“Nóng” với cây hồ tiêu
Trong những tháng qua, giá mủ cao su rớt mạnh, trong khi đó hồ tiêu lại bán được giá cao, chính vì thế nhiều hộ nông dân ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ sẵn sàng cưa, đốn cây cao su để… làm trụ trồng tiêu, chạy theo lợi nhuận trước mắt. “Cơn sốt” này được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó lường.
Nhà nhà trồng hồ tiêu
Đến “thủ phủ hồ tiêu” Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) trong những ngày cuối năm này, hầu như nhà nông nào cũng bàn luận về câu chuyện trồng hồ tiêu để làm giàu. Huyện Lộc Ninh hiện có khoảng 4.000ha hồ tiêu (tập trung ở các xã Lộc An, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Hòa và Lộc Tấn), chiếm 30% diện tích hồ tiêu của cả tỉnh Bình Phước. Việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh” như kích thích bà con nông dân trong huyện ồ ạt mở rộng diện tích.
Lão nông Nguyễn Văn Pha (71 tuổi), người dân xã Lộc An thổ lộ, những năm trước, khi mủ cao su có giá cao, bà con trong xã chuyển nhiều diện tích hồ tiêu sang trồng loại cây này. Hơn một năm qua, khi giá hồ tiêu tăng đột biến, đã có rất nhiều hộ dân thẳng tay loại bỏ cây cao su, có lúc được xem là “vàng trắng” để chuyển sang trồng loại cây có mùi vị cay nồng. Tuy không đều, song có hộ trong xã thu tiền tỷ từ hạt hồ tiêu.
Theo ghi nhận, trong việc mở rộng diện tích hồ tiêu ở Bình Phước, điểm nóng nhất là huyện Bù Gia Mập. Từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2014, người dân đã trồng mới hàng ngàn ha hồ tiêu.
Tại huyện Bù Đăng cũng có vài trăm ha hồ tiêu trồng mới. Chỉ riêng xã Nghĩa Bình (huyện Bù Đăng), từ đầu năm 2014 đến nay, người dân đã chặt bỏ trên 100ha các loại cây trồng đang cho thu hoạch, để trồng tiêu.
Sở NN&PTNT Bình Phước cho biết, đến nay, cả tỉnh có khoảng 12.000 ha hồ tiêu, được trồng tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản và Bù Gia Mập, hầu hết đang cho thu hoạch. Ở thời điểm này, giá tiêu giữ ổn định ở mức gần 200.000 đồng/kg, tăng trên 60.000 đồng/kg so với năm 2013. Với giá này, hiện mỗi ha hồ tiêu đạt lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng/năm, lãi gấp nhiều lần so với cây điều, cao su.
Ở địa phương lân cận, tỉnh Bình Dương khá gắn bó với cây cao su trong suốt thời gian dài, nay người người, nhà nhà đốn hạ cao su, đổ xô trồng hồ tiêu. Trên đường liên huyện khu vực xã Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một vài hộ dân tại đây cắt ngang những vườn cây cao su gần 10 năm tuổi, chừa lại khoảng 3m thân cây để làm trụ tiêu. Khắp các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên…, những trụ hồ tiêu thay nhau vươn mình trên những diện tích cao su vừa đổ xuống.
Ông Bùi Quang Chánh, Trưởng phòng Nông nghiệp – Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, trong quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, hồ tiêu không phải là loại cây trồng ưu tiên. Vì theo nghiên cứu, cây này không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Dương; cho năng suất thấp hơn rất nhiều so với các nơi khác trong cả nước. Trồng cây hồ tiêu ở Bình Dương xưa nay chỉ là tự phát theo kiểu phong trào chứ không hề theo quy hoạch, định hướng nào của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh chạy theo thị trường, chặt bỏ cây cao su để trồng hồ tiêu là không nên. Điều này dễ mang lại những hậu quả khó lường về sau.
Sáng kiến “vượt khó”
Thời gian qua, giá mủ cao su giảm mạnh đã khiến nhiều hộ trồng cao su tiểu điền gặp khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, thay vì đốn sạch vườn cao su như ở Bình Phước, Bình Dương, Đăk Nông… nhiều hộ trồng cao su trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu đã chọn giải pháp trồng xen canh cây tiêu và lấy cây cao su làm trụ. Chọn giải pháp này, bà con nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu hy vọng vẫn giữ lại vườn cao su, chờ thời điểm giá mủ cao su sẽ tăng trở lại.
Gia đình ông Lê Kiếm, ở ấp 3, xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc), có hơn 1ha cao su tiểu điền đang cho thu hoạch. Khi giá mủ cao su xuống mức dưới 40 triệu đồng/tấn như hiện nay, ông đã có “sáng kiến” trồng hồ tiêu dưới gốc cao su. Thấy hồ tiêu phát triển tốt, ông tỉa cành cây cao su, thân cây còn sống ông tận dụng làm trụ cho cây tiêu. Hiện nay, với mô hình này, tại xã Phước Thuận, xã Hòa Hội, đã có gần 100ha cao su được bà con đốn tỉa để làm trụ sống cho cây hồ tiêu leo. Qua khảo sát, các vườn tiêu đều phát triển tốt, thân cây thẳng giúp tiêu bám tốt…
Theo thanhtra.com.vn
4 phản hồi cho bài "“Nóng” với cây hồ tiêu"
Thôi nghĩ đi nghĩ lại thì vẫn là nông dân mà biết sao được. Giá cao su quá thấp mà giá tiêu thì quá cao, dù tinh thần mình vững như đá thì cũng phải lung lay. Mong nong dân mình đừng ăn xổi mà hãy là một người nông dân thông thái.
Dự tính của tui và vào người tôi tham khảo là tiêu sẽ giảm giá cực mạnh trong vài năm tới, còn cao su sẽ qua nhũng bước trầm luân như bây giờ. Chúc anh em thành công.
Gạo sắp hết, bụng sắp đói thì phải xoay xở thôi, không thể nằm ôm gốc cao su chờ chết đói. Trong khi cũng vùng đất đó bà con trồng tiêu đang thu nhập tiền tỷ. Nông dân hay không nông dân thì cũng đều phải tuân thủ quy luật tất yếu này cả.
Đúng. Không thể ngồi ôm gốc cao su chờ chết được. Cơ quan chức năng thì khuyến cáo nông dân không nên chặt để trồng tiêu, thiết nghĩ cũng đúng nhưng nông dân nguồn tài chính eo hẹp. Phải chẳng nếu cơ quan chúc năng có chính sách hỗ trợ nông dân trong lúc bi đát thế này (cao su, …) thì chắc không có nhiều hiện tượng trồng chặt chặt trồng.
Người dân mình vẫn cứ mò mẫm chặt bỏ rồi lại trồng, cứ chạy theo vòng luẩn quẩn…
Theo như các tài liệu tôi tham khảo được là tiêu không nên trồng ở vườn hay leo trên cao su vì rất nhiều bệnh. Theo như bài viết thì trồng trên cao su cũng được đấy chứ . Mong mọi người trên diễn đàn góp ý