Nuôi dơi … lấy phân
Nuôi dơi không cần chăm sóc, chỉ tốn chi phí làm chuồng và thuê dơi mồi lúc ban đầu. Cứ mỗi 2 tuần, tháo lá thốt nốt giặt sạch, phơi khô rồi treo lên nóc chuồng tái sử dụng, sau 2 năm mới mua mới.
“Giặt” lá thốt nốt cho dơi làm tổ…
Phát triển kinh tế tổng hợp (VACR) với các loại cây trồng, vật nuôi thuộc diện hàng “độc” là cách để anh Tạ Văn Sáng- ấp Thôn Thới, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm-Vĩnh Long vượt khó thoát nghèo. Anh vừa được bình chọn là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Thoát nghèo từ… phân dơi
Những năm đầu lập gia đình và ra riêng với 2 công vườn tạp do cha mẹ để lại, vợ chồng anh phải chật vật lắm mới đủ nuôi sống gia đình có 4 miệng ăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Sáng tìm đến các mô hình làm ăn mới lạ với quyết tâm thay đổi số phận.
Năm 2005, nghe nói ở Hựu Thành (Trà Ôn) có nơi nuôi dơi rất hiệu quả, anh đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào việc xây chuồng, tìm mua lá thốt nốt ở An Giang và tìm người cho mướn dơi mồi ở tận Tiền Giang. Tiền thuê dơi mồi “cao ngút ngàn”, với giá thuê 4 triệu đồng/con/tuần.
Anh Sáng giải thích: “Dơi mồi giống như ong chúa, chỉ khi dơi mồi kêu thì các con dơi khác mới kéo nhau về ở trong tổ. Hiện, anh có 2 chuồng dơi, mỗi chuồng có đến cả chục ngàn con dơi muỗi. Giống dơi này ngày ngủ tối kiếm ăn và cho phân. Thông thường, khi trời nắng sẽ thu được nhiều phân hơn, do trời mưa dơi ít ra ngoài ăn nên cũng hạn chế phân”. Trung bình, mỗi ngày anh thu khoảng nửa giạ phân (mỗi giạ 6kg) và bán được khoảng 70- 80 ngàn đồng.
Nuôi dơi không cần chăm sóc, chỉ tốn chi phí làm chuồng và thuê dơi mồi lúc ban đầu. Cứ mỗi 2 tuần, tháo lá thốt nốt giặt sạch, phơi khô rồi treo lên nóc chuồng tái sử dụng, sau 2 năm mới mua lá mới (khoảng 7 triệu đồng). Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng từ… phân dơi.
Chuồng dơi được cất chắc chắn và trống bốn phía để phân dơi tự khô và có thể thu gom dễ dàng. Với mặt hàng “độc” này, anh không cần rao bán mà khách tự tìm đến “đặt hàng”, có khi 5 giạ, 10 giạ… cứ gom đủ số thì “a lô” là có người đến lấy. Anh cho biết, phân dơi dùng để bón cây là “số một”. Năm 2007- 2009, anh trồng đu đủ có tiếng tươi tốt và thu được 200 triệu đồng. Nhờ bón phân dơi nên cây đu đủ được kéo dài tuổi thọ và thời gian thu hoạch đu đủ từ 1 năm lên 3 năm.
Riêng các loại cây trồng lâu năm như: sầu riêng, bưởi da xanh, cam sành,… nếu được bón phân dơi đầy đủ thì kéo dài tuổi thọ đến 17- 18 năm và cho trái rất sai. Vì vậy, phân dơi rất được nông dân ưa chuộng và hiện đang “cháy hàng” vì số lượng đặt hàng ngày càng nhiều mà nguồn cung thì có hạn.
Làm ít, kết quả nhiều
Theo anh Sáng: “Phải có cách làm ăn khoa học mới mong làm giàu”. Do đó, anh chọn mô hình kinh tế tổng hợp và đã đem lại thành công cho anh. Hiện, anh có tổng cộng 5,5 công vườn và thuê thêm 5,5 công ruộng trồng lúa.
Anh dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái trồng đủ loại: mít nghệ cao sản, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, dừa xiêm lùn, chôm chôm Java… đang phát triển tươi tốt và xanh mướt lá. Anh bật mí: “Tất cả là nhờ bón phân dơi”. Chúng tôi còn được anh cho xem các loại vật nuôi như: thỏ, bò lai sind, gà lai Mỹ… Ngoài ra, còn có ao nuôi ốc bươu, cứ 3 ngày anh thu hoạch 1 thau “bự chảng” bán trên 100.000đ.
Anh Sáng cho biết thêm, so với thuần cây, thuần con, phát triển kinh tế tổng hợp với các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thường ít rủi ro vì có thể lấy ngắn nuôi dài và bổ sung cho nhau.
Anh Hà Văn Tòng- Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Vũng Liêm nhận định, trước đây, gia đình anh Sáng thuộc diện nghèo nhất địa phương. Nhờ nhạy bén nắm bắt được nhu cầu thị trường và không ngừng học, cộng với sự cần cù, chí thú làm ăn- đặc biệt anh lại là một “nông dân trí thức” tốt nghiệp trung cấp thủy sản- nên anh đã thành công khi dám đầu tư những “cái mới lạ” vào sản xuất.
Tay không ngừng lao động, buông việc này bắt qua việc khác, cởi mở vui vẻ, có kiến thức, giao thiệp khéo- đó là ấn tượng đẹp mà vợ chồng anh Tạ Văn Sáng đã để lại trong chúng tôi.
Theo Hải Yến – Xuân Tươi
Vĩnh Long Online