Thăng trầm trái bơ Đăk Lăk

Cây bơ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân Đăk Lăk

Tháng 7-2012, Công ty TNHH Trịnh Mười ở số 137 Nguyễn Thái Bình (TP.Buôn Ma Thuột) bất ngờ nhận được đề nghị xuất khẩu bơ sáp sang Nhật với số lượng lớn, ổn định, và chất lượng cũng phải ổn định.

Đề nghị này xuất phát từ dịp một số nhà nhập khẩu và phân phối trái cây có tiếng tăm ở Nhật Bản đến Việt Nam vừa đi du lịch, vừa tìm hiểu trái cây đặc sản của Việt Nam và đã bị chinh phục khi được thưởng thức những trái bơ sáp mang thương hiệu Trịnh Mười tại Buôn Ma Thuột. Ông Trịnh Xuân Mười, Giám đốc Công ty TNHH Trịnh Mười, người có quá nhiều duyên nợ với trái bơ, người giàu lên từ bơ, nhanh chóng hiểu ra rằng, thời cơ của mình và của những người trồng bơ trên đất Tây Nguyên đã đến.

Vào cuối những năm 1990, chính ông Trịnh Xuân Mười là người tìm ra và thực hiện phương pháp ghép giữa chồi bơ thực sinh và cành bơ đầu dòng để có được những giống bơ ghép cho năng suất cao, chất lượng cao. Năm 1999, trong vườn cà phê rộng 1,8 ha của mình, ông Mười cho trồng xen canh 200 cây bơ sáp ghép, sau 3 năm, ông đã “hái ra tiền”. Năm 2011, vợ ông thu 800 triệu đồng từ bơ trái của 200 cây bơ này, còn ông thu hơn 1 tỷ đồng từ cành để ghép giống. Không chỉ có vậy, phương pháp ghép giống bơ của ông đã thúc đẩy một nhận thức mới, một hành động mới về trái bơ trên đất Tây Nguyên. Người nông dân Tây Nguyên hiểu rằng, chỉ có những giống bơ ghép, chứ không phải những giống bơ cũ được trồng bằng hạt, mới tạo nên tiền bạc và tên tuổi. Nhu cầu giống bơ ghép tăng mạnh ở Tây Nguyên. Để đáp ứng nhu cầu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã vào cuộc sản xuất giống bơ ghép, và họ đã thành công với nhiều giống bơ mới, mà đặc biệt là giống bơ Booth hiện rất được nông dân ưa chuộng. Và vào năm 2010, Công ty Dakfarm đã thành công trong việc tạo ra những giống bơ sáp ghép trái vụ/nghịch mùa có giá trị kinh tế vượt trội so với những giống bơ chính vụ.

Sự lên ngôi của cây bơ ở Tây Nguyên đã thu hút sự quan tâm của chính quyền sở tại và của cả chính nước ngoài. Năm 2007, Chính phủ Đức đã đứng ra tài trợ Dự án Phát triển chuỗi giá trị bơ Dak Lak nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về một loại trái cây nữ hoàng, xác định các phương thức trồng trọt và chăm sóc bơ đúng tiêu chuẩn, xây dựng các quy trình và quy chuẩn trong vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ trái bơ thành phẩm. Theo các đánh giá chuyên môn, dự án này vẫn để lại những dư vị ngọt ngào cho đến tận hôm nay.

Theo thống kê, trên địa bàn Đăk Lăk hiện có 2.500 ha bơ chủ yếu trồng rải rác trong các vườn nhà, chỉ một số ít được trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo ước tính, tổng sản lượng bơ của Tây Nguyên chỉ vào khoảng 30.000 tấn, một con số rất nhỏ nhoi trong một thị trường gần 90 triệu dân, và một thị trường quốc tế đang khao khát những trái bơ có phẩm cấp cao. Ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, người có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bơ Tây Nguyên cho rằng, sở dĩ cây bơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng bởi không có những nhà đầu tư lớn có khả năng xác lập các vùng chuyên canh, có khả năng xây dựng và quảng bá thương hiệu, có khả năng thiết lập một hệ thống phân phối và bán hàng chuyên nghiệp.

Trước khi cây bơ Tây Nguyên được chú ý và lên ngôi vào năm 2007, trái bơ Tây Nguyên chủ yếu được tiêu thụ bởi các đoàn khách du lịch, bởi các người dân sở tại mua làm quà biếu cho người thân ở xa. Khi trái bơ lên ngôi, một loạt người thân của các nhà vườn trồng bơ ở Tây Nguyên làm ăn và sinh sống ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… đã trở thành những kênh phân phối không chuyên nghiệp nhưng quan trọng cho trái bơ. Theo ông Nguyễn Văn Lạng, hệ thống phân phối nhỏ lẻ này đã góp phần tạo đầu ra và quảng bá tiếp thị cho trái bơ nhưng cũng đã tạo nên nhiều hệ lụy với việc cung cấp những trái bơ có phẩm cấp thấp, bảo quản kém trong quá trình lưu thông phân phối. “Với hệ thống phân phối kiểu truyền thống này, trái bơ chưa mặc định được một vị trí vững chắc đối với người tiêu dùng”, ông Lạng nói.

Vào năm 2007, khi Dự án Phát triển chuỗi giá trị bơ Đăk Lăk do Chính phủ Đức tài trợ được triển khai, Công ty TNHH Thu Nhơn được chỉ định làm nhà phân phối cho trái bơ Đăk Lăk. Nỗ lực của dự án và của chính Công ty Thu Nhơn đã xác lập được vị trí nữ hoàng của trái bơ. Trái bơ trở thành món ăn trong các chuyến bay của Vietnam Airlines, xuất hiện trong các siêu thị và khách sạn lớn trên toàn quốc. Trong giai đoạn 2007 – 2010, mỗi ngày Công ty Thu Nhơn xuất ra 4-5 tấn bơ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của các khách hàng dù giá cao chót vót. Vào đầu năm 2011, khi Dự án phát triển chuỗi giá trị bơ Đăk Lăk hết hiệu lực, Công ty Thu Nhơn không còn nhận được sự trợ giúp về nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao, trái bơ đã không còn xuất hiện ở những nơi mà đáng ra nó phải xuất hiện. Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Thu Nhơn cho biết, vào thời điểm hiện tại, do thiếu vốn và thiếu nhân lực, mỗi ngày công ty chỉ xuất đi 300-400 kg bơ, bằng 1/10 trước đây. Bà Thu Nhơn ao ước có 10-15 tỷ đồng vốn như trước đây để duy trì và phát triển vị trí của trái bơ trên thị  trường trong nước và tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài. Công ty TNHH Trịnh Mười cũng đang nỗ lực đưa trái bơ ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, hiện tại, công ty này cũng chỉ đưa ra được 300-400 kg/ngày. “Thiếu vốn nên lực bất tòng tâm. Tôi đã cay đắng lùi chuyện làm ăn với các vị khách Nhật Bản”, ông Trịnh Xuân Mười ngậm ngùi cho biết. Ông Mười nêu ra một thực trạng chua chát: những nhà phân phối bơ như ông, như bà Nguyễn Thị Thu Nhơn không phải là những nhà đầu tư thương mại hùng mạnh, mà chỉ là những người có duyên nghiệp và yêu mến trái bơ mà thôi, vì vậy rất khó để phát triển thị trường. “Cây bơ Tây Nguyên rất cần những nhà đầu tư thương mại hùng mạnh để có một chuỗi cung ứng hùng mạnh”, ông Mười nói.

Nguồn Báo Đăk Lăk điện tử

6 phản hồi cho bài "Thăng trầm trái bơ Đăk Lăk"

Tiểu Long

Bơ là một loại trái bổ dưỡng và một loài cây đầy tiềm năng cho ngành nông nghiệp.

Xuân huy

Rất hay, sang năm mình sẽ trồng bơ. Mong rằng cây phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế!

Nguyễn Trung Thành

Thân gửi bạn Xuân Huy!
Mình hiện tại đang ở Gia Lai nơi trước đây có khá nhiều bơ nhưng hiện tại đã bị chặt bỏ gần hết. Địa phương mình sống cây bơ chủ yếu được trồng trong vườn nhà, không thâm canh. Là người ngoại tỉnh khi vào đây mình cũng rất muốn tận dụng quỹ đất không sử dung được cho việc trồng một số loại cây công nghiệp để trồng cây ăn quả, như cây bơ.
Nhưng thực tế hiện nay lại ko thuận lợi cho việc này, từ vấn đề giống, kỹ thuật đặc biệt là đầu ra nếu mình trồng thâm canh khá là khó khăn. Cây bơ ở địa phương mình chủ yếu vẫn do thương lái đi dạo thu mua mà thôi.
Nếu bạn đinh trồng Bơ thì hãy lưu ý những điều này nhé, đây chỉ là một vài góp ý của mình. Mình cũng rất mong muốn sản xuất loại trái cây này theo hướng thương phẩm nên nếu có gì thì liên lạc với mình nhé, rất mong bạn chỉ bảo thêm cho mình!
Chúc bạn khỏe, công việc thuân lợi!
Thân gửi bạn!

Huỳnh Xuân Cảnh

Mình đang có dự định trồng bơ nhưng chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc, mong bà con có kinh nghiệm tư vấn chia sẻ kinh nghiệm giùm. Xin chân thành cảm ơn bà con nhiều.

Diệp Văn Thỏa

Tôi muốn kinh doanh bơ, nhà tôi ở Thái Nguyên. Tôi rất băn khoăn là vận chuyển ra Thái Nguyên có bị hỏng nhiều không. sdt. 0976991326

Dương Minh Mưu

Mình hy vọng quả bơ sẽ được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Quả bơ có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *