Ngành hồ tiêu cần có trung tâm kiểm định chất lượng

khiem dinh ho tieu2Nhiều doanh nghiệp phản ánh hồ tiêu xuất khẩu bị đối tác trả lại hàng, chủ yếu là tiêu thô chiếm 85%, nguyên nhân là chất lượng hạt tiêu không đảm bảo.  Đặc biệt kể từ đầu năm nay, thị trường châu Âu bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu. 

Vì vậy, việc tăng cường đầu tư chất lượng hạt tiêu được cả Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và nông dân trồng tiêu đề ra để đường đi của hạt tiêu dễ dàng hơn.

Thiếu kiểm định chặt chẽ 

Hiện nay, không phải lô hàng hạt tiêu nào cũng được kiểm định chặt chẽ về chất lượng trước khi xuất khẩu. Sở dĩ có hiện tượng này là vì Việt Nam đang thiếu cơ quan kiểm định và trung tâm kiểm định tiêu sau thu hoạch của nông dân.

Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San, Cẩm Mỹ – Đồng Nai, cho biết mặc dù hợp tác xã hướng dẫn nông dân phương pháp sản xuất tiêu sạch, an toàn, nhưng vẫn còn nhiều nông dân canh tác theo thói quen cũ. Vì vậy, khi thương lái thu mua hạt tiêu từ các nông hộ, họ không phân chia rạch ròi tiêu nguyên liệu của từng nông hộ. Đến khi sản phẩm đưa vào kiểm định thì cả khối lượng lớn hạt tiêu bị ảnh hưởng về chất lượng, trong khi chỉ có vài hộ thậm chí 1 hộ trồng không đạt chất lượng. Vì vậy, khi thiếu sự kiểm định riêng lẻ và chặt chẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến hạt tiêu của nhiều người.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu bị trả hàng do không đạt chất lượng theo yêu cầu ATVSTP, chủ yếu là từ các thị trường “khó tính” như châu Âu và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là do trong quá trình lưu trữ, nhiều người đã sử dụng chất carbendazim để bảo quản, thậm chí còn trộn tiêu bẩn với tiêu sạch để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Không những vậy, tuy Việt Nam đã có phòng kiểm định chất lượng tiêu nguyên liệu, nhưng không thể kiểm định toàn bộ những chỉ tiêu mà nhà nhập khẩu yêu cầu. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, các thiết bị kiểm tra dư lượng hóa chất trong hạt tiêu ở Việt Nam còn rất đơn giản, chỉ có thể kiểm tra 200 chỉ tiêu hóa chất. Trong khi đó, thiết bị kiểm tra của thế giới có thể kiểm tra 543 chỉ tiêu hóa chất trong tiêu nguyên liệu. Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần với chi phí kiểm định rất cao.

Để xuất khẩu được hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco) phải thuê chuyên gia nước ngoài về kiểm tra 80 chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật mà các đơn vị kiểm định hàng đầu trong nước không thể kiểm định được. Tuy nhiên, việc này tốn khá nhiều chi phí của công ty.

Cần kiểm định riêng lẻ từng sản phẩm 

Trước vấn đề này, để hạt tiêu Việt Nam đạt chất lượng cao và xuất khẩu dễ dàng hơn, đặc biệt là tạo niềm tin vững chắc ở những thị trường “khó tính”, thì phải giải quyết từ gốc mới đến ngọn, chất lượng phải đảm bảo từ số lượng nhỏ, đơn lẻ mới đến số lượng lớn, từ nhiều nguồn.

Chính vì vậy, ông Đỗ Hà Nam đề xuất, nhà nước và doanh nghiệp cần phải đầu tư những trung tâm kiểm định chất lượng đúng với tiêu chí mà nhà nhập khẩu đề ra. So với chi phí gửi mẫu ra nước ngoài, thì việc đầu tư một trung tâm kiểm định chất lượng theo yêu cầu của thị trường “khó tính” tuy cao, nhưng có thể phục vụ tốt cho cùng lúc nhiều doanh nghiệp, đồng thời có thể rút ngắn thời gian kiểm định để chốt hàng xuất khẩu.

Không những vậy, ở mỗi vùng nguyên liệu đều cần một trung tâm kiểm định này. Có như vậy mới giải quyết rạch ròi nguyên liệu của từng cá thể sản xuất tiêu trước khi trộn lẫn với nhau, tránh mất thời gian và tiền bạc sau này. Hơn nữa, tuy đầu tư hệ thống kiểm định chất lượng cao tốn kém, nhưng khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân tham gia, hàng hóa tốt có giá cao thì thời gian hoàn vốn sẽ ngắn lại – Giám đốc HTX Lâm San chia sẻ thêm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng trang bị cho các trung tâm kiểm định chất lượng và Cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản sẽ chỉ đạo thực hiện. Các doanh nghiệp có thể gửi mẫu đến các trung tâm này để kiểm định hàng hóa trước khi xuất khẩu.

Để đầu tư một trung tâm kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu USD. Tuy nhiên, không phải chỉ đầu tư là xong mà cần phải xây dựng được uy tín cho các trung tâm. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định được kiểm định nước ngoài. Vì vậy, nếu xây dựng trung tâm kiểm định trong nước thì cần phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi được kiểm định ở đây thì được xuất khẩu suôn sẻ. Nếu không thì trung tâm kiểm định có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí. Đây chính là vướng mắc lớn cần được doanh nghiệp và nông dân ngành tiêu ủng hộ để ngành tiêu phát triển bền vững hơn nữa – bà Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA nhấn mạnh.

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, hồ tiêu là mặt hàng có mức giá xuất khẩu tăng tốt nhất trong năm nay nên việc chú trọng xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng hạt tiêu xuất khẩu chính là nâng cao uy tín và thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế để ngành hồ tiêu phát triển bền vững.

Theo: Agroviet.gov.vn

5 phản hồi cho bài "Ngành hồ tiêu cần có trung tâm kiểm định chất lượng"

Giatieu.com

Các Trung tâm kiểm định chất lượng có thể chỉ để phục vụ cho các công ty kinh doanh nội địa hoặc các công ty xuất nhập khẩu với khối lượng, đơn hàng lớn. Còn việc mua bán giữa nông dân, thương lái, đại lý ở cơ sở không cần kiểm tra?
Như vậy chỉ mới đặt ra vấn đề kiểm tra chất lượng ở ngọn, còn ở gốc thì sao? tiếp tục phó mặc hay thả lỏng?… trong khi trên hầu hết các nhận định đều cho rằng dư lượng hóa chất thuốc BVTV tồn trong hạt tiêu xuất khẩu chủ yếu từ phạm vi này !?
Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của nhà khoa học trong chuỗi phát triển lĩnh vực nông nghiệp cùng chung BỐN NHÀ. Tuy nhiên việc xây dựng trung tâm kiểm định cho riêng ngành hồ tiêu thì còn xa vời quá trong khi nền nông nghiệp nước ta cần xuất khẩu hàng trăm mặt hàng nông sản các loại !

Theo Giatieu.com, VPA có thể kết hợp, đặt hàng, hoặc gợi ý các đơn vị kiểm định chất lượng NLTS sản xuất một công cụ để test nhanh dư lượng, tập trung vào những hóa chất, thuốc BVTV phổ biến, thường dùng… về sau có thể nâng cấp lên test1, test2 chẳng hạn… sẽ là biện pháp khả thi nhất.
Tuy chưa triệt để nhưng chi ít cũng hạn chế và giúp nông dân, thương lái, đại lý ở cơ sở thận trọng trong việc sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh và các chất bảo quản trong lưu trữ, góp phần thể hiện trách nhiệm và cùng tham gia bảo vệ uy tín, chất lượng hạt tiêu VN trên thương trường quốc tế.

tập buôn

Mình đồng tình với ý kiến của giatieu.com
Chi phí đầu tư vào trung tâm sẽ rất lớn, chưa kể vận hành và thuốc thử, tay nghề kỹ thuật viên ra sao… và ai sẽ bỏ tiền ra đầu tư???

Dan Viet

Với hàm lượng dư lượng như hiện tại thì chó nghiệp vụ được huấn luyện tốt có khả năng phát hiện định tính, độ tin cậy khá cao đấy các bác.

nguyen thanh long

Mình rất đồng tình với giatieu.com nhưng có ai suy nghĩ đến nhiều vấn đề tiêu cực trong vấn đề này không?
Ví dụ như thương lái lợi dụng điều này ép giá bà con nông dân chẵng hạn. Ở chổ chúng tôi riêng việc cân đong đo đếm thôi đã sảy ra việc gian lận huống chi là kiểm định ….

Trung Anh

Tại sao lại để cho họ gian lận được? chịu thua à !
Mà đã chịu thua thì còn gì nữa để bàn luận nhỉ !
Không lẽ cứ ngồi lo chuyện sẽ có tiêu cực xảy ra để rồi không dám làm gì cả ?
Bạn có biết đưa mẫu ra nước ngoài kiểm định phí tổn tăng lên gấp bao nhiêu không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *