Tại sao không bón phân vô cơ cho cây tiêu?

Vườn tiêu cho năng suất cao trên 23 năm của Nguyễn Minh Vịnh ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai

Bạn Châu Huế ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai gửi thư đến Ban Biên tập Y5Cafe có câu hỏi về việc nên hay không nên bón phân vô cơ cho cây tiêu trong giai đoạn kinh doanh. Câu hỏi đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận trái chiều. Nay bạn xin đặt lại vấn đề với cộng đồng giatieu.com. Mời bà con thảo luận, đóng góp ý kiến.

Cùng cộng đồng Giatieu.com !

Tuy đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của bà con, tạm thời có nhiều sự biểu lộ đồng tình dù rằng vẫn chưa hết ý kiến phản bác, nhưng dịch bệnh hại tiêu vẫn cứ tràn lan và mức độ ngày càng trầm trọng ở Đồng Nai nói riêng. Nên câu hỏi nói trên vẫn còn được nhiều người trồng tiêu tranh luận khi trao đổi kinh nghiệm chăm bón cho cây tiêu. Giá tiêu càng vững ở mức cao cũng đồng nghĩa với thiệt hại của bà con càng lớn hơn nữa khi những vườn tiêu đang xanh tốt bỗng chốc lụi tàn. Và đến nay, xung quanh tôi vẫn có ý kiến đổ tội cho việc sử dụng phân vô cơ là góp phần duy trì mầm bệnh hại tiêu…

Xin phép được nêu lại vấn đề để cùng nhau chia sẻ, và thiết nghĩ đó là cách giúp nhau gìn giữ kinh tế của bà con cộng đồng nông dân trồng tiêu.

Mong đón nhận được nhiều ý kiến thảo luận của bà con.

Xin cám ơn !

Châu Huế, Xuân Lộc – Đồng Nai

Giatieu.com

12 phản hồi cho bài "Tại sao không bón phân vô cơ cho cây tiêu?"

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bà con!
Trên hình là giống tiêu Sẻ Đất đỏ trồng đã được 27 tuổi và cho năng suất cao hơn 23 năm. Chiếc thang cao 6,81m.

Cây tiêu là cây công nghiệp lâu năm nên sống rất thọ. Phân vô cơ chính xác không phải là nguyên nhân chính gây bệnh dịch. Chỉ có điều bà con sử dụng phân vô cơ không đúng cách nên dẫn tới nguyên nhân là tiêu sẽ cháy rễ. Một khi tiêu đã cháy rễ thì nấm bệnh rất dễ tấn công. Sử dụng phân vô cơ mà theo liều lượng trên bao bì nhà sản xuất không đúng cách cũng rất nguy hiểm. Ví dụ trên bao bì một số loại phân có ghi 0,5-1kg/gốc/năm. Nên bà con ta bón 0,5-1 kg/gốc vào 1 thời điểm, thế là cây tiêu chết toi vì bội thực. Ta nên chia ra nhiều đợt để bón. Và từng thời điểm nhu cầu phân bón sẽ khác nhau.
Sự khác biệt giữa phân hữu cơ và phân vô cơ chính là sự hấp thụ của cây. Phân vô cơ hấp thụ nhanh có hiệu quả tức thì. Nhưng nếu dùng quá liều thì đạm tồn trong cơ thể cây tiêu sẽ không thoát kịp qua các lổ khí khổng cây tiêu sẽ giảm đề kháng. Gặp nấm bệnh tấn công cùng lúc nữa thì cây tiêu sẽ bị chết y như luộc.
Còn phân hữu cơ thì cây sẽ hấp thụ từ từ, không ảnh hưởng tới bộ máy hoạt động của cây hồ tiêu. Vì vậy hồ tiêu kinh doanh vẫn nên sử dụng phân hóa học, nhất là trong giai đoạn làm bông và nuôi hạt với liều lượng rất ít và chia nhiều lần để bổ sung cho cơ chế hoạt động của phân hữu cơ.
Sau nhiều năm bón kết hợp giữa phân vô cơ và hữu cơ, hồ tiêu gia đình tôi vẫn cho năng suất cao và bền vững. Màu xanh sáng của cây hồ tiêu là phản ánh màu của cách bón phân hợp lý nhất.
Một vài chia sẻ với bà con.
Thân!

Phan Phat

Mỗi lần dùng hóa học là mỗi lần vi sinh vật có lợi bị hũy diệt, càng hạn chế càng tốt. Tăng hữu cơ tức tăng vi sinh vật có lợi. Đây là phương pháp canh tác tối ưu bền vững nhất. Đừng chạy theo năng suất. Đừng lập lại giống như Ấn Độ cách đây 10 năm.

Hoàng Lân

Trước ngày giải phóng tiêu chỉ có ở Quảng trị, Phú Quốc, Bà Rịa, các nơi khác rất ít. Cây tiêu ngày đó sống rất thọ 20-30-40 năm. Ngày ấy phân hóa học không có, chỉ bón phân hữu cơ. Những năm gần đây, mỗi khi tiêu có giá, bà con lại đua nhau trồng tiêu. Đất, nước, phân, thuốc, giống sử dụng tùy thích. Phân hóa học, thuốc trừ sâu tràn lan, thật giả lẫn lộn, lạm dụng bón thúc tùy tiện cho cây tiêu, gây ô nhiễm đất, cây tiêu ngộ độc, nấm bệnh, sâu hại tấn công. Tiêu nhiễm bệnh, vô phương cứu chữa.

Trong bối cảnh đó, các tỉnh trồng tiêu trọng điểm vẫn xuất hiện những nông dân sản xuât hồ tiêu rất giỏi, cây tiêu bền vững, kinh doanh trên 10 năm vẫn cho năng xuất cao. Hỏi ra họ có nhiều kinh nghiệm quý, thậm chí coi đó là bảo bối gia tryền, trong đó có việc canh tác theo truyền thống (sử dụng phân hữu cơ là quyết định thành công).

Từ thực tế trên đây quá rõ để bà con trồng tiêu rộng đường suy ngẫm và thay đổi canh tác. Chúc bà con thành công, ngày càng thành đạt trong sản xuất hồ tiêu.

Hoàng Lân

Đi đâu gặp các nhà nhập khẩu tiêu họ cứ hỏi :
“VN trồng tiêu toàn sử dụng phân hóa học và nhiều thuốc trừ sâu phải không?”
VN trả lời:
“Trước đây đã lâu lắm rồi là có hơi bị lạm dụng phân thuốc hóa học cho tiêu, lúc đầu thấy cây xanh tốt, nhưng vài năm sau phải trả giá đắt, tiêu bệnh chết chậm, chết nhanh hết trơn. Nay sợ quá rồi, quay sang trồng theo truyền thống – canh tác hữu cơ, vừa bền cây lại chắc hạt bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các ông không tin, sang VN sẽ biết”.
Vậy là “OKE”.

Tiêu sọ

Bản thân tôi luôn luôn ủng hộ và đề cao canh tác nông nghiệp theo lối bền vững, vì thế sử dụng phân hữu cơ luôn luôn được chú ý. Nhưng tôi không cực đoan đến mức phủ nhận tiện ích của phân vô cơ, vì nó là sản phẩm của tiến bộ khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp hiện đại.
Chỉ khi chúng ta lạm dụng nó quá mức nhằm đẩy mạnh sản xuất, tạo ra năng suất nông nghiệp cực đại mà thiếu tính bền vững cũng chính là lúc chúng ta phải nhận lấy hậu quả của việc bón phân vô cơ vô tội vạ. Tôi nghe bà con nói bón cho cà phê 1 lần/gốc khoảng 1 kg phân NPK (thậm chí hơn nữa) hay 1 gốc tiêu/7-8 lạng NPK mà tôi rùng mình.
Tôi vẫn bón phân vô cơ cho tiêu 2 lần, lần thúc ra bông và lần làm chắc hạt, mỗi lần chỉ 2 lạng/gốc là tối đa. Còn lại quanh năm tôi chỉ dùng phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh.
Hậu quả thì đã nhãn tiền. Cà phê không thể tái canh được vì đất nhiễm độc dư lượng vô cơ. Tiêu thì bệnh chết nhanh chết chậm tràn lan và có thêm nhiều loại bệnh tật khác mà vẫn chưa xác định được vì môi trường sống của cây đã bị hũy hoại.
Không cực đoan phủ nhận mà cũng không lạm dụng phân vô cơ. Đó là ý kiến của tôi, xin được trao đổi.

nguyễn chí trung

Anh tiêu sọ quả là người nông dân vừa có khoa học, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, đáng khâm phục.
Tôi hoàn toàn đồng tình với anh về tác dụng của phân vô cơ, nhưng chúng ta biết kết hợp theo từng giai đoạn nhu cầu của cây trồng thì hiệu quả mang lại mới được như ý.
Chúc anh sức khỏe, thành đạt. Thân Ái!
Chí trung

Nguyễn ngọc Quynh

Tôi mới trồng tiêu được 4 năm nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bón phân ở các thời điểm cho cây hồ tiêu. Hiện nay hồ tiêu tại Phú Yên đã thu hoạch xong, chuẩn bị mùa mưa để tiêu ra hoa. Xin các anh chị đã có nhiều kinh nghiệm chỉ giúp tôi cách bón phân vô cơ (về liều lượng, loại phân) đặc biệt là ở giai đoạn bón thúc cho tiêu ra hoa. Trước đó tôi đã bón phân hữu cơ với liều lượng 10kg/gốc.
Xin chân thành cảm ơn.

van duc

Đúng như chú Nguyễn Minh Vịnh, @Tiêu sọ nói quả là chính xác, gia đình cháu trước kia cũng bón kiểu đó. 1 lần bón cho tiêu là 8 lạng, 1000 trụ tiêu năm thứ 3 chết hết, nay ngộ ra thì quá muộn rồi.
Năm nay cháu quyết định trồng lại, do là cháu có ghé vào giatieu.com này xem giá cả, thấy các chia sẻ của các bác, các chú cháu thấy được nhiều kinh nghiệm thật quý báu, đó là số vốn mà cháu có để tự tin làm lại từ đầu. Chân thành cảm ơn các chú, các bác !

Huỳnh Hải

Gửi bác Nguyễn Minh Vịnh.
Mình cũng là nhà trồng tiêu nghiệp dư, thỉnh thoảng có vào giatieu.com để tham khảo, thấy các bác trồng tiêu đạt năng suất ưng cái bụng quá, mỗi năm một mẫu đạt 5-7 tấn, vừa vừa cũng 3-4 tấn, còn mình thì 3-4 mẫu được trên dưới 1 tấn… Rất mong được sự tư vấn của các bác. Rẫy tiêu mình ở xã Phú Thịnh huyện Tân Phú, Đồng Nai. Có dịp nào đến BHòa thì alô cho mình. Hải 0918019849. Cảm ơn các bác.

Nguyen Trung Truc

Nhìn mấy nọc tiêu của anh Minh Vịnh và chú Phan Phát muốn bỏ việc tại SG để trồng tiêu quá.

tran van cong

Thân chào!
Mình vừa mới bón NPK để tiêu chắc trái, 3 lạng/trụ (hơi nhiều nhỉ). Và tưới đẫm nước rồi. Mình định 1 tuần sau tưới lại sẽ kết hợp đổ gốc amino + tricoderma.
Các bậc tiền bối xem xét giúp có được không vậy?
Đa tạ nhiều nhé!

Tiêu điên

Ái chà ! Muốn nói chuyện với các bậc tiền bối mà lại xưng “mình”. Tuổi teen chăng?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *