Nghịch lý sản xuất hồ tiêu

Trong khi hầu hết các mặt hàng nông sản khác đều sụt giảm về giá bán thì riêng xuất khẩu hồ tiêu năm 2012 tiếp tục giành thắng lợi khi kim ngạch tăng gần 10% và giá bán tăng tới gần 16%. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu nước ta đang đối mặt với tình trạng liên tục suy giảm sản lượng thu hoạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng tiêu xuất khẩu năm 2012 đạt 118 ngàn tấn với kim ngạch 802 triệu USD, giảm 4,3% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị so với năm 2011. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đạt 6.792 USD/tấn, tăng 15,8% so với năm trước. Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ chiếm 14,7% thị phần, Đức chiếm 10,1% và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất chiếm 8,48%.

Tuy mới tham gia xuất khẩu nhưng Việt Nam đã nhiều năm giữ vững ngôi vị số một thế giới, chiếm trên 50% sản lượng giao dịch hồ tiêu trên thị trường thế giới. Đến nay, tiêu Việt đã chiếm thị phần tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng dương, trong đó tăng mạnh nhất là Singapore tăng 105,68%, Kuwait tăng 78,67%, Canada tăng 76,9%, Australia tăng 71,5%, Italia tăng 67,17%…

Hồ tiêu là mặt hàng nông sản xuất khẩu hiếm hoi tăng giá trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện nay. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, thông thường mỗi chu kỳ biến động giá của hồ tiêu thế giới khoảng 3-5 năm, tức là cứ 2-3 năm giá tăng thì sẽ có 2 năm giá giảm.

Thế nhưng liên tục 6 năm qua, giá bán tiêu của nông dân trong nước năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, giá tiêu nội địa bình quân năm 2009 là 30.000 đồng/kg, năm 2010 lên 50.000 đồng/kg, năm 2011 lên 120.000 đồng/kg và năm 2012 là 130.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho biết, giờ đây người trồng tiêu đã không bán ra khi giá xuống quá thấp, mà giữ lại chờ giá lên đến một mức thống nhất mới bán ra. Nhiều hộ trồng hồ tiêu lớn đăng ký mua tin của các hãng thông tấn, trang bị internet để nắm biến động thị trường hàng ngày.

Hồ tiêu chỉ chiếm 2,5% diện tích trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp ở nước ta, nhưng chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu. Giá trị kinh tế của tiêu hiện đạt khoảng 6.800 USD/ha/năm, cao gấp 4 lần cao su; gấp 8 lần hạt điều; gấp 2,6 lần cà phê; gấp 6 lần chè. Mỗi ha trồng tiêu có thể lãi 200-250 triệu đồng/năm. Năm 2011 nước ta thu hoạch được 125 nghìn tấn hạt tiêu, nhưng năm 2012 sản lượng chỉ còn 115 nghìn tấn. Hiện ngành tiêu đang nảy sinh nghịch lý là diện tích tăng song sản lượng thu hoạch lại giảm.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích hồ tiêu liên tục gia tăng từng năm: năm 1995 tổng diện tích trồng tiêu cả nước chỉ 7.000 ha, thì 2010 đã lên tới 50.000 ha, năm 2011 đạt 55.400 ha và năm 2012 vọt lên 57.500 ha. Trong khi quy hoạch tiêu cả nước chỉ dừng lại ở 50 nghìn ha. Vì trồng tiêu đang thu siêu lợi nhuận đã khiến nông dân ở nhiều nơi bất chấp những khuyến cáo để mở rộng diện tích trồng tiêu. Quan ngại hơn là giống tiêu không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn.

Khảo sát mới đây của Cục Trồng trọt, năng suất bình quân hồ tiêu giảm xuống chỉ còn 2,4 tấn/ha so với năm 2010 đạt 3-3,5 tấn/ha. Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng thêm nhiều nhất, tăng khoảng 1.000 ha so với năm 2011 nhưng năng suất giảm từ 20,1 tạ/ha năm 2011 xuống còn 14,6 tạ/ha trong năm 2012.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năng suất trung bình cũng giảm 1,4 tạ/ha, chỉ còn 17,2 tạ/ha. Trong 6 tỉnh trồng hồ tiêu chủ lực của Việt Nam là Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ có Bình Phước có năng suất hồ tiêu tăng  từ 28,5 tạ/ha lên 30,7 tạ/ha.

Theo Cộng đồng hồ tiêu quốc tế (IPC), dự kiến sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2013 đạt 319.000 tấn, giảm mạnh so với sản lượng 327.000 tấn của năm 2012. Đó là động lực khiến giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng.

Dù đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhanh, nhưng kim ngạch tiêu vẫn còn khiêm tốn so với cà phê, cao su, gạo, kể cả nhân điều. Để ngành tiêu phát triển bền vững và đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trong những năm tới, VPA cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại quy hoạch, đề ra chỉ tiêu phát triển cây hồ tiêu trong 5-10 năm tới.

Cần thành lập Phân viện chuyên nghiên cứu, chuyển giao, bán sản phẩm sáng chế về công nghệ áp dụng cho cây tiêu như giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, công nghệ thiết bị chế biến. Đồng thời, cần đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng như hỗ trợ tài chính 30-50%  thậm chí 100% giá trị cơ sở, thiết bị cho các hợp tác xã, hoặc hội nông dân, những người trồng, chế biến hồ tiêu.

Nguồn VnEconomy

1 phản hồi cho bài "Nghịch lý sản xuất hồ tiêu"

Phan Phat

“Sự bất dự ban, bất khả dĩ ứng tốt ”
Mọi việc nếu không tính toán chuẩn bị trước thì khó đối phó nổi những thay đổi bất ngờ.
Đoạn kết đưa ra kế hoạch hay nhỉ nhưng đến bao giờ người nông dân chúng ta mới được tiếp cận.
Ô mấy ông đi máy bay ngủ biệt thự làm sao thấy được nổi khổ của nông dân chúng tôi quanh năm chỉ biết : “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Ra đường thì gặp tai nạn, mua phân thì bị phân giả, mua thuốc BVTV thì bị kém chất lượng, thuốc Tây thì bị bột mì, mua thịt thì gặp thịt thối, mua cá thì bị tẩm Urê, mua rau bị thuốc trừ sâu,… Vậy chỉ biết mua chức, mua bằng cấp là an toàn nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *