Trung Quốc, nhà nhập khẩu hạt tiêu

Trung Quốc là quốc gia trồng hồ tiêu có sản lượng hàng năm đáng kể, chủ yếu được trồng ở đảo Hải Nam, một tỉnh phía cực nam. Tuy nhiên, hàng năm Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu một lượng hạt tiêu rất đáng kể để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của hơn 1,4 tỷ dân trong nước.

Được biết đến như là nhà sản xuất tiêu trắng, không chỉ dành để tiêu thụ nội địa, Trung Quốc còn trở thành nhà xuất khẩu tiêu trắng cho thị trường tiêu dùng toàn cầu. Tuy vậy, khối lượng hạt tiêu nhập khẩu vẫn nhiều hơn khối lượng hạt tiêu xuất khẩu.

Biẻu đồ Trung Quốc nhập khẩu hồ tiêu 3 năm vừa qua. Nguồn – IPC

Theo dữ liệu của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (International Pepper Community – IPC), trong 3 năm qua Trung quốc đã nhập khẩu hồ tiêu như sau:

– Năm 2016, ​​Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 4.488 tấn tiêu các loại, bao gồm 4.021 tấn tiêu hạt và 467 tấn tiêu xay, với tổng kim ngạch nhập khẩu trị giá 44,85 triệu USD. Giá nhập khẩu bình quân 9.932 USD/tấn tiêu hạt và 10.518 USD/tấn tiêu xay.

– Năm 2017, báo cáo cho thấy Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu các loại giảm 14% so với năm trước. Do đó, dữ liệu ghi lại tổng cộng 3.850 tấn, bao gồm 3.212 tấn tiêu hạt và 638 tấn tiêu xay, với tổng kim ngạch nhập khẩu trị giá 25,79 triệu USD. Tuy khối lượng giảm nhưng giá trị kim ngạch còn giảm lớn hơn, cho thấy Trung Quốc đã chi ít hơn 42% trong việc mua hạt tiêu. Giá nhập khẩu bình quân giảm xuống  6.459 USD/tấn tiêu hạt và 7.901 USD/tấn tiêu xay.

-Năm 2018, Trung Quốc được báo cáo đã tăng cường nhập khẩu hạt tiêu với khối lượng tăng đột biến lên hơn 2.000 tấn tiêu các loại, tăng hơn 53% so với năm 2017. Ghi nhận Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 5.872 tấn tiêu các loại, trong đó có 5.270 tấn tiêu hạt. Tương ứng, Trung Quốc đã chi tổng cộng 27,47 triệu USD cho việc nhập khẩu hồ tiêu, ghi nhận mức tăng 7% về giá trị so với năm trước. Giá tiêu nhập khẩu bình quân tiếp tục giảm xuống 4.413 USD/tấn tiêu hạt và 7.004 USD/tấn tiêu xay.

Theo IPC, Trung Quốc nhập khẩu hồ tiêu năm 2018 chủ yếu từ các nước sản xuất hồ tiêu hàng đầu. Dữ liệu thống kê cho thấy, 10 nhà xuất khẩu hạt tiêu lớn sang Trung Quốc là Malaysia với 2.684 tấn, chiếm 46% khối lượng tiêu nhập khẩu. Tiếp theo là Indonesia với 1.077 tấn, Việt Nam 830 tấn, Brasil 582 tấn, Ấn Độ 215 tấn, Sri Lanka 158 tấn, Hồng Kông 123 tấn, Singapore 41tấn, Ý 36 tấn và Mỹ 34 tấn.

Được biết, phần lớn hạt tiêu Việt Nam xuất sang Trung Quốc bằng đường biên mậu, nên thường không được ngành Hải Quan báo cáo, theo dõi.

Giatieu.com

23 phản hồi cho bài "Trung Quốc, nhà nhập khẩu hạt tiêu"

Dan Viet

Thế giới thay đổi nhanh chóng.

TQ đang minh bạch hóa mọi hoạt động, bao gồm XNK, trong đó có hồ tiêu.
Tháng 1-5/2019, TQ nhập khẩu 36.038 tấn tiêu từ VN (theo VPA) và trở thành khách hàng quan trọng nhất của tiêu VN chứ không phải Mỹ hay Châu Âu

Ngày nay không ai còn xem TQ là một quốc gia sản xuất tiêu nữa mà là quốc gia tiêu thụ thuần vì tiêu họ làm ra ngày càng mắc và không đủ dùng. Đảo Hải Nam trở thành một vị trí chiến lược cho kinh tế, chính trị , quân sự, du lịch và dịch vụ (đối với TQ). Hiện có 6 sân bay quân sự và 2 căn cứ hải quân ở phía bắc và nam Hải Nam để khống chế Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Máy bay quân sự cất cánh ở nam Hải Nam chỉ mất 6 phút là bay đến Hà Nội, Hải Phòng… (hic hic).

Mật độ đô thị hóa cao của Hải Nam có thể quan sát được từ google earth, nhiều khu du lịch, khách sạn trung tâm thương mại mọc lên (và thay đổi rất nhanh qua từng năm, các bác có thể dùng chức năng xem ảnh chụp dữ liệu quá khứ của google earth để xem tốc độ thay đổi chóng mặt của đảo Hải Nam) làm cho đất trở nên càng ngày càng đắt đỏ nên trồng tiêu không còn hấp dẫn nữa.

Trong tương lai không xa chắc là tiêu Hải Nam chỉ còn để phục vụ du lịch với giá rất cao và số lượng ngày càng ít đi.

Chiến tranh thương mại đang làm cho đồng NDT yếu đi để tăng khả năng XK của TQ, điều đó làm cho nhiều người TQ tìm kênh đầu tư để bảo toàn vốn. Đầu cơ tích trữ tiêu đang là một kênh hấp dẫn đối với họ. Thay mặt đảng, nhà nước và dân trồng tiêu VN, xin cám ơn các nhà đầu cơ TQ.

HoaCam

Đại lý thu mua nông sản ở chỗ em bán tiêu cho khách Trung Quốc đưa xuống cảng Quy Nhơn để lên tàu. Tháng nào cũng bán 1 công, có tháng 2 công, toàn mua tiêu đẹp để về chế biến tiêu trắng, bán mấy năm nay rồi. Số hàng này thì được ai thống kê ?

Dan Viet

Hàng lên tàu luôn được Hải Quan ghi nhận từ xưa đến giờ.
Chỉ có hàng đi đường bộ là mới được ghi nhận 2 năm nay.

Vũ đức hoàn

Nếu Trung Quốc mà mua tiêu đầu cơ thì giá sẽ tăng hả bạn. Mình cũng muốn đầu cơ…

Thành Công

Hàng đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch trốn Hải Quan không đóng thuế thì lấy gì mà hoan nghênh chào đón. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam được nhà nước ưu đãi nên chính phủ không chấp nhận tình trạng doanh nghiệp nước ngoài đứng ra mua trực tiếp để hưởng ưu đãi này, tất cả hàng hóa phải xuất đi theo đường chính ngạnh để nhà nước quản lý được tốt và thu thuế để phát triển đất nước. Tất cả hàng hóa đi theo đường tiểu ngạch là làm hại nước.

Nguyễn thị thu

Ai mua cũng được miễn có nơi tiêu thụ để đẩy giá tiêu lên cao xíu cho nông dân được nhờ, thấy giá cả nông sản gì cũng rẻ, thực sự nản.

Hoàng Nhiên

Cho mình hỏi nếu đi theo con đường chính ngạch để nhà nước quản lý được tốt và thu thuế để phát triển đất nước nhưng giá thấp nông dân làm không có lời thậm chí còn thua lỗ nữa thì dân nghèo, rồi vì cuộc sống khó khăn những người đó phải sống như thế nào.
Chỉ có cách để doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp thu mua thì giá mới lên cao dân làm mới có lời.
Mình chỉ nghe câu Dân giàu thì nước mạnh chứ chưa nghe câu dân nghèo mà nước mạnh cả.

Senca

DN nước ngoài vốn FDI vẫn được thu mua các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu…
Họ sẽ khai báo đóng thuế khi đưa ra cảng để xuất khẩu.
Lo ngại là họ có vốn mạnh, cấu kết nhau mua rẻ, rủ nhau làm giá thì nông dân chết toi.

Nguyễn Thanh Tuấn

Theo Giatieu.com năm 2018 VN xuất khẩu sang TQ 830 tấn và 5 tháng đầu năm 2019 VN xuất khẩu sang TQ 36038 tấn. Như vây mới 5 tháng đầu năm 2019 VN đã XK sang TQ gấp khoảng 43,4 lần so vơi cả năm 2018. Như vậy cho thấy phía TQ đã phần nào chấp nhân tiêu của VN, đây là dấu hiệu đáng mừng phải không bà con. Dù XK theo đường nào đi nữa nhưng có nơi tiêu thụ ắc giá sẽ tốt hơn. Đây không biết suy nghĩ của tôi có chủ quan lắm không, nhưng tôi cũng chúc mừng cho nông dân làm tiêu của chúng ta. Xin chào bà con!

Tôn Đặng

Tôi không mong giá tiêu năm nay tăng, để bà con chuyển đổi bớt diện tích sang trồng cây khác…

Dan Viet

Thương nhân TQ hiểu rõ là cung đang vượt cầu. Họ đang mua trữ, chờ nguồn cung cạn kiệt sẽ đưa hàng ra bán chứ không phải vì thiếu hàng cho nhu cầu tiêu thụ thực sự. Đây là kế hoạch dài hạn, nhiều năm chứ không phải ăn xổi như những năm trước.

Do đặc điểm đó nên:
– Họ chỉ mua khi giá thấp, giá mà rục rịch tăng là họ ngưng ngay.
– Họ chỉ mua khi thấy rõ dân VN bỏ cây tiêu, rục rịch trồng lại số lượng lớn là họ ngưng ngay.
– Toàn bộ thương nhân TQ sang VN mua tiêu chỉ cỡ 20 người, họ rất đoàn kết để khống chế giá mua.
– Nếu không có họ thì có lẽ giá tiêu VN đã giảm sâu hơn vì XNK VN và khối FDI gặp phải sự cạnh tranh gay gắt về giá từ Brazil ở thị trường Âu, Mỹ và Trung Đông. Năm nay Ấn Độ cũng đang thăm dò mua tiêu Brazil

=> TQ đang là nhân tố quyết định giá hồ tiêu VN từ giờ cho đến cuối năm nay và có vẻ như họ chưa muốn giá tăng trong năm nay.

Dan Viet

Hôm chủ nhật vừa qua, hai doanh nghiệp đầu mối ở TQ chuyên mua tiêu VN và chuyển về TQ bằng đường tiểu ngạch bị cảnh sát TQ bắt (tại TQ) vì tội trốn thuế.

Các đầu mối khác ở TQ ngay lập tức ngưng mọi giao dịch để tránh bị phát hiện.

Dan Viet

Toàn bộ các đầu mối nhập lậu tiêu ở TQ đều đã bị bắt giam và điều tra về hành vi buôn lậu.
Các kho hàng dọc biên giới bị niêm phong, các tài khoản ngân hàng bị đóng băng để phục vụ công tác điều tra.

Từ nay về sau, nhập khẩu tiêu của TQ đều phải đi đường chính thức. Thị trường trở nên minh bạch cho mọi người.

Thắng Lợi

Quốc gia nào cũng vậy thôi. Buôn lậu là hành vi phạm pháp, không thể chấp nhận !

Châu Huế

Khi thị trường trở nên minh bạch, các nhà XKVN có thể đòi hỏi mức giá cao hơn.
Lúc đó sản xuất tiêu sạch sẽ có sức cạnh tranh hơn…
Sản xuất tiêu trắng cũng ổn định, không bấp bênh như hiện nay !

Dan Viet

Tiêu nhiễm dư lượng thuốc BVTV sẽ hết đất sống vì khi nhập khẩu chính thức thì TQ cũng sẽ kiểm tra dư lượng thuốc BVTV một cách nghiêm khắc.
Cảnh báo trước các bác là tiêu chuẩn của TQ cũng chẳng kém gì tiêu chuẩn Châu Âu đâu.

Thanh Hà

Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm sinh học giúp bà con nông dân phòng chống sâu bệnh hại cây trồng, để tránh tồn dư hóa chất BVTV trong các nông sản xuất khẩu.
Quan trọng hơn cả là tránh cho nhà nông và gia đình không bị nhiễm các loại hóa chất gây ra nhiều chứng bệnh nan y… Bà con hãy vì mình và gia đình trước để chuyển sang sinh học hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường sống.

Duybao

Quan trọng đứng giữa một rừng Sinh học biết chọn loại nào, sản phẩm mà giatieu.com giới thiệu khu vực Lâm Đồng rất ít cửa hàng bán.

Senca

Theo tôi biết, trường hợp như bạn phản ánh thường có 2 lý do:
1. Có thể vì lợi nhuận chiết khấu không cao như các sp khác nên cửa hàng không muốn bán.
2. Có thể do hàng nhập khẩu không nhiều, cty không đủ sức rải khắp.
Cho nên tôi thận trọng, thường mua ship chỗ tin cậy để tránh bị hàng giả, hàng nhái…

Dan Viet

Giờ thì Dan Viet đang hy vọng chính quyền TQ đem số hàng tồn kia ra kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của TQ thì tiến hành tiêu huỷ. Vừa răn đe vừa giúp làm giảm một phần tồn kho toàn cầu.

Dan Viet

Nhiều nguồn tin của Dan Viet cho hay các bạn hàng TQ hay nhập lậu tiêu của VN còn kẹt lại 10-15 ngàn tấn tiêu tại Lạng Sơn, Móng Cái.

Khả năng cao là họ sẽ tìm cách bơm giá lên để bán ngược số hàng này tại VN.

Điều này có thể làm cho thị trường bặt lên ngắn hạn, sau đó giảm sâu hơn.

Tin trên có ý nghĩa gì?
– Với cty XNK: không nên để hụt hàng, khi họ làm giá thì có thể thị trường khan hiếm cục bộ, ảnh hưởng đến uy tín giao hàng. Cần đủ hàng để nín, chờ qua sóng giá lên. Nếu họ bơm được giá lên thì nên tranh thủ bán hàng.
– Với bạn hàng/đại lý: hết sức cảnh giác, mua bán với mối quen. Đối với khách lạ thì đòi phải đặt cọc 15% trở lên, nhận đủ cọc mới bắt đầu mua hàng.
– Với nông dân: ai muốn trữ lâu dài thì cứ việc tiếp tục. Ai cần tiền thì hãy chuẩn bị, nếu họ bơm lên được 1-2 k là tranh thủ bán ngay, chần chừ là mất cơ hội.

Khả năng cao nhất là họ bơm không lên nổi tý nào (vì dân ta cảnh giác cao độ), lúc đó sẽ xãy ra kịch bản xấu là họ bỏ của chạy lấy người.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *