Phú Yên: Nông dân điêu đứng vì cây tiêu bỗng nhiên chết

Cán bộ nông nghiệp đi kiểm tra tiêu chết

Từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay, cây tiêu ở các xã miền núi Phú Yên xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Một số xã như Sông Hinh, Sơn Thành Tây số lượng tiêu chết đã trên 60% tổng diện tích tiêu toàn xã và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trong vòng vài năm trở lại đây, cây tiêu được xem là “vàng đen” của nhiều người dân xã miền núi Phú Yên. Với khoảng 500 cây tiêu, mỗi năm người nông dân có thể bỏ túi trên 100 triệu đồng. Nhưng từ khoảng đầu mùa mưa 2016 đến nay, cây tiêu ở địa phương này xảy ra tình trạng vàng lá, thối rễ và chết dần.

Chị Phạm Thị Vân thôn Hòa Sơn, Sông Hinh chia sẻ: Nhà tôi đầu tư trồng được 300 cây tiêu, cây tiêu đem lại lợi nhuận rất ổn định, như năm vừa rồi tôi thu được 70 triệu đồng, đời sống gia đình từ khi có cây tiêu cũng ổn định hơn. Nhưng từ cuối mùa mưa năm ngoái đến nay, thời tiết mưa nhiều làm cây tiêu sinh bệnh, chết dần chết mòn, đến nay vườn nhà tôi đã chết gần 60%, số còn lại cũng đã vàng lá. Có lẽ sẽ mất trắng luôn…

Những gốc tiêu đang trong tình trạng chết dần

Cùng chung cảnh ngộ anh Lê Văn Dưỡng nói: Nhà tôi cũng có 500 cây tiêu đang chết dần, năm vừa rồi cũng vay nhà nước 50 triệu để chăm bón chúng, nhưng giờ nó chết cả tôi hết sức đau lòng. Mặc dù đau lòng, tiếc nuối nhưng cũng phải trồng lại chứ không để đất không như vậy được. Bây giờ chỉ mong các cấp các ngành cùng người dân vào cuộc xử lý lại đất làm sao để người dân có thể trồng lại, đồng thời tập huấn, trang bị lại kiến thức cho người trồng tiêu…

Hầu hết các hộ gia đình trồng tiêu ở đây đều rơi vào tình trạng tương tự. Khi tiêu chết, người dân đã chi ra hàng triệu đồng để bơm thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng , với mong mỏi sẽ cứu vãn được, nhưng càng cứu lại làm cho cây tiêu chết nhanh hơn.

Theo các hộ dân ở đây cho biết, việc đầu tư cho cây tiêu khá lớn. Từ khi trồng cho đến khi đưa vào kinh doanh mất 5 năm với chi phí mỗi gốc tiêu từ 500.000 – 600.000 đồng.

Liên quan đến việc cây tiêu chết, Cán bộ Nông nghiệp xã Sông Hinh chị A Lê H. Thi cho biết: trên địa bàn xã có khoảng 35 hecta cây tiêu, nhưng đến nay số đã chết đã lên đến 60% tổng diện tích, số còn lại cũng đã vàng lá, sợ không cầm cự được. Đến nay xã cũng đã hỗ trợ những gia đình bị nặng 500.000 đồng. Số diện tích tiêu còn lại sẽ được các cán bộ nông nghiệp theo dõi và cùng người dân tìm cách cứu.

Nhiều vườn tiêu đã tan hoang, mất trắng

Không riêng gì ở xã Sông Hinh, nông dân ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự, 95 hecta trong số 237 hecta cũng bị nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, mực nước ngầm trong khu vực trồng tiêu dâng cao, khiến nhiều vườn tiêu bị ngập úng dài ngày, dẫn đến cây tiêu bị thối rễ, nhiều loại nấm xâm hại gây bệnh chết nhanh, chết chậm.

Trước tình này Sở NN&PTNT Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, thống kê diện tích cây tiêu bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên khuyến cáo người dân chủ động khai thông nước cho vườn tiêu. Đối với những cây tiêu đã chết, cần nhanh chóng thu dọn và tiêu hủy để hạn chế tối đa nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau. Những cây tiêu còn sống có triệu chứng vàng lá nhẹ, bà con bổ sung bón phân lân dễ hòa tan để kích thích ra rễ mới; đồng thời sử dụng thuốc phòng trừ nấm gây bệnh chết nhanh chết chậm…

Nguồn Trung Thi (dantri.com.vn)

26 phản hồi cho bài "Phú Yên: Nông dân điêu đứng vì cây tiêu bỗng nhiên chết"

Hoàng

Trụ tiêu trên hình bị bệnh chết dây do nấm Rhizoctonia kết hợp với các nấm khác như Fusarium, Lasiodiplodia, Pythium… thành hiện tượng chết chậm.
Xử lý không khó mà mua được thuốc bvtv chất lượng để phòng trừ mới khó.

Ngok

Bà cán bộ Nông nghiệp đi kiểm tra, không loại trừ khả năng bà sẽ tha bào tử nấm bệnh dưới dép và đi rải khắp các vườn tiêu khác, và cuối cùng… nhà vườn thi nhau mà chết !

Senca

Chẳng có cây gì bổng nhiên mà chết cả ! Việc gì cũng có nguyên nhân.
Ngành chức tăng tập huấn phòng trừ nhiều vào sẽ khỏi.

Thắng Lợi

Những vùng trồng tiêu xưa nay ít được nói tới như Tánh Linh, Sông Hinh, Tiên Phước, Cam Lộ… thì nay cũng đã có thông tin tiêu chết ồ ạt !
Mong Chính phủ và bộ NN&PTNT sớm có kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh trên cây tiêu để giúp bà con cứu vãn vì chi phí tài chính cho dịch bệnh đã quá sức chịu đựng của người trồng tiêu rồi !

Bất Bình

Đợi được ban ngành ở môn địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ chắc chỉ còn lại mấy nọc tiêu.

ducquangtri

Vùng em cũng bệnh nhiều, bắt đầu nắng gắt mới mấy tuần mà nhiều vườn tiêu vàng hoe. Chết nhanh xong giờ chết chậm, tuyến trùng, thán thư nữa… còn tháng rưỡi nữa là thu hoạch rồi… Bây giờ trị còn kịp không các bác. Muốn xử lí triệt để thì dùng thuốc gì tốt nhất và hiệu quả trong lúc nắng hạn này.

tanlong

Chết 60% mới…hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ. Chỉ có Bộ NN-PTNT vào cuộc thì may ra.

Nguyễn Văn Chinh

Những vùng mới trồng hoặc chưa phát triển ồ ạt rất dễ làm, cứ đủ phân thuốc là cây lên ào ào.
Khi đã lâu năm hay phát triển ồ ạt hầu hết đều bị dịch bùng phát. Nếu vẫn chăm sóc như những năm chưa dịch thì nguy cơ bệnh bùng phát rất cao.
Vấn đề ở chỗ khi thấy các nơi trồng tiêu lâu năm đã bị cảnh này thì những vùng đi sau là 1 lợi thế để rút kinh nghiệm, đừng để “nước đến chân mới nhảy” thì đã muộn.

Dương tôn

Bà con Phú Yên mới trồng tiêu mấy năm nay kiến thức còn rất ít nên không biết cách phòng ngừa như những vùng trồng lâu năm. Các bà con ở đó nên trao dồi thêm kiến thức trồng tiêu trên mạng Internet chắc sẽ tìm được cách.

Nguyen Trung

Theo tôi thiết kế vườn như trong hình đăng là ko được rồi. Nước chảy tràn lan hết, tôi trồng tiêu cũng hơn 10 năm rồi, đặc biệt nước ở ngoài vườn chảy vào là tiêu bị chết.

Duy Chinh

Thật buồn là khi tiêu mới có biểu hiện bệnh người dân có ý kiến lên các cơ quan chuyên môn thì không thấy ai về hỗ trợ. Chờ khi chết hết rồi mới tập huấn, hỗ trợ…

phạm Văn Chiêu

Tôi là dân trồng tiêu ở Phú Yên, tôi thấy cây tiêu chết nhanh, chết chậm ko phải là người trồng ko nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu mà do người trồng tiêu quá lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV và các chất kích thích tăng trưởng nhằm tăng năng suất cây trồng. Gặp thời tiết khắc nghiệt mưa dầm 6 đợt kéo dài nhiều ngày, cây tiêu ko chết mới là lạ. Kể cả vùng dự án trồng tiêu VietGap của Công ty Vina cũng ko ngoại trừ.
Khi tiêu chết bà con cố gắng chạy chữa nhưng tiền mất tật mang. Bà con nên khoanh vùng dập dịch dùng các biện pháp đơn giản, rẻ tiền dùng vôi hầm xử lý hố bị bệnh và rắc khoanh vùng giữa khu vực bệnh và khu vực chưa bệnh sau đó pha Bocđô đổ các hố bệnh ko chữa trị, nếu chữa trị xong thì nó cũng què quặc ko phát triển trồng mới tốt hơn.
Trung Thi trong “Phú Yên điêu đứng vì bỗng dưng cây tiêu chết” có nói cơ quan chức năng đang vào cuộc để thống kê, hướng dẫn bà con trồng tiêu ko biết hướng dẫn ở bàn giấy hay sao? Tôi cùng một số hộ trồng tiêu đâu có thấy ai đến, thậm chí chúng tôi muốn cơ quan chức năng tạo điều kiện để chúng tôi vận động các hộ trồng tiêu trong khu vực Sơn Thành, Hòa Phú thành lập HTX SX hồ tiêu theo hướng hữu cơ vi sinh nhưng để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nhưng có thấy ai ngó ngàng đâu.
Mong bà con vượt qua những khó khăn trước mắt thành công ngày mai.

Nguyễn Gia

Trồng tiêu mà lạm dụng phân thuốc hóa học quá mức như quen trồng cà phê thì chỉ có trời mới cứu nổi !

NGUYỄN ĐĂC NHÀN

Về tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu cũng rất phức tạp khó khống chế, nó lây lan còn hơn dịch cúm gia cầm.

mickey

Gửi bác Vịnh!
Thưa bác! Vườn tiêu nhà cháu đang bước vào năm kinh doanh đầu tiêu thì bị vàng lá, có cây bị vàng từ dưới lên, có cây bị vàng từ trên xuống, rồi từ từ chuyển sang chết chậm, có cây thì vẫn vàng như thế nhưng không chết. Bản thân cháu ít khi muốn sử dụng thuốc BVTV nhưng khi vườn bệnh bây giờ phải bắt buộc sử dụng, nhưng lại không biết phân biệt cây nào bị rệp sáp, cây nào bị tuyến trùng. Bác có thể giúp cháu phân biệt bệnh rệp sáp với tuyến trùng bằng hình ảnh của lá tiêu để cháu có thể mua thuốc về xử lý cho đúng, được không ah?

minh trang

Tôi bị nấm da (2 chỗ nhỏ thôi) vậy mà chữa cứ bị đi bị lại hoài …tính ra 10 năm rồi. Cứ khỏi một thời gian tưởng hết hẳn ai ngờ bị rồi chữa hết lại tái phát … Cây tiêu nấm bệnh tràn làn, nói thuốc diệt nấm sao mà dễ vậy… thánh phán chắc !
Ông bà mình đặt tên cũng hay…tiêu, tiêu … đúng là tiêu.

Ngok

Bạn so sánh mắc cười thật !
Tiêu nhà mình bị nấm bệnh, mình sẵn sàng nhổ bỏ để tránh lây lan và trồng lại cây khác.
Hay có thể cắt bỏ những thân nhánh bị sâu bệnh để cứu những thân nhánh còn lại.
Còn bạn, bạn dám cắt bỏ tay bị bệnh hay bố bạn vứt bạn đi để đẻ đứa con khác ko ?
Bạn chắc chứ !

Châu Phong

Thuốc cho cây không có việc gì phải e ngại, nếu cứu được cây thì quá tốt.
Thuốc cho người vì sợ tác dụng phụ nên khó khăn hơn gấp bội lần, không thể so sánh được…
Vả lại, cây còn khả năng tái sinh cành nhánh thay thế !

Dương tôn

Mình ở Đồng Nai. Cả nhà cho mình hỏi, bầu tiêu ươm rất đẹp nhưng trồng ra vườn thì lại mọc rất chậm, èo uột, lâu lâu lại thấy rụng ngọn là tại sao vậy. Có cách nào làm cho nó mọc khỏe và xanh tốt không. Mong cả nhà cho ý kiến. Mình cám ơn nhiều.

Ngok

Chứng tỏ đất vườn quá xấu, ẩn chứa nhiều mầm mống sâu bệnh. Cần chăm bón, xử lý đầy đủ, cơ bản hơn nữa…

Dương tôn

Cám ơn bạn @ ngok. Mình mới làm tiêu 2 năm nên không có nhiều kinh nghiệm. Bạn cho mình hỏi, xử lý và chăm bón như thế nào. Có cần tới thuốc bvtv không. Và nếu cần thì cần thuốc loại gì. Mong bạn cho ý kiến. Cám ơn bạn nhiều.

Hoàng

Bạn vào cửa sổ Trồng và chăm sóc tiêu tự đọc thêm để nâng cao kiến thức cho mình. Chúc bạn thành công !

Ngok

Bạn nên trao dồi thêm kiến thức trồng tiêu trên mạng Internet chắc sẽ tìm được cách…!

Dương tôn

Cả nhà cho mình hỏi, trên mấy dây tiêu từ gốc lên khoảng hơn 2m thường có các đốm trắng trắng hơi tròn. Đó có phải là nấm bệnh không, và nếu phải thì cần phun thuốc hiệu gì thì hiểu quả ạ. Cám ơn cả nhà.

Huynh vu hung

Quý cơ quan đơn vị có nhu cầu quảng cáo, vui lòng liên hệ với số điện thoại có trên trang !
Cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *