Phải tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu !
Do phát triển quá “nóng” trong những năm qua, ngành hồ tiêu đang đối diện với những nguy cơ lớn, có thể làm phá vỡ cả ngành hàng. Do đó, đã đến lúc phải tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu theo hướng bền vững.
Đó là nội dung chính tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25/1 tại TP. Hồ Chí Minh.
Cung vượt cầu trên toàn thế giới
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh. Năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha, năm 2014 là 85,591 ngàn ha. Đến hết 2017 là 152.668ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Sự gia tăng diện tích hồ tiêu của Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới. Năm 2010, thế giới trồng 443.881ha. Đến năm 2015 là 518.823ha, tăng xấp xỉ 75 nghìn ha so với năm 2010, tập trung chủ yếu ở Việt Nam.
Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác, đã làm gia tăng mạnh sản lượng trên toàn cầu. Sản lượng tiêu toàn thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn. Theo nghiên cứu của Nedspice, nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu và có sự tăng đáng kể mức dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới. Trong giai đoạn 2012 – 2017, mức tăng sản xuất là 5,5% trong khi mức tăng nhu cầu chỉ đạt 2,4%/năm. Dự báo trong giai đoạn tới 2017 – 2030, nguồn cung tiềm năng sẽ đạt thấp nhất là 420.000 tấn và cao nhất là 670.000 tấn.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, riêng trong năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ sản xuất hồ tiêu với nông dân không được như những năm trước. Xuất khẩu tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan …
Do cung vượt cầu, giá tiêu trên thế giới nói chung và giá tiêu ở Việt Nam đã liên tục giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện tại, giá tiêu ở Việt Nam chỉ còn hơn 60.000 đ/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49.000 đ/kg. Sự phát triển quá “nóng” của diện tích hồ tiêu đang là nguyên nhân chính gây ra những bất cập lớn cho cả ngành hàng như tình trạng dịch bệnh gia tăng, báo động dư lượng thuốc BVTV do thâm canh quá mức …
Đi ngay vào phát triển bền vững
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển “thần tốc” của ngành hồ tiêu trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn mà nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.
Trước hết, diện tích tiêu tăng quá nhanh nên không thể kiểm soát được. Nghiên cứu khoa học, công nghệ và công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hồ tiêu. Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mà đến nay vẫn chưa có giống tiêu nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu …
Chính vì vậy, Bộ trưởng cho rằng từ nay, với cây tiêu, không đi theo con đường “thi” năng suất, sản lượng nữa, mà phải là chất lượng.
Ông Phan Minh Thông, TGĐ Cty CP Phúc Sinh đưa ra những minh chứng cụ thể về lợi thế của tiêu được sản xuất theo hướng chất lượng. Cụ thể, từ năm 2012, Phúc Sinh đã bắt tay với nhiều hộ nông dân ở Buôn Ma Thuột, thực hiện dự án trồng tiêu theo tiêu chuẩn Rain Forest. Đến năm 2014 thì có chứng nhận này. Nhờ đó, mỗi năm Phúc Sinh XK 20.000 – 25.000 tấn hạt tiêu, thì 40% trong số đó là sang EU, nơi đặt ra những yêu cầu rất cao về ATTP đối với hạt tiêu nhập khẩu. Còn theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, PGĐ Sở NN&PTNT Bình Phước, hồ tiêu Bình Phước khi kiểm tra, chỉ khoảng 50% đạt tiêu chuẩn ATTP để xuất khẩu sang EU. Nhưng khi Cty Nedspice cùng Trung tâm Khuyến nông Bình Phước phối hợp với nông dân thực hiện dự án phát triển bền vững trên 1.000 ha tiêu, thì lượng tiêu thu hoạch được ở diện tích này, qua kiểm tra, có tới 82% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phải tập trung tái cơ cấu ngay ngành hàng hồ tiêu. Trước hết, diện tích hồ tiêu không những không được tăng thêm nữa mà phải giảm xuống.
Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp với cây tiêu, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, tiêu là gia vị nên lượng sử dụng có hạn…, vì thế không nên phát triển ồ ạt diện tích, sản lượng.
Bộ NN&PTNT phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ngay ra được những giống tốt để công nhận giống. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.
Về sản xuất, cần đẩy mạnh các mô hình liên kết chuỗi. Đây là con đường tất yếu để phát triển bền vững cho ngành hàng hồ tiêu. Nếu không liên kết, các DN cũng sẽ không thể tồn tại được. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phải nâng cao vai trò đối với sự phát triển của hồ tiêu Việt Nam và vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
31 phản hồi cho bài "Phải tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu !"
Cho tới nay nước ta có ít nhất 150.000 ha trồng hồ tiêu, và diện tích thực tế có khả năng cộng thêm 10% nữa. Trong tổng diện tích trồng hồ tiêu đó phải có tới 30% diện tích trồng giống tiêu Vĩnh Linh. Thế mà theo Bộ NN&PTNT thì chưa có giống tiêu nào được công nhận. Ai công nhận, vì sao chưa công nhận? trong khi giống Vĩnh Linh chiếm tới ít nhất 30% tổng sản lượng mà vẫn chưa công nhận thì do ai?
Chắc chắn không phải do nông dân, vì nông dân hồ tiêu đã công nhận nên mới trồng từ rất lâu rồi.
Thế mới biết, khi giá tăng, đạt thành tích xuất khẩu tỷ đô thì của ngành Nông nghiệp tự ngồi mà khen nhau. Còn bây giờ diện tích vượt tầm kiểm soát, dịch bệnh tràn lan, giá rớt… thì do nông dân, do người trồng. Nhà nước và ngành Nông nghiệp chắc là không can hệ gì !
Các vị thèm lắm, muốn lấy làm của riêng nhưng không thể được… Với lại các giống cây nông nghiệp truyền thống ở ngay nơi mình mang tên cũng chưa hẳn đã phát huy hết ưu điểm đặc sắc của giống đó. Như giống tiêu của Vĩnh Linh nhưng được đưa lên trồng ở vùng chung quanh Cư Kuin Đăk Lăk thì trên cả tuyệt vời…
Nói chung, đất đai nương rẫy là của bà con. Trồng cây gì, nuôi con gì bà con tự làm tự chịu.
Lời thì cuộc sống sung túc, no đủ. Lỗ thì bị gậy lên đường tha phương kiếm sống nuôi gia đình. Đừng trông mong vào ai mà mất công…
Giá bán tiêu, giá thuê công hái hiện nay, tiền đầu tư cả năm… không thua lỗ thêm nữa là may lắm rồi.
Bảo đảm là không cần can thiệp gì thì diện tích trồng tiêu cũng tự giảm và tiêu cũng tự sạch lên.
Đơn giản là mấy bác lạm dụng thuốc sẽ chết trước, và xách ba lô đi làm công nhân, chắc luôn. Tại sao lại ra nông nổi? Tiên trách kỷ hậu trách nhân: tại chính chúng ta tham lam và mù quáng, thiếu kiến thức nhưng thừa lòng tham, tại hệ thống nông nghiệp không làm tròn trách nhiệm, chỉ chăm chăm quảng cáo phân thuốc để lấy tiền đút túi. Và sau cùng là tại hệ thống giáo dục hư hỏng hoàn toàn trong việc giáo dục đạo đức, để xãy ra tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” của nhà ăn thì sạch, bán cho người ăn thì cứ phân thuốc vô tội vạ.
Cả nhà cho em hỏi. Qua năm em tính xuống 2 sào tiêu, cho em hỏi là trồng xà cừ và cây gòn thì loại cây nào cho tiêu nhiều trái hiệu quả hơn ạ. Em nghe nói trồng xà cừ ít trái hơn trồng gòn. Em còn trẻ mới lập nghiệp nên chưa biết cả nhà hướng dẫn cho e với nhé. Cảm ơn.
Muốn leo lên mái nhà thì do bạn có đủ can đảm để leo hay không chứ dùng thang nhôm hay thang tre cũng chỉ là thứ yếu ! Xà cừ chậm lớn, gòn nhanh hơn, dễ rong tỉa.
@Mấy bác canh tác sạch.
Việc của câc bác lúc này là tiếp tục canh tâc sạch, tìm nguồn kinh tế phụ (nuôi dê, cây ngắn ngày) để duy trì cuộc sống và vườn tiêu, thay các cây già cỗi năng suất thấp, đợi 3 năm sau cây vừa cho trái bói thì giá tăng trở lại là vừa.
Lúc này thì cứ bình tĩnh chờ các bác cường canh rơi rụng dần, sẽ đến lúc hụt hàng và giá lại tăng, đừng nản nhé, đó là quá trình thanh lọc cần thiết để XH tốt đẹp lên mà thôi.
@Các bác cường canh
Quay đầu là bờ.
Cho em xin hỏi, vườn tiêu nhà em lá gốc rất nhiều che kín đất. Vậy có nên cắt tỉa không. Và cắt như thế nào ai biết chỉ giúp em cảm ơn.
Chào @khailocninh. Bạn nên cắt tỉa sau khi thu hoạch xong, cắt tỉa sạch các cành và dây lươn cách mặt đất khoảng 25 đến 30 cm rồi kết hợp rửa vườn. Không nên cắt tỉa cành gốc khi đang mưa nhiều vì tạo vết thương cho nấm có điều kiện để tấn công, nên cắt vào những ngày nắng ráo.
Xin cám ơn anh @nhàn đắc nhiều.
@ Dân Việt nói chí phải. Hiện tại thì chỗ mình người ta đều kháo nhau hái xong vụ này cưa sạch tiêu trồng thứ khác. Lại thêm giá thấp tiêu chết vì bệnh nhiều người nản. 1 người cưa 3 người theo phong trào, cứ đà này chắc 2 năm là giá lên lại.
Không vấn đề gì. Nông dân mới là người quyết định trồng cây gì, nuôi con gì ngay trên mảnh đất của họ mà họ cho là phù hợp nhất và có lợi nhất !
Hôm nay giá tiêu lại nhích được thêm chút.
Có thêm chút hy vọng.
Nhà em ra tết mới hái lứa tiêu bói đầu tiên. Em có phải hãm nước cho tiêu không, vì có bạn bảo tiêu bói không cần hãm. Em thấy tiêu có vẻ không được xanh nên cần chăm bón những phân thuốc gì. Xin được tư vấn, em cám ơn.
-Tiêu tơ mới không hãm nước khi vào vụ. Tiêu đã có thu hoạch thì hãm nước vẫn năng suất và đều hơn.
-Tuyệt đối không để tiêu suy sau thu hoạch, chắc chắn sẽ ảnh hưởng…
-Không rõ qui trình đã chăm bón như thế nào để góp ý. Tạm thời có thể phun bón lá để chống suy, pha theo liều lượng hướng dẫn. Dùng sinh học hữu cơ như phân biosol để tăng sức đề kháng cho tiêu, hạn chế phun hóa học khi thời tiết bắt đầu qua mùa khô.
Em cám ơn anh @ Hoàng.
Chúc anh nhiều sức khỏe và mong anh hỗ trợ cộng đồng, giúp tụi em nhiều hơn nữa…
Kinh nghiệm của mình vào thời điểm này là đổ humic+trung vi lượng giúp hạt tiêu tăng dung trọng, già đều dễ hái.
Tiêu mình gần cuối tháng 3 dương lịch mới hái rộ 1 lần luôn.
Em không biết các bác đầu tư, chăm sóc thế nào, chứ như nhà em thì giá cả này nhà em vẫn có lời ngang với trồng cà phê…
Lấy của đất mà ăn không lời thì thôi chứ lỗ ngả nào ?
Tất nhiên, ngoại trừ không làm gì cả mà chỉ thuê công thì lỗ cái chắc !
Thật mừng khi các bác vẫn có lời, VN vẫn còn cơ hội giữ vị trí số 1 về hồ tiêu, chờ giá phục hồi và lại giàu có. Đừng lạm dụng phân thuốc hóa học để tiêu chết mà mất cơ hội nhé.
Năm nay do thời tiết nên vườn nhà em mất mùa, chứ không sản lượng như trung bình mọi năm thì trừ đầu tư + công hái, thì 1ha lời 200 tr là bình thường (theo giá hiện tại).
Quy luật thị trường quyết định tất cả. Giá tốt em trồng, giá bèo em chuyển qua cây khác kiếm sống. Bác nào còn ôm tiêu, hên giá lên lại thì hưởng đủ. Thế thôi.
Ai có kinh nghiệm, cho tôi hỏi. Nhà tôi năm nay mới thu tiêu chính, thu đến sát tết là xong. Có nên tươi cho nó một đợt không. Xin cảm ơn…
Nội dung về trồng và chăm sóc đã có khá nhiều bài viết chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trên giatieu.com rồi. Bạn cố gắng tìm đọc để tự nâng cao kiến thức trồng tiêu của mình nhiều hơn nữa…
Tham khảo kỹ 2 phần của bài này, kể cả phần trao đổi của cộng đồng. Vướng đến đâu thì sẽ trao đổi thêm sau: http://www.giatieu.com/ky-thuat-lam-bong-cho-cay-ho-tieu/3238/
Từ nay cho đến khi bắt đầu vào chu kỳ hãm nước vụ mới tuyệt đối không để thiếu ẩm và suy cây. Duy trì tưới nước giữ ẩm, tối đa khoảng 25-30 lít/gốc, 6-7 ngày/lần và phun phân bón lá biosol 3-4 tuần/lần tùy sức của cây.
Cảm ơn bạn, tôi đã có nguồn thông tin thêm để tham khảo.
Không biết chiều mai đã đóng bao, nghỉ để ăn Tết được chưa…!
Tôi thấy trời nắng như bữa nay cũng nhanh khô…
Nói gì thì nói, khối lượng xuất khẩu cho thấy vẫn nhiều khách mua tiêu.
Vấn đề là các nhà KDXK nước ta bán giá thế nào không rõ nhưng mua của nông dân thì thấp quá !
Ngay title của trang này có giá xuất này bác:
“Giá tiêu xuất khẩu tháng 1/2018 đạt 4.007 USD/tấn, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm 2017”
Ông Bộ trưởng nói ai phải làm ngay nhỉ ?!