú Quốc”, đảm bảo giá trị của sản phẩm tương xứng với chất lượng vốn có của nó. Đồng thời có chính sách, cơ chế giữ vững, và phát triển nhãn hiệu tập thể này, đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của người trồng tiêu ở Phú Quốc bao đời nay. Huyện nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị lợi nhuận cho người trồng tiêu như: ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Netafim-Israel cho cây hồ tiêu; xây dựng mô hình sản xuất tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP.
Hiện có 2 hộ trồng tiêu ở Phú Quốc là Lý Ngọc Thơ, Đặng Văn Kháng, ấp Cây Thông Trong và ấp Búng Gội, xã Cửa Dương tham gia thực hiện thí điểm mô hình tiêu Phú Quốc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Netafim-Israel, với quy mô 1.200 gốc tiêu/hộ. Hai hộ dân này cho biết phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây tiêu không những giảm thiểu lượng nước thất thoát trong điều kiện nguồn nước ngọt trên đảo Phú Quốc ngày càng khan hiếm, nhất là trong mùa khô, mà còn tiết kiệm lượng điện bơm tưới, công lao động, giúp đất luôn tơi xốp, cây tiêu phát triển tốt đồng đều và đặc biệt là giảm đáng kể chi phí sản xuất. Theo Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Netafim-Israel khoảng 70 triệu đồng/ha tiêu, thời hạn sử dụng 7 – 10 năm. Tưới theo phương pháp này giúp cây tiêu có được nguồn nước cần thiết ổn định và những chất dinh dưỡng khác ngay từ khi tiêu mới ra hoa, kết hạt. Vì vậy, giúp tiêu phát triển tốt đồng đều, chắc hạt, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm hạt tiêu.
Ông Đặng Văn Kháng ở ấp Búng Gội (Cửa Dương) cho biết: Phương pháp tưới nhỏ giọt giảm khoảng 60 – 70% chi phí sản xuất. Nếu tưới theo cách truyền thống thì 1.200 gốc tiêu cần khoảng 100 m³ nước/ngày, trong khi tưới nhỏ giọt chỉ cần 1/3 lượng nước này, nhưng năng suất, sản lượng lại cao hơn bình thường do lượng nước được cung cấp đầy đủ và đều nhau. Thí điểm thành công của mô hình tiêu Phú Quốc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Netafim-Israel đang được huyện đảo Phú Quốc nhân rộng trong nông dân, khuyến cáo họ đầu tư phát triển áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá trị kinh tế cho hồ tiêu.