Quảng Trị: Nan giải chữa bệnh cho cây hồ tiêu
Hồ tiêu là một trong sáu cây trồng được tỉnh Quảng Trị xác định nằm trong bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trong chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cây hồ tiêu đã giúp nhiều nông dân vươn lên khá giả. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh chết nhanh khiến nhà vườn lo lắng.
Hồ tiêu chết liên tục
Nhà anh Lâm Quang Hoàng ở làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh có vườn hồ tiêu gần 100 cây đã cho thu hoạch. Đợt mưa dầm lớn kéo dài nhiều tháng cuối năm 2017 đã gây úng làm hồ tiêu chết sạch.
Ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, toàn xã có gần 100ha hồ tiêu, với hơn 80ha đang ở thời kỳ kinh doanh, hàng năm mang lại thu nhập cho người dân từ 25 – 30 tỷ đồng. Tuy nhiên thời gian vừa qua giá hồ tiêu đã xuống thấp chỉ còn 60 ngàn đồng/kg. Biến đổi khí hậu gây mưa nhiều làm hơn 80% vườn tiêu bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả và chết rất nhanh. Người trồng tiêu điêu đứng vì mất đi nguồn thu nhập quá lớn.
Cây bị bệnh đều có dấu hiệu là gốc thối đen, lá chuyển sang màu vàng trước khi rụng, dây thân thâm đen. Cây chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1 – 2 tuần.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Quảng Trị cho biết, hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh, được trồng chủ yếu tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa với diện tích đạt 2.500ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt 2.230 tấn.
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, nhiều diện tích hồ tiêu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai và dịch bệnh. Đầu năm 2016, hơn 1.000ha hồ tiêu bị rụng lá do rét đậm, rét hại làm giảm năng suất hơn 30%. Cuối năm 2016, Quảng Trị có nhiều đợt mưa vừa, mưa to gây ngập úng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chết nhanh bùng phát và gây hại nhiều diện tích.
Năm 2017, tình hình khí hậu thời tiết tiếp tục diễn biến cực đoan đã làm cho 300ha hồ tiêu tiếp tục chết nhanh do ngập úng, gây hiện tượng rụng lá trên diện tích khoảng 100ha, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh chết nhanh phát sinh gây hại trên diện rộng, nặng nhất các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh.
Các bệnh trên cây tiêu là rệp sáp, tuyến trùng, thán thư, đốm lá, chết chậm, nhưng nhiều nhất là bệnh chết nhanh. Cao điểm trên địa bàn toàn tỉnh có tháng đến 373ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, tỷ lệ bệnh có nơi cao từ 30 – 50% diện tích vườn.
Theo thống kê có khoảng hơn 2.000 hộ dân ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh có vườn tiêu bị nhiễm bệnh nặng, đồng nghĩa người trồng bị thất thu lớn số tiền hàng chục tỷ đồng. Các xã Gio An, Trung Sơn, Hải Thái của huyện Gio Linh nhiều vườn cây chết hàng loạt.
Trước tình hình bệnh hại hồ tiêu dai dẳng, Chi cục Trồng Trọt – BVTV Quảng Trị đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt – BVTV phối hợp chặt chẽ với các huyện cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, thường xuyên cùng dân thăm vườn kiểm tra, phát hiện kịp thời, dự tính dự báo, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật và phòng trừ bệnh hại.
Chủ động hướng dẫn bà con nông dân đã tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh như xử lý thuốc và các chế phẩm sinh học để phòng trừ. Thu gom nguồn bệnh đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy. Đào rãnh thoát nước trong vườn để hạn chế úng ngập trong mùa mưa…
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, bà Nguyễn Hồng Phương phát hiện nhiều vườn chưa được phòng trừ triệt để, chưa đúng kỹ thuật. Do đa số bà con trồng theo hình thức quảng canh, trồng trong vườn nhà nên ngại xử lý thuốc hóa học để diệt sâu bệnh. Hơn nữa, vườn tiêu đã lâu năm, trồng xen nhiều loại cây khác như nghệ, gừng, bơ… làm ẩm độ trong vườn cao, thoát nước kém, nước chảy từ vườn này sang vườn khác tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan phát tán. Vì vậy, sau những đợt mưa kéo dài vào những tháng cuối năm 2017 cho đến thời điểm hiện tại cây tiêu tiếp tục nhiễm bệnh và chết.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục vườn hồ tiêu chết do bệnh chết nhanh, Chi cục Trồng trọt – BVTV đã tiến hành 16 lớp tập huấn cho gần 1.000 lượt hộ nông dân tham gia, triển khai 4 mô hình trồng tiêu an toàn tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ cho người dân áp dụng học tập. Việc xây dựng các vườn tiêu an toàn dịch bệnh được triển khai cho các hộ trồng tiêu có khả năng đầu tư và có thể phổ biến kỹ thuật cho các hộ khác làm theo. Đến nay, các vườn trong mô hình phát triển rất tốt, không bị ảnh hưởng do úng ngập và sâu bệnh.
Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch huyện Gio Linh và ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh, hai địa phương có nhiều diện tích hồ tiêu bị chết đề nghị về lâu dài ngành nông nghiệp Quảng Trị cần rà soát, đánh giá hiện trạng và quy hoạch lại các vùng trồng hồ tiêu phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Yêu cầu các vùng trồng hồ tiêu phải tuân thủ quy hoạch hệ thống thoát, tiêu nước luôn vùng, khoảnh, thửa để quản lý tình trạng úng nước mùa mưa và lây lan bệnh vườn này sang vườn khác qua đường nước. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, bỏ tập quán đào hào trồng tiêu…
Chi cục Trồng trọt – BVTV Quảng Trị còn mời các chuyên gia của ĐH Nông lâm Huế đến giúp nghiên cứu sớm tìm giải pháp phù hợp để khắc phục ảnh hưởng do ngập úng và bệnh chết nhanh.
Về dài hạn, bà Nguyễn Hồng Phương đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người trồng hồ tiêu khắc phục thiệt hại và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh để phát triển cây trồng chủ lực theo hướng bền vững.
15 phản hồi cho bài "Quảng Trị: Nan giải chữa bệnh cho cây hồ tiêu"
Sáng nay chú có nhận 2 tấm hình của hai bạn gửi qua email nhờ tư vấn, đều bị bệnh vàng lá thối rễ chết chậm, kết hợp với nấm gỉ, nấm tảo, đốm lá, thán thư,… là các bệnh do nấm gây ra trên cây hồ tiêu. Nói chung là những bệnh không khó chữa nhưng kết hợp nhiều loại nấm cơ hội nên cần xử lý mạnh tay trước khi quá muộn thì… bó tay !
Quan trọng nữa là tìm mua được thuốc có chất lượng và xử lý đúng phác đồ chữa trị.
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2018/05/van-danh1.jpg
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2018/05/tieu-thu1.jpg
Cháu thấy 95% bà con chữa trị không theo đúng phác đồ điều trị mà thường theo cảm tính. Mới đổ và phun 1-2 lần thấy bệnh chớm dừng là ngưng thuốc ngay vì sợ tốn kém mà không hiểu là vẫn còn bào tử nấm bệnh đang chờ cơ hội để tái phát, nên cứ bảo là không chữa được. Trong khi chỉ cần phun và đổ thêm 1 lượt nữa sẽ diệt sạch bệnh luôn.
Tại sao khi ốm mình phải dùng thuốc 4-5 ngày liên tục, có khi phải cần thêm vài ngày nữa vừa uống vừa chích. Tiêu bị bệnh thì sao? Ai dám chắc chỉ phun, đổ 1 lượt sẽ khỏi nếu đó là các dịch bệnh do nấm, dai dẳng vô cùng…
Năm nay vùng em mất mùa hơn 80%, dịch bệnh vẩn tồn tại và có xu hướng lan ra diện rộng, e ngại dùng thuốc BVTV là một nguyên nhân, thực tế bà con đang còn canh tác theo lối cũ, ít ai đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhà em thu hoạch xong là vệ sinh rửa vườn, tiêu hủy toàn bộ những cây bệnh không chữa được, đào mương, vun gốc tiêu, ủ phân chuồng có chế phẩm trichoderma nên thiệt hại không đáng kể. Với nguồn nguyên liệu hữu cơ dồi dào, kết hợp với chế phẩm vi sinh, bà con canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ sinh học là hướng đi tốt nhất.
Chào bạn @ducquangtri
Mừng cho vườn bạn vẫn an toàn. Tuy nhiên, qua phản hồi mới thấy có sai lầm là: số vi nấm trichoderma dùng để ủ phân sẽ bị tiêu diệt cùng các loại mầm mống sâu bệnh khác khi nhiệt trong đống ủ tăng cao. Vậy thì, khi bón phân đã ủ ra vườn mà không bổ sung vi nấm trichoderma khác thì lấy gì để phòng bệnh?
-E ngại dùng thuốc BVTV là vì quá nhiều thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng. Nhưng vì vậy mà bà con không dùng thuốc thì mần cách chi cho hết bệnh? hay buông xuôi? Canh tác lối nào cũng vậy, đói ăn rau đau uống thuốc là chuyên đương nhiên.
Phải mạnh dạn trao đổi với bà con, nếu bà con cần sự hỗ trợ riêng thì trao đổi qua email nguyenvinh@giatieu.com
Thân
Chaú chào chú Vịnh, 1 năm cháu bỏ phân chuồng 2 lần, đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, có bổ sung trichoderma đối kháng, năm nay chắc phải thêm một đợt trichoderma nữa vào giữa mùa mưa. Vì mùa nắng thiếu nước nên rất khó. Khi phát hiện 1 vài cây bị bệnh cháu dùng thuốc trị ngay, cháu cũng trao đổi nhiều với bà con, vườn bác nào phát hiện sớm thì dùng thuốc bvtv điều trị ngay đều có kết quả tốt. Bây giờ nắng lên còn giữ được vườn. Những vườn không trị bệnh hoặc trị bệnh khi đã quá muộn thì hầu như chết gần hết. Nằm trong vùng dịch cũng rất khó kiểm soát, vườn này cách vươn kia 1 bước chân, mọi người cứ qua lại vào vườn tự do thì cũng là một nguyên nhân lây lan…
Năm nay vùng cháu có 1 mô hình canh tác hữu cơ sinh học. Hy vọng bà con quan tâm và học hỏi…
Chúc mừng bà con ngoài này đã có mô hình canh tác hữu cơ sinh học.
Hy vọng tình trạng dịch bệnh trên hồ tiêu Quảng Trị sớm bị đẩy lùi…
Theo hướng hữu cơ sinh học là sự lựa chọn khôn ngoan và khoa học.
Đừng để phải trả giá quá đắt như nhiều bà con trồng tiêu trong Nam hiện nay.
Đã quá chậm trễ !
Chaò cộng đồng giá tiêu cho cháu hỏi việc này tí, cháu có một số cây lồng mứt 4 đến 5 năm tuổi gốc đường kính khoảng 15cm.
Cháu muốn chiết như cây muồng để đem đi thay cho 1 số cây gòn bị chết mà không biết có sống không? cộng đồng ai có kinh nghiệm chiết mứt hay có phương pháp nào làm cho cây mứt chuyển qua chổ khác mà tỷ lệ sống cao giúp dùm cháu với.
Cháu chân thành cảm ơn nhiều. Chúc cả nhà nhiều sức khỏe
Chào cộng đồng. Cộng đồng cho vài ý kiến về cách diệt bọ trĩ rầy nâu với. Trên mạng nhiều loại thuốc quá. Kinh nghiệm còn yếu mong cộng đồng giúp đỡ nhiều ạ. Thân.
Chào @ nhandao, cây lồng mức phải trồng vào mùa mưa, thời tiết dâm mát, khi bộ lá cây phải đủ già mới đào nhé, phải đào sâu để lấy bộ rể nguyên vẹn, trước khi trồng cần cắt ngằn cành và rể gọn gàng. Vùng tôi lồng mức trồng nhiều và rất được ưa chuộng.
Chào chú Vịnh !
Chú cho con hỏi tiêu của con sau khi cắt dây mùa mưa năm ngoái xong, tiêu con lên rất đẹp, nhưng thời gian gần đây tiêu có hiện tượng ngọn nhỏ, lá nhỏ, quăn lại chậm phát triển như trong hình.
Xin chú tư vấn cách chăm sóc và điều trị.
Con cảm ơn chú !
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2018/05/huyen-tran1.jpg
http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2018/05/huyen-tran2.jpg
Tiêu bị nhện đỏ chích hút qua thê thảm. Phun thuốc diệt côn trùng, xử lý kép. Phun vào lức chiều muộn, phải phun thật kỹ mọi ngóc ngách do côn trùng rất nhỏ như đầu kim, khó thấy.
Theo mình, để thuốc diệt côn trùng đạt hiệu quả cao, bạn hạn chế phối trộn thêm bất cứ thứ gì…
Chào@ đucquangtri bạn chưa đọc kỹ câu hỏi của @nhandao hỏi, chiết như muồng đen tức là tiện vỏ rồi cắt để trồng đó bạn. Chắc Quảng Trị thì cây muồng đen ít nhưng Tây nguyên thì nhiều, nhưng chiết cây lồng mức thì ít cũng có thể chiết như muồng nhưng khi trồng cần xử lý thuốc siêu rễ mới có thể sống.
Cảm ơn 2 bạn @ducquangtri và bạn @nhàn đắc rất nhiều. Chào bạn nhàn đắc cho mình hỏi thêm tí nữa cây lồng mức chiết trồng sống tỷ lệ cao không? Thời gian chiết tới khi cưa đi trồng là bao nhiêu ngày vậy bạn? Cách chiết mức như thế nào nhờ bạn chia sẻ giúp mình với. Xin chân thành cảm ơn bạn, chúc cả nhà có thật nhiều sức khỏe