Việt Nam phải nhập tiêu chất lượng cao để… xuất khẩu

tieu-den-dai-dien1Việt Nam chiếm 1/3 thị trường hồ tiêu toàn thế giới nhưng vẫn phải nhập hồ tiêu chất lượng cao về để xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đề cập đến một thực tế mang tính nghịch lý này ở Hội nghị Thường niên của Ngành tại TP.HCM vào ngày 20/5/2016.

Hồ tiêu tăng giá

VPA cho biết tính đến hết tháng 4, Việt Nam xuất khẩu được gần 70.000 tấn hồ tiêu, đạt kim ngạch gần 562 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và trên 9% về giá so với cùng kỳ 2015. Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân là 7.680 USD/tấn, giảm 1.100 USD/tấn; tiêu trắng là 11.500 USD/tấn, giảm 1.084 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, cả nước đã cơ bản thu hoạch xong vụ hồ tiêu năm 2016. Trong tháng 4, 5 thị trường hồ tiêu bắt đầu sôi động do có biến động mạnh về giá. Nếu trong tháng 2, 3 giá hồ tiêu chỉ khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg thì sang tháng 5 giá đã tăng vọt lên 160.000 đồng/kg và tiếp tục tăng dần đều đến nay khoảng 180.000 đồng/kg.

Giá tiêu của Việt Nam trên thị trường thế giới trong tháng 5 này cũng tăng nhẹ trở lại từ 3 – 5% so với tháng 3. Hiện giá tiêu đen xuất khẩu trên 8.000 USD/tấn và tiêu trắng là 11.550 USD/tấn.

Theo VPA, năm nay dự báo tiếp tục sẽ là một năm ngành Hồ tiêu gặp nhiều thuận lợi về cả giá và sản lượng. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng hiện nay ngành Hồ tiêu có thể gặp khó khăn về dài hạn do tăng trưởng nóng, mất kiểm soát.

Thế giới cảnh báo về chất lượng

Theo VPA, ngành Hồ tiêu đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam không ngừng được mở rộng, trung bình từ 10 – 20% mỗi năm. Sự tăng trưởng này dẫn đến nhiều rủi ro về giống, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên…, bên cạnh đó giá tiêu đang duy trì ở mức cao từ năm 2014 đến nay làm cho nông dân càng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong việc chăm sóc nhằm tăng năng xuất. Chính vì vậy mà chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.

Hiện nay Việt Nam chiếm 32% thị phần hồ tiêu thế giới. Nước xếp thứ 2 là Ấn Độ chỉ khoảng 18% (đặc điểm tiêu dùng nội địa là chính). Tiếp theo là Indonesia 16%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập hồ tiêu chất lượng cao về để xuất vào thị trường Nhật, mặt khác sản phẩm của Việt Nam vào châu Âu cũng rất ít so với các nước khác. Thậm chí theo ông Đỗ Hà Nam, các Hiệp hội Gia vị châu Âu, Mỹ, Canada đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu Việt Nam ngày một tăng. “Hồ tiêu đang đứng trước nguy cơ lớn, cần được ngành Nông nghiệp quyết liệt xử lý, nếu không thời gian tới ngành Hồ tiêu sẽ không thể phát triển”, ông Nam kiến nghị.

Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt trên 133.000 tấn, giảm 15% về lượng so với năm 2014 nhưng kim ngạch đạt 1,27 tỉ USD, tăng 5,4%. Hồ tiêu chiếm khoảng 9,35% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Nguồn Thanh Niên Online

19 phản hồi cho bài "Việt Nam phải nhập tiêu chất lượng cao để… xuất khẩu"

Bui duc thinh

Từ cuối mùa mưa là tôi không xịt, không bón bất cứ một loại phân thuốc hóa học nào cho đến khi thu hoạch tiêu và tôi biết có rất nhiều chủ vườn tiêu làm như vậy. Tôi nghĩ tiêu như vậy thì phải sạch chứ, chẳng qua là do VN không biết cách phân biệt và sàng lọc tiêu sạch ở trong dân thôi. Những người có tiêu sạch bị thiệt thòi quá phải không các bạn.

nguyen anh

Tiêu tôi trồng trong 1 năm hầu như ko phun thuốc gì, chỉ bỏ nám trichoderma và phân vi sinh thôi, vậy cũng bán như mọi người. Do đâu? Do cách quản lý của ngành nông nghiệp không khoa học. Chỉ có thiệt hại thuộc về nông dân thôi.

Dan Viet

Những người có tiêu sạch chưa biết cách tự liên kết với nhau và liên kết với các cty XNK để tự cứu mình, cứu ngành hàng nên sinh ra thế.

Xin nhắc lại chút xíu. Để mua được tiêu sạch, các cty XNK cần số lượng tối thiểu 10 tấn/lần giao hàng. Thu mua giá thị trường, chỉ cộng thưởng sau khi kiểm tra dư lượng đạt yêu cầu. Chi phí kt khá cao. 270EU.
Nông dân thường tự nói là tiêu nhà mình sạch nhưng đứng trước yêu cầu liên kết, gắn kết lợi ích với nhau, có thưởng phạt rõ ràng, và kết quả là đo lường được, kiểm tra được nên cần chịu trách nhiệm theo nhóm thì lại quay ra không tin nhau. Mấy bác nghĩ sao vậy? Nông dân còn không tin nông dân sản xuất sạch thì lấy đâu ra nhà XK tin rằng các bác SX sạch?
Để biết được tiêu có sạch khong thì giữa nông dân liên kết với nhau cần kể khai rõ các thuốc BVTV đã sử dụng trong mùa, hàm lượng và thời gian cách ly. Các bác đừng nói dối nhau, test nó lòi ra hết. Còn nữa, đã có bằng chứng là Carbendazim sau khi phun lên cây tiêu, 6 tháng sau kiểm tra dư lượng vẫn gấp 10 lần giới hạn cho phép. Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch hiệp hội hồ tiêu Chư Sê đã chia sẻ như vậy trong hội nghị. Như vậy, tốt nhất là không dùng các chất bị cấm. Thời gian cách ly theo công bố của nhà sản xuất thuốc là không đáng tin cậy.

Thạnh

Ông Bính Chư Sê nói là theo người ta nói, chứ ổng làm cách nào để biết trong tiêu có dư lượng thuốc trừ nấm carbendazim? Không xác định được cách nào thì lời nói chưa hẳn là đáng tin cậy. Với lại ổng có nói thuốc do nông dân phun lên cây đâu mà chỉ nói chung chung. Ổng cũng không chỉ ra cụ thể ở Chư Sê có ai làm? Sao anh @Dan Viet không loại trừ là do khi bảo quản, lưu trữ nên người ta phải phun thuốc để chống ẩm mốc mà cái này không phải do người trồng tiêu…

Dan Viet

Ông Bính giới thiệu một cty mua tiêu sạch từ một nông dân sx giỏi, người nông dân này khai đã dùng thuốc Carbendazim phun lên cây 6 tháng trước khi thu hoạch nên chắn chắn không còn dư lượng. Cty đó gửi mẫu sang Đức test và kết quả cao gấp 10 lần tiêu chuẩn. Dĩ nhiên là cái cty đó một đi không trở lại.

Du Minh

Ở Tây nguyên phun 6 tháng trước khi thu hoạch là lúc trời còn nhiều mưa, chắc thuốc cũng bị rửa trôi qua Campuchia theo Mekong ra biển hết rồi còn đâu nữa mà dư lượng?
Vị nông dân sx giỏi nên có nhiều tiêu, ông Bính có chắc vị này không dùng thuốc để bảo quản đợi giá cao mới bán không?
Nông dân chúng tôi không giỏi nên chỉ có ít tiêu, cần tiền xài phải bán sớm thì lấy gì để dùng thuốc bảo quản.
Thu được ít nên bà con mình phơi phóng kỹ lưỡng lắm bạn ạ.

Bui Duc Thinh

Tôi ở Đức Linh, Binh Thuận. Tôi có khoảng 15 tấn tiêu theo tôi la sạch, bởi vì tôi chỉ bón phân hóa học 1 lần vào đầu mùa mưa, còn lại là bón phân hưu cơ sinh học, thuốc thì chỉ sd nấm đối kháng trico. Tôi muốn bán theo dạng tiêu sạch thi liên hệ ở đâu vậy @Dan Viet và anh nói là chi phí cho một lần kt là 270EU. Vậy theo anh nếu thật sự tiêu sạch thì với 15 tấn tiêu số tiền cộng thưởng có nhiều hơn 270EU không. Mong anh thông tin giúp.

Phan Bảo

Những công ty xuất nhập khẩu tôi thấy im hơi lặng tiếng. Chúng tôi tìm không ra họ, hoặc liên hệ bằng cách nào?. Chính sách ưu đãi của họ như thế nào? Giá cả như thế nào? Chúng tôi sản xuất tiêu với mong muốn là hoàn toàn sạch, vậy nhưng khi bán chúng tôi còn phải đợi được giá mới bán chứ. Chúng tôi làm tiêu sạch, liên kết với với nhà xuất khẩu sạch thì có đảm bảo giá sạch cho chúng tôi ko?

Dan Viet

Luật chơi đối với ngành hàng sạch cần sòng phẳng, rõ ràng nên cách cty XNK đang rất mạnh tay với những nông dân tham gia chương trình liên kết sx sạch nhưng không kiểm soát lẫn nhau, kết quả là nếu hàng của tổ nào không sạch thì nghỉ chơi cả tổ. Có những bác bức xúc chấp nhận trả chi phí test riêng lô hàng của mình để chứng minh danh dự. Họ thật đáng trân trọng. Dan Viet quý những người có lòng tự trọng như vậy.

Giatieu.com

Nếu bà con tự mình liên kết nhiều hộ để hình thành “tổ, nhóm sản xuất tiêu sạch” thì Giatieu.com sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cũng như liên hệ với các nhà xuất khẩu để giúp bà con bán với giá cả hợp lý, chắc chắn cao hơn mặt bằng giá tiêu xô trên thị trường. Tại sao chúng ta sản xuất tiêu sạch mà không mạnh dạn hợp tác với nhau để bán với giá cao hơn? Hà cớ gì chúng ta lại chịu thiệt thòi…!
Cần tư vấn, hỗ trợ, bà con có thể trao đổi trên trang giatieucom hoặc email về địa chỉ nguyenvinh@giatieu.com

Dan Viet

Bà con liên hệ với chú Vịnh để đăng ký để được tư vấn và hỗ trợ. Ngay khi có số lượng và địa điểm cụ thể, cũng như độ tin cậy của bà con, sẽ thông báo cụ thể về giá mua+tiền thưởng thông qua chú Vịnh.

Nông QT

Dân Việt chắc là làm bên xnk nên rành rẽ ?. Mong anh có những phản hồi tích cực để mọi người rút kinh nghiệm để chất lượng hồ tiêu của ta ngày một cao hơn .

Giáp ngọc hiền

Không cho kinh doanh chất cấm, thì lấy đâu ra chất cấm mà mọi người sử dụng. Khuyến cáo nông dân dùng phân hữu cơ sinh học…

Dan Viet

Mục đích của chương trình là nhằm khuyến khích những nông dân sx sạch và có tầm nhìn, trọng danh dự. Chúng tôi đề nghị những bà con muốn tham gia cần liệt kê rõ, trung thực các loại thuốc BVTV đã dùng, hàm lượng và thời điểm dùng, phun hay đỗ gốc/sục gốc cần nêu rõ.

Có 2 hình thức:

1.Nếu bà con chắc chắn không dùng thuốc thì đăng ký sạch hoàn toàn. Nếu test pass sẽ cộng thưởng. Test fail thì sẽ không có thưởng và sẽ sẽ nghỉ chơi luôn, không bao giờ quay lại. Dù pass hay fail gì thì tên tuổi của bà con cùng với kết quả test sẽ được thông báo ở đây, ai ăn gian xấu hổ ráng chịu.

2.Nếu bà con có dùng nhưng cách ly lâu, không chắc ăn lắm, bà con cũng cứ liệt kê rõ, Dan Viet sẽ quyết định có mua hay không, trường hợp này, test pass cũng sẽ được thưởng, fail thì không NHƯNG VẪN CÒN CƠ HỘI THAM GIA VỤ TỚI. Kết quả cũng sẽ được post lên đây để mọi người tham khảo rút kinh nghiệm.

huydung

Chào cộng đồng ! Thân chào Dan Viet.
Theo thực tế riêng tôi nhìn nhận thì khu vực của tôi không ai xịt hay sục thuốc gì trước và sau khi thu hoạch đâu ? Còn vấn đề 10 tấn của công ty như Dan Viet nói thì tôi chưa hiểu lắm, tôi thì 1 năm thu khoảng 7,9 tấn thôi, chưa tới…

Minh

Mình ở Bình Phước, khu vực mình ở chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân vào mùa mưa, sau khi đã thu hoạch tiêu hoàn toàn. Hầu như mọi hộ trồng tiêu đều làm như vậy. Vậy dư lượng thuốc trừ sâu ở đâu ra? khó cho nông dân quá?

Van hai

Cũng khó hiểu, mỗi người mỗi ý. Ý nào cũng chuẩn xác thì các nước thu mua tiêu Việt Nam sẽ không bao giờ ra lời cảnh báo có tồn tại chất cấm.

Nguyễn Xuân Vượng

Giờ bắt đầu vụ mới nhà em sẽ không xài thuốc BVTV và sử dụng phân hóa học với liều lượng hợp lý như vậy liệu có tạo ra được sản phẩm sạch không

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *