Phấp phỏng nỗi lo trắng tay vì … tiêu !
Là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân khá mặn mà với cây hồ tiêu. Nhưng trước loại bệnh tiêu chết nhanh, hàng loạt, xuất hiện trong vài năm trở lại đây và hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, không ít người trồng tiêu ở xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo – Đăk Lăk phấp phỏng nỗi lo trắng tay vì tiêu…
Chỉ còn chừng 3 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch vụ mùa đầu tiên nhưng 5 sào tiêu với tổng số 500 trụ của gia đình ông Hoàng Văn Hảo ở thôn 5A, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo bỗng dưng chết hàng loạt, không cách gì cứu chữa nổi… Vừa đốt những dây tiêu đã chết khô, ông Hảo chua xót cho biết: trước đây trên diện tích 5 sào này, ông trồng cà phê. Nhưng thấy tiêu được giá, cà phê thì năng suất kém do chu kỳ kinh doanh đã khá lâu nên ông cải tạo đất chuyển sang trồng tiêu. 3 năm trồng, chăm sóc, không tính tiền công xá, ngoài số vốn của gia đình, vay mượn thêm ngân hàng 150 triệu đồng với lãi suất 19%/năm, ông đã đầu tư vào đây ngót nghét 300 triệu đồng. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng, vườn tiêu của gia đình ông thuộc diện xanh tốt nhất trong thôn 5A, ai vào thăm quan cũng tấm tắc khen. Ông Hảo nhẩm tính cứ với đà phát triển ấy, ông sẽ nắm chắc một vụ tiêu bội thu, trừ mọi chi phí cũng thu về 100 triệu đồng. Nào ngờ, một tháng nay, các trụ tiêu bắt đầu có hiện tượng héo lá, rồi trong vòng 10 ngày chết khô hàng loạt. Vợ chồng ông tìm đủ mọi cách, ai mách gì làm nấy, hết đổ vôi, xịt thuốc, rồi bơm nước, chi phí chữa bệnh cho tiêu lên đến 20 triệu đồng mà rồi cuối cùng cũng chỉ là công cốc. Khoản nợ ngân hàng thì chưa trả, tiền bán tiêu thì chưa thu được một đồng nào. Ông Hảo thở dài: “Chỉ mong ngân hàng sẽ giảm lãi, kiểu này chắc phải tính đường quay lại trồng cà phê…”.
Thấy vườn tiêu của gia đình ông Hảo như vậy, nhiều hộ dân quanh vùng cũng phấp phỏng lo lắng. Ông Lê Văn Duẩn ở thôn 5B chia sẻ: Với 5 sào tiêu trong vườn, một ngày ông ra vườn không biết mấy lần, chú ý theo dõi kỹ xem vườn tiêu nhà mình có hiện tượng gì khác lạ không để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Ông ăn không ngon ngủ không yên, trông từng ngày đến độ tiêu được thu hái.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiao Nguyễn Xuân Trọng, thời gian gần đây, thấy hồ tiêu được giá, đem lại lợi nhuận cao, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển từ trồng cà phê sang trồng tiêu. Từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu đã tăng thêm 40-50 ha, nâng tổng diện tích tiêu của toàn xã lên khoảng 130 ha. Về hiện tượng tiêu chết nhanh, hàng loạt, gia đình ông Hảo ở thôn 5A không phải là cá biệt. Những niên vụ trước đây, một số vườn tiêu cũng đã xuất hiện loại bệnh này, trong đó có cả diện tích tiêu mới trồng, đang vào giai đoạn phủ trụ, chưa cho thu hoạch. Điển hình là trường hợp của hộ ông Thắng ở thôn 6, có đến 1.200 trụ tiêu chết khô, mặc dù gia đình ông đã dùng nhiều biện pháp để cứu vườn tiêu.
Trước loại bệnh quái ác này trên cây tiêu, nông dân trồng tiêu vẫn luôn mong mỏi các nhà khoa học sẽ sớm công bố những biện pháp phòng trị hữu hiệu để họ không phải “đánh bạc” cùng cây tiêu như thế…
13 phản hồi cho bài "Phấp phỏng nỗi lo trắng tay vì … tiêu !"
Sai lầm trầm trọng của người trồng tiêu là không chú ý cây tiêu thuộc loại thân thảo. Khi cây có biểu hiện héo lá tức là do gốc rễ đã thối nên vô phương cứu chữa, chỉ càng tốn kém tiền bạc của gia đình mà thôi.
Tuy rằng bà con ai cũng biết là phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng có quá nhiều người chủ quan không tập trung để làm tốt khâu phòng ngừa nấm bệnh, nhất là khi bước vào mùa mưa.
Muốn chữa, trước khi đổ, xịt thuốc nên kiểm tra kỹ gốc, rễ còn khỏe không? Nếu đã thối rồi thì… !
Xem trên hình và kỹ thuật trồng tiêu vùng tôi là thấy khác nhau 1 trời 1 vực. Đất dốc như thế sẽ không sợ ngập úng. Nhưng theo trên hình thì làm bồn sâu để ứ đọng nước tự mình hại mình.
Vùng tôi thường chỉ trồng trụ sống. Trong gốc thì đắp đất cao lên tránh úng nước ” lòng chảo”, mương bên ngoài. Chứ không có làm bồn để ứ đọng nước như trên hình. Vùng đất trên hình là đất dốc nếu làm mương dọc chắc chắn sẽ không ứ đọng nước. Trồng hồ tiêu khác nhiều so với trồng cà phê. Bà con tây nguyên trồng cà phê khi chuyển sang trồng hồ tiêu vẫn giữ thói quen làm bồn đó. Nên gặp sai lầm đáng tiếc.
Cây tiêu mà rủ lá rồi thì vô phương cứu chữa.
Với phương pháp canh tác không bền vững, khi biết nguyên do có ân hận thì cũng đã quá muộn.
Trước tiên mình phải tự bảo vệ mình. Đừng trông chờ một ai đó cứu vớt mình.
Theo mình thấy, làm bồn sâu đúng là không tốt, tuy nhiên không thể khẳng định tiêu chết 100 % là do làm bồn đâu bạn. Nếu nói làm bồn, ngập úng tiêu chết thì trên Chư Sê, Chư Puh, Gia Lai làm gì có bạt ngàn tiêu như thế. Với lại một số vườn, vì họ trồng trên đất đen sỏi, đất này tưới nước đâu thì rút đó nên họ không làm bồn, nhưng tiêu vẫn cứ chết. Còn 1 số vườn trồng trên đất đỏ, có bồn nhưng tiêu không chết. Việc này giải thích thế nào nhỉ!
Còn trường hợp của Ông Hảo, ngoài lý do làm bồn, theo mình nghĩ, với 500 trụ tiêu, tại khu vực Ea H’leo mà đầu tư hết 300 triệu trong 3 năm thì quá nhiều. Theo mình thì đất trồng là đất đen, đất này vốn rất tốt, Ông lại đầu tư quá nhiều cho phân bón, đặc biệt là phân hóa học, làm cho cây tiêu yếu, sức đề kháng kém. Một phần, theo thói quen bà con ở Tây Nguyên hiện tại vẫn ít dùng thuốc men để phòng ngừa cho tiêu khi còn trong mùa mưa. Khi đến hết mùa mưa, gặp nắng lên tiêu bắt đầu chết. KHỔ !
Bạn nói đúng. Chưa thể khẳng định 100% là do làm bồn mà còn do nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng làm bồn để chứa nước cũng là điều kiện thuận lợi nhất cho vi nấm gây bệnh dịch hại phát triển. Việc này bà con cũng ít gặp ở tiêu mới trồng, tiêu còn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Không có mầm bệnh hay bị lây bệnh thì lấy gì mà sinh bệnh. Chỉ đến khi tiêu trồng được 4-5 năm, rễ cây phát triển và tiếp xúc nhau thì dịch bệnh mới có điều kiện lây lan và bùng phát để gây hại.
Về cơ bản nghe nói tiêu ở giai đoạn kiến thiết ít bị bệnh, tuy nhiên ở chỗ tôi lại thấy tiêu mới trồng còn bị bệnh nặng và khó chăm hơn tiêu lớn nhiều lần. Đất trồng tiêu không phải là đất cũ đâu nhé, đất để hoang và hồi giờ chưa trồng tiêu lần nào đó. Khi trồng, đã chọn giống tốt, ko mầm bệnh và có xử lý đất nữa á. Vậy mới nói thực tế và những gì mình biết còn cách xa nhau quá!
Chổ này anh Vịnh nói rất đúng :
“Bà con Tây nguyên trồng cà phê khi chuyển sang trồng hồ tiêu vẫn giữ thói quen làm bồn đó…
Cây tiêu mà rủ lá rồi thì vô phương cứu chữa.”
Để tự bảo vệ mình bà con ai trồng tiêu mà còn làm bồn (hố) thì nên san bằng hoặc vun gốc vào cho cây tiêu. Chúc bà con có một vườn tiêu xanh tốt !
Tôi trước giờ trồng cũng làm bồn, năm nay quyết lấp hết bồn, vun cao gốc. Không biết trước mình trồng hơi sâu ( cách mặt đất 20cm) nay vun cao lấp lên có ảnh hưởng gì không, mong bác Vịnh, bác Phát giúp đỡ.
Chào bạn!
Bạn không cần vun cao đất vội đâu bạn ạ. Thế này nhé trước tiên mình làm đất trong gốc cao bằng đất mặt, ngoài xa trũng xuống tránh nước ứ đọng trong gốc nhưng vẫn giữ ẩm được khi tưới. Sau đó mỗi năm vun gốc dần dần thì sẽ không sao, còn một lúc mình đắp như ụ mối thì cây sẽ chịu không nổi, nhiều cây ra rễ khi ta tưới lên xói đất ra còn nguy hiểm hơn. Chỉ cần trong gốc không bị ứ nước “chỗ tôi gọi là lòng chảo” thì cây sẽ không sao. Hoặc bạn có thể làm cái hố bên ngoài sau đó khơi rảnh cho nước xuống hố đó thì tác động đó tốt hơn vun gốc. Mỗi năm làm dần dần thì có trồng hơi sâu mình vẫn có thể làm được.
Một vài bà con Tây nguyên thắc mắc là đất nhiều gió và hốc nếu không có bồn tưới thế nào được, đất không đủ ẩm. Lưu ý với kỹ thuật làm tiêu không bồn thì phải biết giữ ẩm cho đất bằng cách giữ cỏ. Hoặc có thể phủ xanh đất bằng lạc dại. Nếu dùng hệ thống tưới nhỏ giọt thì quá đơn giản. Còn tưới bằng vòi thì khi tưới ta tưới luôn lạc dại. Như vậy giữ ẩm còn tốt hơn rất nhiều lần so với bồn. Tôi cũng chắc chắn là tốt hơn dùng vỏ bắp hay rơm rạ ủ gốc.
Thân!
Chào Cua, chào bạn Vịnh nhé! Đang nói về việc lấp bồn, mình có ý kiến thế này.
Giờ này hết mùa mưa rồi bạn un gốc, lấp bồn làm gì. Có làm thì chờ khi nào không còn tưới nước nữa thì làm.
Un gốc, lấp bồn thì làm từ từ, nhiều năm, bồn cũng rộng ra, và cạn dần. Còn muốn lấp bồn luôn, làm theo kiểu Đồng Nai thì, phải trồng cây sống để che ở phía trên và lạc dại che ở dưới đất trước đã. Nếu bạn ko làm vậy mà lấp bồn cái rẹt thì gặp nắng, gió Tây Nguyên tiêu bạn sẽ không chịu nổi đâu.
Mỗi nơi mỗi khác phải tùy tình hình cụ thể mà làm thôi bạn ạ.
Em chào tất cả các anh! Em thấy tùy vùng và tùy điều kiện mà lấp bồn hay không, như nhà em đất dốc rồi mà không làm bồn không được, mùa nắng tưới thì nó không ăn thua. Theo em mùa nắng thì để bồn, sang mùa mưa em sẽ khơi thông cho chảy hết nước vậy là xong!
Cảm ơn bác Vịnh và bác Tri Thắm, Xuân Lực. Tôi đang có ý định rủ vài anh em ở Tây Nguyên sắp xếp đi Đồng Nai học hỏi một chuyến. Mong được các bác bỏ chút thời gian giúp đỡ.
Chào bác Trung Thành, năm nay tôi đã hết phép. Đầu năm sau tôi sẽ sắp xếp, rủ thêm vài anh em nữa vi hành một chuyến, nếu bác có hứng thú, mail số ĐT vào địa chỉ của tôi nhanhot73@gmail.com. Lúc nào sắp xếp được tôi gọi bác.
Đúng rồi, đi tham quan học hỏi như thế rất hay, vừa rồi gđ mình cũng mới vào ĐNai. (mình đi Lâm San, Cẩm Mỹ), trong đó tuy không nhìn thấy tiêu nhiều như Chư Pưh, nhưng kỹ thuật trồng tiêu lại được chú trọng không như trên mình làm đại trà, theo thói quen. Từ những chứng kiến thực tế, mình vừa đối chiếu sàn lọc và rút ra được những điều rất bổ ích. Chúc mọi người cũng có một chuyến đi thú vị !