VPA: Kết quả Khảo sát vùng Hồ tiêu Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 12/2017
Cuối tháng 11/2017, Đoàn hội viên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã thực hiện chuyến khảo sát Đợt 1 như thông lệ hàng năm nhằm đánh giá tình hình sản xuất, từ đó có được những nhận định rõ nét hơn về vụ hồ tiêu 2018 sắp tới ở 2 tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu lớn thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Tại Đồng Nai, Đoàn khảo sát thăm 2 huyện phát triển hồ tiêu mạnh trong những năm gần đây là Xuân Lộc với khoảng 3.000 ha và Cẩm Mỹ khoảng 4.000 ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích toàn tỉnh. Tại BR-VT, đoàn cũng tiến hành khảo sát 2 huyện trồng hồ tiêu lớn nhất của BR-VT là Châu Đức – huyện có khoảng 5.500 ha, chiếm tới gần 70% tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh và huyện Xuyên Mộc, nơi có diện tích trồng mới tăng mạnh nhất tỉnh từ 2014 tới nay.
Kết quả khảo sát và phỏng vấn 28 hộ trồng tiêu sơ bộ cho thấy:
1- Các vườn tiêu quả đều đang vào chắc, trái đóng thưa hơn năm trước, đặc biệt là vườn trồng trên 8 năm.
2- Diện tích thu hoạch tăng so với năm trước ở tất cả các điểm khảo sát của 2 tỉnh, đặc biệt ở các vùng mới phát triển từ 2013/2014. Ví dụ xã Xuân Thọ, Xuân Lộc, Đồng Nai, năm 2014 chỉ có khoảng 500 ha hồ tiêu cho thu hoạch, vụ 2018 có tới 800 ha sẽ cho thu hoạch, tăng gần 60%.
3- Tiêu trồng trên đất xám đen ít bị ảnh hưởng năng suất hơn tiêu trồng trên đất đỏ. Nhiều vườn tiêu trồng trên đất đen ở Xuyên Mộc thoát nước tốt, năng suất gần như không giảm đáng kể. Tuy còn khoảng 2 tháng nữa mới thu hoạch như dự báo năng suất vẫn đạt khoảng 3- 4kg khô/trụ.
4- Vườn tiêu trồng trên đất đỏ thoát nước kém nên ảnh hưởng tới bộ rễ, sức sống của cây lại thêm nấm bệnh, tuyết trùng tấn công mạnh do bộ rễ bị hư hại, thối vì úng nước nên năng suất giảm 30-50% so với năm trước, mỗi trụ chỉ đạt khoảng 1,5- 2kg khô ở tất cả các vườn ở các vùng Xuân Thọ, Lâm San (Đồng Nai), Quảng Thành, Quảng Giao, Bình Giã, Bình Trung, Hoà Hiệp ( BR-VT).
5- Nhiều nông dân lắp đặt và phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống tưới tự động trong khi năm nay mưa liên tục cũng khiến vườn tiêu giảm năng suất, vườn cây có tỷ lệ chết cao hơn năm trước do cây bị úng nước.
6- Vườn nào có hệ thống thoát nước tốt, trồng mật độ thưa hoăc trồng xen, trồng trên đất mới (ví dụ các vườn của nông dân vùng Quảng Giao, Bình Giã, Xuyên Mộc), năng suất bình thường như năm trước, không giảm đáng kể.
7- Năm nay các vùng Đồng Nai và BR-VT nông dân đều không trồng mới nhưng vẫn trồng dặm lại những cây đã chết nên nhìn chung diện tích không giảm.
8- Chi phí SX trồng hồ tiêu ở 2 vùng hiện đã ngang với giá đang bán trên thị trường tại thời điểm tháng 12/2017 (khoảng 72.000 đồng/kg tiêu 500g/l) do nông dân tính cả tiền đầu tư đất. Vùng BRVT chi phí sản xuất còn cao hơn vùng khác do đất trồng Hồ tiêu đã nhiều năm nên chất lượng đất kém, pH thấp lại nhiều tồn dư sâu bệnh nên phải tốn chi phí cải tạo, nâng cao độ phì, phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ dịch bệnh hơn các cùng mới trồng 5-10 năm. Ngoài ra cũng đang có hiện tượng nông dân nhỏ (chỉ đầu tư vài sào) đã bỏ mặc không đầu tư chăm sóc. Những hộ có diện tích lớn cũng không đầu tư phân, thuốc nhiều như năm trước. Tuy vậy, tất cả đều vẫn quyết tâm trồng tiêu mà không có ý muốn phá bỏ, kể cả nếu giá xuống thấp hơn.
9- Khảo sát 28 hộ, có 4 hộ còn giữ tiêu vụ 2017 (chiếm khoảng 14%), hộ ít giữ 1 tấn nhưng cũng có hộ còn giữ tới 9 tấn. Các hộ đều không vay ngân hàng nên không chịu áp lực bán để trả nợ, muốn giữ coi như tiền tệ, khi cần chi tiêu mới bán.
10- Tâm lý vụ tới đầu biết giá sẽ không còn như kỳ vọng như năm 2015/2016 nên đa số cho biết sẽ bán ngay khi thu hoạch vụ 2018 tới.
11- Thời gian thu hoạch vụ 2018 tới sẽ còn phụ thuộc vào tình hình thời tiết. Năm nay mưa nhiều, số giờ nắng ít nên khả năng sẽ thu hoạch muộn hơn năm trước, thu rộ sau Tết Âm lịch (khoảng cuối tháng 2/2018).
65 phản hồi cho bài "VPA: Kết quả Khảo sát vùng Hồ tiêu Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tháng 12/2017"
Đoàn VPA chỉ đi theo hướng dẫn nên chưa đánh giá đúng thực tế. Nhiều vùng tiêu chết VPA không nhìn thấy, tiêu già mất mùa nhiều. Chi phí trồng cộng thêm giá đất là không phù hợp. Cần đánh giá lại, khảo sát nhiều hơn.
Không biết đoàn khảo sát đi vào các xã nêu trên nhưng vùng nào chứ tôi thấy Lâm San ở vùng đất đen tiêu chết rất nhiều. Vùng Tân Giao Láng Lớn cũng không ngoại lệ, đặc biệt là vùng đất đen, còn đất đỏ thì chết vàng cũng không ít. Còn về năng suất thì năm nay giảm không dưới 60% trong khi diện tích thì có tăng. Không biết tình hình năng suất và bệnh dịch như thế này giá cả có tăng không chứ với giá như hiện nay nhà vườn từ lỗ đến lỗ. Tôi nhẫm tính như sau: (đây chỉ là ước lượng)
– Vườn tiêu thu trung bình 1,5 kg/ 1 trụ tương đương 1,3 tấn / 1 ha.
– Giá tiêu hiện nay khoảng 80 000 đồng/ kg.. 1 ha thu khoảng 100 000 triệu.
– Công hái mỗi ngày 200 000 đồng khoảng 5 kg. 1,3 tấn khoảng 260 công = 52 000 000 đồng.
– Tiền phân thuốc trong 1 năm khoảng 40 000 000 đồng
– Tiền công chăm bón khoảng 20 000 000 đồng.
– Tiền công phơi, tiền điện tưới, …
Bình quân nông dân vùng tôi hiện nay nếu tiêu không chết thì mỗi 1 ha lỗ khoảng 20 000 000 đồng. Nếu vườn ai may mắn thì huề vốn, còn chết thì “tiêu táng đường”
+ Trên đây chỉ là những con số dự tính để so sánh với đoàn khảo sát cho rằng giá 72 000 đồng/ 1kg thì ngang giá kể cả đầu tư đất thì chưa hợp lí tí nào.
– Vườn tiêu thu trung bình 1,5 kg/ 1 trụ tương đương 1,3 tấn / 1 ha. Sao bác trồng thưa vậy?
Mỗi nơi trồng mỗi khác, ở vùng tôi, nếu bình quân 1,5kg/trụ thì đạt 3-3,5 tấn/ha tùy người trồng.
Các bạn đi khảo sát ở đâu? Không thực tế, tiêu năm nay chết nhiều Xuân Sơn, Quảng Thành, Láng Lớn… năng suất giảm…
Theo tôi, bài báo cáo khảo sát vụ mùa đợt 1 lần này của VPA tương đối khá sát sườn so với các năm trước. Tuy nhiên những khuyến nghị trong bài nếu có cũng chỉ là ghi nhận lại ý kiến của bà con nông dân ở tại các xã được khảo sát nên không khỏi bao hàm ý chủ quan là điều đương nhiên. Mỗi người khi đọc thường kết hợp với hiểu biết chủ quan của riêng mình nên các ý kiến có đôi chỗ không đồng tình cũng là điều bình thường.
Như ở vùng tôi, nếu các bạn tham quan xóm dưới thì thấy tiêu rất thê thảm, vườn nào cũng có tiêu chết, hầu hết bị thối rễ vàng lá… nhìn nản vô cùng. Nhưng nếu vào xóm trên sẽ thấy những trụ tiêu sum suê, cành lá xanh mơn mởn, chùm trái chi chít… nhìn là muốn về đào lỗ trồng tiêu ngay.
Theo tôi nhìn chung năm nay năng suất giảm, một số nơi giảm mạnh nhưng sản lượng chung sẽ được bù từ những vườn thu hoạch mới nên tổng thể vẫn ổn định.
Bạn Nguyễn Thanh Tuấn có lẽ tính theo vườn xen canh, ít trụ, hay có thể tính bị nhầm.
Đồng tình với bác Thắng Lợi.
Công hái 200k so với năng suất lao động 5 kg/ngày, tính ra khoảng 40k/kg là kém hiệu quả so với Brazil.
Công hái của Brazil là 0,7 USD/kg, tính ra có 16k/kg.
Ở Brazil đất rất rẻ, chỉ 500 USD/ha nên người ta trồng thấp, (cỡ 2 mét).
Như vậy, để cạnh tranh nông dân VN cần nghĩ ra cách để tăng năng suất lao động, nếu không thì thua lỗ và dẹp là nguy cơ hiện hữu.
Ở vùng tôi, năm vừa rồi thiếu công trầm trọng, giá công hái 220 được khoảng 7kg nhưng cũng không có vì công đòi lên. Nhà vườn bị ép nhưng khi khoán sản phẩm 4 ngàn/kg thì công lại dư muốn cho nghỉ bớt vì thiếu thang cũng như lựa công giỏi và có tâm (không hái lá cành). Tính ra 4kg tươi được 1kg khô (thực tế chỉ 3,7 thôi). Vậy 1kg khô giá công 16 ngàn không đến 40 ngàn như bạn nguyễn thanh tuấn tính đâu. Nếu công kém hiệu quả như thế thì nhà vườn bán vườn hết thôi.
Những tính toán của @ Nguyễn Thanh Tuấn căn cứ vào chi phí của những năm giá cao, mọi thứ ăn theo hạt tiêu đều đắt đỏ.
Hiện nay, nếu như người dân không điều chỉnh, tiết kiệm chi phí sản xuất để thích nghi với hoàn cảnh mới thì e là khó tồn tại.
Công hái có thể trả thấp hơn được không? Liệu có khoán năng suất được không?
Có thể dung lao động gia đình để chăm sóc được không? Có thể trồng keo làm trụ sống, tỉa lá keo để nuôi dê, lấy phân dê để bón cây, bán thịt dê để lấy tiền trả công được không? Bác Lê Đình Thường ở Xuân Thọ Đồng Nai áp dụng khá thành công.
Nói chung là dân VN thắng những cuộc chiến tranh nhờ vào chiến lược chiến tranh du kích chứ không phải dựa vào tiềm lực vũ khí và sức mạnh quân sự đâu các bác.
Bạn Vylanhlung đã khoán thành công đó thôi. Năm nay, nếu như nhà vườn, thông qua diễn đàn này, đồng lòng khoán công hái thì sẽ giảm được chi phí hái thôi.
Khi giá thấp, công việc không thuận lợi thì công cũng phải chia sẽ khó khăn với chủ vườn chứ. Vả lại, cũng không có việc gì khác tốt hơn đâu? Giá cà, cao su cũng vẫn thấp mà.
Mình cũng thuê hái khoán năm ngoái 5.000đ/kg tươi, không còn chuyện mấy chiến sĩ lười ra vườn lấy điện thoại ngồi quẹt quẹt nữa, đỡ đau đầu…
Người làm công bây giờ họ có nhiều lựa chọn hơn trước đây. Ngày công chỉ có tăng chứ không có chuyện giảm đâu Dan Viet. Bây giờ khu công nghiệp ở địa phương nào cũng có, công việc ở đó ổn định chứ không mang tính thời vụ như ngành nông nghiệp nên đừng nói đến chuyện họ chia sẻ khó khăn với người nông dân…
Thực tế ở vùng Tân Giao – Láng Lớn – Châu Đức mình Năm nay vườn nào được cũng chỉ dưới 2 tấn/ 1ha còn lại tầm 1,3- 1,5 tấn/1ha thôi. Nếu mấy năm được mùa thì bình quân khoảng 3,5 – 4 tấn/1ha (nói chung thua không dươc 50%). Trên đây là mình đã khảo sát 1 số vườn trong khu vực đó các bác ạ. Riêng về công hái nếu công địa phương phải 220000 mà phải có bửa lỡ, nếu công hơi xa 1 tí họ còn xin tiền xăng. Vùng mình thường kêu công người khơ-me hái 190000 không bửa lỡ. Nếu tiêu mà khoán hái chắc cành lá hư hết. Còn để hái công nhật thì năm nay chắc không thể hơn 5kg/1 ngày đâu. Nói gì thì năm nay vùng tôi ai may mắn lắm thì huề còn không thì phải lỗ là cái chắc.
Có một điều là hiện nay tiêu trỗ bông rất nhiều các bác ạ. Chắc là năm tới lại tiếp tục thất mùa. Các bác có kinh nghiệm gì xin chia sẻ cho chúng tôi với. Chân thành cảm ơn.
Là một kẻ lê la khắp các hang cùng ngỏ hẻm của ngành tiêu, Dan Viet ghi nhận là tình hình năng suất của cây tiêu giữa các vườn có sự khác biệt rất lớn. Nhìn chung là mất mùa giảm năng suất là chắc chắn, không còn gì phải nghi ngờ.
Vậy còn sản lượng thì sao?
Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Các vùng trồng lâu năm, đất cũ (cho dù có tái canh cây trẻ đi nữa thì năng suất không quá 2 tấn/ha như bác Tuấn nói là chuẩn xác. Cây già thì chỉ 1,3-1,5 tấn là hết cỡ.
Các vùng đất mới (nói toạc ra là đất mới phá rừng) thì năng suất cũng chỉ 4-4,5 tấn/ha, (mọi năm thì loại này phải 6-7 tấn/ha)
Kinh khủng nhất của loại này phải kể là Dak Nông, sau đó là Gia Lai rồi đến Dak Lak.
Tính hết tất cả các yếu tố trên thì Dan Viet vẫn tin rằng sản lượng không thay đổi nhiều so với năm nay, khác biệt chỉ +/- 5% là tối đa.
Sau 4 năm tham gia diễn đàn, ghi nhận là mọi người hiện nay trao đổi rất thẳng thắn, trung thực và cùng nhau bàn cách tìm giải pháp. Tin rằng những gì bác Tuấn, bác Thắng Lợi, Vylanhlung, Senca, Nông QT phát biểu đều là những phản ánh chính xác tình hình tại địa phương của mọi người đang sinh sống. Vào đây riết đâm ra ghiền, hôm nào cũng phải vào đọc tin của mọi người.
Khoán sản phẩm dĩ nhiêu nhân công sẽ tăng tốc độ để hái nên việc hái cành lá là chuyện thường thấy. Chính vì thế phải tuyển người có tâm dể khỏi xót vườn tiêu sau thu hoạch là điều cần thiết. Chỉ cần nhà vườn trong vùng đừng vì thiếu công mà phá giá để thu hút công thì mọi việc sẽ ổn cả. Nếu thuê công nhật hái năng suất bình quân khoảng 35kg tươi công giỏi lắm 40kg (2 bao kali) nhưng khoán sản phẩm năng suất khoảng 80kg. Khoán làm sao cho tiền công khoảng 350 ngàn/ngày thì công sẽ về dư thừa lúc đó nhà vườn có quyền giám sát để bảo vệ vườn tiêu của mình.
Về khoán công hái chắc chắn sẽ năng suất hơn thuê công ngày. Hiện tượng ra lô quẹt quẹt điện thoại như @ Senca nói xảy ra khi hái cà phê phổ biến hơn, hái tiêu ít gặp có lẽ do đứng hái trên thang. Phương án khoán hái tiêu ở chỗ tôi khoảng 5000 đ/kg tươi chấp nhận được vì nhìn chung là có sản.
Năm ngoái không mất mùa thì 18 kg tiêu khô/công. Năm ni mất mùa nặng không biết có nổi 5 – 7 kg/công nữa không ? Nếu 5kg × 80 = 400k mà công hái xơi 220k nữa thì còn gì !
Thời hoàng kim của giá tiêu đã hết nên buộc ta phải tinh toán ở mặt đầu tư nếu muốn tồn tại !
Nông nghiệp hay trồng tiêu đôi khi là sự đam mê. Làm diện tích dưới 1 hecta mà thuê công thì thôi dẹp. Phân chuồng tận dụng nhà nuôi vật nuôi. Công hái tận dụng nguồn lực trong gia đình các em, các cháu. Nói thật tiêu có 50 ngàn nhà tôi vẫn làm. Tuy nhiên phải làm thêm kinh tế chờ giá ổn sẽ khá thôi.
Qui mô lớn phải cơ giới hóa, thuê công nhật không bao giờ có lãi.
Qui mô nhỏ, tận dụng công lao động trong nhà, lấy công làm lãi mới tồn tại.
Sản xuất theo lối tiểu nông, làm ra nông sản cũng rất khó bán được giá cao…
Điều kiện diện tích đất đai hạn chế, rất khó mở rộng.
Làm vườn hiện nay phần lớn đã được cơ giới và tự động hóa tất cả các khâu rồi. Những khâu nhỏ lặt vặt thì tận dụng công gia đình cũng đủ, nhưng thu hoạch thì phải thủ công thôi. Nếu sản xuất nhỏ cỡ dưới 2000 thì còn dùng công gia đình được (gia đình đông), chứ trên 2000 thì thu hoạch nhất thiết phải thuê công hái. Nếu không thuê công thì chắc là không kịp tiêu chính rộ rụng đầy vườn lúc này chỉ có cách dùng chổi quét để thu thôi, thất thoát trầm trọng. Ước chi ai có sáng kiến có thể cơ giới hay tự động hóa khâu thu hoạch luôn nhĩ, giảm chi phí thu hoạch để bớt áp lực. Tôi có 1 cách nhưng để áp dụng thì tốn chi phí đầu tư quá lớn chưa đủ vốn để thực hiện. Chờ vài năm tích lũy nữa tôi sẽ thực hiện ý tưởng của mình nhưng không biết có hiệu quả không nữa vì chưa ai thực hiện cũng như kiểm chứng mà. Hy vọng mình không phải sứt đầu mẻ trán là được.
Xin cho hỏi có nên xới bồn tiêu hàng năm không. Cách làm thế nào. Chỉ giúp em với.
Khi đào rảnh quanh gốc để bón phân chuồng hàng năm thì bạn nên xới xáo nhẹ lớp đất mặt để phá váng cùng lúc. Nếu không thực sự cần thiết thì bạn không nên đụng chạm vào phần đất gốc để hạn chế đứt rễ, tạo vết thương cho nấm bệnh thâm nhập. Làm xong nhớ tưới ngay tricho+EM để phòng ngừa nấm bệnh và tăng cường vsv có lợi cho đất…
Không cần thiết phải làm nếu đất quanh gốc không bị chai cứng…
Sao giá tiêu ngày một ảm đạm vậy các bác. Hiện nay theo như khảo sát của các chuyên gia và trên thực tế thì tiêu lại mất mùa. Diện tích có tăng nhưng so với năm 2015 thì đâu có chênh lệch mấy phải không các bác vậy sao tiêu lại rớt giá đến 3 lần. Chắc bà con ta năm nay tiêu táng đường hết quá. Các bác dự đoán xem giá cả có thể khả quan hơn không vậy. Chào các bác.
Diện tích so với năm 2015 tăng thêm hơn 15.000 ha và sản lượng cũng tăng gần 50.000 tấn.
Không ít hơn đâu.
Dan Viet nghĩ là giá sẽ xuống khi vào vụ và năm sau sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Giá có thể sẽ ở mức thấp trong ít nhất là 3 năm tới.
Những bác trồng tiêu lâu năm chắc còn nhớ thời kỳ đen tối mới cách nay chưa lâu. Từ tháng 9-2001 đến tháng 5-2006 giá tiêu dao động từ 14-20k/kg. Giá bán lúc đó thậm chí còn thấp hơn chi phí chăm sóc hàng năm, sở dĩ như vậy là do nhiều người vay mượn để đầu tư, họ phải bán để trả nợ và giảm áp lực trả lãi vay, do đó giá nào cũng phải bán. Tuy nhiên nếu chịu đựng được và vượt qua giai đoạn đó thì lại đến lúc được đền đáp giá hơn 200k/kg như vừa qua.
Chúng ta sắp phải đối mặt với một giai đoạn đen tối tương tự, có thể ngắn hơn vài năm.
Các bác có thể không muốn nghĩ đến nó, có thể chối bỏ nó hay hy vọng nó không đến, đó là cảm xúc của mỗi người. Tuy nhiên, hãy hình dung là nếu chúng ta không chuẩn bị để đón nhận và đối phó nhưng nó vẫn cứ đến thì hậu quả sẽ nặng nề hơn. Thay vì lãng tránh, hãy nhìn nhận sự thật đó và chuẩn bị đương đầu với nó, giảm thiểu thiệt hại do nó gây ra để tồn tại và thu lợi khi giá tốt trở lại sau này.
Chính phủ Ấn Độ vừa đề nghị nước ta đẩy mạnh xuất khẩu hạt tiêu vào Ấn Độ, bên cạnh đó áp mức giá tối thiểu để đánh thuế nhằm bảo hộ hạt tiêu trong nước. Vấn đề là với mức thuế chính ngạch cao sẽ đội giá tiêu tại thị trường nội địa Ấn Độ lên quá cao và do đó buộc các nhà nhập khẩu Ấn chỉ mua tiêu VN giá rẻ. Vấn đề là ta có bán khi họ trả giá quá rẻ không ? Tôi thấy có gì đó mâu thuẫn !
Chào anh @ Thắng Lợi.
Mâu thuẫn trong vấn đề áp giá tối thiểu để đánh thuế hàng nhập theo SAFTA trong khi mức thuế chính ngạch dành cho hạt tiêu các nước nhập vào Ấn quá cao như anh nói, thực sự là rất mâu thuẫn. Bởi vì trong thương mại, đi đàng hoàng vào cửa trước khó khăn vì thuế cao thì người ta sẽ tìm mọi cách đi cửa hậu và anh càng thất thu thuế. Khi lợi nhuận chênh lệch cao sẽ chỉ cho thương buôn chọn đường nào để đi. Đó cũng là con dao hai lưỡi của việc bảo hộ thương mại nội địa anh ạ.
Thân
Dân Ấn Độ phải mua tiêu giá cao để làm giàu cho thương nhân Ấn và những người trồng tiêu Ấn Độ.
Sang năm Ấn trúng mùa khủng nên dù không có vụ đó thì giá tiêu Ấn cũng phải giảm để cạnh tranh với các nước XK khác nhằm thúc đẩy xuất khẩu, giảm lượng dư thừa trong nước.
Nhà tui có 1ha. Năng suất năm được mùa ~ 5-6 tấn, mất mùa ~3 tấn, công hái 170K (thấp nhất cũng được 15kg/1 công). Chi phí tính hết 150tr (cả công hái) còn những cái khác nhà làm. Tính ra dù giá như bây giờ vẫn có lãi dù không được như trước nhưng vẫn đủ sống (lãi vẫn cao hơn cafe 1 ít, mà lại không vất vả bằng cafe)
Không biết Hoàng Sơn ở vùng nào, chứ vùng của tôi thì giá công không dưới 200.000 đồng/1 công.
Nhưng nếu như tiêu 1 ha khoảng 3 tấn thì theo tôi 1 công không thể nào hái được 15 kg như bác chia sẻ thậm chí còn dưới 10kg/1 công. Như vậy tiền công hái tăng sản lượng thu trong 1 ngày lại giảm, chắc chắn chi phí sẽ cao hơn 150 tr. Nói thật vùng Láng Lớn- Châu Đức BRVT của tôi năm nay bà con làm tiêu mặt ai cũng ỉu xìu vì cầm chắc trong tay là lỗ. Mếu như các bác cho rằng giá cả có thể còn giảm và kéo dài trong 3 năm nữa thì dân vùng tôi chắc đội sổ đến ngân hàng hết.
Vùng nào cũng vậy, chỉ những người chăm sóc đúng kỹ thuật thì may ra. Còn lại tiêu già tiêu tơ gì cũng toàn là lá, hiện tượng đang chết dần chết mòn vì nản lòng chiến sĩ. Chẳng ai thèm nhắc tới tiêu nữa, đang thay thế dần cây sầu riêng vì nó đang hót nhất hiện nay. Vùng tôi là thủ phủ của sầu riêng, nổi tiếng sầu riêng Phước An Krông Pẳc mà. Riêng tôi thì vẫn đam mê cây tiêu dù giá có giảm. Năm tới trồng tiếp vì giống quá rẻ. Ba năm sau giá tiêu ổn định cũng có chút cháo. Sầu riêng, bơ, đã cháy giống bốn năm nay rồi…
Chạy đua theo phân thuốc hóa chất quá mức, cây trồng nào mà chịu cho nổi.
Huống gì cây hồ tiêu là loại rất mẫn cảm !
Người ta không muốn nhắc do thực tế là muốn loại bớt. Vì diện tích trồng tiêu đã tăng quá chóng mặt. Đừng lạm dụng, chăm bón theo xu hướng bền vững, vẫn sống tốt.
Đoàn khảo sát nên rộng hơn cho các vùng trọng điểm, đồng thời tính được số tiêu chết và tiêu vào kinh doanh trên cơ sở đó dự báo đúng sản lượng. Nếu không đủ người gửi phiếu điều tra trên mạng hoặc về các xã thì kỹ hơn. Tôi nghĩ rằng việc khảo sát cần chính xác thì mới thúc đẩy sản xuất nếu không làm lợi cho nhà nhập khẩu tiêu ép giá.
Nhiều người chạy đua trồng không đúng kỹ thuật tiêu chết, hoặc giá thấp không muốn đầu tư nên sản lượng chưa chắc đã tăng đáng kể mà có khi còn giảm. Nhiều người vỡ nợ lo đi trốn nợ thì lấy ai mà chăm tiêu, họ tính tiêu trên 200 nghìn kg nên vùng Chư Sê, Chư Pưh Gia Lai mua đất 1 tỷ hécta để trồng rồi, nay giá 75 nghìn thì làm sao trả nợ vay ngân hàng, vay ngoài…
Số bỏ bê không chăm hay bị vỡ nợ bỏ trốn không đáng kể, không thể gọi là nhiều…
Lên đỉnh rồi xuống dốc là điều dễ hiểu, diện tích cho thu tăng mạnh thì sản lượng không giảm hoặc giảm ít vì do ảnh hưởng thời tiết. Nếu năm vừa rồi thời tiết thuận lợi thì tiêu xuống 50 đến 40 ngàn, chắc chẳng mấy ngạc nhiên.
Nguyễn Thành Tuấn nhà tui ở Gia Lai. Năm ngoái được 6 tấn mất 51 triệu tiền công hái, 1 công có khi còn được 20kg đấy (công nhật)
Không biết bác Hoàng Sơn thu hoạch 6 tấn trên diện tích bao nhiêu chứ năm tôi trúng nhất là 116 trụ vông tôi thu được gần 1 tấn nhưng công nhà thì hái gần 20kg còn công làm thì tầm 15kg thôi. Riêng năm vừa rồi tôi thu hoạch 7 sào được 2,5 tấn nhưng bình quân mỗi công cũng chỉ không quá 10kg, theo như bác chia sẻ thì công vùng bác hái đạt đó. Vả lại chắc trụ vùng bác thấp còn vùng tôi trụ cao khoảng tầm 7m trở lên không à, hái hao công lắm…
Nguyễn Thanh Tuấn hãy nổ lực, tự thân vận động, đê giảm giá thành sản xuất.
Thị trường rất nghiệt ngã, những vùng, những nông dân có chi phí sản xuất cao sẽ bị đào thải trước, buộc phải chặt bỏ cây tiêu trước.
Những người có giá thành sx thấp sẽ trụ lại được và hưởng lợi trọn vẹn khi giá tăng trở lại.
Làm sao để trụ lại? Hic, bác phải tự đi tìm câu trả lời.
Dan Viet biết chắc là khi người bán nhiều hơn người mua thì người mua sẽ chọn lọc hàng tốt, giá rẻ để mua. Những người sản xuất không thể yêu cầu người mua trả giá cao nếu như bản thân mình không nổ lực giảm giá thành sản xuất.
Chúc bác thành công!
Bạn @ Dan Viet có những nhận định rất hay, theo tôi thì tiêu đang bị thừa dân mình trồng nhiều quá. Thời điểm này mà còn trồng tiêu thì thua rồi.
Mấy anh khảo sát có gì đó sai sai không đúng sự thật năng suất tiêu năm nay hả, không cần phải hái chỉ rung để lượm vì nhìn thấy lá không là lá chứ làm gì có trái mà hái. Có ai cần xem em tình nguyện làm hướng dẫn viên dẫn các anh tham quan vùng tiêu ở Châu Đức, Láng Lớn nơi em ở nha các anh.
Bạn Hồ Thị Kim Cúc có thể nói rõ hơn VPA sai ở chỗ nào được không?
VD họ đánh giá tiêu già thì năng suất 1,5-2 kg khô/trụ, nếu bạn không đồng ý thì theo bạn là bao nhiêu?
VPA dánh giá tiêu tơ 3-4 kg/trụ. Nếu bạn không đồng ý thì theo bạn là bao nhiêu?
Dan Viet cũng đánh giá hơi khác VPA một chút.
Tiêu già chỉ cỡ 1 kg/trụ, tính ra cỡ 1,5-2 tấn/ha.
Tiêu tơ thì cỡ 2-3 kg/trụ, tính ra cỡ 3-4 tấn/ha.
Do diện tích khủng, lên đến 126.000 ha sẽ cho thu hoạch. Giả sử chết đến 16.000 ha (12,7%) thì cũng còn 110.000 ha sẽ cho thu hoạch vào năm 2018.
Gọi là sa cạ 2 tấn/ha thì năm tới, VN có không ít hơn 220.000 tấn tiêu sẽ được thu hoạch.
Các bác bớt than nghèo kể khổ lại được không? Đối với thị trường nông sản thì sự nghèo khổ là một trong những yếu tố góp phần làm cho giá giảm đấy. Tại sao ư? Do áp lực trả nợ buộc những người đang nợ phải bán để trả nợ dù giá có thấp đến đâu cũng phải bán.
Một trong những yếu tố mà các cty khảo sát thị trường hay đưa vào bản đánh giá của họ là tình trạng tín dụng của người đầu tư đấy, các bác có biết không?
Khổ nỗi là số nông hộ lành mạnh về tài chính (không vay mượn, thậm chí là có dư) không đến 10%.
Còn lại 90% là buộc phải bán một phần ngay sau khi thu hoạch để trả nợ và trang trải chi phí (chủ yếu là công hái)
Vậy số tiền bán tiêu giá cao hơn 9 năm qua đi đâu?
Hic, các bác tự xài thì các bác tự biết nhé. Dan Viet chỉ nêu ra và trường hợp điển hình thôi nhé:
Một phần dùng để mua đất trồng thêm tiêu, thậm chí là vay thêm ngân hàng.
Một phần cất nhà đẹp, mua sắm xe cộ, cũng vay mượn…
Chỉ một số rất ít (vì đã trải qua đợt khủng hoảng giá thấp 2001-2005) là có trích lập dự phong rủi ro, chia nhỏ gói đầu tư chứ không bỏ hết trứng vào một giỏ VD như gửi ngân hàng, mua nhà phố cho thuê vv… là đang lành mạnh về tài chính.
Tôi có 250 trụ tiêu KD, 250 trụ tiêu trồng năm 2.
Chi phân thuốc hết 25 triệu thì có nhiều không mọi người?
Cũng còn tùy, nhưng với phân thuốc hóa học thì khá nhiều…
Quá nhiều !
Tôi không biết bạn bón phân gì và thuốc gì nhưng bình quân đến 500 ng/trụ thì thật khủng khiếp. Với chi phí đó của bạn thì sẽ đủ để chi cho tất cả trong một năm luôn rồi (kể cả tiền tưới và thu hoạch). Có lẽ bạn đã sử dụng thuốc bệnh quá nhiều mới đến mức độ đó chứ nếu bón phân thì chẳng thể nào…
Xin lỗi tôi tính nhầm chỉ 50 ng/trụ nhưng cũng rất nhiều rồi. Với giá như hiện nay mà chi phí đầu tư cao quá sẽ rất khó có lời không khéo lỗ thì nguy.
50.000 đồng/trụ là khá nhiều nếu:
-Thuốc hóa học mức độ này là lạm dụng, hũy diệt môi trường, tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong tự nhiên.
-Phân nhiều hay ít còn tùy vào sự cân đối, tính toán hợp lý. Nhưng nói chung còn tùy vào năng suất nữa, năng suất cao chắc chắn phải cho ăn phân nhiều hơn.
Quan trọng là hợp lý, không lãng phí, không lạm dụng.
Chào cộng đồng !
Theo tôi, nhận định của các bạn hầu như còn cảm tính, chưa rõ ràng nên sẽ gây sự bất đồng, mâu thuẫn. Ý kiến của @ Ngok có phần thận trọng hơn nhưng cũng chưa đủ sức thuyết phục vì chưa được cụ thể.
Nên chia làm 3 mức, theo năng suất để dự tính đầu tư phân thuốc.
1. Năng suất thấp, dưới 2 kg/trụ. Gần như lối quảng canh nên chỉ đầu tư thấp, bình quân khoảng 20-25 ngàn đồng/trụ.
2. Năng trung bình, dưới 3,5 kg/trụ. Thường theo lối bán thâm canh, bình quân khoảng 40-45 ngàn đồng/trụ.
3. Năng suất cao, từ 4 kg/trụ trở lên. Đây là lối thâm canh, bình quân từ 50-55 ngàn đồng/trụ hoặc cao hơn nữa.
Ngoài ra còn dựa vào chất đất, độ bền (tuổi thọ) của cây hồ tiêu, môi trường lây nhiễm dịch bệnh… để tính toán phân thuốc đầu tư… nên bình quân 50 ngàn đồng/trụ/năm chưa thể cho là nhiều !
Thân
Cảm ơn mọi người đã phản hồi.
Tôi rất ít sử dụng phân thuốc hóa học.
Hiện tại tôi chỉ sử dụng 50kg NPK/năm cho thời kỳ làm bông và chắc hạt. Thuốc thì chủ yếu dùng sinh học, trichoderma. Riêng phân bò, phân dê và phân hữu cơ vi sinh tôi thấy chiếm chủ yếu. Vì vườn tôi mua lại nên cây không đều, đang phải hồi phục vì trước đây chủ cũ bón phân hóa học quá nhiều. Cũng có cây đạt 6kg khô, có cây 2-3kg
Tiêu giá này 62.000/kg thì âm nợ…..
Tôi có ý kiến thế này. Theo tôi thấy bà con thường kí gửi tiêu ở đại lí, còn đại lí gửi ở kho của công ty XNK, nên có khi nào sẵn hàng, công ty sẽ bán với giá thấp để thu lời không và họ không dại gì để giá tiêu tăng cao, vì nếu giá tiêu tăng, bà con bán thì tiền đâu họ trả, dễ phá sản thôi.
@Võ Đông Chấn, chính xác là như vậy.
Đại lý kiếm lời từ giá xuống, lời kép. Này nhé:
1. Cái lời thứ nhất: dùng vốn (tiêu) của bà con để kiếm lời trên lãi suất cho vay.
Khi bà con ký gửi, nếu đại lý đánh giá là giá tiêu sẽ xuống, họ sẽ đem bán lô hàng ngay lập tức, lấy tiền đó ứng ngược lại cho bà con. (hoặc dung tiền bán lô hàng của người này để ứng cho người khác) và thu lãi 0,7%/tháng. Từ chuyên môn gọi là dùng mở cá rán cá.
2. Lời do chênh lệch giá.
Khi giá xuống, họ sẽ mua lại lô hàng khác, khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán vào gọn túi đại lý.
Vấn đề hơn thua nhau ở chỗ nhận định đúng xu hướng giá.
Bà con nhận định giá sẽ lên nên ký gửi để chờ, kết quả là giá không lên, bà con thua kép (đóng tiền lãi cho đại lý từ chính đồng vốn bằng hàng hóa của mình).
Đại lý nhận định giá sẽ xuống nên xách lô hàng đem bán và thắng kép.
Khi ký gửi, thực tế là bà con đặt cược vào việc giá tang, nếu giá tăng-bà con thắng, ngược lại là thua.
Đại lý thì ngược lại.
Nếu bà con nhận định là giá sẽ xuống, tốt nhất là bán ngay lập tức khỏi phiền, đúng vậy không?
Bà con tự đầu cơ tiêu của chính mình thì phải chấp nhận chuyện THẮNG hoặc THUA !
Đưa tiêu của mình cho người ta làm vốn là đã thua trông thấy trước, còn kêu ca gì nữa.
Ngok
Biết vậy nhưng nói thì dễ, làm được mới khó. Đa số nông dân kẹt vốn (mở rộng diện tích, xây nhà, mua xe…) chỉ một số ít là có vốn dư để tự trữ hàng.
Bà con đầu tư quá sức nghĩa là tự mình đưa mình vào thế yếu, do đó nếu có trách móc gì thì cũng tự trách mình trước khi trách người nhé.
Anh @ Ngok tính giỏi thật. 50 k một cây một năm? Vậy anh tự thu hoạch hả? Nói như bác Nguyễn Vịnh, đó cũng là mới đầu tư phân bón, thuốc thôi đó. Chính xác 1 trụ tiêu phải tính thế này: phân bón (hữu cơ,vi sinh, hoá học), thuốc bvtv sử dụng trong năm, nước tưới, công làm cỏ, vun bồn, tỉa cành, cột tiêu, công hái… Với giá công hái hiện nay, 1 trụ tiêu đã hết 50 k (trụ 4 kg khô).
Ái zà ! Bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Mình nói 50k/năm/gốc là tiền đầu tư phân thuốc, nhưng cũng còn tùy chứ không phải đầu tư tất tần tật nhé…
Mọi người hãy nhớ lại giai đoạn 2001-2005 đi, tiêu từ 14k-17 k/kg trong khi giá thành sx tầm 20k/kg. Trong quá khứ gần đã từng có chuyện giá bán thấp hơn giá thành. Như vậy, việc giá bán thấp hơn giá thành hoàn toàn có thể xãy ra trong tương lai.
Tại sao lại có chuyện đó?
Đơn giản là do vay mượn. Trong giai đoạn giá bán cao, nhiều người đã vay mượn để đầu tư sản xuất, khi cung vượt cầu thì bắt đầu xãy ra hiện tượng số người muốn bán nhiều hơn số muốn mua. Lượng hàng hoá bị dôi ra buộc phải giảm giá để đẩy nhanh (nuôi lâu cũng đồng nghĩa với chịu lãi nhiều).
Trong kinh tế học người ta gọi lúc này là “thời điểm Minsky” lúc đó con nợ buộc phải bán giá thấp hơn giá thành sản xuất để đỡ phải đóng lãi vay.
Do đó, nếu mọi người định dùng vốn vay để ôm tiêu trong lúc này thì Dan Viet nghĩ là rất rủi ro.
Giải thích chú xíu từ “dùng mở cá rán cá”:
Khi bà con gửi hàng và ứng 70% giá trị lô hàng, lãi suất thường được đại lý tính là 0,7%/tháng thực chất là bà con đang vay vốn của chính mình nhưng đóng tiền lời cho đại lý.
Nếu giá rớt hơn 30%, tại thời điểm giá trị lô hàng bằng với số tiền đã ứng, coi như lô hàng đã được bán.
Dan Viet viết ra những sự thật đó để nhắn gửi bà con một thông điệp:
Nếu có khả năng và muốn trữ thì hãy tự dùng vốn của mình để trữ.
Nếu không đủ khả năng tài chính để trữ, tốt nhất là mua đứt bán đoạn.
Đầu cơ giá lên trong lúc này bằng vốn vay (của chính mình) thì khả năng phá sản rất cao. Các bác hãy trở lại giá trị cơ bản của người nông dân Việt Nam: thông minh, sáng tạo, siêng lao động và cần kiệm, tương lai sẽ lại tươi sáng. Đầu cơ không phải là sân chơi của các bác đâu!
Dan Viet biết một trường hợp rất máu lửa ở Gia Lai, đầu vụ 2017 lúc giá 124k, anh ký gửi 12 tấn, ứng 1 tỷ 41 triêu. Khi giá rớt về 87 k, anh ấy mua lại lô hàng của chính mình và tiếp tục ký gửi (bản chất là đem 306 triệu nộp lại cho đại lý để giữ quyền quyết định lô hàng), hôm giá rớt về 60k, anh ấy nộp tiếp 218 triệu, có lẽ là số tiền hai lần nộp thêm của anh là vay xã hội đen, lãi cao.
Hãy dừng lại đi anh, đừng tiếp tục đánh bạc như vậy nữa, anh còn vợ con, gia đình…
Dan Viet biết anh hay đọc diễn đàn này và biết anh sẽ giận mình nhưng lương tâm không cho phép Dan Viet im lặng
Cảm ơn @ Dan Việt. Bạn phân tích trường hợp ôm tiêu ở Gia Lai quá hay. Các phản hồi chuẩn xác, rất mong bạn vui khỏe.
Lâu quá ghé thăm cộng đồng tiêu. Chào cả nhà. Chúc cả nhà mọi sự bình an.
Tiêu xuống giá qúa biết làm sao! Tiêu trồng không chịu lên: vàng lá, trắng lá, xoắn lá… Tuyến trùng quá xá…
Phòng bệnh và chăm sóc kém thì phải chấp nhận, có kêu cũng chẳng thay đổi được gì…