Trồng tiêu cũng phải… “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”

Ông bà ta khi xưa đã đúc kết tri thức nông nghiệp bằng câu tục ngữ giàu kinh nghiệm. Qua nhiều năm trồng tiêu tôi nhận thấy chỉ cần áp dụng đúng bao nhiêu đó thôi là bà con không có gì phải sợ.

Nhất nước là tránh ngập úng, giúp thụ phấn đậu hạt. Ưu tiên một.

Cây tiêu thích ẩm nhưng lại rất sợ úng. Vì vậy ta phải cân đối lượng nước trong quá trình chăm sóc. Đào mương và hố thoát nước kỹ càng đảm bảo trong gốc tiêu không bao giờ bị ngập úng thì đã giảm tới 80% bệnh thúi cổ rễ.

Ngoài ra tưới nước đúng cách làm cho cây năng suất và hạt nhiều hơn. Đặc biệt là ở giai đoạn hãm nước làm bông. Khi gặp điều kiện khô hạn sẽ làm Acid Absilic trong cây tiêu tăng lên và Acid Giberillic, Acid cytokinin giảm xuống, tạo điều kiện cho việc phân hóa mầm hoa. Giúp khi ta tưới nước và sau đó thúc phân thì hoa sẽ ra hàng loạt tập trung hơn.

Bông của hồ tiêu đa phần là bông lưỡng lính, có một số ít bông đơn tính sẽ rụng. Vào giai đoạn hoa thụ phấn hơi nước ẩm sẽ làm đầu nhụy của hồ tiêu cương lên giúp phấn hoa dễ bám dính nên làm tăng khả năng thụ phấn. Trong giai đoạn này cây rất cần nước nên khoảng từ 3-5 ngày nên tưới sơ một lần làm tăng độ ẩm không khí, để khả năng thụ phấn của hồ tiêu tốt hơn. Đó chính là lý do tại sao khi hồ tiêu ra hoa muộn thì tỉ lệ đậu hạt nhiều hơn, ít bị bồ cào.

Nhì phân là đầu mùa mưa ta bỏ phân chuồng hoai mục có trộn Trichoderma và Metharizum. Như vậy đã là ngừa tới 80% bệnh chết nhanh và rệp sáp tuyến trùng hại rễ rồi.

Thay vì dùng phân vô cơ NPK như thói quen bình thường khi trồng những loại cây khác bà con nên thay thế bằng phân hữu cơ chuyên dùng cho tiêu. Thêm vào các loại phân Amino đổ gốc cho cây trồng dễ hấp thu, không làm tổn thương bộ rễ. Đầy đủ phân tro thì cây không thể suy yếu. Cây đã mạnh thì làm sao sinh ra bệnh tật được.

Nhưng thừa phân thì cũng nguy hiểm đấy. Thừa đạm thì cây mềm yếu, không có sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh tật. Thừa kali thì cây cùi đọt, cháy lá, lá quăn y như bị bệnh tiêu điên. Thừa lân thì cây tiêu ra tay dài ngoằng, bỏ mắt, dễ bị gió bão làm gãy tay… Bón phân hợp lý, cân đối thì năm nào cũng trúng mùa. Nhìn lá lúc nào cũng thấy màu xanh sáng là bón đúng.

Tam cần là chăm sóc, phòng ngừa bệnh hại theo phương pháp tổng hợp IPM. Thường xuyên quan sát theo dõi tình trạng sức khỏe của cây tiêu. Đầu mùa, vào giai đoạn hãm nước thì cào lá tiêu già bệnh tật đem đi đốt sạch, mục đích là tiêu diệt hết các loại nấm bệnh nằm trong đống lá rụng đó. Hãm nước còn để tiêu phân hóa mầm hoa, giúp cây ra nhiều bông hơn. Tương tự như dọn vệ sinh, đốt lá điều vậy. Ngoài ra làm chồi, chế độ ánh sáng,… chăm sóc theo IPM thì chủ yếu là cần cù thôi. Như vậy cũng đã là giảm rủi ro bệnh tật 80% rồi.

Tứ giống, cuối cùng thì mới tới giống.

Giống kháng bệnh mạnh nhất Việt Nam là giống tiêu trâu, tiêu rừng, cho năng suất thấp nhưng ít bệnh tật.

Ngoài ra giống Sẻ đất đỏ Bà Rịa-Vũng Tàu, bà con ta hay gọi là Vĩnh Linh lá nhỏ cũng kháng bệnh tốt năng suất cao, dé bông ngắn, sai.

Giống Lộc Ninh, Vĩnh Linh, Lada Belangtoeng, bà con ta hay trồng có ba ưu điểm trên, vừa ít bệnh tật có năng suất đều.

Sẻ Mỡ, Sẻ chín muộn cũng được nhưng thường phải thu hoạch trong mùa mưa, cực. Sẻ lốt thơm rất ngon, có thể năng suất thấp nhưng mùi thơm y như lá lốt.

Giống Ấn Độ chín sớm, hạt nhẹ, năng suất cao nhưng mau suy, chế độ phân tro phải hơn bình thường 1,5 lần.

Giống Phú Quốc năng suất cao, nhược điểm là chăm sóc không đúng cách năng suất không đều. Năm trúng mùa năm thất mùa thê thảm.

Ngoài ra còn có tiêu lai F1 mọc từ tiêu hạt giữa Ấn độ và Lada Belangtoeng, Sẻ đất đỏ và Vĩnh Linh năng suất suất khỏi chê và kháng bệnh tuyệt vời. Những cây F1 lại tổ năng suất thấp thì nhổ bỏ đi, không màng.

Nhân phản hồi của bà con, xin có đôi lời chia sẻ !

Nguyễn Minh Vịnh (nguyenminhvinh@gmail.com)

Giatieu.com

14 phản hồi cho bài "Trồng tiêu cũng phải… “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”"

Phan Phat

Cám ơn anh! Mong anh có nhiều bài hơn nữa chia sẻ với bà con trồng tiêu.

honam

Bài viết đã mang đến kiến thức và kinh nghiệm rất thực tế, thật hữu ích cho bà con trồng tiêu. Tôi chỉ bổ sung một chút phần nhất nước, là tùy vùng đất trồng tiêu của bà con mà sử dụng nước tưới cho phù hợp ví như đất sỏi, dốc thì tưới nhiều còn đất đỏ bazan có tầng đất mặt sâu thì không nên tưới lắm.
Chỗ tôi ở đất bazan bằng phẳng, tầng đất sâu đến 10 mét nên tiêu kinh doanh không phải tưới mà cây vẫn xanh tốt kể cả năm hạn nặng, còn lỡ tưới thì tiêu sẽ ra hoa không đều thậm chí không ra hoa mà ra toàn lá. Còn Nhì phân-Tam cần-Tứ giống tôi cho rằng đã hợp lý, áp dụng được cho các vùng trồng tiêu.

Tiêu Sầu

Về khâu phân, nhiều bà con thắc mắc về lượng phân hữu cơ và vô cơ, tôi xin có một vài ý kiến để bà con tham khảo :
1. Hàm lượng nguyên chất trong phân chuồng (Theo tài liệu, Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT) như sau :

Loại phân H2O N P2O5 K2O CaO MgO
Lợn 82,0 0,80 0,41 0,26 0,09 0,10
Trâu bò 83,1 0,29 0,17 1,00 0,35 0,13
Ngựa 75,7 0,44 0,35 0,35 0,15 0,12
Gà 56,0 1,63 1,54 0,85 2,40 0,74
Vịt 56,0 1,00 1,40 0,62 1,70 0,35

Trong 10 tấn phân chuồng có thể lấy ra được một số nguyên tố vi lượng như sau:
Bo: 50 – 200 g ; Mn: 500 – 2000 g ; Co: 2 – 10 g
Cu: 0 – 150 g ; Zn: 200 – 1000 g ; Mo: 2 – 25 g

2. a. Lượng bón phân vô cơ, theo PGS – TS. Phan Quốc Sủng, lượng phân nguyên chất không nên quá 750kg/ha, cụ thể như sau : (năng suất nghiên cứu là 7,4 tấn/ha – có kèm thêm vôi và vi lượng)
– Lượng đạm nguyên chất tối đa không quá 200 kg/ha/năm.
– Lượng lân tối đa không quá 300 kg/ha/năm.
– Lượng kali tối đa không quá 250 kg/ha/năm.

Trong phân ure, đạm thường là 45 – 46 %, vậy lượng đạm tương đương 445kg ure/1ha/1 năm.
Nếu bà con trồng 2.000 trụ/ha thì mỗi cây chỉ cần chưa tới 0,25 kg/1 trụ.

b. Theo TS.Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện nghiên cứu Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, lượng phân bón khoáng cho một trụ tiêu kinh doanh được đề nghị là: 300-350g Urê + 150g SA + 500g super lân hay lân Văn Điển + 300 – 400gKCl. Ngoài ra, cần chú ý cung cấp thêm các chất trung vi lượng qua các loại phân bón lá.

Qua đó ta có thể thấy rằng lượng phân ure chỉ cần từ 250g – 350g cho 1 trụ/năm, và lưu ý là cây chỉ hấp thu 30 – 40% lượng phân bón, phần còn lại thất thoát do bay hơi, hoặc trực di xuống tầng sâu của đất. Lượng phân bón nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều và điều này. Ta cứ hình dung bón cho trẻ mới tập ăn vậy, xúc cho chúng 1 tô, để chúng tự ăn chắc không tới 1/3 vào bụng. Ta bón nhưng cây hấp thụ được bao nhiêu ?

Như vậy, khi ta bón 10 tấn phân bò, ta đã cung cấp cho đất thêm 29kg N nguyên chất, tương đương 65kg ure, còn nếu là phân gà, thêm được 163kg N nguyên chất tương đương 362kg ure, vậy nếu bón 13 tấn phân gà thì không cần bón thêm đạm. Còn lại là Lân, Kali, các nguyên tố vi lượng bà con tự tham khảo, bón thêm nếu cần.

Riêng đạm, lân và kali, phân chuồng có thể thay thế hoàn toàn phân hóa học, tuy nhiên thời kỳ dưỡng bông, trái, vì cây cần lượng khá lớn chất dinh dưỡng trong thời gian ngắn mà phân hữu cơ đáp ưng không kịp, nên bón bổ sung NPK và trung vi lượng cho cây. Phân gà chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn, nhưng phân bò có nhiều mùn hơn, sẽ giúp đất tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn.

Như bác Nguyễn Vịnh đã nói : “Quan điểm của tôi về bón phân là bón trả lại những gì cây đã lấy đi của đất, và như vậy mới bảo đảm sự bền vững trong quá trình canh tác, khai thác đất đai và cây trồng.” Câu này tôi thấy “rất chuẩn, không thể chỉnh” kể cả về mặt khoa học. Lượng phân bón không thể cứng nhắc mà phải tùy từng vườn, chất đất, độ ẩm, cách bón, … Tham khảo vườn ai đó thu 5 tấn/ha, muốn có 10 tấn ta phải bón gấp đôi là đương nhiên … Ta thu 10 tấn khô, ta cũng phải bù cho đất 10 tấn khô trở lên mới bền vững được!

Lưu ý là phân tươi chứa khá nhiều vi nấm có hại, phải ủ kỹ mới đem ra sử dụng, bác Phan Phát đã hướng dẫn rất kỹ, vừa tăng hiệu quả, vừa giảm chi phí, giảm thời gian ủ … Lợi đủ bề.

Chúc bà con khỏe.

Nguyễn Minh Vịnh

Từ 5 tấn/ha mà chuyển sang 10 tấn/ha là một vấn đề, không phải đơn giản như trên lý thuyết với những phép cộng, phép nhân đâu bạn ạ.

Nguyễn Vịnh

Bài viết của @Tiêu Sầu rất hợp lý theo nghiên cứu của PGS-TS Phan Quốc Sủng và đề nghị của TS Tôn Nữ Tuấn Nam. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi cần cân đối lại giữa lượng phân hữu cơ và vô cơ. Tôi cho rằng, đối với cây tiêu bón như vậy là quá nhiều vô cơ, nên bón tăng lượng hữu cơ lên. Và như vậy, phải tính toán lại số lượng cho hợp lý căn cứ vào loại phân hữu cơ cần dùng…

Phan Phat

Cám ơn anh Tiêu Sầu đã có những số liệu, những chứng cứ trên nghiên cứu khoa học để nông tiêu chúng tôi có thêm nguồn kiến thức áp dụng vào thực tế nhằm tránh nhầm lẫn trước hàng nghìn loại phân bón thuốc BVTV. Mong anh có nhiều bài hơn nữa. Thân chào!

tieuphong

Tiêu Sầu chưa trồng tiêu mà tìm hiểu kỹ vậy, thật đáng khen.
Theo tôi cần phải xem lại lượng phân vô cơ, vườn tiêu của tôi những trụ cho 5kg tôi chỉ bón khoảng 0,45kg NPK 16-16-8 cho 1 năm là nhiều rồi, còn lại là phân hữu cơ vi sinh, riêng phân bón lá phun 4-5 lần/năm (chưa tính phun từ 2-3 lần để kích bông).
Theo TS Tôn Nữ Tuấn Nam, lượng phân vô cơ cho 1 trụ tiêu kinh doanh gấp 3 lần so với trụ tiêu của tôi.
Trồng tiêu theo tôi thu hoạch khoảng 5 tấn/ha/năm mới lâu bền, xin đừng “CƯỠNG HIẾP NÀNG TIÊU”.

Phạm Huyền

Anh tieuphong thường bón phân hữu cơ vi sinh loại nào? Lượng và số lần bón trên diện tích 1 sào là bao nhiêu? Anh chia sẻ thêm với.
Anh cho tôi hỏi thêm, vưởn tiêu anh trồng nọc sống hay nọc chết? Nếu mình trồng nọc sống có cần tăng thêm lượng phân không vậy anh?

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Phần trên bạn hỏi anh TP nên tôi không dám dài tay. Tôi chỉ góp ý phần dưới vì tôi trồng trụ sống và có trụ tiêu 27 năm cho năng suất cao đều đều.
Có 2 trường hợp xảy ra. Là không dùng Trichoderma chỉ dùng phân hóa học và có dùng Trichoderma trộn phân chuồng hoai mục.

Thứ 1. Không dùng Trichoderma. Chắc chắn phải bón phân nhiều hơn rồi vì cây hồ tiêu ăn phân cộng với cây trụ ăn nữa, cây hấp thụ rất nhanh, và thiếu phân khi nào ta cũng không biết. Nên lượng phân cần nhiều hơn bình thường. Chia làm nhiều lần bón.

Thứ 2. Vườn có xài Trichoderma và phân chuồng thì không cần tăng lượng phân. Vì Trichoderma ngoài tác dụng đối kháng, nó còn tác dụng phân rã xác bã hữu cơ, tạo điều kiện vi sinh vật có lợi phát triển. Trong đó có vi khuẩn cố định đạm trong đất sẽ bám vào rễ cây tiêu, rễ cây trụ sống cộng sinh . Tác dụng như cây họ đậu vậy.

tieuphong

Phạm Huyền thân mến !
Vườn nhà tôi trồng nọc sống. Lượng phân HCVS bón tính theo trụ tiêu, bón 3 lần/năm, từ 2-3kg/trụ, tùy theo trụ lớn nhỏ. Theo tôi nên phun phân bón lá và kèm theo thuốc ngừa bịnh định kỳ. Chúc bạn thành công.

Phạm Huyền

Những chia sẻ của anh Minh Vịnh và anh tieuphong luôn kịp thời và hữu ích cho bà con trồng tiêu. Cám ơn các anh rất nhiều. Chúc các anh luôn vui khỏe.

Nguyễn Văn Nhân

Anh em ở Gia lai đã có ai sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chưa nhỉ. Nhờ các bác chỉ dùm cách tưới làm bông khi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt, khi đó sau thời gian hảm để tiêu phân hóa mầm hoa cần nhiều nước để bung hoa, hệ thống tưới nhỏ giọt có đảm bảo không hay khi đó phải vét bồn tưới cho đẩm?
Mấy bác ở miền trong không trồng sâu mà đắp mô để trồng, vậy khi tưới các bác có làm bồn không hay là tưới tràn luôn ? Nhờ các bác chia sẻ.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Đã làm hệ thống tưới nhỏ giọt mà làm bồn nữa có người thấy người ta cười đấy. Cái công tác vét bồn thế nào cũng làm tổn thương rễ non. Gặp điều kiện mà bón phân tưới nước như vậy nấm rất dễ xâm nhập vào vết thương. Hệ thống tưới nhỏ giọt dùng cho việc làm bông rất tốt. Bạn không phải quá lo lắng. Chỉ cần giai đoạn hãm nước cho tốt thì chỉ gặp hơi nước là cây bén rễ ngay. Mà khi cây ra rễ thì nó sẽ ra lá non. Đặc điểm của cây hồ tiêu là ra lá non là ra hoa luôn nên cứ yên tâm.
Hệ thống tưới nhỏ giọt sau khi hãm xong tưới nước không 1 -2 lần cho cây hồi sức. Sau đó mới ngâm phân chung tưới thì cây ra hoa hàng loạt.

Nguyễn Đức Phương

Các anh, các chị ơi cho em hỏi đầu tư 1hecta thì phải mất bao nhiêu tiền (nhân công, giống, phân bón…)? Anh chị nào biết thì chỉ giúp dùm em nhé! Em cảm ơn các anh, chị thật nhiều.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *