Việt Nam chi phối giá tiêu thế giới
Trong khi các Hiệp hội, ngành hàng dù kim ngạch xuất khẩu lớn hay nhỏ vẫn loay hoay tìm chỗ dứng, thì ngành tiêu Việt Nam đã chi phối cả nguồn cung và giá cả thị trường thế giới.
“Tiêu là một ngành hàng đặc biệt làm cho tất cả chúng ta phải suy nghĩ về vị trí tồn tại của nó, xuất khẩu (XK) chiếm 50% toàn thế giới, giá 3 năm liên tục chi phối giá quốc tế và tăng cao. Nông dân trồng tiêu không ai cần vay vốn”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội tiêu VN, khái quát bức tranh toàn cảnh về một trong những ngành hàng đầu tiên của VN chi phối giá cả, nguồn cung thế giới.
Nông dân “điều tiết” giá
Giá tiêu đen tại Chư Sê, Gia Lai hiện đang ở mức 120.000 đồng/kg; tại Lâm Đồng, thương lái cũng đến tận vườn thu mua hạt tiêu đen với giá 120.000 đồng/kg. Theo ông Hồ Đình Huấn, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tại huyện này có nhiều hộ sản xuất lớn, sản lượng nhiều, có điều kiện cất trữ đang bán cầm chừng. Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu VN nhận định do sản lượng tiêu của Ấn Độ năm nay giảm sút, nên các doanh nghiệp chế biến và phân phối hạt tiêu trên thế giới tập trung mua ở VN khiến giá hồ tiêu tăng mạnh. Tại Indonesia, quốc gia XK hồ tiêu đứng thứ 2 thế giới sau VN, dự báo khối lượng XK sẽ giảm mạnh trong năm, chỉ còn khoảng 23.000 tấn, giảm tới gần 48% so với năm 2010.
Đây là điều kiện thuận lợi cho vụ này của tiêu VN, bởi theo dự báo của Hiệp hội Tiêu VN, sản lượng tiêu cả nước vụ 2011 ước đạt 100.000 – 110.000 tấn. Do vậy, càng tích trữ, nông dân càng có lợi. Tại nhiều vườn, tiêu chín đỏ cây mới thu hoạch, khi thu hoạch rải bạt dưới gốc tiêu, nên sản lượng không giảm mà chất lượng rất tốt.
Mức giá hồ tiêu hiện nay đã tăng khoảng 30.000 đồng/kg so với cuối tháng 3 và là mức cao nhất kể từ 15 năm qua. Ông Nam cho hay: “Nếu như cách đây 10 năm, VN không có tiếng nói trong hội nghị Tiêu thế giới thì hiện nay nếu chúng tôi không đi dự, hội nghị Tiêu thế giới coi như không có giá trị, cả thế giới sẽ không biết thị trường sẽ đi theo hướng nào, giá sẽ diễn biến ra sao”.
Khó bị ép giá
Người nông dân trồng tiêu hiện được coi là giàu nhất so với các loại nông sản khác. Theo ông Đỗ Hà Nam nông dân trồng tiêu buổi sáng có máy nhắn tin khắp nơi báo giá tiêu thế giới đang bao nhiêu, tăng lên bao nhiêu, họ biết ngay giá thế giới như vậy thì họ sẽ bán được bao nhiêu cho doanh nghiệp, nên đừng hòng có chuyện doanh nghiệp có thể ép giá được nông dân, hay mong nông dân bán hớ. Họ chỉ bán dần đủ trang trải chi phí đầu tư đầu vụ sẽ dừng lại tích trữ đợi giá.
Điều đặc biệt nữa là, không những không ép giá được nông dân, các nhà làm XK hồ tiêu muốn kiếm được lời thì phải năng động tìm đường bán tận gốc, chứ không thể bán qua các nhà buôn gia vị lớn trên thế giới, các DN nước ngoài cũng không nhảy vào mua hàng được như cà phê hiện nay.
Tại Chư Sê, ông Huấn cho hay muốn cập nhật giá tiêu thế giới, giá tiêu trong nước, chăm sóc, bón phân thế nào cho đúng kỹ thuật, thời vụ… nông dân có thể nhắn tin, gọi điện vào bất kỳ giờ nào, kể cả nửa đêm gà gáy. Tổng đài trả lời thông tin tự động này do Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đầu tư và duy trì hoạt động từ khoảng năm 2006, từ nguồn kinh phí được đóng góp từ 700 – 800 hội viên, mỗi hội viên chỉ cần đóng… 1kg tiêu.
Theo ông Huấn, trước đây, cũng có tình trạng cứ vào mùa thu hoạch rộ là người dân đẩy mạnh bán ra, khiến cho giá rớt thê thảm. Nhưng mấy năm gần đây, do nắm được tình hình cung – cầu, giá cả, một số đại gia về hồ tiêu – những người thu hoạch từ 5 – 10 tấn tiêu/vụ trở lên, chỉ bán một số ít tiêu trong vụ thu hoạch để trang trải chi phí, còn lại họ trữ trong kho và theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường quyết định lúc nào nên bán là có lợi nhất nên hầu hết các hộ trữ tiêu đều thắng lớn. Việc nông dân Chư Sê truy cập internet nắm thông tin giá tiêu không còn là chuyện lạ.