Vào đầu vụ mới, giá hạt tiêu trong nước ở mức cao

Hiện nay các vùng trồng tiêu chính đã bước vào thu hoạch vụ mới, nhất là ở những vùng trồng giống tiêu chín sớm gốc Ấn Độ trong khi giá tiêu nội địa đang ở mức cao nhất đầu vụ kể từ trước đến nay.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, thứ Bảy 22/12, giá tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn NCDEX-Ấn Độ quay đầu tăng nhẹ. Kỳ hạn giao tháng 2 tăng 170 Rupi lên mức 34.975 Rupi/tạ (tương đương 6.351 USD/tấn) và kỳ hạn giao tháng 3 tăng  40 Rupi lên mức 34.535 Rupi/tạ (tương đương 6.271 USD/tấn). ( 1 USD = 55,0700 Rupi )

Được biết, mức giá đỉnh kỷ lục của thị trường tiêu kỳ hạn ở mức 44.605 Rupi/tạ lập vào ngày 29/07/2012, mức giá mà hầu hết các nước sản xuất tiêu chủ chốt trên thế giới đều cho là cực kỳ phi lý.

Giá hạt tiêu giao ngay tại Ấn Độ song song với xu hướng thị trường kỳ hạn giảm 400 Rupi xuống ở mức 36.800 Rupi/tạ (tương đương 6.682 USD/tấn) loại tiêu xô và 38.300 Rupi/tạ (tương đương 6.955 USD/tấn) loại tiêu chọn.

Trên thị trường quốc tế, tiêu đặc chủng MG1 của Ấn Độ có giá 7.300 USD/tấn (C&F) đối với hàng giao châu Âu và 7.600 USD/tấn (C&F) đối với hàng đi Mỹ, giảm 100 USD so với tuần trước.

Khoảng cách chênh lệch bất hợp lí giữa giá tiêu đen xuất khẩu của Ấn Độ với giá tiêu đen của các nước sản xuất khác tiếp tục được rút ngắn từ trên 2.000 USD/tấn xuống còn khoảng gần 1.000 USD/tấn.

Thị trường tiêu kỳ hạn Ấn Độ vừa xảy ra sự cố khi một nhóm đầu cơ, nắm giữ khoảng hơn 5.000 tấn tiêu trị giá 18 triệu Rupi, đã từ chối nhận hàng vì cho rằng số hàng này không phù hợp với tiêu chuẩn thực phẩm do sử dụng dầu khoáng để bảo quản và đã nộp đơn khiếu nại. Ủy ban Các thị trường Kỳ hạn (FMC) và Cơ quan Tiêu chuẩn nhà nước Ấn Độ (FSSAI) đã cho lệnh phong tỏa 6 kho hàng do sàn NCDEX quản lý để điều tra.

Mặc dầu trước đó Cộng đồng Hồ Tiêu Quốc tế (IPC), một tổ chức liên chính phủ của các quốc gia sản xuất tiêu, đã chốt lại sản lượng tiêu Ấn Độ năm 2013 ở mức 55.000 tấn. Con số này cao hơn gần 30% so với mùa vụ năm 2012. Nhưng các thương nhân trên sàn giao dịch dự đoán sản lượng có thể đạt 60.000-65.000 tấn và những nhà đầu cơ giá lên vẫn tiếp tục đẩy giá tiêu kỳ hạn lên cao để hòng thu lợi bất chấp sự phản đối của giới kinh doanh xuất khẩu. Do đó trong những tháng qua, giá tiêu xuất khẩu của Ấn Độ đã mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các thương nhân cho rằng đây chỉ là kế hoãn binh nhằm để tránh các mức lỗ mà họ có khả năng phải gánh chịu sau khi giá tiêu giảm mạnh trong những tuần gần đây.

Hiện nay nước ta đã bắt đầu bước vào thu hoạch tiêu vụ mới. Theo nhiều nhà vườn ở vùng Đông Nam bộ cho biết giống tiêu chín sớm có gốc Ấn Độ, chiếm khoảng 15-20% diện tích. Giống tiêu chín sớm có dung trọng thấp, không được nhà chế biến tiêu trắng ưa chuộng. Nhiều nhà vườn cũng muốn thay thế giống mới nhưng cũng còn tiếc vì giá tiêu trong nước vẫn đang ở mức cao. Những diện tích còn lại trồng các giống tiêu khác và ở Tây nguyên sẽ tiến hành thu hoạch đại trà kể từ đầu tháng 1/2013.

Sáng nay thứ Ba 25/12, giá tiêu đen xô ở Tây nguyên giảm nhẹ xuống mức 116-117 ngàn đồng/kg, vùng Đông Nam bộ 120-121 ngàn đồng/kg, riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu có giá 122-123 ngàn đồng/kg vẫn giữ mức giá cạnh tranh trên thị trường tiêu nội địa.

Theo thống kê của ngành Hải Quan, xuất khẩu tháng 11 đạt 7.967 tấn hạt tiêu các loại với giá trị kim ngạch 53,5 triệu USD, giảm 13,4% về lượng và giảm 10,2% về giá so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng đầu năm đã xuất khẩu 110.588 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 751,15 triệu USD, tuy giảm  8,2% về lượng nhưng lại tăng 6,3% về giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân xuất khẩu trong tháng 11 đạt 6.719 USD/tấn, tăng 3,66% so với giá bình quân xuất khẩu của tháng 10.

Nguồn Anh Văn (TTVN/CafeF)
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *