Tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong sáu tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất của cả nước.

Nông dân thu hoạch hồ tiêu ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00064 cho sản phẩm hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong sáu tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất của cả nước. Đặc điểm cảm quan của hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu là quả khô nguyên hạt, hạt có màu nâu, màu xám, màu đen, mùi thơm và vị cay nồng. Hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu có đặc điểm hạt to, đường kính hạt 3,2 – 5,8 mm. Vỏ hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu mỏng, độ dày vỏ hạt 92,7 – 157,7 µm…

Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực địa lý và kinh nghiệm canh tác của người dân.

Do vị trí địa lý giáp biển nên khí hậu Bà Rịa – Vũng Tàu ôn hòa, mát mẻ, xen kẽ mưa nắng, trong những ngày mùa khô vẫn có những trận mưa trái mùa. Khu vực địa lý có nền nhiệt độ cùng độ ẩm không khí cao và ổn định, mùa khô không khắc nghiệt, chế độ mưa phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu. Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong khu vực ít bão nên không gây nghiêng, đổ trụ tiêu, ảnh hưởng đến mùa vụ. Chế độ gió của vùng duyên hải ven biển với gió đất – gió biển thổi thường xuyên theo chu kỳ ngày đêm cộng với nền nhiệt cao đã tác động làm mất nước liên tục, tạo cho sản phẩm hạt tiêu Bà Rịa – Vũng Tàu có độ săn chắc, vỏ mỏng hơn các vùng khác.

Đất bazan ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có đặc tính khác với đất bazan trồng tiêu huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, huyện Cư Kuin và huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, huyện Phước Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông bởi đất bazan của các huyện kể trên ở gần các miệng núi lửa, nham thạch giàu khoáng sét, tầng đất dày. Đất bazan của bốn huyện và TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có độ phì nhiêu tự nhiên và độ phì tiềm tàng cao. Tuy nhiên, do tầng phong hóa ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mỏng hơn so với tầng phong hóa ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Đăk Nông nên năng suất hồ tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu trồng thấp hơn các địa phương trên.

Khu vực địa lý trồng tiêu đen bao gồm: Xã Kim Long, xã Bàu Chinh, xã Quảng Thành, xã Bình Trung, xã Bình Giã, xã Láng Lớn, xã Xuân Sơn, xã Đá Bạc, xã Bình Ba, xã Sơn Bình, xã Xà Bang, xã Suối Rao, xã Cù Bị, thị trấn Ngãi Giao thuộc huyện Châu Đức; xã Xuyên Mộc, xã Hòa Hiệp, xã Bàu Lâm, xã Hòa Bình, xã Hòa Hội, xã Hòa Hưng, xã Tân Lâm thuộc huyện Xuyên Mộc; xã Sông Xoài, xã Hắc Dịch thuộc huyện Tân Thành; xã Long Tân thuộc huyện Đất Đỏ; xã Long Phước thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nguồn Quang Huy (báo Pháp Luật tpHCM)

18 phản hồi cho bài "Tiêu đen Bà Rịa – Vũng Tàu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý"

Tuân le

Cháu làm tiêu 4 năm nay tại Châu Đức mà chưa bao giờ thấy bên ngành nông nghiệp đến hỏi thăm 1 lời nào. Buồn cho số phận người nông dân !

Hoàng

Không ai tới hỏi thăm thì chúc mừng bạn. Càng ít người lai vãng thì càng ít nguy cơ bị nhiễm các loại nấm bệnh.
Có nhiều vườn tiêu được chủ chăm thật đẹp nên báo chí ca ngợi, bà con tới tham quan học hỏi. Chỉ vài năm sau là vườn bị bệnh te tua, cây xơ xác, thậm chí có vườn gần như xóa sổ ! Đơn giản là người tới thăm đã tha bào tử nấm bệnh của nhà họ đầy dưới giày dép đến “thả” trong vườn, thế là…

Thanh Hà

Nhất trí với anh @ Hoàng.
Phòng chống các bệnh, nhất là bệnh về nấm cho hồ tiêu phải thật kỹ như phòng chống các bệnh dịch cho gia súc gia cầm.
Mắt thường không thể thấy được các loại vi sinh vật gây bệnh nên bà con rất chủ quan !

Hoàng sơn

Do nhà nước không khuyến khích trông tiêu nên không có ai về thăm là bình thường. Nhà tui trồng hơn chục năm có thấy cán bộ nào về thăm vườn đâu.

Cưjut

Cán bộ nông nghiệp thì không thấy ai, kỹ sư bán thuốc dởm thì lượn như cá cảnh. Nông dân trồng tiêu thì cán bộ thờ ơ… Tiêu được mùa được giá thì cán bộ hô “nhờ sự chỉ đạo…”. Tiêu sút giá cán bộ nói nông dân trồng ồ ạt, phá vỡ S quy hoạch. Trong khi đó chả ai nói chả ai biết S quy hoạch là bao. Cuối cùng chỉ nông dân là khổ trăm đường, khổ người + mang tiếng !

Vinh Ha

Có bác nào giải thích giùm em tiêu có chỉ dẫn địa lý với tiêu không có chỉ dẫn địa lý khác nhau chỗ nào ?
Em quan tâm nhất là vấn đề giá cả, tiêu này có bán cho thương lái được giá cao hơn không ? Nếu cao thì hơn bao nhiêu ?
Em nghe nói tiêu Ấn Độ rất nổi tiếng nên họ bán giá rất cao. Nhưng các nhà xuất khẩu nước họ mua tiêu nước ta giá rẻ về trộn chung nên giá tiêu Ấn Độ xuất khẩu cũng giảm mạnh, có phải vậy không?

Dan Viet

Chỉ dẫn địa lý giống như nhãn hiệu hàng hóa và địa chỉ được in lên bao bì của một sản phẩm. Sản phẩm đó có bán được giá cao hơn hay không tùy vào ý chí, quyết tâm xây dựng uy tín về mặt chất lượng của tập thê những người cùng mang tên thương hiệu đó.

Nếu mọi người trồng tiêu trên địa bàn BRVT đồng lòng nhắc nhau không lạm dụng hóa học, không lạm dụng chất tăng trưởng, không có dư lượng thuốc BVTV…. và khách hàng sử dung xác nhận điều đó thì tiêu BRVT sẽ từng bước có giá trị cao hơn tiêu các vùng khác.

Nếu không có một sự quyết tâm tập thể nào…. thì có hay không có chỉ dẫn địa lý vẫn vậy thôi.

Theo Dan Viet đánh giá chủ quan thì tiêu BRVT đã, đang và sẽ không có bất kỳ quyết tâm tập thể nào do XH đa thành phần, nhận thức rất khác nhau và thiếu đoàn kết, thiếu thủ lĩnh thực tài nên sẽ không làm nên bất kỳ sự khác biệt nào. Vì vậy mà giá cũng sẽ không có gì khác biệt.

Giáp ngọc hiền

Giờ cây tiêu trở thành cây đổ nợ và đổ bệnh rồi. Không phải là cây nhà giàu như xưa nữa.

Thien bao

Cộng đồng cho hỏi chút.
Khi ta ủ phân chuồng để bỏ cho tiêu, thì 1 gốc tiêu tơ cần bón bao nhiêu và 1 gốc tiêu kinh doanh bón bao nhiêu là vừa ạ.

Tuân lê

Con đồng tình với quan điểm của chú @ Dan Viet. “nhận thức khác nhau, thiếu đoàn kết và thiếu thủ lĩnh thực tài”

Nguyễn Hồng Doanh

Tôi nghĩ cứ đổ cho nông dân là hết sức chủ quan không phản ảnh đúng thực tế. Tại sao những nhà xuất khẩu không kiểm tra được chất lượng để cho khi xuất rồi thì bị người ta trả lại thì kêu do nông dân lạm dụng thuốc. Làm ăn gì mà không có nổi máy móc để kiểm tra chất lượng vậy mà đòi bơi ra biển lớn.

Châu Huế

Bạn đòi thực tế nhưng chưa hiểu rõ thực tế.
Nếu bạn là công ty XK, khi bán hàng phải có chứng nhận kiểm định của một đơn vị thứ 3. Vì khách hàng sẽ không chấp nhận việc bạn tự kiểm định (theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi), sẽ không khách quan theo luật định khi có tranh chấp…
Nếu bạn có trang bị máy móc để tự kiểm định (không rẻ đâu nhé!) cũng chỉ để giảm bớt rủi ro cho chính mình thôi.

vương

Tiêu Vũng Tàu cũng nhiều thuốc lắm, cũng chẳng có bất kỳ một tổ chức nào liên kết tư vấn hướng dẫn gì cả. Chính quyền bằng không, hiệp hộ này nọ không thấy, chỉ có các công ty phân bón về hội thảo tiệc tùng này nọ, nói chung là mạnh ai nấy làm.

khailocninh

Đừng có đổ lỗi cho người trồng tiêu. Cung vượt cầu thì giá phải rẻ đó là quy luật. Chứ hồ tiêu so với mặt hàng khác thì dư lượng thuốc còn thua xa. Ai lạm dụng phân thuốc nhiều thì chi phí cao tiêu chết sớm thế thôi.

Dan Viet

Dan Viet có nói là “tại ai” bao giờ đâu?
Mấy bác đọc kỹ sẽ thấy là Dan Viet chỉ nói “tại sao” mà thôi.

Thien bao

Cộng đồng ơi cho mình hỏi chút. Khi ta ủ phân chuồng bón cho tiêu thì 1 cây tiêu tơ cần bón bao nhiêu. Và 1 cây tiêu kinh doanh cần bón bao nhiêu mới đủ ạ. Mới làm tiêu kinh nghiệm còn non quá. Mong cộng đồng chỉ bảo thêm ạ.

Hoàng

Bạn muốn định lượng bằng con số cụ thể thì phải xác định được phân chuồng sau khi bạn ủ có chất lượng như thế nào trước đã. Cùng là phân chuồng nhưng ủ đúng phương pháp thì giá trị sẽ nâng lên 2-3 lần, ngược lại thì chỉ như đống mùn rác giá trị bị giảm còn không đáng kể.
Theo cảm tính, bón 1 năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Tiêu tơ khoảng 7-10 kg, tiêu kinh doanh tăng gấp 2 lần là được.
Xin nhắc bạn lần sau nên phản hồi ở bài có nội dung tương ứng…
Bạn tham khảo thêm các bài này :
>> http://www.giatieu.com/bon-phan-cho-ho-tieu-kinh-doanh/6712/
>> http://www.giatieu.com/phan-chuong-cac-phuong-phap-u-phan/4102/

Phạm Đình Hoàng

Chào cả nhà giá tiêu.
Vào vụ mới rồi giá lại rớt rớt kiểu thảm hại. Làm được tấn tiêu bây giờ khó gấp nhiều lần làm ra 10 tấn cafe tươi mà giá thì gần bằng nhau rồi. Ngày xưa ở địa phương cháu ai làm được 1 tới 2 tấn tiêu là gọi được mùa lắm rồi. Giá cũng phải từ 150 tr/tấn đến 220 tr/tấn, giờ thì…chán nản. Trồng cây gì thay đổi kinh tế như thế nào? Bài toán khó. Trong khi tâm lí giá tiêu gần 10 năm lại đây vẫn ổn định còn bây giờ không còn ổn định nữa. Làm choáng váng tâm lí người nông dân. Có lẻ việc bây giờ là thu tiêu đóng bao nilon để đến khi nào giá lên trở lại có thể 2 năm 3 năm 4 năm… Không thể bán với gía này được. Diện tích không trồng mới chăm sóc vườn tiêu cũ và trồng xen canh cây trồng khác. Nguồn sống dựa vào vụ cà phê. May mắn của cháu vẫn còn cây cà phê. Hi vọng mọi người nông dân vượt qua ngưỡng khó khăn này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *