Nâng vị thế hàng Việt
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên – Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia: “Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến thương hiệu của riêng mình, mà chưa có sự liên kết xây dựng thương hiệu của cả ngành hàng”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên
Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia
Xin Thứ trưởng cho biết, các ngành hàng đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam?
Các ngành hàng của Việt Nam hiện đang phát triển và giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó, nhiều ngành hàng như nông – lâm – thủy sản đang vươn lên vị trí tương đối cao, thậm chí dẫn đầu trên thế giới. Đơn cử, mặt hàng cà phê, gạo hiện đứng thứ hai; hồ tiêu đứng số một; nhiều ngành hàng khác đang vươn lên chiếm vị trí cao trong khu vực và thế giới.
Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển thương hiệu ngành hàng là gì, thưa Thứ trưởng?
Lâu nay các DN Việt Nam thường chỉ quan tâm đến XK các mặt hàng nguyên liệu, sản phẩm thô mà không quan tâm đến lợi ích lâu dài là sản phẩm hoàn chỉnh, thương hiệu của sản phẩm đó. Đơn cử, mặt hàng cà phê, lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến XK dưới dạng nguyên liệu cho các nhà NK nước ngoài để họ về chế biến thành sản phẩm của họ, chứ chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu ngành Cà phê Việt Nam.
Mặc dù, có những thời điểm ngành cà phê thu hái được lợi nhuận rất lớn, như trong năm 2010 và 7 tháng đầu năm 2011, kim ngạch XK đạt trên 2 tỷ USD, lợi nhuận đạt được rất cao, nhưng để đầu tư xây dựng thương hiệu ngành Cà phê Việt Nam thì các DN vẫn chưa liên kết được với nhau và Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cũng chưa phát huy vai trò của mình, trong khi chúng ta đang chiếm thị phần rất lớn trên khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, các DN chỉ quan tâm đến thương hiệu, sản phẩm của mình chứ chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu của cả ngành hàng. Ví dụ ngành hàng thủy sản, chúng ta có những DN xuất khẩu cá tra, cá ba sa đầu tư rất hiện đại, quy mô rất lớn, giá trị XK đạt hàng trăm triệu USD, nhưng để xây dựng thương hiệu cá tra, cá ba sa Việt Nam có tính bền vững, với giá trị XK cao lại chưa làm được.
Trên phương diện là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương giải quyết vấn đề cơ bản gì trong việc xây dựng thương hiệu ngành hàng?
Theo tôi, trong việc xây dựng thương hiệu ngành hàng cần giải quyết những bất cập trong ý thức, trong nhận thức và từ đó chuyển sang sự đồng thuận trong phương pháp quản lý và chủ trương của Chính phủ. Chính phủ và cá nhân Thủ tướng rất quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng, nhất là những ngành hàng đầu tư chiều rộng và chiều sâu, thu hút nhiều lao động, có giá trị XK lớn. Đây sẽ là vấn đề mà Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành khác thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia để có những định hướng và tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm để đầu tư nhưng vẫn chưa tạo ra sự đột phá hoặc chuyển biến mạnh. Chúng tôi muốn xác định rõ, ai phải làm gì trong việc xây dựng thương hiệu ngành, vì thương hiệu ngành đòi hỏi có sự liên kết và gắn kết chặt chẽ giữa các DN trong một ngành hàng với nhau. Lâu nay, hiệp hội ngành hàng vẫn chưa phát huy được vai trò của mình và cũng chưa đủ năng lực. Họ thường cho rằng trách nhiệm đó thuộc về Bộ Công thương hoặc Cục Xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia.
DN phải nhận thức rằng, Nhà nước chỉ hỗ trợ và không thể làm thay, có nghĩa là việc xây dựng thương hiệu ngành hàng là trách nhiệm của ngành hàng đó, có hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Ví dụ, xây dựng thương hiệu cà phê thì đầu tiên trách nhiệm là của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, xây dựng thương hiệu thủy sản là trách nhiệm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Hiện, chúng tôi đang cùng với các cơ quan chức năng họp bàn về việc liên kết giữa các DN với hiệp hội, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, các bộ, ngành để đưa ra hướng phát triển cho các ngành hàng.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!