Thành lập Hiệp hội Hồ tiêu & Nông sản huyện Chư Pưh
Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Gia Lai, sự chỉ đạo của UBND huyện và kết quả vận động thành lập hiệp hội, Hiệp hội Hồ tiêu & Nông sản huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã tổ chức Đại hội thành lập vào ngày 21/9/2012.
Tới dự đại hội có hơn 140 đại biểu, trong đó 125 đại biểu đại diện cho trên 490 hội viên đăng ký tham gia hiệp hội. Đại hội đã thông qua dự thảo Điều lệ, phương hướng hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2012 – 2017.
Đại hội thành lập Hiệp hội Hồ tiêu & Nông sản huyện Chư Pưh – Gia Lai
Đại hội đã thông qua Điều lệ, chương trình hành động của Hiệp hội, đề án Tổ chức nhân sự và bầu BCH nhiệm kỳ 2012 – 2017 gồm 37 người, trong đó ông Lưu Trung Nghĩa – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội, có 4 phó chủ tịch, ông Dương Luận – PCT kiêm Tổng Thư ký. Hiệp hội có 9 chi hội tại thị trấn và các xã (chi hội trưởng là Chủ tịch UBND xã ) và 1 chi hội thuộc khối các doanh nghiệp và dịch vụ. Đã có 491 hội viên, trong đó 473 hội viên là là hộ trồng tiêu giỏi, nhiều hội viên là doanh nghiệp và dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thuế vụ, cung ứng vật tư, bảo vệ thực vật, một số nhà khoa học chuyên sâu về hồ tiêu…) đã gia nhập Hiệp hội.
BCH Hiệp hội Hồ tiêu & Nông sản Chư Pưh cùng các Đại biểu
Phương hướng hoạt động của Hiệp hội là: Xây dựng Hiệp hội thành một khối thống nhất, phát huy vai trò nồng cốt của BCH và sức mạnh làm chủ của toàn thể hội viên, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau bảo vệ quyền lợi cúa các hội viên trong sản xuất, kinh doanh, góp phần làm cho ngành hàng phát triển bền vững và ngày càng hiệu quả.
6 phản hồi cho bài "Thành lập Hiệp hội Hồ tiêu & Nông sản huyện Chư Pưh"
Chúc mừng Đại hội thành công tốt đẹp!
Còn Đồng Nai tuy là tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu nhưng không biết bao giờ được như huyện miền núi Chư Pưh, Gia Lai.
Đây là tấm gương các cấp chính quyền của Đồng Nai cần nghiên cứu cho người nông dân an tâm sản xuất.
Bác Phan Phát ơi,
Cháu ở Chư Pưh nhưng có người bà con ở Đồng Nai. Vừa rồi cháu có đi tham quan Đồng Nai.
Theo cháu được biết, ở ĐN nói về kỹ thuật chăm tiêu hầu như những người bây giờ còn trồng tiêu ai cũng có kiến thức nhất định. Bởi vì nếu không có kỹ thuật vững thì vườn tiêu sẽ không giữ được tới bây giờ.
Còn ở Chư Pưh hầu như những người dân bản địa 10 nhà hết 10 đều có tiêu đang cho thu hoạch, có người ít nhất thì cũng được vài tạ, rồi 6, 7 tấn, hay cũng có thể là vài chục tấn là chuyện bình thường. Ở huyện Chư Pưh nhìn đâu đâu cũng là hồ tiêu giống như cánh đồng lúa rộng thẳng cánh cò bay vậy. Những năm trước đó chỉ cần thả dây giống xuống, chẳng phải chăm sóc hay kỹ thuật gì nhiều mà dây tiêu vẫn lên ào ào, một năm sau gần phủ trụ, cắt giống bán thu về bộn tiền. Còn gốc tiêu bị cắt 1 năm sau ra phủ trụ lại, năm sau nữa là vô kinh doanh trung bình cho 5 kg/trụ. 1 hecta trồng 2000 trụ, tính ra 1 hecta cho 10 tấn tiêu. Nếu như cứ đà ấy mà phát triển có lẽ dân Chư Pưh đi xe hơi hết thôi. Nơi đây đất đai rộng, lại tốt, khí hậu ôn hòa, lại có đường quốc lộ đi ngang … tập hợp được cả thiên thời địa lợi nhân hòa để làm giàu. Có thể nói nhắc đến 2 chữ miền núi người ta nghĩ nơi đó nghèo và lạc hậu, thiếu thốn phương tiện sống. Nhưng hiện giờ thấy ngược lại, những nơi ấy tốc độ phát triển kinh tế diễn ra rất mạnh mẽ, mà đã có tiền thì muốn gì mà không có, làm sao mà thua người ta được. Chỉ trước đây khoảng 3, 4 năm, cây tiêu trở nên khó tính khó nết, sinh ra đủ thứ bệnh. Bà con mình xưa giờ chưa gặp nên chẳng biết xử lý sao. Một số vườn vì thế mà đã ra đi…, trồng tiêu mới thì nó đủ bệnh chẳng lên. Nhưng nếu bây giờ người dân biết kỹ thuật, ứng phó được với tình hình mới, thì dù có dịch bệnh cũng chẳng sao…
Mong sao sự thành lập Hiệp hội tiêu và nông sản Chư Pưh thật sự có ý nghĩa cho sự phát triển cây tiêu nơi đây.
Cháu thấy một điều thật đáng lo, bởi những người đứng đầu trong hiệp hội toàn là những cán bộ huyện. Đã làm chức này, chức kia rồi thì làm sao có thời gian để hiểu về cây tiêu chứ? Mà có hiểu, có bám sát thì mới có biện pháp để xử lý khi cần chứ.
Nói thì dễ nhưng nói đúng, làm được, có hiệu quả thì không dễ chút nào.
Bạn Tri Thắm ơi! Là cán bộ hay dân gì cũng vậy thôi, cái quan trọng là có lòng hay không thôi. Cán bộ huyện mình chắc không ít người trồng tiêu đâu, nhưng cán bộ mà chỉ biết nói trên sách báo trên hội thảo mà không biết giúp dân cách đối phó tình hình dịch bệnh thì nông dân mình cũng dư sức làm cán bộ vậy.
Mong rằng các sếp lớn bớt thời gian quý báu mà thường phục vi hành quan tâm nhiều hơn những vùng xa trung tâm huyện xã, để cây tiêu Chư Pưh ngày một lớn mạnh, để cộng đồng thế giới ngày càng nhiều người biết đến thương hiệu hồ tiêu Chư Pưh, mang thương hiệu ngày càng uy tín vươn xa.
Lẽ ra Đồng Nai cần có cán bộ tâm huyết, và là thuyền trưởng để đưa cây tiêu vào nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhà. Thật ra muốn có thương hiệu thì phải thành lập hiệp hội như ở Gia Lai đã làm, để nhắc tới Đồng Nai mọi người nghĩ tới hồ tiêu, như nói tới Phú Quốc thì nghĩ là hồ tiêu Phú Quốc.
Bạn Tri Thắm ơi bạn ở Chư Pưh mà ở xã nào vậy ? Mình ở Phú Nhơn, mình rất mong được làm quen với bạn và được học hỏi kinh nghiệm từ bạn (mình có biết qua bài ủ phân cá mình thấy bạn rất giỏi). Đúng như bạn nói mình, anh em mình, bà con mình đã làm tiêu nhiều năm nhưng thật tình là chưa hề có kỹ thuật gì cả. Ví dụ như mọi người hằng năm cũng đổ phân bò cho tiêu nhưng không hề ủ, mua phân bò khô về đậy bạt chừng tháng là đem đổ ra bồn tiêu, tiêu có bệnh cũng không biết bệnh gì để trị. Gần đây tình cờ biết được trang web này mình rất mừng, có thời gian là mình vào đọc để tích luỹ kinh nghiệm và bước đầu chuyển hướng sang canh tác hữu cơ sinh học. Còn nhiều vấn đề chưa nắm rõ nên rất mong được bạn và các cô, chú, anh, chị trong diễn đàn giúp đỡ, mình thành thật cảm ơn ! Một lần nữa hân hạnh được làm quen với Tri Thắm.
Nói thì đơn giản chỉ cần tìm tòi một tí là nói đươc. Khi vào thực tế mọi chuyện không đơn giản. Về lí thuyết trồng và chăm sóc nếu tìm hiểu kĩ trên diễn đàn là nắm được tất cả, chúc bà con nông dân Chư Pưh thắng lợi