Tây nguyên hệ lụy kép từ phá cà phê trồng hồ tiêu
Giá tiêu ngày một tăng cao và trở thành cây trồng “Víp” được bà con nông dân lựa chọn để thay thế cho diện tích cà phê đã “lão hóa”. Điều này lại một lần nữa lại réo lên hồi chuông cảnh báo về “cái vòng luẩn quẩn” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây nguyên.
Ồ ạt chặt cà phê trồng hồ tiêu
Ông Nguyễn Bá Khẩn xã Tân Tiến, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết, gia đình ông có 5 sào cà phê nay đã già cỗi nên đã chặt bỏ và trồng tiêu thay thế. Cũng chung “chí hướng” trồng tiêu thay cà phê, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Nhôn, Buôn Đôn cũng đang đưa trên 400 trụ tiêu vào trồng trong 4 sào cà phê đã bị “lão hóa”. Ông Hải cho biết, khó khăn nhất của việc trồng tiêu là giá trụ hơi đắt, khoảng trên 200 ngàn đồng/trụ, trước đây rừng còn nhiều nên dễ kiếm trụ, giờ phải mua lại của mấy ông xe cày…
Năm trước toàn huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) mới có trên 1.200 ha tiêu, năm nay đã tăng lên gần 1.500 ha, diện tích tăng tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp Đăk Lăk, diện tích tiêu của tỉnh không dừng lại ở con số 5.700-5.800 ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000 ha. Diện tích trồng tiêu ngoài quy hoạch ở các huyện Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng… hiện đã lên đến 300- 400 ha sẽ là mối lo cho ngành nông nghiệp vốn bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.
Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ 2 sau Đăk Lăk, có diện tích cà phê với gần 145.000 ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích và 28% sản lượng cà phê cả nước, tuy đến thời điểm này chưa có số liệu thống kê về diện tích cà phê bị chặt bỏ nhưng diện tích tiêu đã tăng lên gần 1.000ha tập trung tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đáng chú ý là trong số này có một số diện tích không nhỏ từ việc chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là việc phá vườn cây cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.
Sẽ gặp hệ lụy kép
Việc chặt phá cà phê để trồng tiêu là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển cây cà phê bền vững. Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, “hiện đã và đang thực hiện đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng với một số chỉ tiêu cụ thể là: duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ…”. Tuy nhiên thực hiện đề án này cũng không đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, nên quy mô sản xuất là nhỏ lẻ, manh mún nhất là việc chuyển đổi cây trồng tự phát như hiện nay.
Tình trạng đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là khi bà con đi săn lùng trụ tiêu từ những cánh rừng dẫn đến việc xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép… Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau như tình trạng “thừa cung thiếu cầu”, không làm chủ được thị trường, giá cả bấp bênh khiến nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng khốn đốn.
Việc ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch của bà con nông dân trên cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng vừa mới xảy ra đã và đang để lại nhiều bài học cay đắng còn đó, nay lại là hồ tiêu.
Bá Thăng