Quảng Trị: Bùng phát bệnh chết nhanh trên hồ tiêu
Từ giữa tháng 12/2016 đến nay, do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lớn kéo dài nên nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Gio Linh bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tâm lý lo lắng cho người dân.
Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, toàn xã có 92ha trồng tiêu, với hơn 80ha đang ở thời kỳ kinh doanh, hàng năm mang lại thu nhập cho người dân từ 25 – 30 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian vừa qua do tình trạng mưa rét kéo dài đã làm cho hơn 80% vườn tiêu trên địa bàn xã bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả và chết rất nhanh.
Theo Bà Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh cho biết, trên địa bàn huyện có gần 150ha tiêu bị bệnh chết nhanh, trong đó bị nặng gần 24ha, do nấm Phytophthora spp gây nên. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây tiêu bà con cần phải vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ, khơi thông mương rãnh thoát nước, rắc vôi bột và phun các loại thuốc phòng bệnh.
Đối với trụ tiêu bị bệnh nhẹ và các trụ liền kề trụ tiêu bị bệnh thì có thể xử lý bằng các loại thuốc BVTV như Aliette 800WG, Amistar top 325SC, Agrifos 400… Khi phun phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc trừ bệnh chết nhanh cây hồ tiêu, chỉ được xử lý thuốc khi trời tạnh ráo, xử lý bằng cách tưới vào gốc và phun lên lá với liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo ghi trên bao bì.
Đối với trụ tiêu bị bệnh nặng và cây đã chết thì cần thu gom đưa ra khỏi khu vực vườn rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc bị bệnh bằng vôi bột. Tiêu trồng lại trên đất vườn đã bị bệnh chết nhanh cần được xử lý đất bằng vôi bột, trước khi trồng bón chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất