Tây Nguyên: Băn khoăn mùa tiêu chín
Sau Tết Bính Thân, nông dân Tây Nguyên bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Đây là loại nông sản đã vượt ngưỡng tỉ đô la xuất khẩu, đưa Việt Nam vào hàng “cường quốc gia vị” và đem lại mức thu nhập cao cho hàng vạn người trồng tiêu cả nước. Tuy nhiên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều điều đáng băn khoăn.
Sản lượng lớn, chất lượng chưa ổn
Tây Nguyên đang là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất cả nước, theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thì diện tích hồ tiêu trên địa bàn đang tăng nhanh. Năm 2013, cả khu vực có khoảng 33.000 ha, sau 2 năm diện tích tiêu đã tăng lên khoảng 53.500 ha. Giá trị do cây hồ tiêu đem lại luôn chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các tỉnh Tây Nguyên.
Các huyện Cư Kuin, Ea H’leo (Đăk Lăk), Chư Pưh, Chư Sê (Gia Lai), Đăk Song, Tuy Đức (Đăk Nông) là những vùng chuyên canh tiêu lớn trên Tây Nguyên. Theo kết quả khảo sát niên vụ năm 2015-2016 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tây Nguyên bị tác động bởi thời tiết hạn hán, thiếu nước tưới của mùa khô khắc nghiệt và sâu bệnh làm ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất, nhưng nhìn chung sản lượng tiêu vẫn tăng 7 – 10%, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt nguy cơ mất thị trường, một số đối tác nước ngoài từ chối nhập khẩu do tồn dư thuốc BVTV cao.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai thì năng suất, sản lượng hồ tiêu vùng này vẫn đang tăng. Dù bị tác động mạnh bởi nắng hạn, nhưng sản lượng vẫn cao hơn vụ tiêu năm ngoái bình quân 0,2 tạ/ha. Ông cũng lo lắng về vấn nạn dư lượng thuốc BVTV trên hạt hồ tiêu cứ năm sau lại cao hơn năm trước. “Cần phải xây dựng những mô hình liên kết sản xuất như HTX, tổ sản xuất, hiệp hội để tạo vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Nếu không, hồ tiêu Việt Nam sẽ ngày càng khó xuất khẩu”, ông Bính nói.
Trên thực tế, hồ tiêu Việt Nam hiện đang mắc phải những dấu hiệu rủi ro cầu giảm, cung tăng do chất lượng sản phẩm không đảm bảo, một số thị trường hạn chế mua. Hồ tiêu đang đối mặt với hàng trăm hoạt chất bị cấm, giới hạn do các nhà nhập khẩu đưa ra, đặc biệt là hoạt chất Carbendazim từ việc lạm dụng thuốc quá nhiều nên cây tiêu không có đủ thời gian phân hủy. Việc cần làm ngay thời điểm này là bảo đảm chất lượng tiêu, giữ vững thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.
Cổ vũ trồng “tiêu sinh thái”
Xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song được coi là vùng tiêu lớn đảm bảo sản lượng và chất lượng tiêu hạt vào bậc nhất tỉnh Đăk Nông. Toàn xã có 3.000 ha hồ tiêu, trong đó có 2.000 đang trong thời kỳ thu hoạch, nhờ tiêu mà nông dân nơi đây đổi đời, hàng trăm gia đình thành triệu phú, tỷ phú.
Trang trại Thu Thủy Đăk Song của gia đình ông Đinh Xuân Thu ở thôn 10, xã Nâm N’Jang có tổng diện tích hơn 40 ha được thiết kế, xây dựng theo mô hình VAC khép kín rừng cây, hồ nước và gia súc, gia cầm. Ông Thu đặc biệt tâm huyết với hơn 20 ha hồ tiêu đang trong vụ thu hoạch. Ông Thu phát triển hồ tiêu theo hướng chất lượng sinh thái, hạt tiêu được trồng, thu hái hoàn toàn tự nhiên, tiêu không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… bởi tồn dư của các loại thuốc BVTV và phân bón hóa học ảnh hưởng lớn đến chất lượng tiêu hạt, cây trồng nhanh thoái hóa và đất đai cằn cỗi khó cải tạo. Năm 2014, hồ tiêu của trang trại Thu Thủy đã đạt tiêu chuẩn sạch theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ; năm 2015 đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ông Thu xây dựng mối liên kết với các công ty nước ngoài, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ về quy trình trồng tiêu sinh thái để đảm bảo đầu ra ổn định.
Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 cho biết, mỗi năm Cty xuất khẩu khoảng 5.000 tấn tiêu hạt ra thị trường thế giới. Trước đây, Cty mua hàng đại trà, từ năm 2012, Cty đã bắt đầu liên kết với nông dân sản xuất tiêu bền vững và kết nối doanh nghiệp nước ngoài đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Hiện, Cty đã thực hiện liên kết với 500 hộ dân với diện tích 300 ha. Từ khi nhận được cảnh báo của các nhà nhập khẩu, Cty 2/9 đã mở rộng kết nối với người trồng tiêu, liên kết tổ hợp tác nông dân, tới tận các vùng nguyên liệu đặt hàng, để mở các lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững cho bà con nông dân ở các huyện thị Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’ga; cam kết dành nhiều ưu đãi về giá cho người dân nếu bà con bảo đảm được việc quản lý dịch hại tổng hợp, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất.
Gần đây, chính quyền một số địa phương phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tuyên truyền người dân trồng cây tiêu theo hướng bền vững, khuyến cáo người dân không ồ ạt mở rộng diện tích tiêu mà tập trung thâm canh, nâng cao năng suất tiêu hiện có; xây dựng các chỉ tiêu phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thu hút nhà đầu tư chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu và xây dựng thương hiệu hồ tiêu.
Vừa hái tiêu vừa trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng chị Chu Thị Thu ở khối 7 phường Tân An ngoại thành Buôn Ma Thuột cho biết: Năm nay tiêu được mùa, nhưng giá đang giảm, chỉ còn hơn 150.000 đồng/kg. Điều đáng lo, là nhiều loại dịch bệnh trên cây tiêu đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, đến chuyên gia nông nghiệp vẫn bó tay, nông dân phải tự lo cho mình bằng cách sản xuất theo hướng càng cân bằng sinh thái, càng bảo đảm ít dịch bệnh trên tiêu.
1 phản hồi cho bài "Tây Nguyên: Băn khoăn mùa tiêu chín"
Mong người nông dân chúng ta liên kết lại thành các hợp tác xã để sản xuất hồ tiêu sạch và bền vững. Đưa người có trình độ và năng lưc lên làm chủ nhiệm HTX. Có như vậy hồ tiêu Việt Nam mới có được thương hiệu.