Nông dân Đăk Lăk đã có máy sấy tiêu
Trong dịp tham quan Hội chợ triển lãm hàng Công nghiệp lần thứ I của tỉnh Đăk Lăk tại quảng trường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi được bà con nông dân cho biết có triển lãm máy sấy tiêu. Ngạc nhiên và phấn khởi, tìm đến gian trưng bày của Hội Cơ khí Tỉnh và được giới thiệu, đây là sản phẩm mới của Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền, một doanh nghiệp sản xuất máy công cụ chế biến cà phê hàng đầu của Đăk Lăk.
Cơ khí Viết Hiền cho biết gia đình ông Nguyễn Văn Ánh ở thôn Eju, xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo là người sở hữu chiếc máy sấy tiêu đầu tiên công ty sản xuất. Do ngày mùa, ông Ánh bận rộn ra đồng theo cùng nhân công hái tiêu. Trao đổi với chúng tôi, bà Ánh trong tâm trạng rất phấn chấn “ Từ khi có máy sấy về, tôi khỏe ra hẳn các chú ạ. Hàng ngày trông coi việc phơi tiêu, tôi phải cày đảo luôn tay, nhưng không vất vả bằng cái công quét sân để hốt tiêu vào khi buổi chiều. Suốt bao nhiêu năm quét sân hốt tiêu, bây giờ cái cổ tay tôi muốn bại luôn. Hạt tiêu nhỏ nên không dùng cái trang để gom lại như cà phê được. Mỗi ngày gia đình chỉ cần 7 tiếng là sấy xong một mẻ khoảng 6 tạ hạt tiêu tươi. Sướng lắm !”
Qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Ánh cho biết, gia đình có 2 ha trồng tiêu, sản lượng thu hoạch vụ này khoảng 8 tấn tiêu đen khô. Do không làm sân lớn như cà phê nên ngày mùa cũng có khó khăn lúc phơi. Với lại, phơi đến chiều là phải hốt vào thì vất vả quá không chịu nổi, để qua đêm ngoài sân thì mất ngủ… “Tôi tính rồi. Làm sân phơi thì mất diện tích đất trồng trọt mà tiền làm sân cũng tốn bằng tiền mua máy, lại còn tốn người ngồi trông tiêu vì sợ mất. Nhưng cực nhất là trời thình lình đổ mưa giông, mà chắc gì mùa này không mưa, chủ quan một chốc thì … thôi rồi !”
Đặt vấn đề nếu sử dụng máy khoảng 7 tiếng trong ngày cho gia đình, thời gian còn lại có thể hỗ trợ sấy cho bà con chung quanh, ông Ánh cho biết là chưa nghĩ đến, nhưng cũng sẵn sàng nếu bà con cần. Ông còn chia sẻ nổi băn khoăn “sấy chỉ vài tiếng là khô rồi, tôi không biết sấy vậy có hao không? vì khô nhanh lắm !”.
Cơ khí Viết Hiền cho biết thêm, sấy trống có ưu điểm nổi trội so với sấy tĩnh là nông sản sau khi sấy xong tuyệt đối không có mùi khói của các loại chất đốt.
Khi được biết mình là người sở hữu chiếc máy sấy tiêu đầu tiên của Cơ khí Viết Hiền nên có nhiều bà con trồng tiêu muốn chia sẻ, ông Ánh sãn sàng cho biết số điện thoại 0982.393798.
Anh Văn (Giatieu.com)
19 phản hồi cho bài "Nông dân Đăk Lăk đã có máy sấy tiêu"
Giatieu.com xin chúc mừng gia đình nông dân trồng tiêu Nguyễn Văn Ánh ở huyện Ea H’Leo.
Mong rằng sự tiến bộ và mạnh dạn đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch của gia đình sẽ phát huy hiệu quả cao nhất và giúp cho gia đình bớt phần vất vả trong ngày mùa thu hoạch.
Chúc gia đình mùa bội thu. Trân trọng.
Bác Vịnh ơi!
Hiện tại cháu đang có dự định sản xuất tiêu làm gia vị. Vậy muốn làm thì cần phải có những cái gì, cần làm gì và đặt mua MÁY SẢN XUẤT ĐÓNG GÓI TIÊU Ở ĐÂU. Bác tư vấn giúp cháu với ạ.
Mong phản hồi từ bác.
Cháu Vũ.
Trân trọng!
Có máy sấy tiêu thật tuyệt. Đỡ vất vả cho người làm nông. Mong rằng tiến tới sẽ có máy liên hoàn hái tiêu từ vườn về đưa vào máy ra tiêu khô luôn.
A. Vịnh ơi cho Em hỏi một chút. Phân Biogel và Biosol trên quảng cáo khác với trên thị trường cái vỏ và nhãn mác. Liệu chất lượng có giống nhau ko?
Chào @minh khuyến
Không có chuyện trên quảng cáo với hàng lưu hành khác nhau vì người Ấn rất coi trọng hình ảnh thương hiệu. Nếu có như @minh khuyến nói thì chắc chắn không phải loại phân này.
(Có gặp ở đâu đó thì xin chụp ảnh lại gửi qua email giúp. Cám ơn nhiều !)
Thân
Xin chúc mừng gia đình ông Ánh, và ông có thể cho biết giá thành một máy như vậy là bao nhiêu?
xin cám ơn!
Ko biết máy sấy tiêu của Cơ khí Hiếu Hiền dùng chất đốt bằng gì? Một lần sấy được bao nhiêu kg? Nhà tôi năm nay cũng vừa làm 1 lò sấy chi phí hết gần 30 triệu (Kể cả mái che), mỗi lần sấy được 6 tạ tiêu khô, sấy khoảng 3giờ sau đó đem ra phơi 1 nắng nữa là tiêu tuyệt đẹp mà lại được nặng rem nữa (hết 8 bao vỏ trấu cà phê và 18 kw điện), sử dụng cũng rất đơn giản, khỏe và nhanh lắm.
Ông nông dân Ng Văn Ánh sấy trống thì sợ hao. Bà nông dân Thanh Tâm sấy chuồng thì rem nặng hơn? Ai đúng đây?
Năm nay Văn Dân dùng lò sấy tĩnh dùng sấy cà phê trước đây để sấy tiêu, thấy tiêu đẹp và nặng rem hơn là phơi nắng, khác với Thanh Tâm là Văn Dân sấy 5 tiếng khô luôn không phải phơi nắng nữa
Dạ, anh Nông Văn Dân sấy 5 tiếng khô luôn cũng được, vì tụi em sợ ko căn được sẽ bị cháy mất tiêu, nên tụi em chỉ sấy 3-4 tiếng cho chắc ăn anh ạ. Tụi em sấy ban đêm nên sợ ngủ gật…hi. Nhưng anh có thấy là tiêu sấy đẹp và nặng rem hơn tiêu phơi ko à? Tụi em thấy kết quả như vậy đó.
Cho mình hỏi bạn ơi… bạn hiện nay đang dùng máy sấy gì vậy bạn, mình có thể mua máy như của bạn ở đâu. Mong bạn cho biết, xin cảm ơn
Không biết đầu tư một máy sấy hết bao nhiêu tiền?
Bạn xem theo link Tham khảo máy sấy tiêu ở cuối bài
Tôi muốn mua một máy xáy tiêu không biết liên hệ ở đâu và giá cả thế nào mong các bác tư vấn với. Cảm ơn
Cho em xin video hoạt động của máy sấy tiêu được không vậy. Tại bên em đang định mua 1 cái nhưng không biết nó hoạt động có hiệu quả không, nên em muốn xem video của máy ạ.
Vui lòng liên hệ với nhà sản xuất theo link ; Cám ơn :
http://www.viethien.vn/blog/2014/02/24/may-say-tieu-dd1k/
Theo tôi, công ty Viết Hiền nghiên cứu, cải tiến, có thêm bộ phận đốt nhiệt bằng điện và bằng khí ga nữa thì tốt quá. Người sử dụng máy sấy tiêu sẽ có 3 lựa chọn : đốt điện, đốt khí ga hoặc dùng các loại chất đốt truyền thống như than củi, vỏ cà phê… một cách linh hoạt hơn.
Chào bạn Senca
Thực ra thì Viết Hiền cũng đã có những nghiên cứu để có thể sử dụng đa dạng các loại chất đốt trong thời gian qua. Thậm chí, có cả hệ thống chuyển hóa từ vỏ cà phê ra Gas rồi mới đốt.
Tuy nhiên mỗi loại có những khó khăn về mặt KT và giá thành nhiên liệu cho người ND cũng như giá thành thiết bị. Trong tất cả các loại bạn nêu thì Điện là khả thi nhất, nhưng chắc chắn giá đốt bằng điện cũng sẽ đắt hơn.
Rất cảm ơn sự góp ý của Senca !
Mình thấy khu vực trên Tây Nguyên đa số phơi tiêu thẳng ra sân bê tông. Nên chiều tối gom tiêu lại rất cực. Ở Bình Phước của mình thì người ta thường trải 1 lớp bạt rồi mới phơi lên. Chiều tối chỉ cần ủ bạt lại rồi hốt. Mình nghĩ nông dân tham khảo xem sao.