Việt Nam làm thay đổi thị trường buôn bán hạt tiêu

Theo Financial Times của Ấn Độ, việc Việt Nam bước vào thị trường buôn bán hạt tiêu toàn cầu đã khiến thị trường này thay đổi mạnh.

Tờ Financial Times của Ấn Độ ngày 28/12 đăng bài viết nhận định việc Việt Nam bước vào thị trường buôn bán hạt tiêu toàn cầu với tư cách nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới đã khiến thị trường này thay đổi mạnh trong những năm gần đây.

Trong bài viết, nhà phân tích kinh tế Ấn Độ Rajesh Ravi cho rằng các yếu tố như Việt Nam đang nổi lên là một thị trường sản xuất hạt tiêu, các nhà nhập khẩu chuyển sang ký các hợp đồng ngắn hạn, và Ấn Độ chuyển từ một nước xuất khẩu sang nhập khẩu mặt hàng này, đã tạo ra xu thế không thể đảo ngược nhưng khó nắm bắt trên thị trường buôn bán hạt tiêu.

Trước đây, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới, với sản lượng khoảng 80.000-100.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, hiện sản lượng hạt tiêu của Ấn Độ đã giảm xuống mức 50.000 tấn/năm, trong khi vẫn là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới loại gia vị này với mức 40.000-50.000 tấn/năm.

Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà buôn, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam hiện đứng đầu thế giới với khoảng 110.000-125.000 tấn/năm, năng suất thu hoạch cũng dẫn đầu với từ 1,2-1,3 tấn/ha.

Ngoài ra, các nhà sản xuất Việt Nam cũng đã có chiến lược bán hàng khôn ngoan để sản phẩm không tràn ngập thị trường, qua đó giữ cho giá hạt tiêu không bị sụt giảm và thu lợi nhiều hơn từ xuất khẩu mặt hàng này.

Ông Ravi đánh giá lượng hạt tiêu trong các hợp đồng mua bán trong năm 2010 sẽ giảm so với mức thông thường do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Khó khăn về tài chính khiến các nhà buôn muốn ký các hợp đồng ngắn hạn thay vì các hợp đồng dài hạn như trước đây, đồng thời duy trì mức dự trữ thấp. Điều này làm tăng tính bất ổn định của thị trường hạt tiêu trong năm 2010.

Nguồn TTXVN
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *