Tây nguyên: Tiêu tặc hoành hành
Không chỉ trộm hạt tiêu, các đối tượng còn đào cả những gốc tiêu giống của người dân mới trồng đem đi bán… Vấn nạn “tiêu tặc” đang gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân, đồng thời cũng nảy sinh những nghi ngờ lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Dân mất tiền
Ngoài lo lắng về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, người trồng hồ tiêu ở các tỉnh: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai hay Kon Tum… đang phải đối mặt với nạn bị trộm tiêu. Vấn nạn này đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng gần đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn…
Trên địa bàn Đăk Lăk, tình trạng trộm hồ tiêu ở các huyện Krông Păk, Cư Kuin, Cư M’gar… đang xảy ra ở mức báo động. Gia đình ông Nguyễn Lệ Thắng, ở huyện Krông Păk, có rẫy cà phê trồng xen hồ tiêu vừa bị kẻ xấu “viếng thăm”. Ông Thắng cho biết, vườn tiêu đang vào thời điểm cho thu hoạch, mỗi trụ một năm cho thu được cả chục kg tiêu hạt, tính theo giá hiện tại thì gia đình thiệt hại khoảng 150 triệu đồng…
Tương tự, tại Cư M’gar, một trong những huyện trọng điểm về sản xuất hồ tiêu của Đăk Lăk, chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra hàng trăm vụ trộm cắp tiêu, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Đặc biệt, lợi dụng nhiều vườn hồ tiêu ở xa các khu dân cư, bọn trộm cắp còn chặt cả cành, cả cây có nhiều tiêu để đưa ra nơi khác tuốt quả gây thiệt hại lớn trước mắt cũng như về lâu dài cho người trồng.
Trên địa bàn Đăk Nông, hàng ngàn gốc hồ tiêu của người dân tại các huyện: Đăk Song, Đăk Mil, Đắk R’Lấp, Tuy Đức… cũng bị “tiêu tặc” hái trộm hạt, hoặc chặt dây để tận thu khiến cho nhiều nông dân hoang mang. Xót xa nhất, có thể kể đến vụ kẻ gian lại đột nhập vào vườn của ông Nguyễn Văn Hữu ở xã Đăk Gằn (Đăk Mil) chặt phá 210 trụ tiêu đang cho thu hoạch năm thứ 4, thứ 5, gây thiệt hại gần 500 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, kẻ gian chặt phá vườn của ông Hữu, trước đó các đối tượng cũng đã chặt 220 trụ, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 500 triệu đồng.
Thông thường, mỗi trụ tiêu từ lúc xuống giống đến khi cho thu hoạch mất 3 năm. Cộng hết tiền giống, trụ, phân bón, công chăm sóc, trung bình mỗi trụ tiêu tốn từ 5,5 đến 7 triệu đồng. Tiêu được chăm sóc tốt sẽ cho thu từ 15-17 kg tiêu hạt, với mức giá từ 130-140 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi trụ tiêu bị chặt, người trồng bị mất trắng từ 2-3 triệu đồng. Ngoài việc trộm hạt tiêu, các đối tượng còn đào cả những gốc tiêu giống của người dân mới trồng, rồi đem bán cho người khác… Vấn nạn “tiêu tặc” đang gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân, đồng thời cũng nảy sinh những nghi ngờ lẫn nhau, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
“Bó tay” với… tiêu tặc
Các đối tượng trộm tiêu thường lợi dụng thời điểm ban đêm, khi chủ rẫy không có mặt để chặt phá. Thậm chí, nhiều kẻ còn mang theo hung khí, khi bị người dân truy đuổi thì sẵn sàng chống trả với thái độ rất hung hãn. Nếu bị những chủ vườn truy đuổi ráo riết, sau khi tháo chạy, các đối tượng “tiêu tặc” sẽ bất ngờ quay lại chặt phá trụ tiêu, gây thiệt nặng nề cho chủ vườn.
Trong khi nạn trộm tiêu hoành hành, người dân nơm nớp lo âu và đang phải “bó tay” với… tiêu tặc, thì việc ngăn chặn từ phía các cơ quan chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Công an huyện Krông Păk, việc điều tra các đối tượng trộm tiêu rất khó, bởi các vườn tiêu bị trộm nhòm ngó thường nằm xa khu dân cư, hiện trường ít dấu vết.
Các đối tượng trộm cắp thường tổ chức đi từng nhóm và thường xuyên cắt cử người canh gác nên khi thấy động là chúng lẩn trốn rất nhanh, rất khó bắt quả tang, các đối tượng không hành động liên tục mà theo chu kỳ, cứ 15-20 ngày tiến hành một vụ. Mặt khác, người bị hại có tâm lý sợ bị trả thù, không trình báo hoặc trình báo quá chậm… gây khó khăn cho công tác điều tra.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm tiêu diễn ra phức tạp là do không ít thương lái, đại lý vì ham rẻ nên vẫn sẵn sàng thu mua hồ tiêu của các “tiêu tặc”. Mới đây, công an huyện Chư Pưh đã khởi tố đối tượng Nguyễn Quang Huy, trú tại xã Ia Hrú, về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trước đó, đối tượng này đã thu mua một số lượng không nhỏ hồ tiêu của các “tiêu tặc”.
Trước vấn nạn này, nhiều chủ vườn ở Tây Nguyên đã dựng chòi, mắc võng ngủ ngay ngoài vườn hồ tiêu để canh chừng. Điều nguy hại hơn, để bảo vệ tài sản của mình nhiều chủ vườn đã chủ động thu hái tiêu khi còn xanh non, khiến chất lượng tiêu nhân xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm cả về sản lượng lẫn chất lượng, kéo theo những hệ lụy khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới…
Theo TBNH
3 phản hồi cho bài "Tây nguyên: Tiêu tặc hoành hành"
Người trồng tiêu đã vất vả vậy rồi mà lại phải lo tiêu tặc nữa. Cứ phải mạnh tay với bọn trộm cắp thì chúng mới chừa
Năm nay “nóng” hơn bao giờ hết, nóng vì cái giá tiêu cao ngất ngưỡng, và nóng luôn tình trạng đua nhau cắt trộm tiêu lươn và tiêu ác để ươm. Năm nào gia đình tôi cũng phải hái tiêu non về phơi vì rẩy tôi xa nhà mà chỉ có vẻn vẹn hơn 20 trụ thì bỏ công trông coi canh gác sao đành. Chưa hết, đầu năm nay tôi xuống giống 150 trụ trồng dây lươn, vậy mà kẻ gian cũng cắt mất 2 dây để về ươm thật là xót. Chưa kể sau này đôn tiêu xong tiêu vừa phủ trụ cũng phải canh gác trông coi, nếu ko kẻ gian cắt trộm dây ác, làm tiêu thật là khổ. Vài lời tâm sự cùng mọi người.
Thật là quá thể, làm tiêu đã khổ rồi mà lại gặp tiêu tặc thế này nữa.