Nâng cao giá trị đặc sản hồ tiêu Phú Quốc
Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xác định cây tiêu là một trong nhiều thế mạnh kinh tế chủ lực, giúp cư dân trên đảo làm giàu chính đáng, tạo ra sản phẩm nông sản đặc trưng phục vụ khách du lịch. Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và là loài cây trồng truyền thống nổi tiếng hơn một thế kỷ qua, Phú Quốc tập trung đầu tư phát triển cây tiêu hướng đến đạt chuẩn GlobalGAP, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế đặc sản hồ tiêu của hòn đảo ngọc.
Hồ tiêu Phú Quốc nổi tiếng về chất lượng được du khách trong, ngoài nước biết đến do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Hai nhóm đất đỏ và đất pha cát có tổng diện tích khoảng 43.600 ha, thích hợp với cây tiêu, phân bố ở các xã Hòn Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, An Thới và thị trấn Dương Đông, cho phép huyện đảo này phát triển mạnh nghề trồng tiêu. Theo đó, từ nay đến năm 2015, Phú Quốc mở rộng diện tích trồng tiêu lên 500 ha và năm 2020 là 1.000 ha, phấn đấu năng suất đạt từ 3 tấn/ha trở lên, với sản phẩm hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Hiện nay, huyện Phú Quốc có diện tích trồng tiêu khoảng 385 ha, tập trung phần lớn ở hai xã Cửa Dương và Cửa Cạn, năng suất bình quân 2 – 3 tấn/ha, sản lượng tiêu hạt gần 1.000 tấn/năm, tùy vào thời điểm, giá thị trường dao động từ 140.000 – 180.000 đồng/kg.
Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc, không những khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng hồ tiêu nơi đảo ngọc này mà còn là điều kiện thuận lợi đưa thương hiệu đặc sản hồ tiêu ra thị trường thế giới, với sức cạnh tranh cao về giá cả, chất lượng của sản phẩm.
Canh tác cây tiêu hướng đến GlobalGAP, huyện Phú Quốc xây dựng quy trình trồng tiêu hiệu quả, bền vững, chất lượng và thân thiện với môi trường, chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào vườn tiêu. Huyện tập trung đầu tư công tác khuyến nông, nhất là hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho nông dân theo quy trình giảm thiểu các mối nguy hại liên quan đến việc sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người sản xuất và cộng đồng…
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc khẳng định: Xây dựng vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại Phú Quốc rất phù hợp với quy hoạch xây dựng hòn đảo ngọc này trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của huyện Phú Quốc. Huyện quy hoạch vùng trồng tiêu hợp lý gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn trồng tiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Những vườn tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ trở thành điểm tham quan, thư giãn hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến đảo. Ngoài ra, xây dựng vùng trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP giúp cây tiêu Phú Quốc trở thành thương hiệu nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh với giá cả cao hơn, đứng vững trên thị trường thế giới và hạt tiêu sạch còn là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất dược phẩm.
Bên cạnh sản phẩm đặc trưng nổi tiếng như: ngọc trai, thủy hải sản, nước mắm, rượu sim…, nghề trồng tiêu, với đặc sản hồ tiêu Phú Quốc đang phát triển mạnh theo định hướng bền vững gắn với dịch vụ và du lịch, tạo cho đảo ngọc Phú Quốc thêm một nguồn lợi kinh tế lớn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Phú Quốc phát huy tối đa lợi thế của nhãn hiệu “Hồ tiêu Phú Quốc”, đưa sản phẩm vươn ra thị trường khu vực và thế giới để vừa nâng cao giá trị kinh tế, phát triển của hồ tiêu, vừa giới thiệu, quảng bá du lịch Phú Quốc trong thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.