Nông dân ở Đăk Búk So ồ ạt trồng tiêu

Xã Đăk Búk So (H.Tuy Đức,  Đăk Nông) là vùng chuyên canh khoai lang giống Nhật Bản để xuất khẩu và cây trồng này đã đem lại cuộc sống ấm no cho hàng ngàn hộ dân ở đây.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do những nguyên nhân khác nhau, nhiều hộ dân đã chuyển đổi phần lớn diện tích canh tác khoai lang sang trồng các loại cây khác như chanh dây, cà phê, cao su và tiêu. Đặc biệt trong năm nay, bà con lại đua nhau mở rộng diện tích hồ tiêu, thậm chí có những hộ còn nhổ cả cà phê đã cho thu hoạch để trồng tiêu.

Gia đình anh Nguyễn Ánh Bảo găm cành muồng chiết để làm trụ tiêu

Gia đình anh Nguyễn Ánh Bảo ở thôn 7, xã Đăk Búk So có 5 ha cà phê đã cho thu hoạch, vụ cà phê vừa rồi anh thu được 11 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, vừa qua anh đã quyết định nhổ 1 ha cà phê để trồng tiêu. Do không mua được trụ gỗ nên anh đã trồng cây muồng đen làm trụ. Được biết, mỗi cây muồng chiết có giá 70.000 đồng, như vậy với 1 ha anh đã bỏ ra tới 70 triệu đồng tiền trụ. Tương tự, gia đình anh Chu Văn Dũng ở cùng thôn cũng đã nhổ tới 3,5 ha cà phê để trồng tiêu. Gia đình anh Dũng cũng dùng cây mức rừng để làm trụ tiêu vì giá thành thấp hơn, mỗi trụ có giá 40.000 đồng. Được biết, tỷ lệ sống của muồng chiết và cây mức khá cao từ 60% trở lên, giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với trụ gỗ nên rất nhiều hộ đã dùng các loại cây làm trụ cho tiêu bám. Theo các hộ nông dân thì vùng đất này rất phù hợp với cây tiêu, nhất là những vùng đất có lẫn sỏi đá. Người tiên phong và thành công đầu tiên là anh Nguyễn Văn Sản, hiện anh có 3,5 ha tiêu 5 năm tuổi, vụ vừa rồi anh thu được gần 10 tấn tiêu, trừ chi phí anh cũng thu lãi gần một tỷ đồng. So với trồng khoai lang thì lợi nhuận từ cây tiêu cao hơn rất nhiều, chính vì vậy mà ở thôn 7 nói riêng, Đăk Búk So nói chung, nhiều hộ đã đổ vốn vào trồng loại cây có giá trị kinh tế này. Qua thực tế đã trồng trong 5 năm, anh Sản cho biết: “Chăm sóc đúng kỹ thuật thì tiêu ở đây phát triển tốt và ít bị bệnh, tuy nhiên nếu trụ không đảm bảo thì dễ bị gãy đổ khi gặp mưa gió”. Được biết, trụ gỗ hiện rất khó mua và giá thành lại cao từ 220.000 đến 250.000 đồng/trụ, các loại cây muồng chiết, cây mức cũng rất ít nên bà con ở Đăk Búk So đã dùng một số loại cây khác như cây vông, cây hông, thậm chí cả trụ bê tông để trồng tiêu.

Việc nhiều hộ nông dân đã tự phát mở rộng diện tích tiêu khiến cho tiêu giống năm nay trở nên khan hiếm. Theo nông dân ở đây thì giống tiêu hiện rất khó mua và giá cao gấp đôi năm ngoái. Hiện mỗi dây tiêu có giá tới 30.000 đồng. Bà con ở đây đã phải đi khắp các vùng lân cận như Đăk R’tíh, Đăk Song, Gia Nghĩa, Chư Jút để gom giống. Nhiều hộ còn lên tận Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Đăk Lăk) để mua về, thế nhưng vẫn chưa đủ. Được biết, giống tiêu Vĩnh Linh đang được bà con rất ưa chuộng bởi giống này rất thích hợp với vùng đất có pha sỏi và rất năng suất. Khan hiếm giống nên tại địa bàn cũng đã xảy ra một số trường hợp bị nhổ trộm tiêu giống. Theo anh Chu Văn Dũng thì tháng vừa rồi anh trồng gần 1.000 dây tiêu nhưng đã bị kẻ trộm nhổ mất gần một nửa. Chính vì vậy mà hiện nay anh phải trông nom cả ngày lẫn đêm.

Theo UBND xã Đăk Búk So, tính đến thời điểm hiện nay, bà con nông dân trong toàn xã đã trồng mới trên 100 ha. Việc bà con tự phát mở rộng diện tích tiêu cũng đã khiến cho địa phương lúng túng. Hiện nay thì tiêu đang có giá cao nhưng lại không ổn định nên chính quyền cũng đã khuyến cáo bà con không nên nhổ cà phê để trồng tiêu. Mặt khác trồng tiêu phải biết cách chăm sóc nếu không dễ bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Tới đây, UBND xã sẽ đề nghị Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện mở các lớp tập huấn về cách trồng và chăm sóc tiêu giúp bà con đạt hiệu quả cao hơn.

Thanh Bình

Nguồn Báo Đăk Nông điện tử
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *