Sử dụng phân bón lá cho cây hồ tiêu

 

Vườn tiêu của anh Phan Viết Phát ở TT Tân Phú, Đồng Nai

Giatieu.com xin giới thiệu bài viết chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm sử dụng phân bón lá của anh Phan Viết Phát ở Tân Phú, Đồng Nai. Vườn tiêu của anh luôn ổn định với năng suất bình quân 5 tấn/ha.

Để việc bón phân đạt hiệu quả cao, ít thất thoát, cây trồng cho năng suất ổn định, tôi xin giới thiệu kinh nghiệm sử dụng phân bón lá thông thường, mong bà con tham khảo và vận dụng.

Bón phân qua lá là một phương pháp ít tốn kém, dễ áp dụng và có hiệu quả cao. Trước đây bón phân qua lá bị chúng ta nhìn với cặp mắt hoài nghi vì khác với cách bón phân truyền thống, được xem như một gia vị hơn là đem lại ích lợi thiết thực cho sự tăng trưởng của cây trồng.

Người nông dân như đang rơi vào “thiên la địa võng” với đủ các loại phân, đủ loại thuốc, đủ thương hiệu,.. của các công ty sản xuất trong và ngoài nước, giá thành cũng rất khác nhau. Những công nghệ sản xuất, nguyên liệu, các công ty, nhà phân phối, tiếp thị cũng rất phong phú…Vì vậy bà con cần tỉnh táo, lựa chọn những sản phẩm uy tín, chất lượng, công dụng đúng với thành phần để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Do được hấp thu nhanh nên phân bón qua lá đáp ứng kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của tiêu. Đồng thời bề mặt hấp thu của lá gấp hàng chục lần diện tích của rễ nên giúp tiêu chóng hồi phục khi bị sâu bệnh, thời tiết bất lợi hoặc bị thiếu dinh dưỡng.
Nhưng bón phân qua lá chỉ là biện pháp bổ sung, không thể thay thế cho bón qua đất. Giống như con người ăn được mới là chính, còn uống thuốc bổ hoặc truyền dịch dinh dưỡng chỉ là bổ sung và đáp ứng kịp lúc cần thiết. Phải biết lúc nào cây cần ăn gì, uống gì,…nó cũng có quy luật sống nếu không tìm hiểu kỹ thì bón xịt vô ích, chỉ là công dã tràng.

Sử dụng phân bón lá ta cần chú ý như sau :

– Không sử dụng phân bón lá khi cây đang nở hoa.

– Đất không đủ ẩm và trời đang nắng nóng, gió mạnh.

– Khi xịt, lá phải khô ráo, xịt cả mặt trên và mặt dưới của lá.

– Hòa phân theo đúng nồng độ hướng dẫn trên bao bì.

– Cần xem xét cụ thể từng loại phân có nên phối trộn với nhau hay không.

Hiệu quả: bón phân qua lá được cây hấp thu 95%, còn bón phân qua rễ cây chỉ hấp thu dưới 40%. Phần lớn phân sẽ bị bốc hơi hoặc trực di (thấm sâu xuống đất).

Phan Viết Phát, TT Tân Phú – Đông Nai

(Giatieu.com)

39 phản hồi cho bài "Sử dụng phân bón lá cho cây hồ tiêu"

hoàngvũ

Cám ơn bài viết của anh Phát rất hữu ích nhất là vào thời điểm này.

Đỗ Trường Sơn

Chào anh Phát ! Chào cả nhà giatieu.com.
Thú thật mà nói, nhà tôi có net chỉ mới hơn một năm và biết tới giatieu.com mới được mấy tháng. Lúc trước tôi làm tiêu tùy tiện, lấy kiến thức phân bón của caphe để áp dụng cho cây tiêu, vì cả xã tôi không còn ai trồng tiêu (có chăng chỉ là những vườn nhỏ lẻ gần bỏ) nên không biết hỏi ai. May mà trời thương, tiêu Vĩnh Linh nhà tôi chưa vĩnh biệt. Khi đọc kỹ những bài viết của anh Phan Viết Phát và anh tieuphong tôi mới nhận thấy rằng những hiểu biết của mình về cây tiêu chỉ là một chuỗi tiêu trong một vườn tiêu rộng lớn. Những bài viết của hai anh có chuyên sâu, nghiên cứu cẩn thận, cộng với kinh nghiệm lâu năm, đáng để học hỏi và làm theo. Cám ơn hai anh rất nhiều. Chúc hai anh luôn an lành hạnh phúc. Thân.
Em út nhà.

Nam Giao

Bài viết của anh thật bổ ích cho bà con nông dân chúng tôi. Người trồng tiêu đường nhựa hết lòng cảm ơn anh – người thầy của tôi.

tieuphong

Phan Phát thân mến!
Được biết mấy hôm nay anh bị ốm, không chịu nghỉ ngơi mà còn có bài viết hữu ích đến với mọi người.
Cho phép tôi đóng góp thêm:
Để tiết kiệm công lao động, trong một lần phun phân bón lá ta có thể kếp hợp với các loại thuốc hoặc là phòng trừ nấm bệnh hoặc là tiêu diệt côn trùng, với điều kiện là ta phải biết rõ về loại thuốc đó. Nên tôi mới khuyên các bạn nên phối hợp thuốc của cùng một cty, thường xuyên trao đổi với bộ phận kỹ thuật của cty. Cẩn thận hơn khi phối hợp thuốc ta nên phun trước vài cây, nếu trong thời gian từ 7-10 ngày không thấy điều gì bất thường thì ta mạnh dạn phun đại trà.
Việc chữa bệnh cho người cũng thế, trước khi tiêm loại kháng sinh vào cơ thể con người (loại dễ gây sốc),thường thì các bác sỹ chỉ định tiêm thử vào cơ thể một ít thuốc trong một thời gian ngắn để xem sự phản ứng của cơ thể rồi mới quyết định phương pháp điều trị. Khi mua thuốc nên yêu cầu đại lý viết hóa đơn để có cơ sở phòng khi khi gặp sự cố xảy ra cho cây tiêu.
Vài chia sẻ,chúc anh Phát chóng bình phục. Chúc đại gia đình giatieu.com sức khỏe, hạnh phúc.

tran thinh

Chào anh tieuphong!
Đầu tiên xin chúc anh cùnh gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Nhờ anh tư vấn giúp tiêu mới trồng 2 tháng có cần phun phân bón lá ko, nếu có nên dùng loại nào? Cám ơn anh

tieuphong

Chào tran thinh!
Tiêu bạn trồng được 2 tháng nhưng bạn đã có thời gian ươm trong bầu hoặc bó chiết trên cây hàng tháng rồi, phun phân bón lá đúng liều lượng, định kỳ thì rất tốt. Còn dùng loại phân nào thì hãy cứ dùng loại phân trước đây bạn thường dùng, phân thuốc bây giờ đủ loại, thật khó cho tôi khuyên bạn nên dùng loại nào. Bạn có thể liên lạc với tôi qua email hoặc điện thoại để trao đổi sâu và kỹ hơn. (địa chỉ của tôi có nơi các phản hồi)
Phân bón chúng ta thường sử dụng có 3 nhóm, đa lượng, trung lượng và vi lượng. Thực vật cũng có nhu cầu dinh dưỡng như động vật vậy, tôi ví đa lượng là cơm trung lượng là thịt, cá… vi lượng là rau xanh trái cây… Thiếu 1 trong 3 nhóm đó e rằng về lâu về dài sẽ rất khó khăn trong việc chăm sóc bền vững cho cây tiêu.
Chúc bạn thành công.

Kim Thịnh

Chào anh Phát. Vườn tiêu của tôi năm nay lượng trái cũng chỉ đạt trung bình, nhưng có lẻ lượng phân bón cho cây không đầy đủ nên trụ tiêu không sum suê, lá dầy và ít, xin anh góp ý cho hướng bổ sung lượng phân bón và chăm sóc thế nào để cho trụ tiêu sung và đạt năng xuất cho mùa sau. Mình chăm từ giờ đến cuối năm kịp không anh? Xin cám ơn anh nhiều.

Phan Phat

Thân chào tất cả cộng đồng !
Lời đầu tiên cho tôi được cám ơn tất cả bạn bè gần xa điện thoại thăm hỏi chúc sức khỏe. Mấy ngày qua mình bị “Cảm thương nàng” không có gì phải đáng lo ngại. Đêm nào cũng theo dõi Giatieu.com.

@Kim Thịnh thân!
Cám ơn bạn đã tin tưởng. Thời gian vừa qua lượng mưa rất nhiều làm rễ tiêu bị suy yếu và thời điểm này lượng mưa sẽ giảm nhiều. Vì vậy lúc này tiêu cần nhất là P – K + TE (Viết tắt Tracl Elemnts, vi lượng) P: Kích thích ra rễ, K: Nuôi hạt, khỏe cây. Ví dụ : 6-30-30. Nếu không có bạn có thể mua phân bón lá nào cũng được cần bổ sung thêm KNO3 (Nitrat kali). Trung vi lượng có hàm lượng nhiều như Mg, Zn, B,…
Kết hợp bón hữu cơ vi sinh + Trichoderma bón theo hướng đông – bắc – tây vì tránh ánh nắng mặt trời, bón 3 giờ chiều, nếu trời không mưa phải tưới (thời điểm này mặt trời đi theo hướng đông – nam – tây). Chúc bạn thành công.

Kim Thịnh

Cảm ơn anh Phan Phát đã tận tình hướng dẫn và góp ý kịp thời. Chúc anh và gia đình luôn vui khỏe, có thêm nhiều bài viết hữu ích cho bà con trồng hồ tiêu. Thân

Nguyen khanh toan

Chào anh Phát ! Nhà mình tiêu bị héo rũ và chết nhiều, moi gốc lên thì thấy thúi gốc chết dây, đó là bệnh gì? Khu vực xung quanh nhiều nhà củng chết như thế, có người mua thuốc về đổ mà ko hết, khu vực Trà Cổ năm nay chết nhiều lắm, vậy anh có cách nào trị bệnh và khống chế nó ko? Xin anh tư vấn giúp!

tay nguyen tieu

Cây tiêu đã đến lúc héo rồi thì cũng giống như con người bị ung thư giai đoạn cuối, chẳng có bác sĩ nào chữa được đâu… Cây tiêu đến lúc này chỉ có dao, rựa trị thôi. Rút kinh nghiệm sang năm trồng lại, đừng bất mãn ắt sẽ thành công.

Phan Phat

Nguyen khanh toan thân!
Quan niệm của mình tiêu chỉ phòng bệnh để đến lúc chết thì vô phương. Còn khi tiêu bệnh chết đều hư gốc úng rễ có mùi khó chịu. Xin lỗi bạn trị bệnh mình đầu hàng. Thân chào!

Nguyen khanh toan

Theo anh hiện giờ mình nên xịt thuốc gì? Vừa rồi tháng trước mình có xịt ngừa bệnh, một năm mình xịt 3 lần, thứ bảy vừa rồi vê thăm vườn thì thấy chết như thế, có nên xịt Trichoderma ko vậy?

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Năm nay đã gần cuối mùa mưa rồi. Những cây suy yếu thì sau đợt mưa dầm này chết là điều không thể tránh khỏi. Cây đã rủ lá thì bà con khỏi chữa chi cho tốn tiền thuốc. Nhổ bỏ đem đi đốt là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Việc phòng bệnh là cần thiết. Nhưng đa phần là chết vì nước tràn vào gốc hoặc ngập úng. Mùa khô năm nay bạn tích cực làm hệ thống thoát nước tốt. Tránh ứ đọng nước trong gốc tiêu thì mùa sang năm chắc chắn rất ít bệnh cho dù chỉ xịt ngừa 1 hoặc 2 lần. Ai cũng biết nấm gây bệnh chết nhanh, xì mủ thúi rễ phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, ngập úng. Vì nó là nấm thủy sinh. Ta chỉ cần làm cho nó không có môi trường sống. Tức là khơi mương rãnh thật tốt. Đó mới chính là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
Thân!

tay nguyen tieu

Nếu vậy thì bó giò rồi. Anh pha boocdo tưới gốc thử xem sao.

Phan Phat

Nguyen khanh toan thân!
Nếu điều kiện thuân lợi bạn nên xịt Trichoderma cả trên thân lá và dưới gốc. 7 ngày sau xịt phân bón lá có hàm lượng cao: Mg, Zn, B,…+ KNO3 (bón thêm hữu cơ vi sinh + Tricho, thời điểm này hạn chế phân hóa học) hoặc tìm loại phân sinh học nào thích hợp mà chăm sóc. Riêng tôi rất ngại giới thiệu những loại thuốc cụ thể nơi cộng đồng. Chúc bạn phục hồi vườn tiêu thành công. Thân chào.

Trần Thịnh

Nhờ anh Minh Vịnh tư vấn chi tiết hơn về kỹ thuật đôn tiêu, chúc anh mạnh khỏe

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Chắc bạn mới vô diễn đàn nên ít để ý. Về vấn đề này cũng có vài bà con hỏi rồi, và tôi cũng có ghi một chút trên kỹ thuật nhân giống hồ tiêu. Cũng có 1 comment của anh Phát hướng dẫn khá chi tiết.
Để tránh trùng lặp bạn vui lòng email tôi sẽ hướng dẫn lại chi tiết.
Còn kỹ thuật đôn tiêu cũng khá đơn giản: Đào hố, xử lý đất, bón lót, cắt bỏ tay lá chôn dưới đất, lấp lại theo 1 hướng và hạn chế gãy hay dập dây, cột cho nó leo lên, bấm đọt ngay mắt tay cho nó nứt ác, bón phân hợp lý. Thế là xong.
Thân!

Nguyen khanh toan

Xin chân thành cám ơm các anh! Theo như anh Vịnh nói năm nay mưa nhiều nên tránh ngập úng, dễ xảy ra hiên tượng bệnh chết. Vườn nhà mình triền dốc nên tránh được hiện tượng ngập úng, như anh nói nhổ bỏ là an toàn nhất.
Cám ơn anh Phát chia sẻ kinh nghiệm, vườn nhà mình chết khoảng 20 trụ mà thấy lo lắng, những vườn xung quanh chết nhiều quá mình cũng lo phòng xa. Cám ơn các anh chia sẻ kinh nghiệm.
Hình như năm nay khu vực Trà Cổ đang bị dịch, năm ngoái ko có. Trà Lài năm ngoái bị nhiều lắm, năm nay thì ko mà lại trúng mùa nữa.

Phan Phat

@Trần Thịnh thân !
Xin lỗi anh M Vịnh nhé, tôi nhớ không nhầm kĩ thuật đôn tiêu đã chia sẻ rồi đấy. Các bạn muốn nhờ tư vấn gì nên cố gắng đọc phản hồi đã có chưa. Mong thông cảm.

Phan Phat

@Anh Kim Thịnh thân!
Qua trao đổi với anh tôi có những thông tin để cho anh nắm vững những biểu hiện khi cây tiêu cần.
Ngoài các nguyên tố đa lượng : N, P, K.
Nguyên tố trung lượng đóng vai trò quan trọng thứ hai như: Ca, Mg, S, Si.
Còn các nguyên tố vi lượng dùng với khối lượng rất nhỏ nhưng lại rất cần thiết để cho cây tồn tại và phát triển như : Fe, Cu, Mn, Bo, Mo, Zn, Cl.
1/Canxi (Ca): Khi thiếu lá và đọt dễ bị cong queo và nhỏ, mép lá không đều, hay có hiện tượng chồi chết ngọn, rễ đình trệ sinh trưởng và thường bị thối.
Không có triệu chứng dư, tuy nhiên khi lượng Can xi cao thường gây thiếu B ,Mn, Fe, Zn, Cu.
Muốn bổ sung Can xi thì bón vôi sau thu hoạch (5 tạ/ha). Ngoài ra bón vôi còn tạo điều kiện cho vi sinh vật hoạt động tốt, phân giải các chất hữu cơ trong đất, diệt một số loại sâu bệnh hại, khử độc cho cây.
2/Lưu huỳnh (S): Khi thiếu triệu chứng giống như thiếu đạm, lá nhỏ vàng đều, rụng sớm chồi non chết (thiếu lưu huỳnh lá vàng từ ngọn xuống còn thiếu đạm thì lá vàng từ lá già lên. Bổ sung bằng cách bón SA đầu mùa mưa, 1 lần/năm.
3/Ma nhê (Mg): Rất quan trọng, nếu thiếu lá trở nên nhỏ, xuất hiện những vùng sáng giữa những gân lá, lá trưởng thành màu xanh nhạt lá bị rụng sớm, hoa ra ít, rễ kém phát triển. Bổ sung bằng cách bón phân lân nung chảy hoặc tưới Sunfat manhê (MgSO4) 1%.
4/ Bo (B): Đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và quá trình phân chia tế bào giúp hình thành phấn hoa, thiếu B hoa dễ bị rụng hoặc hạt bị lép, dễ bị sâu hại tấn công khả năng chống chịu điều kiện bất lợi kém. Bổ sung có trong lân nung chảy khá cao hoặc xịt siêu B.
5/Kẽm (Zn): Đóng vai trò tổng hợp hình thành các chất điều hòa sinh trưởng cho cây, thiếu kẽm năng suất giảm, phẩm chất giảm. Bổ sung bằng cách bón lân nung chảy hoặc tưới ZnSO4, ZnCl2, xịt siêu kẽm.
6/ Mangan (Mn): Làm cho cây ra mầm sớm, rễ to khỏe, ra hoa kết trái tốt, trổ bông đều, tăng hiệu lực của lân.
7/Đồng (Cu): Tăng khả năng chịu hạn, chịu nhiệt, chịu nóng. Bổ sung lúc rửa cây sau thu hoạch.
Các chất trung vi lượng còn lại góp phần không nhỏ vào việc tổng hợp hình thành điều hòa sinh trưởng trong quá trình trao đổi chất, tổng hợp các chất diệp lục…
Chính vì vậy muốn cho vườn tiêu phát triển bền vững hằng năm chúng ta cần bón phân qua lá từ 45 – 50 ngày/lần. Có thể kết hợp xịt xen kẻ với loại phân sinh học nào đó (Hiện nay người ta sử dụng một số chất từ các hợp chất hữu cơ amino axit, các loại vitamin được tách chiết từ thiên nhiên như đậu nành, rong biển, trái cây,… thủy phân từ thịt, cá, trùn, nhộng tằm… Làm nên phân sinh học rất tốt cho cây mà không ảnh hưởng đến môi trường). Bón qua lá hoặc tưới qua gốc khá hiệu quả.
Thân chào!

nguyễn mậu hải

Xin chào mọi người. Em là người mới bắt đầu trồng tiêu nên không biết gì cả nên xin mọi người giúp đỡ. Mọi người cho em biết nên bón lót cho tiêu bằng loại phân gì? Nên làm hố cho tiêu mới trồng ra sao? Nếu em ủ vỏ cà phê thành phân vi sinh sau đó bón lót cho tiêu có được không? Mong mọi người sớm trả lời cho em.

le van lai

Xin chào anh Phan Phát! Em là người mới trồng tiêu lần đầu nên chưa có kinh nghiệm mong anh Phát chỉ giúp em loại thuốc đặc trị rệp sáp cho cây tiêu và loại thuốc nào đặc trị tuyến trùng? Mong anh sớm trả lời giúp em, do tiêu em dang bị bệnh rất nặng! Em xin chân thành cảm ơn nhiều !

Phan Phát

Chào bạn! Nội dung câu hỏi này tôi có trả lời rồi đấy, chắc bạn mới tham gia diễn đàn.
Trị tuyến trùng và rệp sáp thường dùng sinh học hoặc hóa học.
– Sinh hoc : Rất tiếc sinh học mùa này để phòng trị thì kém hiệu quả (vì muốn có hiệu quả thì đất phải đủ ẩm, nếu tưới đủ ẩm thì tiêu ra hoa nghịch mùa). Trị rệp sáp thì có BIMET. Phòng trị tuyến trùng có dòng nấm Tricho.
– Hóa học : Có thể phòng trị quanh năm rất đa dạng, sản phẩm của nhiều công ty, bạn tự tìm hiểu.
Hay bạn có thể dùng thử sản phẩm của công ty Map pacific xem sao. Không khéo tiêu sẽ ra hoa đấy.
Chúc bạn thành công. Thân chào!

le van lai

Anh Phat oi! Anh vui lòng cho em xin hỏi 2 câu nha anh:
1. Thuoc Ridomil, Agrifos400 và thuốc Carbenzim 3 loại thuốc này có thể pha chung với nhau để phun ngừa bệnh cho tiêu đươc không anh.
2. Em có đọc bài viết của anh về “cách nhân sinh khối bào tử nấm Tricho”. Như vậy trong 1kg bào tử Tricho sau khi ủ xong thì đươc 6-7kg, và 6-7kg này thì bón trực tiếp cho tiêu luôn hả anh và bón được cho bao nhiêu gốc tiêu mới trồng và bao nhiêu gốc tiêu kinh doanh vậy anh, hay là mình cần phải ủ lại với phân bò hay là chỉ trộn với phân bò đã ủ trước rồi bón vậy anh.
Em chân thành cảm ơn anh nhiều! Em Chào anh ạ!

phan đình toàn

Nên sử dụng phân bón gốc và phân bón lá vào giai đoạn nào của cây hồ tiêu là tốt nhất

Nguyễn Vịnh

Chào @phan đình toàn
Câu hỏi khá rộng, bạn cần xử lí theo nguyên tắc: Bón phân cho cây khi cây cần nhiều chất dinh dưỡng để sinh thực lẫn sinh trưởng. Đó là:
-Giai đoạn sau thu hoạch: Cung cấp dinh dưỡng cho cây phục hồi sức khỏe và phân hóa mầm hoa, chuẩn bị ra chuỗi cho vụ mới.
-Giai đoạn đậu hạt, phát triển hạt …
-Giai đoạn hạt lớn, chắc hạt để bước vào thu hoạch cho năng suất cao.
Mỗi giai đoạn cây cần một nhu cầu phân khác nhau. Ví dụ: Giai đoạn đầu cần nhiều đạm, giai đoạn giữa cần cân đối, giai đoạn sau cần nhiều Kali hơn
Khi bón phân nên sử dụng luân phiên, xen kẽ phân bón lá và phân bón gốc.
Cần chú ý nữa là phân bón lá sử dụng khi bón gốc không thuận lợi, nhất là mua khô, hoặc khi cây cần phân, chống suy cây. Bón gốc thì cây cần đủ ẩm để phân tan trong đất, hạn chế thất thoát do bay hơi…
Căn cứ vào các ngyên tắc trên, bạn bón cho hợp lí. Bà con nông dân mình bón phân còn quá nhiều lãng phí mà hiệu quả rất thấp.
Thân

van kim

Chào anh Nguyễn Vịnh.
Thời điểm nầy tôi định xịt phân bón lá cho tiêu và kết hợp thuốc ngừa nấm bệnh Carbendazim, áp thấp mưa liên tục, vậy khi xịt mình đã hòa thêm chất bám dính thì thời gian tương đối an toàn và hiệu quả cho cây hấp thụ thuốc và phân là bao lâu khi gặp mưa. Thân.

Nguyễn Vịnh

Chào @van kim
Phân bón lá có thể trộn với thuốc trừ sâu, riêng với thuốc trừ bệnh cần thận trọng, không nên trộn vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc lẫn phân. Do không rõ bạn sử dụng phân bón lá loại gì, gồm những chất gì nên không thể giúp bạn nhiều hơn. Các loại thuốc BVTV thường có khuyến cáo của nhà sản xuất trên bao bì. Tôi thì không bao giờ trộn phân với thuốc. Thời gian an toàn và hiệu quả tối thiểu từ 24-36 giờ tùy loại. Mùa này nên phun vào buổi sáng để tránh mưa. Thân

hoangduong

Bạn phun phân bón lá với thuốc phòng ngừa bệnh thì ok nhưng nêu có nấm bệnh nên phun riêng và tập trung phun nấm bệnh trước, hoặc chọn các loại phân bón lá nào có hàm lượng đạm (N)=0 thì được, chẳng ảnh hưởng gì cả. Có bám dình thì càng ok, đối với thuốc bệnh từ 3 đến 6 tiếng, còn phân bón lá thì phải trên 6 tiếng cây mới hấp thu hết được.

van kim

Cám ơn anh Nguyễn Vịnh.
Carbendazim nhà sx khuyến cáo có thể dùng chung với các loại thuốc trừ sâu bệnh khác, không pha chung với thuốc có tính kềm cao như Bordeux.
Phân bón lá thành phần Bo: 15%, N: 6,5% ,PH: 6-7, Tỷ trọng: 1,36.
Là nông dân, không am hiểu gì về hóa học và các phản ứng của nó, nhưng cũng mong hai loại nầy nó cộng tác được với nhau để tận dụng công phun xịt – anh Vịnh góp ý giúp nha – Chúc anh thật nhiều sức khỏe. Thân

Minh Thanh

Xin chào anh/chị/em giatieu.com,

Gia đình em cũng đang canh tác giống tiêu Sẻ và Vĩnh Linh, từ tháng 11/2013 đến nay, vườn tiêu của gia đình cứ vàng lá, khô dây và chết dần dần, theo bà con quanh đây, thì hiện tượng này là bi bệnh dich. Anh/chị có biết tiêu đang bị bệnh dịch gì, điều trị ra sao? Phải cải tạo đát như thế nào để có thể trồng cây tiêu mới không a.? Xin cảm ơn anh/chị.
Gia đình em thuộc Long Thành, Đồng Nai.

nguyên thi thuy

Xin chào tất cả mọi người, cho mình hỏi tại sao vườn tiêu nhà mình cứ bị rụng lá quanh năm ở vùng gốc tiêu và lan dần lên trên cứ rụng hết lại ra lá non được một thời gian lại rụng, rụng nhiều nhất vào mùa mưa hay khi tưới nước vào là rụng, ko hiểu tại sao. Mọ người hãy cho mình 1 phương pháp để điều trị xin cám ơn.

Cường

Chào bạn.
Do trong đất và phân bón thiếu một số vi lượng làm cho cây hình thành tầng rời sớm, dẫn đến rụng lá, rụng quả cà phê non hay rụng chuỗi tiêu. Bạn cần dùng phân bón có đủ trung vi lượng và các chất điều hòa sinh trưởng như auxin, GA3… trong phân sinh học Biogel+Biosol để khắc phục. Bạn sẽ thấy hiệu quả tức thì.

Nguyễn Bá Phượng

Bà con nên phun phân bón lá khi nào:
Như thuốc tiêm, bà con dùng nó khi ..bao tử bị trục trặc không ăn được, khi mổ xẻ, khi bị bất tỉnh.
Áp dụng cho cây tiêu là :
-khi nắng hạn: nước đâu mà tưới để bỏ phân !
-khi mưa dầm: rễ có chổ nào mà thở để cây hấp thu dinh dưỡng
-khi muốn kích thích liều mạnh và nhanh chóng : như thêm hiệu lực cho cây ra bông mạnh và đồng loạt, hoặc cho cây chín đồng loạt ;
-hoặc khi bộ rễ dưới đang bị tổn thương : do tuyến trùng hay đang bị bệnh… thì ta phải cho ăn qua đường lá
Vài kinh nghiệm, thân mến

nguyễn huy thùy

Các bác ơi em đã hãm nước được 30 ngày nay gặp mưa sáng nên phải tưới nước theo mưa. Cho em hỏi tháng này đã làm bông được chưa?

trịnh văn tư

Cho cháu hỏi vườn hồ tiêu nhà cháu toàn cây bị vàng lá, không phát triễn cành, thì cần phải sịt thuốc gì cho cây xanh lại ạ. Cháu mong dược tư vấn, cảm ơn các bác…!

Chi Mai

Theo mình, khả năng vàng lá do đất dư acid rất cao. Bạn cần đo độ pH đất, dùng vôi+lân Văn điển điều chỉnh về mức phù hợp, trong khoàng 5,5 – 6,5 độ.
Bạn dùng phân bón lá Biosol giúp tiêu nhanh chóng lấy lại màu xanh và dùng phân biogel để giúp cây bảo vệ hệ rễ và phát triển toàn diện hơn, chú ý liều lượng sử dụng.
Có thể kết hợp bổ sung nấm đối kháng tricho để phòng các bệnh mùa mưa cho tiêu luôn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *