Tiêu chết hàng loạt ở Tây nguyên: 10 người trồng, 9 người ôm nợ
Gần đây, rất nhiều nông dân ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phải hứng chịu “quả đắng” vì cây hồ tiêu chết hàng loạt. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hệ quả của việc trồng tiêu một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch của ngành chức năng…
Mất kiểm soát việc trồng tiêu
Cuối năm 2016, hàng trăm nông dân trồng tiêu tại các huyện MĐrăk, Ea Kar (tỉnh Đăk Lăk) “lâm nạn” khi trời trở chứng trút nước xuống liên miên. Mưa ngừng ít lâu cũng là lúc hàng trăm ha tiêu của họ phần thì chết khô, phần thì héo úa, rụng sạch trái non. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk, đã có đến hơn 600ha tiêu tại 2 huyện trên bị chết do đợt mưa bất thường hồi cuối năm ngoái, thiệt hại có thể lên tới vài trăm tỷ đồng.
Anh Đào Xuân Hùng (thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar) than thở: “Khi nước mưa rút hết cũng là lúc 700 trụ tiêu của tôi héo úa, cả vườn tiêu trở nên hoang tàn. Phân nửa vườn chết rũ, số còn lại héo úa, trái non rụng đầy đất. Tôi tìm thuốc chạy chữa nhưng hiệu quả không đáng kể. Tưởng vụ này gia đình cầm chắc 300 triệu đồng tiền lãi, nào ngờ mất tới hơn nửa tỷ đồng…”.
Bà Phan Thị Sim (cùng thôn với anh Hùng) cũng thiệt hại hơn 300 trụ tiêu do mưa kéo dài gây ngập úng. Bà Sim kể, để có được vườn tiêu, bà đã phải vay mượn, đầu tư xuống đất hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng cuối cùng thứ mà bà thu về là một đống nợ nần bởi toàn bộ vườn tiêu này chưa cho bà một hạt tiêu nào.
Các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Yang, Ea K’mút, Ea Păl (của huyện Ea Kar), Ea Lai (huyện MĐrăk) đều là những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Đăk Lăk. Những năm qua, do thấy hồ tiêu được giá nên rất nhiều hộ nông dân ở các xã này đã ồ ạt vay vốn trồng tiêu. Mặc dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo những địa phương nói trên có vị trí trũng, thấp, không phù hợp phát triển hồ tiêu, bản thân nông dân cũng biết điều đó nhưng họ vẫn “đánh cược” với hi vọng đổi đời. Cuối cùng 10 người trồng thì 9 người thất vọng với cây tiêu, mộng đổi đời trở thành nỗi khốn cùng với những khoản nợ khổng lồ.
Ở Tây Nguyên, không chỉ những địa phương nói trên mà tình trạng trồng tiêu không theo quy hoạch đã xảy ra ở rất nhiều nơi và đang trở nên mất kiểm soát. Tại Đăk Nông, diện tích hồ tiêu đã lên đến khoảng 28.000ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 là 14.000ha. Tại Đăk Lăk, quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020 cũng chỉ 15.000ha nhưng hiện nay đã tăng gần gấp đôi, lên đến hơn 27.500ha. Với trên 1.200ha trồng mới trong năm 2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 16.300ha, vượt quy hoạch trên 10.000ha.
Ông Huỳnh Quốc Thích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, hầu hết diện tích tiêu bị chết ở Đăk Lăk gần đây đều nằm ngoài quy hoạch, được trồng ở những vị trí trũng, thấp nên dễ hư hại khi bị ngập úng. Để giúp người dân giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp cũng như các ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc rất tích cực, song cũng chỉ đưa ra được những giải pháp tình thế như khơi mương tiêu úng, tư vấn kỹ thuật chứ không thể bắt bà con tuân thủ quy hoạch.
Bỏ ngỏ kiểm soát cây giống
Cùng với việc mở rộng diện tích một cách ồ ạt, việc kiểm soát chất lượng cây hồ tiêu giống tại Tây Nguyên cũng đang bị bỏ ngỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nông dân trồng tiêu chủ yếu chọn mua giống theo cảm tính, không có nguồn gốc rõ ràng. Hầu hết nông dân mà chúng tôi phỏng vấn đều trả lời rằng họ mua giống tiêu của các nông dân khác bán lại, hoặc tại các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ ở địa phương.
Giữa năm 2016, hàng loạt nông dân tại huyện Đăk Đoa và huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi mua phải giống tiêu rởm. Ông Nguyễn Huy Hùng – một nông dân từng “dính nạn” kể: “Tôi mua gần 7.000 bầu tiêu về trồng nhưng chỉ sau 2 tháng, toàn bộ số tiêu này chết trụi. Hàng loạt nông dân khác ở xã mua giống tiêu cùng chỗ với tôi cũng bị tình trạng tương tự”. Còn ông Nguyễn Hòa Bình (huyện Chư Prông) thì cho biết: “Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề nhưng chúng tôi không thể “tính sổ” được với người bán giống. Họ đưa ra đủ lý do để biện minh, cho rằng chúng tôi trồng không đúng kỹ thuật (bón phân, phun thuốc quá liều lượng…), khiến tiêu chết. Cũng không bắt đền họ được vì việc mua bán đều bằng miệng, không có giấy tờ”.
Ở những thời điểm tiêu sốt giá, đi dọc đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Gia Lai, Đăk Lăk hay ngay trước Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên – nơi chuyên nghiên cứu sản xuất giống tiêu, chúng tôi thấy giống tiêu được bày bán tràn lan với mức giá chênh lệch có khi lên đến vài chục ngàn. Thông thường, giá 1 dây tiêu giống đạt chất lượng khoảng 25.000 đồng, nhưng có nơi chỉ bán 6.000 đồng.
Một nông dân tự giới thiệu là “chuyên gia ươm giống tiêu” quảng cáo với chúng tôi: “Nếu mua với giá 10.000 đồng/dây, tôi sẽ cho người đến trồng. Trong 1 tháng nếu tiêu chết tôi sẵn sàng đền bù. Còn nếu mua về tự trồng tôi sẽ giảm giá 40%”. Người này khẳng định giống tiêu của ông ươm rất tốt, song không quên “thòng” thêm câu: “Nếu các anh mang về trồng bị chết là do lỗi kỹ thuật của người trồng!”.
Ông Huỳnh Quốc Thích nói: “Đúng là việc kiểm soát nguồn giống tiêu vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hai năm trước tại Gia Lai, một trung tâm nghiên cứu và phát triển hồ tiêu được thành lập. Trung tâm này đang cố gắng nghiên cứu để có những giống tiêu tốt nhất cũng như ngăn chặn tình trạng mất kiểm soát giống tiêu, tuy nhiên chặng đường này vẫn còn rất gian nan”.
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, chính quyền các địa phương cần tuyên truyền mạnh mẽ tới bà con nông dân về việc không nên phát triển hồ tiêu ở những vùng có mực thủy cấp cao, những nơi ngành nông nghiệp khuyến cáo không nên trồng; chỉ nên mua giống tiêu ở những địa chỉ đã được cấp phép…
21 phản hồi cho bài "Tiêu chết hàng loạt ở Tây nguyên: 10 người trồng, 9 người ôm nợ"
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trồng tiêu thất bại do chủ quan lẫn khách quan. Nhưng trước hết là sự bảo thủ cố chấp, lạm dụng phân thuốc hóa học của nông dân kèm theo việc quản lý thiếu trách nhiệm, được chăng hay chớ của cơ quan chức năng.
Ai cũng biết nông dân vốn bảo thủ, họ chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe, nhất là tin vào cơ quan nhà nước. Họ tin vào các loại phân thuốc đã được cấp phép bán đầy rẩy ngoài thị trường. Họ làm sao phân biệt trong hàng ngàn thương hiệu loại nào kém, loại nào dỏm… Với họ, loại nào được cấp phép lưu hành đều là tốt trong khi chính ngay cả cơ quan chức năng cũng chưa khẳng định hết được. Tôi để ý mỗi lần cơ quan chức năng ra quân kiểm tra thì y như rằng hàng loạt sản phẩm bị xử phạt… Cho nên, nông dân có mà chạy đằng giời !
@ Thắng Lợi nói rất chính xác ! Ngồi kể cả ngày cũng không hết lí do.
Nông dân luôn là người chịu thiệt thòi. Bà con phải tự cứu mình trước khi trời cứu !
Diện tích trồng gia tăng nên sâu bệnh tràn lan rất khó để ngăn chặn.
Ra đại lý mua thuốc BVTV để phòng trừ thì thua. Càng vùng sâu vùng xa thì hàng giả, hàng nhái càng nhiều. Nói bà con chăm sóc theo hướng hữu cơ thì nhiều người nhìn mình như… từ hành tinh khác mới đi lạc tới.
Anh chị trong diễn đàn cho em hỏi điều này với. Đầu mùa mưa, Lúc-Làm-Bông có cần phải xử lý tuyến trùng bằng thuốc hoá học không? Hay có thể chỉ dùng sinh học để phòng.
Bạn ngẫm nghĩ thật kỹ 2 từ
– Phòng : phòng ngừa, dự phòng…
– Trừ : trừ khử, tiêu diệt…
Vậy thì thuốc dùng để phòng hay để trừ !
Làm rẩy trồng tiêu muốn có thu nhập thì cần chăn nuôi thêm để tận dụng phân bón là hiệu quả và bền vững nhất. Trồng 1 hecta tiêu chỉ cần nuôi 20 con dê là đủ phân. Mỗi năm bón thêm một ít phân hóa học (khoảng 10 triệu đồng). Lấy công làm lời đủ sống qua ngày thôi. Chứ nếu dư giả thì phải trồng từ 2 hecta trở lên…
Xin chào cộng đồng Giá tiêu; em có gần 200 trụ tiêu kinh doanh sau đợt mưa vưa rồi vường tiêu của em vẫn bình thường, mưa dứt khoảng 15 ngày em có tưới gốc và phun thuốc Agri-fos 400 + mataxyl để phòng bệnh, vì hàng xóm tiêu chết rất nhiều. sau 15 ngày em có tưới lại đợt 2. Hàng tháng em có tưới và phun Bio. Nhưng nay thì vườn tiêu bắt đầu vàng lá rồi chết dần. môt năm em vần tưới 3 lần Agri-fos + Mataxyl; nấm đối kháng + phân chuồng ủ hoai, rất mong mọi người giúp đỡ.
Pha chung Agrifos với Mataxyl sẽ làm hư thuốc.
Không rõ Bio bạn nói là gì. Nấm đối kháng đã bị chính bạn diệt hết rồi còn đâu.
Nói chung, phòng ngừa sau mưa không sẽ không hiệu quả vì bệnh đã nhiễm khi đang mưa hoặc trước nữa. Lúc này là phải dùng thuốc để trị bệnh.
Chọn nghề làm nông là chọn việc cho cả một đời nên cần hướng tới sự bền vững, không thể nóng vội được ! Còn ai nóng vội với làm nông chắc là đã chọn nhầm nghề..!
Ôi ! Tiêu chết hàng loại nên mấy ai không chua xót, còn việc trồng tiêu và chăm tiêu không ai nói tài nói giỏi được. Nhưng ít ra cũng phải tìm tòi và am hiểu chút ít về sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu, xem địa hình thời tiết nơi mình ở có thích hợp với cây tiêu không…? Ai cũng có ước mơ đổi đời và muốn làm giàu nhưng đừng vì vậy mà bất chấp những lời khuyến cáo của các cơ quan ban ngành. Hậu quả đã rõ.
Bản thân tôi cũng mới bước chân vào việc trồng tiêu cũng chưa có kinh nghiệm gì nhưng được sự giúp đỡ của tất cả mọi người trên diễn đàn và đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của chú Nguyễn Vịnh đã giúp tôi hiểu biết thêm về cây tiêu và các phương pháp phòng trừ bệnh. Một lần nữa cháu xin cảm ơn chú Vịnh và tất cả mọi người trên diễn đàn ạ.
Chào bạn Hoàng và mọi người. Sau đợt mưa vừa sau 15 ngày em có tưới Agri- Fos 400 + matyxyl và sau 10 ngày có tưới lại ; nhưng nay tiêu bắt đầu vàng lá từ ngọn xuống rồi chết (không giống hiện tượng bệnh chết nhanh). Vườn tiêu có đào rãnh thoát nước và gốc tiêu em có vun bồn cao 30-40cm ; không biết có chỗ nào không đúng kỹ thuật. Rất mong mọi người tư vấn giúp em. Bây giờ làm sao để cứu vãn số tiêu con lại. Em xin cám ơn.
Bạn chưa đọc kỹ góp ý của anh @ Hoàng. Nói ngắn gọn là tiêu đã bị bệnh vàng lá chết chậm.
Muốn mua thuốc có hiệu quả thì liên hệ chú Ri (0944.385518) hoặc mua chỗ nào mà bạn tin cậy là được.
Tôi có thắc mắc mà chưa được giải đáp đó là ai có thể trả lời cho tôi biết nhu cầu người tiêu dùng trên thế giới tiêu thụ cà phê hay tiêu nhiều hơn nhỉ. Riêng nhà tôi một năm uống 2 kg cà phê còn tiêu chỉ dùng 100 gam thôi.
Tính thử:
100g/ 365ngay /3 bữa/ 4 người = 0,023g =23mg
( trung bình 1 gia đình 4 nhân khẩu)
1 bữa chỉ ăn 23mg tiêu. xem như không ăn tiêu !
Bà con không không nên trồng tiêu nữa !
@ Trần Hùng + @ Long Hoàng.
Chú lại tính đơn giản như vậy : Toàn cầu hiện có 7 tỷ người, mỗi người tiêu thụ 100gr.
Nên nhu cầu cần sẽ là 700 triệu kg.
Hiên tại tổng sản lượng tối đa 500 ngàn tấn, tức là 500 triệu kg.
Kết luận: thiếu 200 triệu kg, tức là 2 tỷ người chưa có tiêu để ăn.
Họ phải ăn ớt, đúng không ?
Thân
Chú Vịnh vui tính quá ! À mà tiêu đâu phải chỉ để ăn đâu phải không ạ ?
Vậy nên số người ăn ớt chắc sẽ hơn 2 tỷ ấy chứ.
Chú nhớ hồi trẻ, ăn 1 cái nem chua có ít nhất 2 hạt tiêu cay.
Bây giờ ăn 1 cái nem chua có 2 lát ớt đỏ cay, huhu…
Mình nghĩ do áp lực mùa vụ nên giá tiêu giảm, hết tháng 3 giá sẽ tốt. Bà con cố gắng không bán ra ồ ạt làm giá giảm sâu hơn.
Chào chú Nguyễn Vịnh và anh Ngok. Mùa mưa tới cháu tính trồng khoảng hơn 1ha tiêu mới theo hướng tiêu sạch. Vậy chú và anh có thể tư vấn cho cháu cách trồng được không ạ. Cháu mới học trồng tiêu nên kiến thức còn hạn chế, mong được sự giúp đỡ từ chú và anh. Cháu ở Cư Kuin Đak Lak. mail cháu là tranghiep161292@gmail.com. Cháu xin cảm ơn.
Tổng sản suất và tiêu dùng trên toàn cầu khoảng 500 ngàn tấn mà hiện tại có khoảng 100 ngàn ha tiêu VN đang thu. Chưa tính diện tích tiêu trồng mới thì riêng tiêu của VN sẽ đáp ứng đủ cho thế giới. Hỏi những nước trồng tiêu khác bán cho ai. Giả tiêu chắc còn giảm sâu nữa, chỉ còn không được 50 ngàn 1kg là đã rất vui rồi. Giờ muốn làm giàu thì hãy tìm cây khác thôi.
Nhiều cuộc hội thảo thuốc BVTV và phân bón quá ! Chính nhũng cuộc hội thảo này làm cho nông dân bị loạn kiến thức, không biết áp dụng biện pháp nào vào vườn là hiệu quả nhất. Và cũng chưa có một quy trình căn bản về cây hồ tiêu để cho nông dân áp dụng theo.
Tạm thời nông dân khi trồng tiêu cần chú trọng những vấn đề:
+ Không nên vay vốn ngân hàng quá nhiều để trồng tiêu (vì cây tiêu rủi ro rất cao)
+ Trồng trụ sống cho cây tiêu (giảm được chi phí đầu vào, làm cây che bóng cho hồ tiêu,…)
+ Đất trồng tiêu phải được xử lý kỹ trước khi trồng (đặc biệt đất trước kia đã trồng cà phê, mật độ tuyến trùng rất nhiều)
+ Chọn giống phải chọn nơi bán uy tín (tốt nhất nên chọn tại các nơi có nguồn giống sạch bệnh về tự nhân giống hoặc trực tiếp xuống vườn xem giống)
+ Phòng bệnh là chính, chứ để thấy triệu chứng xuất hiện nhiều trên vườn tiêu không thể chữa trị.
+ Sử dụng thuốc BVTV, phân bón cần có người kinh nghiệm tư vấn giúp cho (nên chịu khó đến tham quan học hỏi kinh nghiệm các nông dân sản xuất giỏi về cây hồ tiêu)
+ Sử dụng nhiều phân hữu cơ (đặc biệt là các loại phân hữu cơ tự ủ hoai), giảm phân vô cơ.
+ ….