Việt Nam nhập hồ tiêu để xuất khẩu
Do nguồn tiêu trong nước đã gần hết nên một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phải nhập từ Indonesia và Brazil theo dạng tạm nhập tái xuất để đáp ứng cho những đơn hàng giao xa đã ký trước đó.
Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, trong 8 tháng của năm 2013 Việt Nam đã xuất khẩu 103.000 tấn, nghĩa là nguồn tiêu nội địa không còn nhiều nên một số DN trước đây có hợp đồng giao xa buộc phải nhập về để xuất khẩu.
Theo ông Tụng, việc tạm nhập tái xuất này thường rơi vào những doanh nghiệp lớn trong ngành. Tuy nhiên, ông từ chối nói cụ thể đó là DN nào. Hiện giá hồ tiêu nhập khẩu từ hai nước nói trên gần bằng giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Giá hồ tiêu xuất khẩu trung bình trong 7 tháng qua của Việt Nam ở mức trên dưới 6.566 đô la Mỹ/tấn. Với mức giá này, theo VPA doanh nghiệp nhập khẩu chỉ ở mức hòa vốn chứ không có lãi.
Trong thời gian qua, VPA ít nhất có hai lần đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu của Việt Nam. Lần thứ nhất là lúc VPA đi khảo sát các tỉnh có trồng hồ tiêu như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên và đưa ra dự báo hồ tiêu của Việt Nam mất mùa do thời tiết nên giảm khoảng 20%, với dự kiến sản lượng còn khoảng 90.000 tấn.
Sau đó, VPA lại đưa ra thay đổi mức dự báo rằng sản lượng hồ tiêu của Việt Nam cũng tương đương như những năm trước là ở mức 105.000 tấn.
Lý giải về vấn đề này, phía VPA cho biết, việc Hiệp hội thay đổi mức dự báo sản lượng khác nhau ở mỗi thời điểm là nằm trong chiến lược của Hiệp hội. Nguyên nhân là do giá hồ tiêu trên thị trường xuất khẩu luôn bị chi phối bởi yếu tố cung cầu nên một khi đưa ra dự báo được mùa, tức là nguồn cung lớn sẽ khiến giá hồ tiêu sẽ giảm ngay sau đó. Vì thế, VPA có những dự báo khác nhau để giá hồ tiêu của Việt Nam không bị ảnh hưởng.