Thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê: Khát vọng vươn xa
Những vườn tiêu xanh ngút tầm mắt, những kho chứa tiêu ngập mùi thơm cay nồng, những ông chủ trẻ giàu có, tự tin và biết bao câu chuyện không ngớt về giá tiêu đang lên từng ngày… là những điều tôi cảm nhận rõ nhất khi đặt chân tới huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
“Bé hạt tiêu”
Mùa mưa của Tây Nguyên năm nay đến muộn, những ngày đầu tháng 7 mà nắng vẫn chói chang, trời cao xanh ngắt. Theo chân ông Hoàng Phước Bính – Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đến xã Ia Blang (huyện Chư Sê) – xã đầu tiên trồng cây tiêu hàng hóa – tôi có dịp được tận mắt chứng kiến và được nghe nhiều câu chuyện về thứ cây trồng đã giúp “đổi đời” người dân nơi đây.
Từng có hơn 20 năm làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch xã Ia Blang, trong câu chuyện, ông Bính không giấu nổi bùi ngùi khi kể về những ngày đầu lập nghiệp tại đây: “Khi ấy (năm 1977), nơi đây còn hoang vu, buồn thảm, bệnh tật và thiếu đói…, đến năm 1986, tôi và mấy anh em nữa rủ nhau vào đất Lộc Ninh (Bình Phước) học hỏi kinh nghiệm và mang những cây tiêu đầu tiên về trồng thử. Thật là 1 bất ngờ lớn khi cây tiêu nhanh chóng “bén rễ xanh cây” và vụ thu hoạch đầu tiên đã cho năng suất khá cao… Niềm vui như được nhân lên khi đầu ra cho sản phẩm thuận lợi. “Thừa thắng xông lên”, chúng tôi rủ nhau đi tìm đất khai hoang và nhân rộng các vườn tiêu. Đến bây giờ thì…”.
Những vườn tiêu trải dài, có những vườn lên đến vài nghìn trụ đã phần nào minh chứng cho lời ông Bính nói. Cây tiêu đã thực sự tìm đúng đất sống của mình khi tại đất này, cây tiêu cho năng suất cao nhất cả nước, hơn hẳn những vùng trồng tiêu khác như: Vĩnh Linh (Quảng Trị), Lộc Ninh (Bình Phước), Phú Quốc (Kiên Giang), Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu). Riêng về chất lượng thì, vị thơm và nồng độ cay đặc trưng, các chỉ tiêu lý hóa đều đạt tốt… đã giúp tiêu Chư Sê chinh phục được cả những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ; đưa số nước mà hồ tiêu Chư Sê có mặt lên đến 79 quốc gia, bỏ qua các nước có nghề trồng tiêu lâu đời như: Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia…
Nhận thức được vai trò to lớn của cây tiêu ở Chư Sê, ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Thương mại đã phê duyệt đưa hồ tiêu Chư Sê vào Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Sau 4 năm triển khai, ngày 28/12/2007, thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” đã chính thức được công bố – trở thành thương hiệu hồ tiêu đầu tiên của Việt Nam, góp phần đưa sản phẩm tiêu hàng hóa của Việt Nam lên vị thế mới.
Ngày 27/8/2009, huyện Chư Sê được tách thành 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh. Theo đó, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc 2 huyện thống nhất sẽ cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau chăm lo, phát triển 1 cách bền vững để Hồ tiêu Chư Sê trở thành thương hiệu mạnh.
Với khoảng trên 4.000ha (chiếm 6% diện tích cả nước), nhưng có sản lượng từ 15.000 đến 20.000 tấn/năm (chiếm 17%) sản lượng hồ tiêu cả nước), Hồ tiêu Chư Sê đã góp phần không nhỏ đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu. Và cũng từ cây hồ tiêu, không chỉ người Kinh, mà cả người dân tộc Jrai và Bahnar ở Chư Sê và Chư Pưh đã thoát nghèo, nhiều hộ “đổi đời”, trở thành những tỉ phú… Bộ mặt làng bản của Chư Sê, Chư Pưh cũng từ đây mà khang trang, trù phú hơn.
Trở thành ông chủ lớn nhờ hồ tiêu
Ý muốn được đi thăm một vài tỉ phú – những người có thu nhập tiền tỉ/năm nhờ trồng tiêu – của tôi được ông Bính đáp ứng ngay, bởi theo ông, với 10.000 hộ trực tiếp sản xuất hồ tiêu, số người có thu nhập như thế lên tới con số vài chục. Rồi vừa đèo tôi bằng chiếc xe máy chạy vù vù trên con đường liên xã láng xi măng trơn tru, ông Bính vừa chuyện trò rôm rả: Nhà báo tính xem, như nhà ông Nguyễn Văn Khả, thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, có sản lượng tiêu ổn định là 40tấn/năm, nhân với giá tiêu thời điểm hiện nay là 80.000đ/kg… thì thu nhập đương nhiên là tính bằng tiền tỉ rồi. Còn nhà ông Lê Phước Tuấn, ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Võ Ngọc Hoành, sản lượng hàng năm cũng đều xấp xỉ 20 tấn… chưa kể họ còn trồng thêm cà phê, sao su… Việc lái ôtô đi thăm vườn tiêu không còn là chuyện hiếm ở đây.
Và tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi bước chân vào những ngôi nhà khang trang, tiện nghi sang trọng của các ông chủ mà cơ ngơi, sự nghiệp đều được bắt đầu từ hồ tiêu. Ông Nguyễn Văn Luyến (thôn 6, xã Ia Blang) là một ví dụ. Bắt đầu trồng tiêu từ năm 1991 với 200 trụ tiêu đầu tiên, đến nay, ông Luyến đã có trên 10.000 trụ tiêu, năm nào mưa thuận gió hòa, sản lượng có thể đạt trên 50 tấn. Thời tiết khắc nghiệt như năm 2009, sản lượng tiêu nhà ông Luyến cũng đạt 37 tấn. Xây nhà lầu, sắm xe ôtô, cho con cái học hành… vợ chồng ông Luyến nổi lên như một tấm gương điển hình về vượt khó vươn lên.
Bắt tay vào trồng tiêu muộn hơn nhà ông Luyến, nhưng đến nay anh Trần Văn Hùng, thôn 6, xã Ia Blang cũng đã có 6.000 trụ tiêu. Còn trẻ, lại có tới 4 đứa con, nhưng nhờ tiêu, anh Hùng cũng đã xây được nhà to, với sân phơi tiêu láng nhựa khá lớn. Năm nay, gia đình anh Hùng thu được 18 tấn. “Tôi vẫn để nguyên, chưa bán tấn nào, chờ xem giá có tăng hơn không” – vừa mở cửa kho chưa tiêu với những bao tiêu chất cao, mùi cay nồng…anh Hùng vừa cho biết.
Nhân nói về chuyện ghim hàng chờ giá, ông Bính cho hay: “Đầu giá tiêu nguyên liệu hiện nay đã lên tới trên 70.000 đ/kg nhưng do chất lượng tốt và dung trọng cao nên thực tế hiện nay người dân ở Chư Sê, Chư Pưh đã bán ra được với giá cân tại nhà là trên 80.000đ/kg – cao hơn 30.000đ so với thời điểm mới thu hoạch. Có nhiều nguyên nhân đẩy giá tiêu lên cao nhưng nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết khắc nghiệt, nhiều vùng tiêu sản lượng giảm tới 35%…”
Xoay quanh giá tiêu là câu chuyện dở khóc dở cười. Nhiều người trồng tiêu không có vốn lớn, thu hoạch tiêu là vội bán ngay để trả chi phí nhân công, phân, giống… nay giá tiêu tăng gần gấp đôi, ruột gan như xát muối. Nhưng “gan lì” không bán lúc giá tiêu 70.000đ/kg, cuối cùng tiêu rớt giá, lại phải bán với giá 40.000đ/kg như trường hợp của anh Hùng vụ tiêu năm 2008 cũng không phải chuyện hiếm… Có chăng, chỉ một vài ông chủ lớn, có chút kinh nghiệm dự đoán thị trường thì cứ đủng đỉnh, ngồi ngắm kho tiêu đầy ăm ắp, nghe giá tăng từng ngày mà “mở cờ trong bụng”.
Nỗ lực vì “thương hiệu hồ tiêu độc nhất Việt Nam”
Như “con thoi”, sáng ở xã này, chiều có khi lại đã ở xã khác, ông Hoàng Phước Bính được ví như thủ lĩnh của vùng hồ tiêu Chư Sê. Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê mới chính thức được thành lập từ tháng 9/2008, nhưng ông Bính đã lăn lộn cùng bà con trồng tiêu, cùng cây tiêu ngay từ những ngày đầu tiên cây tiêu hàng hóa bén rễ trên đất Chư Sê. Ông Bính chia sẻ: “Người trồng tiêu có đến gần 50% là người dân tộc. Từ chỗ tự cung tự cấp, nay chuyển sang thâm canh, trồng cây hàng hóa là cả một vấn đề”. Không thể nói không, mà phải cầm tay chỉ việc, có khi cầm tay chỉ việc bà con cũng chưa nghe, phải có thực tế để chứng minh… Ngay cả việc đầu ra của hồ tiêu thuận lợi, nhiều người giàu lên từ tiêu cũng khiến nhiều bà con nóng vội, nhân rộng diện tích, trong khi không nắm vững kiến thức về trồng và chăm sóc tiêu. Chưa kể mấy năm nay, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bệnh “chết nhanh” và “chết chậm” của tiêu vẫn còn được xem như bệnh “nan y”, nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết một chút đã phải rớt nước mắt nhìn tiêu đổ bệnh rồi chết, trong khi chi phí cho một trụ tiêu trồng mới tại thời điếm hiện nay lên tới 200.000đ…
Thực tế trên đã thôi thúc Ban lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê quyết tâm hơn nữa trong việc cùng với gần 1.500 thành viên xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê, thực hiện tốt “liên kết 4 nhà”, đầu tư chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, để cây tiêu không chỉ cho năng suất cao, chất lượng tốt mà người trồng cũng tránh được rủi ro và có thu nhập cao nhất.
Những cuộc hội thảo thu hút đông đảo bà con tham gia, các số điện thoại 0593.768687/768688/768689 – chuyên thông báo giá tiêu, tình hình thời tiết, khuyến cáo về cách chăm sóc tiêu… của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thường xuyên “đắt hàng”, đã phần nào chứng tỏ sự năng động và hiệu quả của hiệp hội. Và như ông Bính nói thì, còn rất nhiều việc mà hiệp hội đang kết hợp với các doanh nghiệp, các nhà khoa học tiến hành… để làm sao cho Thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê – thương hiệu độc nhất của hồ tiêu Việt Nam thời điểm hiện nay– sẽ được biết đến nhiều hơn trên thị trường thế giới. Hay như ông Nguyễn Đình Tiến – Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Gia Lai xác định: “Xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc”…
Nhìn bước chân thoăn thoát của ông Bính giữa những vườn tiêu, nghe ông say sưa hướng dẫn giải thích cho bà con; gặp gỡ những người trồng tiêu, có cả những người đã quyết định “bỏ phố lên rừng” – chuyển hẳn từ Hải Phòng về Chư Sê trồng tiêu như ông Đồng Quốc Bảo… mới thấy, nghề trồng tiêu đang thực sự hấp dẫn và sẽ chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa trong nay mai.