Sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu
Sau nhiều năm nghiên cứu, trường Đại học Tây Nguyên đã tìm ra biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây hồ tiêu.
Theo đó, nhà trường đã xây dựng được các mô hình sản xuất hợp lý bảo đảm canh tác tiêu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, đem lại nhận thức mới cho người dân trong canh tác cây hồ tiêu.
Các nhà khoa học đã sử dụng các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer cho cây hồ tiêu trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Các chế phẩm sinh học được tách chiết từ vỏ tôm cua, côn trùng, vách tế bào nấm. Đây là những thành phần không độc hại, phân hủy sinh học nhanh và an toàn với môi trường.
Các thành phần chitosan và chitosan oligomer có hoạt tính kích thích tăng trưởng ở thực vật, tăng số lượng vi sinh vật có lợi, hạn chế nấm gây hại trong đất và tăng cường hệ thống đề kháng của thực vật đối với cây trồng.
Ứng dụng vào sản xuất, các chế phẩm được tưới cho cây hồ tiêu ba lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Sau ba tháng, số lượng nấm mốc và xạ khuẩn có trong đất tăng lên nhanh chóng.
Hầu hết số xạ khuẩn và nấm mốc này có khả năng tổng hợp các loại enzyme làm tan vách tế bào của các loại nấm gây bệnh và một số côn trùng, giúp cho cây hồ tiêu có khả năng làm tăng đề kháng với các loại nấm bệnh trong đất.
Trong quá trình canh tác, khi bón các chế phẩm chitosan và chitosan oligomer đã làm giảm đáng kể số lượng nấm gây bệnh Fusarium đối với cây hồ tiêu.
Ngoài cơ chế gia tăng gián tiếp số lượng nấm mốc và xạ khuẩn, chế phẩm chitosan và chitosan oligomer còn có hoạt tính kháng nấm Fusarium trực tiếp. Nấm Fusarium bị ức chế hoàn toàn khi nuôi cấy trên môi trường bổ sung chitosan và chitosan oligomer nồng độ 0,1-0,15%.
Các chế phẩm sinh học nói trên còn làm giảm số lượng tuyến trùng trong rễ cây hồ tiêu đến tám lần so với những vườn cây không sử dụng chế phẩm.
Mặt khác, khi phun chế phẩm chitosan oligomer nồng độ 200 mg/l lên lá, lượng diệp lục trong lá cây hồ tiêu tăng gần 50%. Cây được kích thích sinh trưởng thân dây chính và các cành nhánh phát triển nhanh hơn.
Thực tế sản xuất đã cho thấy, các chế phẩm sinh học chitin, chitosan và chitosan oligomer khi tưới hoặc bón vào đất đã có hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện khu hệ vi sinh vật trong đất trồng hồ tiêu, góp phần làm giảm đáng kể số lượng các loại nấm gây bệnh trên cây hồ tiêu.
Tiếp thu thành quả nghiên cứu và thực nghiệm của Trường đại học Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Nông đang áp dụng việc sử dụng các chế phẩm sinh học vào canh tác cây hồ tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản của nhiều hộ nông dân và đã đạt kết quả khả quan. Trong đó, áp dụng phổ biến tại các địa phương trồng nhiều hồ tiêu như huyện Đắk R’lâp, Cư Jut và thị xã Gia Nghĩa.
Cây hồ tiêu là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay việc canh tác loại cây này của các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là sự tàn phá trên diện rộng của bệnh vàng lá chết nhanh, vàng lá chết chậm do các loại virus gây ra.
Hiện nay, các biện pháp phòng trừ hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu bước đầu thành công đã mang triển vọng lớn về phát triển sản xuất bền vững. Thời gian tới, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu các chế phẩm sinh học áp dụng canh tác cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
27 phản hồi cho bài "Sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác hồ tiêu"
Không biết sản phẩm này đã được đươc ra thị trường chưa nhỉ ? bà con trồng tiêu ở Đăk Lăk đã có ai sử dụng chưa ? mong nhận được phản hồi của ai đã biết về các loại chế phẩm này để bà con dùng thử .
Chân thành cảm ơn .
Bạn Cua ơi! các chế phẩm chitosan không có riêng lẻ mình chúng mà chúng chỉ có trong thành phần của các loại phân sinh học… Bạn ra các đại lý thuốc lớn tìm sản phẩm có các thành phần này thôi…
Tiêu của tôi bữa nay đã ra hoa có sớm không các bác? Tôi sợ mất mùa quá, có tiêu của bác nào bữa nay đã ra hoa? Tôi ở BMT, tiêu trâu và tiêu Vĩnh Linh, đều đã ra hoa cả.
Tiêu nhà tôi ở Cư Kuin cũng đang ra hoa rồi đó. Giờ ra là đúng vụ mà.
Tiêu ở Gia Lai cũng nhiều nhà tiến hành làm bông rồi các bác à!
Những chế phẩm sinh học trên chưa thấy phổ biến trên thị trường!
Năm nay qua một thời gian dài gặp hạn nay mưa đến liên tục Tiêu trổ bông là đúng. Khả năng là vụ tiêu năm nay sản lượng sẽ đạt cao!
Các bác ơi cho hỏi, tiêu nhà em bửa ni ra hoa khoảng 60 % rồi nhưng lại xuất hiện rệp chích làm den bông? Không biết phun thuốc có ảnh hưởng gì không? Chỉ giùm với, xin cảm ơn.
Bạn dinh xuaneatul thân mến, tất nhiên khi tiêu trổ bông mà xịt thuốc rầy thì sẽ ảnh hưởng chứ, nhưng nếu không xịt lại còn tai hại hơn. Rút kinh nghiệm bạn nên đọc bài kỹ thuật làm bông cho tiêu của bác Minh Vịnh, năm nay tôi áp dụng cho tiêu của mình đến nay thấy có khả quan.
Chúc bạn thành công !
Cảm ơn Bác NONG VAN DÂN em cũng dã làm theo hướng dẫn của bác VỊNH tiêu nhà em hiện nay ra hoa rất đều và đẹp nữa, phun thuốc có một lần giờ thấy con rệp giống con nhện tý xíu xuất hiện nếu chuổi nào nó bám là bông den sì mà không dám phun thuốc nếu thế thì phải phun thôi. Bác biết không em để ý thấy con rệp này gió thổi là nó bay sang cây khác dược, Theo bác em phun thuốc nhẹ là được phải không, xin cảm ơn.
Chào bạn dinh xuaneatul. Con rầy nó đâu chịu ở một cây, nó sẽ phát triển rất nhanh. Loại rầy này nó cũng dễ trị thôi, theo tôi bạn nên xịt loại thuốc RẦY USA với liều lượng 250ml cho một phuy 200 lít là đủ, thời kỳ này không nên xịt liều lượng cao sẽ không tốt cho tiêu trổ bông. Mình ở Cư Kuin năm nay thấy mưa thuận nên tiêu đang trổ bông thấy quá đẹp, mấy năm trước mình không biết cách làm bông cho tiêu nên cũng như bạn đấy, khi tiêu đang trổ bông thấy tiêu bị rầy cũng phải xịt thuốc, cho nên tiêu cũng bị bồ cào, song cũng còn không thiệt hại năng lắm. Năm nay mình áp dụng kỹ thuật làm bông cho tiêu của bác Minh Vịnh nên giờ này chưa thấy hiện tượng rầy, thật là cảm ơn Giatieu.com và bác Minh Vịnh nhiều.
Chúc bạn thành công nhé !
Các bác ơi. Em ươm 500 đây tiêu trong bịch tiêu phát triển rất đẹp bống dưng mấy hôm nay em quan sát tiêu bị kiến đỏ cắn chồi và lá non. Em nên phun thuốc gì để tiêu diệt kiến mà không ảnh hưởng đến tiêu…và khi trồng tiêu mình xử lý đất bằng thuốc gì để kiến không cắn tiêu. Xin giatieu.com và tất cả anh em trên diễn đàn giúp đỡ. Em xin cám ơn.
Bạn Nông Văn Thành :
Diệt kiến thì quá dễ. Ra chỗ bán thuốc bảo vệ thực vật, mua một gói thuốc diệt kiến. Đã có hướng dẫn sử dụng ghi sẳn. Chấm khoảng vài chục điểm trong vườn ươm (không chấm lên dây tiêu). Đảm bảo ngày sau có hiệu quả .
Chào các bác! Năm nay em định trồng mới cây tiêu, giờ đã làm hố xong, tiếp đến là bón lót cho hố tiêu. Em đang băng khoăn một vấn đề là có nên rắc thuốc basudin vào hố chung với bón lót phân vi sinh không? Vì khu vực của em nhiều rầy rệp lắm, mong các bác giúp đỡ. Xin cám ơn!
Bác minhtuan:
Theo tôi phải xử lý tuyến trùng khi trồng mới là điều cần thiết nhất là đối với vùng đất của bác.
Tôi thì làm thế này: Sau khi đào hố, phơi ải càng lâu càng tốt, bác xả thành lấp hơn 2/3 hố, sau đó rắc basudin hay 1 loại khác có tác dụng tương tự, sau đó đảo đều, ủ tối thiểu là 10 ngày. Nếu k có phân chuống bác có thể dùng phân vi sinh lót rồi xẻ thêm đất bằng mặt trộn đều, ủ thêm khoảng 10 ngày nữa trồng là đẹp. Sau khi trồng tầm 1 tháng bác dùng nấm trico bổ sung thường xuyên cho vườn. Năm sau bác nên chủ động nguồn phân chuồng ủ kỹ bổ sung cho cây, năm ngoái tôi cũng trồng chay với mấy kg vi sinh, tiêu rất khó chăm.
Tôi thì năm nay chủ động được phân chuồng nên cũng làm như trên. Khi bỏ phân chuồng thì bỏ thêm khoảng 03 lạng lân, 03 lạng vôi bột trộn đều ủ tối thiểu 10 ngày chờ mưa đều rồi trồng.
Không biết tôi xử lý như vậy đã đúng chưa, mong bà con đóng góp thêm để anh em làm đúng phương pháp, kịp thời vụ.
Xử lý hố trồng mới như bạn @Cua là tạm ổn.
Riêng về lân và vôi thì chưa khoa học vì: với số lượng đó là nhiều so với hố trồng mới. Nhưng sẽ là không nhiều nếu đất ở đó có độ pH thấp.
Lân + vôi vừa cung cấp dinh dưỡng, cải tạo đất mà còn có khả năng sát khuẩn rất cao nên không chỉ tiêu diệt vi sinh vật có hại mà cả vi sinh vật hữu ích, vô hình chung sẽ làm hỏng quan điểm chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ sinh học
Theo tôi, phải căn cứ vào độ pH và tốt nhất là bà con nên đo độ pH đất của mình để bón cho hợp lí hơn.
>> http://www.giatieu.com/tu-do-do-ph-cua-dat-voi-hop-dung-cu-ph-efs/2987/
Bạn minh tuan – thuốc basudin không nên rắc chung với phân vi sinh vì làm như vậy vô tình diệt luôn cả vi sinh vật có lợi ở trong phân đó. Phân vi sinh bón lót trước khi trồng là tốt nhưng trên thị trường phân vi sinh cũng có loại chất lượng không cao bạn cần xem xét. Nếu trong phân vi sinh mà bạn bón có thành phần bột thuốc lá thì không cần rắc basudin vì bột thốc lá diệt tuyến trùng, rệp sáp hiệu quả rất cao!
Nhà em ở Đak nông , em muốn mua chế phẩm phòng trừ bệnh thối rễ ở cây tiêu thi nên mua ở đâu là tiện nhất, xin mọi người mách dùm em với ạ! cảm ơn mọi người
Các bác cho em hỏi cái máy đo pH đất trên thị trường bán với giá khoảng 800.000 đồng (trên máy có đồng hồ, ở dưới có mũi nhọn để căm vào đất khoảng 6cm) đo độ pH có chính xác không? Em đã sử dụng và đang nghi ngờ máy này đo không đúng độ pH đất. Các bác giúp em với?
Cái máy đo pH đó mình cũng từng sử dụng qua rồi , hình như ko chính xác lắm. Khi đo thì đất phải ẩm , nếu khô thì phải tưới nước vào. Phải nén đất sao cho đất ôm chặt vào đầu kim loại. Ngoài ra phải đo ở ngoài gốc tiêu , nơi chưa bón phân ấy. Nhờ các bác chỉ giúp thêm. Cảm ơn nhiều.
Chào bác Minh Vịnh cùng tất cả bà con trên diễn đàn.
Em rất cảm ơn tất cả bà con đã chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc tiêu để những người như em biết mà làm. Thú thật từ trước đến giờ em chỉ làm theo thói quen thấy vàng lá là bón phân hóa học, thu hoạch xong trời mưa là thấy ra hoa thế thôi. Em đã lãnh đủ. Năm 2011 tiêu nhà em bị bệnh tháo đốt, tìm tài liệu hướng dẫn khắp nơi may mà con nó vào mạng tìm được Giatiêu.com này bản thân mừng như bắt được của. Em dã làm theo hướng dẫn của mọi người giờ đã hồi phục dần được vườn tiêu song vẫn là tiêu suy.
Đợt vừa rồi em làm theo hướng dẫn cách làm bông của bác VỊNH thấy tiêu trổ bông rất đều và đẹp nữa chỉ tiếc phần ngọn bị tháo đốt chưa phục hồi hết. Nhưng hiện nay tiêu nhà em thấy lá nó cứ vàng vàng lại có chấm trắng nữa, lá thì nhỏ. Xin hỏi bác Vịnh cùng bà con có nên bón phân hóa học không vì em sợ phân hóa học lắm rồi, vì vừa rồi em đã đổ phân nước cộng vi nấm mà thấy không có biểu hiện tốt lên, không biết làm sao đây mong bác Vịnh cùng bà con chỉ dùm, xin cảm ơn.
Chào anh dinh xuaneatul!
Đi theo hướng hữu cơ sinh học không phải một sớm một chiều mà nó đẹp lên tức khắc được. Cái gì cũng cần phải có thời gian. Muốn cây khôi phục dần dần trước tiên phải xác định dùng nhiều phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Cách ủ phân trên diễn đàn đã có khá nhiều bài viết, những phản hồi, thảo luận. Bệnh chết chậm rụng lóng tháo khớp đó rất đau đầu. Chết thì không chết mà sống cũng ngấp ngoái. Bỏ thì thương vương thì tội. Với những cây như trên ngoài điều trị như bệnh chết chậm, dùng phân sinh học kết hợp thuốc trị tuyến trùng rệp sáp rễ, trên tán lá dùng thuốc đồng xịt trị nấm, hoặc thuốc trị nấm sinh học, cuối cùng dùng phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma bón cho cây cây sẽ khôi phục từ từ. Ngoài ra ta chuẩn bị hố sẵn xử lý đất bài bản ở phía đối diện gốc tiêu suy ấy, trồng cây tiêu con vô chuẩn bị thay thế cây tiêu suy đó là vừa. Do tiêu đã bị tháo khớp nặng rất khó khôi phục. Có khôi phục thì thời gian cũng phải 2-3 năm. Mà ngần ấy thời gian cũng đủ cho 1 cây tiêu con trưởng thành.
Cây vàng lá không biết ở đây là lá non hay lá già? Nếu là lá già thì nó vẫn còn bệnh chết chậm, tuyến trùng, rệp sáp.
Còn lá non ra biểu hiện màu sắc nhợt nhạt, lá teo nhỏ, lá mới nhú trắng bệch. Đó là thiếu dưỡng chất. Hoặc bón phân vô cơ không đúng cách làm cháy rễ. Nếu đã bón phân cho cây thì cây thiếu trung và vi lượng. Mua khoáng bỏ cho cây sẽ khôi phục. Bao gồm các chất như Ca, Zn, Mg, Bo, Vitamin…
Còn lá non có đốm trắng giữa lá rờ mặt sau tán lá thấy nhám nhám trứng nhỏ li ti đó là trứng bọ trĩ, hay rệp muội gì đó. Thường tôi vẫn xịt ngừa rầy nâu bọ trĩ, rệp muội chung với phân bón lá trước khi cây nhú lá non.
Nếu anh đã sợ phân hóa học sao lại không tin dùng phân hữu cơ chuyên dùng cho hồ tiêu nhỉ? Cây thiếu dưỡng chất thì vườn không suy sao được.
Với những chia sẻ nhỏ nhoi trên mong là anh sẽ thành công với cây hồ tiêu.
Thân!
Dạ em xin cảm ơn bác nhiều, em sẽ làm theo bác hướng dẫn. Hiện em dang ủ phân chuồng nhưng chưa hoai lắm nên chưa bón, có lẻ như bác nói thì tiêu nhà em thiếu vi lượng, em sẽ đổ phân nước gốc vì tiêu ra hoa chưa xong. Xin cảm ơn bác chúc sức khỏe.
Chào Haiknducco, Phạm tuất!
Hai bạn muốn đo độ pH của đất nên mua máy đo pH loại tầm 2 triệu trở lên thì mới chính xác được, đừng nên mua loại rẻ tiền về đo không chính xác thì bị mất tiền nhưng không sử dụng được. Mình ở Đak Đoa Gia Lai, vừa rồi mình mua máy đo pH của nước ngoài nhập về giá 2,2 triệu đồng, mình đo thử nước uống đóng bình có độ pH = 8, nước sạch cung cấp trong khu vực pH = 7,4, đất trong vườn nhà mình pH = 5,9 đến 6,0. Mình thấy máy đo kết quả như vậy là tương đối chính xác.
Thân!
Bác Vịnh ơi giúp em chút. Hiện vườn tiêu nhà em xuất hiện rất nhiều trứng nhỏ li ti như hạt sương trên lá và nhánh non của cây Tiêu. Em ko biết là trứng gì có lợi hay có hại, em lo quá. Nhà em ít khi dùng thuốc BVTV chỉ dùng sinh học là chủ yếu. Cây tiêu ra bông đẹp và rất nhiều. Bác giúp em xem cây Tiêu em bị gì. Cám ơn bác Vịnh nhiều nhiều.
Chào bạn!
Đó là trứng rệp muội hay bọ trĩ rầy nâu gì đó thôi. Nó chích lá non làm cho lá non có đốm trắng nhỏ li ti, đọt non teo lại. Với mật độ dày sẽ làm cho quăn toàn bộ giàn lá non. Sau đó cây tiêu có thể bị bệnh tiêu điên. Nó phát triển mạnh ở giai đoạn ra lá non của cây hồ tiêu. Mà thời điểm này chính là thời điểm cây đang trổ bông. Rất đau đầu.
Tôi thường xịt ngừa trước khi cây làm lá và nhú bông. Muốn hạn chế bệnh này thì vườn phải thật sự thông thoáng. Làm sạch chồi trụ sống trước khi cây ra hoa, cây đầy đủ ánh sáng sẽ ít bị loại này. Trị loại này cũng khá đơn giản. Tìm loại thuốc trị rầy nâu bọ trĩ rệp muội xịt là sẽ khỏi. Tuy nhiên vòng đời con này rất ngắn. Khoảng 21 ngày. Do đó phải xịt 2 lần cách nhau 15 ngày. Xịt loại làm thối luôn trứng thì càng tốt. Lưu ý là cây đang trổ bông không nên xịt sẽ làm tiêu đậu thưa hạt (bồ cào).
Nếu mua được loại sinh học trị các loại trên thì quá tốt. Sẽ không ảnh hưởng nhiều tới bông.
Thân!
Cho em hỏi tí về cái hiện tượng mặt dưới lá xuất hiện hạt trong suốt li ti như hạt sương, như anh tl ở trên. Vậy em dùng thuốc trị rầy xịt như hướng dẫn là ok phải k ạ?
Hầu hết các loại thuốc sâu rầy đều diệt được, nhưng phải xịt nhắc lại sau 7 ngày mới diệt hết trứng con mới nở. Tuy nhiên loại côn trùng này lây lan cũng rất nhanh từ những cây, những vườn chung quanh sang lại vườn mình nên cần phải chú ý theo dõi kỹ càng hơn.