Việt Nam không thoát khỏi xu hướng sụt giảm của giá tiêu thế giới
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, hồ tiêu hiện có giá 120-121 ngàn đồng/kg, Bình Phước 119 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 117-118 ngàn đồng/kg, giảm bình quân 5.000 đồng/kg so với đầu tháng.
Trước sức ép khi các nước sản xuất tiêu chủ chốt trên thế giới như Brazil và Indonesia vào vụ thu hoạch mới, giá hạt tiêu nội địa của các nước sản xuất khác đã suy yếu trong thời gian gần đây. Việt Nam, quốc gia có sản lượng tiêu chiếm vị trí số 1 thế giới cũng không ngoại lệ.
Trưa hôm nay 28/7, giá tiêu đen xô trong nước tiếp tục suy yếu. Cụ thể, tại Bà Rịa-Vũng Tàu có giá 120-121 ngàn đồng/kg, Bình Phước 119 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 117-118 ngàn đồng/kg, giảm bình quân 5.000 đồng/kg so với đầu tháng.
Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500g Gr/l-FAQ vẫn duy trì giá 6.000-6.050 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ giá 6.300-6.350 USD/tấn, (FOB), không đổi. Trong khi tiêu trắng loại 630Gr/l-FAQ chào giá 8.900-8.950 USD/tấn và tiêu trắng loại DW 630Gr/l giá 9.050-9.100 USD/tấn, (FOB), giảm 100-150 USD so với tuần trước do lực mua rất yếu.
Được biết, nhu cầu về lượng tiêu trắng của thế giới không nhiều nhưng do giá trị gia tăng đem lại khá cao nên nhiều quốc gia đã tăng cường sản xuất chế biến loại này. (Trung Quốc, Malaysia là 2 nước chú trọng xuất khẩu tiêu trắng, chiếm gần 50% lượng tiêu trắng của toàn cầu)
Kết thúc phiên giao dịch chiều thứ Bảy 28/7, giá tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX vẫn vững ở mức cao đã kéo dài suốt hơn tháng qua. Giá giao dịch sau cùng (LPT) của các kỳ hạn giao tháng 8, 9, 10 lần lượt đứng ở mức 44.050 Rupi/tạ, 44.240 Rupi/tạ và 44.660 Rupi/tạ, tương đương 7.911 USD/tấn, 7.945 USD/tấn và 8.021 USD/tấn. ( 1 USD = 55,6821 Rupi ).
Giá hạt tiêu giao ngay của Ấn Độ song song với thị trường kỳ hạn tăng 200 Rupi lên mức 40.700 Rupi/tạ tương đương 7.309 USD/tấn cho loại tiêu xô và 42.200 Rupi/tạ tương đương 7.579 USD/tấn cho loại tiêu chọn. Tiêu đặc chủng Ấn Độ trên thị trường quốc tế vẫn ở mức 8.100 USD/tấn đối với châu Âu (C&F) và 8.400 USD/tấn đối với Mỹ (C&F), tiếp tục duy trì mức cao so với tiêu của các nguồn gốc xuất xứ khác.
Trong khi đó, giá tiêu kỳ hạn trên sàn Singapore Mercantile Exchange (SMX) vẫn có sự chênh lệch rất lớn. Chốt phiên cuối tuần, kỳ hạn giao tháng 8 giảm xuống ở mức 6.110 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm xuống mức 6.080 USD/tấn, chênh lệch quay trở lại gần xấp xỉ 2.000 USD so với tiêu kỳ hạn trên sàn Ấn Độ như 4 tháng trước.
Tuần qua, sau nhiều lần cảnh báo hiện tượng đẩy giá kỳ hạn lên quá cao, Ủy ban thị trường kỳ hạn Ấn Độ (FMC) lại vừa đưa ra cảnh báo sẽ cho ngừng giao dịch nếu tìm thấy bằng chứng của hiện tượng bất thường do đầu cơ gây ra, thậm chí còn có thể mạnh tay hơn là đóng cửa…
Hiện nay vùng Duyên hải Trung bộ đang thu hoạch vụ tiêu năm 2012, dự kiến đến đầu tháng 9 là hoàn tất, với sản lượng khoảng hơn 5 ngàn tấn. Hạt tiêu của vùng này rất được các nhà chế biến tiêu trắng ưa chuộng và thường được các thương nhân xuất theo đường tiểu ngạch.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, ước tháng 7 xuất khẩu 11 ngàn tấn tiêu các loại, giá trị kim ngạch đạt 75 triệu USD. Ước lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 80 ngàn tấn, giá trị kim ngạch 546 triệu USD, so cùng kỳ năm trước giảm 3,2% về lượng nhưng giá trị vẫn tăng 20,3%. Giá tiêu XK bình quân 6 tháng đạt 6.814 USD/tấn, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm 13,3% thị phần), Đức (11,8%) và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập TN (9%).