Nhà đầu cơ muốn dùng sàn Singapore để điều khiển giá hạt tiêu xuất khẩu Việt Nam

Nguyên nhân là do Việt Nam đang nắm giữ tới 40% lượng tiêu xuất khẩu của thế giới.

Chốt phiên giao dịch đầu tuần vừa là phiên đầu tháng 10, giá hạt tiêu kỳ hạn trên sàn giao dịch NCDEX tại Kochi – Ấn Độ tăng tốt nhờ đồng Rupi mạnh lên cộng với nhu cầu cao.

Kỳ hạn giao tháng 10 tăng thêm 40 Rupi lên mức 43.435 Rupi/tạ, tương đương 8.223 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 85 Rupi lên mức 43.120 Rupi/tạ, tương đương 8.163 USD/tấn ( 1 USD = 52,8216 Rupi )

Giá hạt tiêu giao ngay cũng song song với thị trường kỳ hạn tăng 500 Rupi lên mức 40.100 Rupi/tạ, tương đương 7.592 USD/tấn cho loại tiêu xô và 41.600 Rupi/tạ, tương đương 7.876 USD/tấn cho loại tiêu chọn, tức tăng 450 USD.

Chỉ trong vòng 15 ngày giá tiêu kỳ hạn và tiêu giao ngay Ấn Độ đã tăng xấp xỉ 7 %, mức tăng rất mạnh.

Theo các thương nhân buôn tiêu Ấn Độ, hiện nay giá tiêu xuất khẩu của các nước sản xuất tiêu khác đang có dấu hiệu gia tăng và xu hướng là có thể tăng lên đạt mức 7.500 USD/tấn, cùng lúc đó nếu giá tiêu đặc chủng Ấn Độ cũng giảm xuống còn 7.500 USD/tấn thì giá tiêu trên thị trường thế giới mới có thể có một điểm gặp gỡ bình ổn giá. Nguồn hàng tại các thị trường nước ngoài nay cũng đã hoàn toàn cạn kiệt, vẫn theo lời các thương nhân.

Trong khi đó, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) sau mấy ngày khởi sắc đã trở lại xu hướng suy yếu, vắng vẻ khách giao dịch. Kỳ hạn giao tháng 10 giảm nhẹ xuống mức 6.502 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 xuống mức 6.469 USD/tấn nhưng không có lượng hàng nào được khớp ở cả 2 kỳ hạn. Có thể khẳng định sàn SMX vẫn chưa tạo ra được sự sức thu hút với các thương nhân giao dịch hạt tiêu ở khu vực Đông Nam Á.

Các nhà quan sát thị trường cho rằng, có vẻ như đầu cơ hạt tiêu quốc tế muốn dùng sàn SMX để điều khiển giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam – thị trường đang nắm giữ hơn 40% lượng hạt tiêu xuất khẩu trên toàn cầu.

Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu loại 500 Gr/l-FAQ được chào 6.700 USD/tấn và loại 550 Gr/l chào 6.900 USD/tấn, (FOB), do nhu cầu tiêu nhẹ vẫn còn cao. Tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ có giá 8.700 USD/tấn, (FOB), xuất tương đối chậm.

Thị trường hạt tiêu nội địa vừa có đợt giao dịch khá sôi động nhờ giá tăng. Tuy nhiên đến nay thị trường trở lại trầm lắng, theo các đại lý thu mua, nhờ lượng hàng bổ sung về kho của các công ty xuất khẩu khá dồi dào.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và ngành Nông nghiệp cho rằng, do nguồn cung trong nước hạn chế nên xuất khẩu tiêu những tháng cuối năm sẽ giảm đi so với những tháng đầu năm. Trong khi các thương lái cho biết, lượng hàng nhà vườn trồng tiêu còn nắm giữ là không ít. Họ đang chờ giá và chỉ xuất khi giá ở mức khả quan hơn.

Năm 2011, giá tiêu xô nội địa đạt đỉnh ở mức 160 ngàn đồng/kg đầu giá vào ngày 23/9 và lặp lại vào ngày 14/10, mức giá đỉnh chỉ đứng trong thời gian khoảng hơn nửa buổi.

Hôm nay thứ Tư 3/10, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ở mức 132-133 ngàn đồng/kg, tại Đồng Nai – Bình Phước 131 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 129-130.000 đồng/kg.

Theo ngành NN&PTNT, ước tháng 9 xuất khẩu 6 ngàn tấn tiêu các loại, kim ngạch đạt 44 triệu USD. Ước lượng tiêu xuất khẩu 9 tháng đạt 91 ngàn tấn, kim ngạch đạt 627 triệu USD, so cùng kỳ năm trước giảm 16,7% về lượng và 0,9% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt 6.847 USD/tấn, tăng 22% so với năm trước.

Nguồn Anh Văn (TTVN/CafeF)

12 phản hồi cho bài "Nhà đầu cơ muốn dùng sàn Singapore để điều khiển giá hạt tiêu xuất khẩu Việt Nam"

Cường

Theo tôi, các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam cũng cần tìm cách điều khiển giá tiêu trên sàn Singapore để cho có lợi cho giá tiêu VN.
Mà hình như các nhà XK còn muốn mượn tay sàn này để đè giá tiêu nội địa xuống kiếm lãi nữa mà. Tư tưởng theo kiểu “gà què ăn quẩn cối xay” chứ có dám bơi ra biển lớn đâu!

Phạm

Nói chung lâu nay bà con mình phối hợp tốt, dại gì bán ồ ạt, cứ từ từ. Rả rích kiếm giá cao.

Phan Phat

Theo Anh Văn xuất khẩu tiêu của Việt Nam năm nay (thời điểm tháng 9) so với cùng kỳ năm trước giảm 16,7% về lượng. Hiện tại nguồn tiêu trong nhân dân còn rất ít, có nghĩa nguồn cung ít cầu nhiều và Ấn Độ hơn 2 tháng nữa mới đến mùa thu hoạch. Vì vậy bà con chúng ta phải biết nắm bắt cơ hội mà lựa chọn. Quyết định là ở chúng ta. Quan trong phải đồng lòng, lập trường. Không thể để các doanh nghiệp làm chủ thị trường.

hien

Đẻ ra cái sàn Singapore làm gì mà cứ làm giảm giá tiêu trong nước không biết. Nhưng hy vọng giá sẽ lên lại. Phải kiên nhẫn đợi chờ thôi bà con ơi. Người tây khong có hạt tiêu ăn thì nó sẽ tăng giá lên mua để ăn thôi !

Phạm

Không biết các nơi như thế nào, chứ ở Châu Đức (BRVT) mua thu sang năm chắc chắn giảm sút nghiêm trọng. Nguyên nhân là cơn bão số 1 vừa rồi, đúng vào lúc tiêu trổ hoa. Tôi nghĩ bà con nếu có Vốn làm ăn cứ để lại đến tháng 9/2013 chắc thu đậm.

namBRVT

Vùng đất trồng tiêu nhất nhì của tỉnh BRVT là Xuyên Mộc cũng bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 1, nên năn nay không thu được nhiều, có nhà chỉ hy vọng thu 20-30 % so với năm trước, vì bão nên đa số vườn tiêu bị ngã một số không thể cắt nước, hãm cây, một số chết. Tiêu gia đình mình cũng vậy chỉ hy vọng thu 30-40 % năm rồi mà thôi.

Phạm

Mùa vụ những nơi khác như thế nào? Bà con cho biết? Tiêu Châu Đức chiếm bao nhiêu % của sản lượng tiêu VN. Ai có số liệu, phân tích luôn tình hình giá cả sang năm 2013 để bà con định hướng.

nam BRVT

Làm ăn kiểu VN mình thì chỉ có nhìn thấy trước mắt chứ có nhìn xa được đâu, một phần vì tài chính yếu, một phần vì trình độ hạn chế. Nhưng mình cũng không thể trách nhà xk được vì họ kinh doanh có lãi là họ bán, ai cũng muốn mua giá thấp để được lợi nhiếu, ít tốn vốn hết. Họ nâng giá tiêu VN lên thì nâng như thế nào bây giờ, chẳng lẽ nhà buôn lại giúp nông dân trồng tiêu trong khi nông dân đâu có “bà con” với họ.

Nguyễn Tri

Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam sao không mua hàng giá rẻ của sàn SMX (hiện tại khoảng 6500 USD/tấn) cuối tháng nhận hàng tại kho ngoại quan Bình Dương, chào hàng nhà nhập khẩu bên nước ngoài với giá khoảng 6900 USD/tấn, hàng sẽ giao ngay tại kho ngoại quan mà không phải tốn tiền thuế nhập khẩu? Không lẽ doanh nghiệp ta không đủ thông minh để kiếm lời từ sàn SMX?
Doanh nghiệp ta mà làm được điều này thì bố bảo đầu cơ nước ngoài dám dùng sàn SMX để ép giá tiêu Việt Nam! Tôi không loại trừ khả năng chính doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của ta dùng SMX để giết nông dân ta. Nếu đúng như vậy tôi cho là tầm nhìn quá kém cỏi! Như @Cường nói là “gà què ăn quẩn cối xay”
Theo tôi nghĩ thì giá tiêu trong nước sẽ lên lại, còn giá trên sàn SMX có lên lại hay không còn tùy thuộc vào ý muốn của giới đầu cơ, và quan trọng hơn là lượng người tham gia mua và nhận hàng thật trên sàn.
Chúc bà con và doanh nghiệp đoàn kết trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu tiêu Việt Nam, đem lại lợi ích lâu dàn cho đất nước, đừng vì một chén cơm mà bỏ mâm cả mâm cơm…
Chúc bà con và những nhà trữ tiêu bán được vùng giá cao nhất.
Trân trọng.

viet260978

Tôi nghĩ Nhà nước nên tập trung các công ty xuất nhập khẩu hồ tiêu lại để cùng chung sức thành lập nên một sàn giao dịch cho Việt Nam. Phải xây dưng mục đích chung chứ mạnh ai nấy sống thì không ổn. Phải đứng lên mà chạy dù phải vấp ngã. Và sẽ nói không qua sàn trung gian trong thời gian tới. Phải để các nước thấy được hồ tiêu Việt Nam là số 1.

QUỐC TRUNG

Từ khi có sàn SMX đến nay nông dân ta chỉ thấy toàn là từ hại đến hại. Sàn nầy đa số là giao dịch ảo họ muốn cho giá bao nhiêu là tùy ý. Nên từ lúc ra đời đến giờ họ giao dịch thành công chỉ có 3 lần khoảng 100 tấn (không bằng VN XK 1 ngày khoảng 300 tấn).
Nhưng DN XK VN thì sao? Tại sao họ không tính sàn NCDEX Ấn Độ mà tính sàn SMX Singapore. Lý do rất đơn giản là họ tính giá sàn nầy cho giá rẻ để cạnh tranh bán cho khách nước ngoài được số lượng nhiều hơn thì sẽ kiếm lời cũng được nhiều hơn. Có nghĩa là quyền lợi của DN XK và nông dân trái ngược nhau.
Nói tóm lại nông dân chúng ta muốn điều khiển được giá thị trường thì phải bán từ từ phải làm sao cho thị trường hụt hàng thì giá mới lên được.

TRẦN VĂN HƯNG

Cái sàn SMX lúc nào cũng thấy SL mua 1 SL bán 1. Như vậy 1 là bằng bao nhiêu?
Cứ giao dịch mãi mà chẳng có ai mua bán qua sàn. Sao ko thấy mắc cở mà dẹp đi cho rồi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *