Quảng Trị: Tiêu chết dần, người dân thiệt hại nặng

 

Cây tiêu mang lại thu nhập cao cho nhiều nông hộ ở vùng gò đồi Quảng Trị.

Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.

Chỉ tính riêng ở hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã có hơn 1.000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh các loại, chết dần gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người trồng. Theo thống kê của Trạm BVTV huyện Vĩnh Linh, toàn huyện có 690/810 ha bị nhiễm các loại bệnh như: Thối gốc, tuyến trùng rễ, đốm lá, thán thư, vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm… khiến diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn toàn huyện giảm mạnh. Đến thời điểm này, toàn huyện Vĩnh Linh có hơn 30% diện tích cây hồ tiêu bị bệnh nặng và chết khô.

Nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Tú, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh); Gio An, Gio Sơn, Gio Hòa, Gio Bình, Hải Thái, Linh Thượng (Gio Linh)… hàng loạt cây đang xanh tốt, vào vụ thu hoạch bỗng nhiên ngã bệnh chết gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ gia đình…

Cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thành, Trần Văn Vinh, cho biết, toàn xã có hơn 95 ha tiêu, trong đó có 75 ha đã cho thu hoạch, 20 ha trồng mới. Hiện nay, do dịch bệnh trên cây tiêu bùng phát mạnh nên trong tổng số diện tích tiêu của toàn xã ước tính ít nhất có hơn 30% diện tích mất trắng. Hàng loạt vườn tiêu mới cho thu hoạch vài năm bị nhiễm bệnh chết đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Chúng tôi luôn khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng tiêu và canh tác theo hướng bền vững nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến bất thường nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện có hàng trăm hộ dân trồng tiêu ở huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Nhiều hộ gia đình có vườn tiêu bị bệnh nặng đã phá bỏ cây tiêu, tính đến phương án trồng mới phục hồi hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu, ông Ngô Toàn Thắng, Trưởng trạm BVTV huyện Vĩnh Linh cho biết, dịch bệnh trên cây hồ tiêu hiện diễn biến khá phức tạp. Thông thường, khi dịch bệnh đã lây lan và phát tán mạnh thì rất khó điều trị, chỉ khi phát hiện sớm và điều trị tích cực thì mới phần nào hạn chế được thiệt hại. Nếu phát hiện và điều trị muộn thì chắc chắn việc cứu vãn vườn tiêu là rất khó. Trước tình hình dịch bệnh trên, Trạm BVTV huyện yêu cầu các địa phương và người dân phải tích cực, chủ động phòng trừ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Trạm khuyến cáo với người dân về việc phải thường xuyên phun thuốc để phòng cho cây tiêu trước khi dịch bệnh tấn công, đồng thời các hộ gia đình cần tăng cường công tác vệ sinh vườn tiêu, bổ sung thêm các loại phân bón để cây có đủ sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh. Về mùa mưa phải bảo đảm việc thoát nước trong vườn để cây tiêu không bị ngập úng; thường xuyên theo dõi diễn biến các loại bệnh và nếu phát hiện dịch bệnh thì cần phải cách ly và tiêu hủy nhanh chóng, an toàn cây nhiễm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.

Vườn tiêu của ông Lê Văn Nga ở Vĩnh Thành, Vĩnh Linh (Quảng Trị) thiệt hại nặng do dịch bệnh

Để hạn chế sâu bệnh phát sinh và gây hại, Chi cục BVTV tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn nông dân chăm sóc, làm cỏ, cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, cành sát mặt đất, bón phân cân đối, đầy đủ, phun bổ sung phân qua lá nhằm hạn chế hiện tượng rụng quả. Tùy theo mức độ bệnh chết nhanh cần tiến hành xử lý bằng các loại thuốc BVTV như Ridomil God 68 WP, Vimon, các loại thuốc trừ tuyến trùng như Vifuran, Carbosulpha, Fungan, Agrifos 400… Điều quan trọng nông dân cần chú ý là việc quy hoạch, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vườn tiêu phải được quan tâm đúng mức, tiến hành thường xuyên, không nên để đến khi bệnh gây hại nặng mới tiến hành xử lý thì hiệu quả trị bệnh mang lại không cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất tiêu

Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày cho giá trị kinh tế cao, được trồng từ lâu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha hồ tiêu, trồng tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa và Đa Krông… Trước đây, nhiều hộ gia đình có thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng/năm từ cây hồ tiêu. Để vườn cây hồ tiêu mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Trị cần sớm có giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch bệnh gây hại bảo vệ cây trồng nhằm khôi phục và phát triển vườn hồ tiêu có từ lâu đời trên địa bàn.

Nguồn Nguyễn Văn Hai (Nhân Dân điện tử)

25 phản hồi cho bài "Quảng Trị: Tiêu chết dần, người dân thiệt hại nặng"

Tiêu điên

Hai bài viết cùng nói về hồ tiêu ở Vĩnh Linh Quảng Trị nhưng thể hiện hai cực đối lập. Bên này lo lắng mất ăn mất ngủ bao nhiêu thì bên kia lại hớn hở vui mừng bấy nhiêu.
Trồng tiêu như vậy thì nguy hiểm quá, dễ rủ nhau vô nhà thương Biên Hòa.

Hoàng Văn Lập

Cùng các bạn Huyện Gio linh và Vĩnh linh.
Theo kinh nghiệm của tôi, cách phòng bệnh đầu tiên cho cây tiêu là sau khi thu hoạch xong, tôi cho thuốc tuyến trùng ngay, sau 20 – 25 ngày cho lần thứ 2, và có thể cho lần thứ 3 vào cuối mùa mưa. Tôi thường dùng thuốc Mocap… dạng nước hay dạng bột đều được. Vì lần 1 tuyến trùng mẹ chết, còn trứng mới nở, ta khử nó lần 2. Sau đó, ta quan sát kỹ những cây nào không xanh lại được chứng tỏ tuyến trùng chưa hết, ta xử lý cục bộ, cũng bằng Mocap sau đó rải thử ít phân, quan sát kỹ mầu lá bắt đầu xanh lại, Tốt, nếu chưa xanh, ta lại làm tiếp tục, tuy vậy có thể do nấm có trong bộ rễ, nên khi đổ thuốc tuyến trùng, cần cộng chung với Agrifos 400 (trừ nấm) vì tuyến trùng là đầu mối mọi bệnh của tiêu.
Vì bộ rễ tốt, không trầy, không vết thương, nấm bệnh không thể thâm nhập vào cây tiêu được. Còn những bệnh trên lá thì không đáng sợ, xịt thuốc trị nấm nào cũng trị được. Hy vọng các bạn dọc dược bài này và áp dụng thành công. Cũng quan trọng là khi dùng thuốc, gốc tiêu cần đủ độ ẩm. Về phân bón thì cần sử dụng phân HỮU CƠ SINH HỌC rất hữu ích. Đã có nhiều bài nói về ích lợi của dùng phân này rồi trên giatieu.com.
Thân chào. Lập cây gáo Đồng Nai.

Nguyễn Minh Vịnh

Chính xác như bác Lập nói. Bộ rễ khỏe mạnh thì cây sẽ không bị bệnh gì cả. Để giữ bộ rễ khỏe mạnh thì cần ngừa rầy trắng mùa khô và tuyến trùng mùa mưa. Sử dụng phân bón hợp lý đúng cách, bộ rễ không tổn thương thì cây luôn khỏe mạnh.
Nấm chết nhanh cũng không có gì là ghê gớm. Nếu ta biết cách phòng ngừa, tiêu diệt mầm bệnh. Làm cho đất thông thoáng, khả năng rút nước tốt.
Tôi chỉ sợ dịch bùng phát kiểm soát không nổi thôi. Hãy giữ cho vườn hồ tiêu luôn sạch bệnh.

minh chau

chào anh MV ! cho em hỏi khi lấy giống tiêu ác. mình lấy bao nhiêu mắt? có cắt hết tay ác không hay chừa lại ? em cảm ơn.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào anh Minh Châu!
Với tiêu ác chỉ cần 2 – 4 mắt tùy vào cái thế của mắt ác. Khi cắt chừa lá trên cùng và cắt sạch tay ác đi. Chừa mắt trên cùng là mắt ác nó sẽ ra đọt ác. Trồng thế mau được ăn. Tuy nhiên khi tiêu ra lươn gốc thì đôn phần đó rồi vòng lên cây lấy thêm dây và lấy thêm bộ rễ. Thì cây khỏe hệt tiêu lươn được đôn.
Thân!

minh chau

Cảm ơn anh Minh Vịnh ! thường thì ta trồng 2 dây sang năm cắt lấy giống và tạo bộ tán. Còn em thì định trồng 4 dây sang năm không cắt, để ăn luôn thì khi tiêu lên có bấm đọt không hay để nó tự nhiên lên? và 1 dây chừa mấy ngọn?

Nguyễn Minh Vịnh

Chào anh minh chau!
Tiêu để tự nhiên lên khó mà tạo tán đều được cho dù là trồng 4 dây. Tiêu muốn sung tôi vẫn thường xuyên bấm tới ngang ngực. Bấm thường xuyên thì cây rất đều trụ. Trồng 4 dây trụ phải to lắm mới chịu nổi. Do bấm đọt 2 lần là thành mười mấy ngọn liền. Với 2 dây tôi bấm ngang ngực được tầm 6-8 đọt là đều trụ.
Thân!

Anh Vịnh ơi, khi trồng lương, cây lên cả mét, nhưng chưa ra nhánh thì mình bấm ngọn có được không anh? Tại tôi có làm như vậy nhưng nhiều người phản đối và nói cũng có lý : phải chờ ra nhánh, nó sẽ ra 2 nhành rồi nghỉ 2 mắt, khi đó mới bấm trên mắt thứ 2 không có nhánh, cảm ơn anh.

Kiến càng

Bạn muốn cải tạo nó hay bạn để nó cải tạo lại bạn?
– Nếu bạn cải tạo nó thì bạn cứ bấm, bấm liên tục cho đến khi nào nó ra nhánh ác.
-Nếu ngược lại thì khỏi bàn bạn nhỉ !

Nguyễn Minh Vịnh

Chào MUF!
Đó còn tùy thuộc vào giống, kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật đôn, của từng nhà…
Nó là giống lâu ra ác như Ấn Độ đọt trắng, tiêu trâu lai,… Thì ta phải bấm đọt thường xuyên nó mới ra ác được. Chứ để lươn lên liên tục tự nhiên có khi qua đầu mới ra ác. Khi đôn bộ rễ quá dài dưới đất rất dể bị phạm rễ. Như rầy trắng tuyến trùng, phân bón … làm chết cây.
Với những giống mau ra ác thì lên cả mét tức là nó sắp ra ác. Khi ra ác cho nhánh ác cứng cáp sau đó ta tiến hành đôn và áp dụng kỹ thuật bấm đọt. Bấm phía trên nhánh ác nó sẽ ra đọt ác.
Ngoài ra ta có thể bấm 1 lần hoặc vài lần khi đọt lươn còn non để cho dây tiêu mau già, mau ra đọt ác hơn.
Kỹ thuật bấm đọt áp dụng hợp lý, Kết hợp kỹ thuật hỗ sinh. Trồng 1 dây vẫn làm cho bụi tiêu to đùng xum xuê được. Nó là kỹ thuật tôi khá tâm đắc đấy. Nghệ thuật là ở đây. Nghề trồng tiêu cũng lắm công phu.
Thân!

minh chau

chào anh Minh Vịnh. Cảm ơn anh rất nhiều, vì em mới chuẩn bị trồng tiêu nên kinh nghiệm không có. Vả lại là con gái nên kỹ thuật trồng tiêu không biết, nghe người ta nói sao thì nghe vậy. Ở chổ em người ta trồng 3 dây ác không bấm ngọn, mà trụ vẫn đều tán. Họ trồng trụ bê tông! em cũng không biết sao nữa, đang phân vân không biết chọn cách nào? Anh có thể giúp em cách chọn giống, cắt giống, cách trồng, cách làm bồn và phòng ngừa bệnh dịch. Em xin cảm ơn anh rất nhiều. Chúc anh sức khỏe!

Nguyễn Minh Vịnh

Chào minh chau!
Bạn cứ tìm hiểu kinh nghiệm ươm tiêu lươn của anh Đỗ Trường Sơn, hay kỹ thuật nhân giống hồ tiêu, hay qui trình trồng tiêu ở Chư Sê… Tìm từ khóa trên diễn đàn, sẽ hiển thị bài viết. Đọc bài viết và những thảo luận sẽ có giải đáp cho kỹ thuật bạn vừa hỏi. Còn 1 câu hỏi của bạn tới mấy chủ đề lận nên một lời không thể giải đáp hết.
Thân!

Phan Sanh

Kính chào gia đình giá tiêu. Mình ở vùng tây Gio Linh Quảng Trị, trồng tiêu đã hơn 20 năm. Sâu bịnh hại cây tiêu mình cũng có biết một chút ít. Nhưng hiện nay vườn tiêu 400 gốc của mình bị một loại bệnh rất khó đoán, cây đang xanh chuyển sang màu vàng khoản 2 đến 3 ngày chết hàng loạt, mình đã phun và tưới gốc Agrifos 400 (trừ nấm) + Ridomin gon nhưng cây vẩn chết. Đào gốc lên không có nốt sần của tuyến trùng, chỉ thối gốc ở ngang mặt đất, thân cây vẫn tươi, héo lá 2-3 ngày cây chết.
Xin hỏi các bạn ai có kinh nghiệm về loại bệnh này, thuốc đặc trị và cách chửa trị giúp mình với hiện nay vườn tiêu 8 năm tuổi với 400 gốc đã chết gần 50%. Cám ơn nhiều.

Chắc tiêu của bác bị bệnh chết nhanh rồi. Theo tôi được biết thì bệnh này thường xảy ra từ năm thứ 3 trở về sau. Nói là bệnh xảy ra chứ thực ra là biểu hiện bệnh cho ta thấy còn nó đã nhiễm từ nhiều năm trước và vô phương cứu. Nếu trong 1 vườn đã chết 50% nó còn sẽ chết thêm nữa dù có bỏ thuốc gì. Còn những cây đề kháng mạnh sẽ không chết nhưng ngắc ngoải, năng suất thấp. Bác gõ từ khóa tra thêm tài liệu để tìm hiểu thêm về nguyên lý gây bệnh để phòng cho lần trồng tiếp theo. Tôi thì đã trả giá rồi và thấy phòng ngừa thôi bác. Chữa chạy chỉ tốn kém thêm. Nguyên nhân chính có lẽ do tập quán canh tác lạm dụng phân hóa học, thuốc hóa học, là cái bồn chứa nước mùa khô làm cho ngập úng về mùa mưa mà ko biết cách xử lý chống ngập úng cục bộ (theo phương pháp làm hố rút nước, cao gốc, bồn xa của bác Vịnh), do dòng nước tràn qua mãi vào mùa mưa 1 đám nhỏ nào đó? Mong các bác nhiều kinh nghiệm nhanh chóng giúp đỡ bác Phan Sanh.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào anh Phan Sanh!
Anh trồng tiêu 20 năm mà mới gặp hiện tượng thối cổ rể này lần đầu là anh may mắn đấy. Bệnh này rất thường gặp ở cây hồ tiêu. Tên bệnh này cũng như hiện tượng anh mô tả, là bệnh thối cổ rể. Nguyên nhân do nấm Phytophthora gây ra. Khi cây đã xì mủ gốc chuyển sang rủ lá là cây đã bị ủ bệnh từ 2 – 3 tháng trước. Lúc này vô phương cứu chữa. Thậm chí lây lan rất nhanh. Agrifos 400 tác dụng phòng ngừa khá tốt. Tuy nhiên tác dụng diệt trừ khi cây phát bệnh không cao.
Lúc này anh nên dùng các loại thuốc đồng nặng đô hơn. Như đồng đỏ… Thường người ta vẫn quét gốc bằng boocđô hay đồng đỏ để ngừa loại nấm này tấn công vùng cổ rễ. Một phần do giống tiêu Vĩnh Linh lá mỏng đề kháng yếu, năng suất rất cao. Loại này trước đây nhà tôi cũng bị chạy hàng loạt. Tới nay thay thế giống đó dần cũng hết bị hiện tượng trên.
Thân!

phạm thanh hải

Cho hỏi trước đây bạn đã bỏ phân gì rồi, bỏ số lượng bao nhiêu? Qua bạn nói tôi nghi bị ngộ độc phân rồi. Bạn cố gắng tưới nước thật nhiều thử xem sao.

Cường

Tiêu bị bệnh chết, đang theo dõi để chữa trị theo hướng bệnh do nấm gây ra.
Tưới nước vào làm cho nấm phát triển và lây lan nhanh hơn, giúp tiêu chết nhanh hơn. Cần phải xem xét thận trọng !
Mong bà con chia sẻ.

Nguyen Thanh Xuan

Chào anh Phan Sanh!
Vườn tiêu của anh chắc chắn là bị bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora tấn công bộ rễ cách đây khoản 2 tháng rồi, giờ nhìn thấy như vậy là cây đã bị bệnh rất nặng. Anh nên dùng thuốc có gốc đồng loại nặng đô như Aliete80WP, Ridomil MZ 72, Mataxyl 500, Super cook, Matxy 72 pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vừa phun lên lá và tưới vào gốc 2 – 3 lần, cách nhau 15 ngày, sau cùng dùng thuốc AgiFos 400 pha nước tưới gốc (lưu ý khi tưới gốc đất phải ẩm). Nếu đã sử dụng như trên mà cây vẫn chết thì chỉ có nhổ bỏ phơi khô đốt xử lý đất trồng lại mới. Cây nào cứu sống thì phải hơn một năm sau mới có thể xanh lá và phát đọt. Mong anh thành công.
Thân!

trong quyetle

Nếu mới phát hiện mà đã đi 50% thì buông tay thôi. Tiếp tục theo thuốc sợ tiền mất tật mang. Tôi thật may mắn 15 năm trong nghề mà chỉ gặp qua một lần may mà phát hiện kịp.

ngoc thanh

Chào mọi người ! Cho em hỏi một tí ? Em mới trồng tiêu lươn được 1 tháng rồi. Hôm nay thăm vườn thấy sát gốc có vết thâm đen. Cây tiêu vẫn phát triển bình thường ra đọt non. Không biết là bệnh gì? Mong mọi giúp đỡ, em xin cảm ơn !

phạm bá công

Do trồng xong tiêu bị hở gốc gặp trời nắng nó cháy thôi không vấn đề gì cả. Lấy cỏ tủ vào gốc là được.

hienchau

Mình cũng đang bị như vậy, nhưng tỷ lệ thấp (khoảng 5%) có nhiều nguyên nhân, nhung nguyên nhân chắc chắn là giống yếu, nắng nóng (nhiệt độ mặt đất cao hơn nhiệt độ không khí) và nước tưới chưa đều.

Nguyen Thanh Xuan

Chào các anh!
Mình thấy ở Quảng Trị là cái nôi của giống tiêu Vĩnh Linh nổi tiếng cả nước, khắp Tây Nguyên hầu như phổ biến nhất là tiêu giống này, người dân Quảng Trị đã trồng tiêu từ rất lâu rồi nhưng khi có dịch bệnh thì bà con thường hay lúng túng không biết rõ nguồn gốc của dịch bệnh và nguyên nhân gây hại. Tôi thì mới bước vào nghề trồng tiêu khoản 4 năm, chủ yếu là tôi học lại kinh nghiệm của bà con trong gia đình chỉ lại. Tôi rất chịu khó học hỏi. Cây tiêu bị bệnh thối cổ rễ chết nhanh do nấm Phytophthorar tôi cũng gặp rồi nhưng may là phát hiện kịp thời và phòng trị được. Mỗi lần có mưa nhiều hay nghe có tin bảo là tôi lo kiểm tra mương rãnh thoát nước, nếu có cỏ rác che lấp dòng chảy của mương là tôi khơi thông lại ngay, không để nước tràn vào vườn tiêu. Với cây tiêu đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản tôi thường dùng phân vi sinh chuyên dùng cho tiêu, phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng để bón, dùng thêm phân lân nung chảy để làm cứng cây chắc rễ lá tiêu dày và xanh đậm bổ sung vi lượng cho cây, thỉnh thoảng bón thêm Kali nhưng hàm lượng rất ít. Ở giai đoạn này tôi rất ít dùng phân hóa học để thúc cây mau lớn. Tôi thấy nhiều người che giàn rãi lưới tạo bóng râm rồi bón thúc phân hóa học nhiều để cây tiêu mau phủ trụ nhưng làm như vậy tôi thấy lá tiêu sẽ mỏng và không xanh đậm, dây tiêu bị non và lóng tiêu dài ra tôi nghĩ như vây cây tiêu sẽ bị yếu và giảm sức chống chọi với sâu bệnh khi tiêu đã phủ trụ và những năm sau.
Rất mong các anh, chị chia sẻ góp ý.
Tôi rất cảm ơn!

Qua kinh nghiệm mà bác Thanh Xuân chia sẽ thì bác là người tích lũy kinh nghiệm rất nhanh. Mới chỉ 4 năm mà bác đã vững vàng về những điều cơ bản. Có điều hơi thắc mắc 1chút mong được các bác chia sẽ thêm về : che giàn rãi lưới tạo bóng râm . Theo tôi che lưới, che giàn bằng cây ngô ( trước đây bà con ở Chư Sê rất hay làm), che bằng cỏ tranh … che túp là điều cần thiết khi tiêu còn nhỏ. Chỉ có lạm dụng phân hóa học thì rỏ ràng là hại rồi. Tiêu còn nhỏ, che bóng hợp lý cho cây phát triển thuận lợi. Đến thời điểm thích hợp, điều tiết dần ánh sáng cho cây khỏi bị sốc. Cây tiêu con giống như trẻ nhỏ. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để tạo đà phát triển về sau, sẽ to, cao, khỏe mạnh chứ k có lý gì cứ đang sơ sinh mà thả ra dưới điều kiện khắc nghiệt. Nay bà con trồng thường ít làm giàn, lý do chĩnh là đỡ tốn công, tốn của, và nữa, nay bà con đã có nhiều kinh ngiệm hơn nhưng che túp vẫn là điều cần thiết.
Tôi đã cố gắng tìm hiểu nhưng vẫn không biết cây tiêu bị bệnh chết nhanh là do nấm Phytophthora tấn công bộ rễ tích lũy qua nhiều năm, mật độ tăng dần đến khi bộ rễ bị hủy hoại hoàn toàn rồi biểu hiện chết rất nhanh hay “nấm Phytophthora tấn công cách đây 02 tháng ” mà đã làm tiêu chết nhanh như bác Thanh Xuân nói.Tôi nghĩ điều này khá quan trọng. Nếu tích lũy qua nhiều năm hoặc nhiễm bệnh 2 tháng mà đã chết thì chúng ta sẽ có cách phòng ngừa khác nhau. Vì như theo tôi biết thì nấm Phytophthora tấn công là nấm thủy sinh, phát triển mạnh trung môi trường ngập, úng. Mà Tây Nguyên thì 02 mùa mưa nắng rõ rệt nên nếu thấu hiểu chúng ta sẽ nghĩ ra cách phòng trừ hữu hiệu hơn.
Mong bà con đóng góp kiến thức, kinh nghiệm. Xin cảm ơn.

Nguyen Thanh Xuan

Chào các anh!
Năm 2011 em tình cờ xem chương trình khuyến nông trên ti vi thấy người ta hướng dẫn kỹ thuật text đất để phát hiện trong đất có nhiễm nấm Phytophthora hay không. Em xin chia sẽ lại như sau:
Bước 1: Ta chia vườn tiêu ra nhiều khu vực và đánh số thứ tự, mỗi khu vực ta lấy một mẫu đất dưới hố tiêu và đánh số thứ tự theo khu vực đễ tránh nhầm lẫn.
Bước 2: Đem bỏ mẫu đất mỗi khu vực vào một cốc thủy tinh (lượng đất khoản 1/3 cốc) có đánh số thứ tự theo mẫu đất rồi đỗ nước vào mỗi cốc lượng nước đến 2/3 cốc là được, sau đó dùng que khuấy đều nước và đất trong cốc, lưu ý là mỗi cốc dùng riêng một que.
Bước 3: Ta lấy lá tiêu trong vườn cắt thành hình tròn thả vừa vào trong cốc để lá nằm ngữa theo mặt lá như ngoài trụ, lá nỗi trên mặt nước trong cốc.
Sau từ 3 đến 5 ngày ta mang các cốc có lá tiêu này ra kiểm tra. Nếu lá tiêu trong cốc nào bị đen và thối rữa thì khu vực đó đã bị nhiểm nấm Phytophthora, lá trong cốc nào còn xanh không bị đen thì khu vực đất đó chưa bị nhiễm nấm.
Em không biết bà con nào đã text thử chưa xin cho ý kiến đóng góp.
Em rất cảm ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *