VPA: Khảo sát các vùng trồng Hồ tiêu Campuchia
Từ ngày 13 đến ngày 16/12/2017, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) do ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA dẫn đầu cùng với 18 thành viên đại diện cho 12 doanh nghiệp hội viên đã đi khảo sát các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm tại Campuchia.
Đoàn đã có buổi làm việc với Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp) Campuchia và được ông Khann Samban, Cục trưởng Cây công nghiệp chia sẻ nhiều thông tin về việc phát triển cây hồ tiêu tại đất nước chùa Tháp. Hiện hồ tiêu được trồng tại 19 tỉnh của Campuchia với tổng diện tích năm 2017 khoảng 6.663 ha, sản lượng 20.253 tấn.
Trong đó, 3 tỉnh trồng nhiều nhất là Tbaung Khrmum (giáp biên giới Tây Ninh) 2.720 ha, sản lượng 14.960 tấn; tỉnh Ratanak Kiri (giáp biên giới Gia Lai) 971 ha, sản lượng 1.234 tấn; tỉnh Kratie (giáp biên giới Bình Phước) 728 ha, sản lượng 1.216 tấn.
Đại diện Tổng cục Nông nghiệp cũng cho biết, diện tích hồ tiêu tại Campuchia chỉ mới phát triển nhanh từ 2014 đến 2016. Nếu như năm 2011 Campuchia chỉ có 879 ha, đến năm 2014 đạt 2.653 ha, năm 2015 tăng gần gấp đôi lên 4.645 ha, năm 2016 tăng lên 6.124 ha và năm 2017 tăng chậm lại khoảng 500 ha do giá tiêu đi xuống. Giống hồ tiêu chủ yếu là bản địa Kamcham, Kampot; giống Vĩnh Linh, Lộc Ninh của Việt Nam; một số diện tích trồng giống Sri Lanka của Ấn Độ.
Đất đai tại Campuchia khá tốt, rất phù hợp với cây hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày. Do hồ tiêu tại Campuchia phát triển sau Việt Nam nên nông dân tại đây học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm; sâu bệnh hại không nhiều; việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học được hạn chế.
Đặc biệt, từ năm 2015, một số HTX trồng tiêu tại Campuchia được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ trong việc thực hiện quy trình GAP. Đồng thời, diện tích trồng tiêu hữu cơ, Organic cũng bước đầu xây dựng ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở Kampot và Memot (tỉnh Tbaung Khrmum). Một số doanh nghiệp nước ngoài như Thụy Sĩ đã mua loại tiêu này với giá cao khoảng 14 USD/kg.
Qua khảo sát VPA nhận thấy, do diện tích hồ tiêu Campuchia tăng chủ yếu trong năm 2015 và 2016, nên từ tháng 3/2018 diện tích mới này sẽ cho thu hoạch, sản lượng năm 2018 ước đạt 25.000 – 28.000 tấn. Thời gian thu hoạch hồ tiêu của Campuchia cũng trùng với Việt Nam, vào khoảng tháng 3 dương lịch. VPA cũng ghi nhận đề nghị của phía bạn thời gian tới cần tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp hội viên VPA với người nông dân Campuchia trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác và tiêu thụ sản phẩm giữa hai bên.
23 phản hồi cho bài "VPA: Khảo sát các vùng trồng Hồ tiêu Campuchia"
Campuchia bán với giá 14 USD hơn 300.000/kg? Sao giỏi thế Việt Nam ta đi trước mà sao lại theo không kịp. Kiểu này không khéo Campuchia vượt chúng ta về chất lượng lẫn sản lượng.
Ở VN, tiêu Phú Quốc cũng bán được giá 300k đấy thôi.
Bài báo nói về một loại tiêu rất đặc biệt, có đăng ký chỉ dẫn địa lý, canh tác hữu cơ và được quản lý truy nguyên nguồn gốc rất chặt chẽ. Một phần khá lớn trong giá bán được khách hàng sau cùng trả cho các cty mua hàng có nguồn gốc EU đóng tại Cambodia là để họ quản lý chặt, đảm bảo không có chuyện tiêu từ vùng khác chở về Kampot để bán dưới tên Kampot (tạm gọi là giá trị của uy tín).
Một vấn đề đáng lưu ý khác là tiêu Kampot giá cao do số lượng trồng rất ít, chỉ 300-500 tấn/năm. Phần còn lại của tiêu Cambodia được bán bằng với tiêu VN qua biên giới (20-25,000 tấn/năm). Như vậy, tiêu Kampot bán giá cao một phần là do số lượng ít, ngay khi nông dân Kampot tăng sản lượng trồng, đảm bảo là tiêu Kampot cũng rớt giá theo.
Vậy đó, không có món gì vừa nhiều, vừa dễ làm, năng suất cao, chất lượng sao cũng được vừa cao giá đâu nhé!
Nông dân VN mình trồng gì cũng theo phong trào, lúc được thu thi rẻ như bèo. Tiêu xuống đến 50k chắc lại phá hết cho mà xem. Trồng tiêu đâu tư nhiều, rủi ro cao mà lợi nhuận như giờ là thua cafe rồi.
Tiêu xuống giá và chết nhiều nên nông dân quê tôi vùng Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu đang chuẩn bị giống cà phê để trồng vào đầu mùa mưa năm tới. Ở Việt Nam mình, nông dân luôn chủ động, xoay sở tình hình và luôn là người đi tiên phong, nhưng định hướng theo phong trào, … Vì vậy, từ lúa gạo, cà phê, tiêu điều , … và nhiều thứ khác theo năm tháng đều tụt hậu. Đối với nhà nông niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều. Đần năm ngoái có vay tiền để xây thêm cái nhà kho để giữ tiêu vụ này, không ngờ giá xuống, tiêu chết nên tinh thần xuống nghiêm trọng lắm !
Hiện nay tiêu một ngày một xuống giá thế mà ông bạn tôi một ngày tóc lại thêm một muối tiêu mới lạ. Ông ta làm và cất giữ được vài tấn tiêu, khi tiêu xuống còn dưới 100.000 đồng/1kg, ông ta lại vay tiền mua thêm 5 tấn nữa thế là nợ lại chồng nợ thấy mà thương. Đọc báo thấy tiêu Campuchia có nơi giá tới 300.000 đồng/1kg mà ham. Không biết người nông dân ta phải chịu cảnh này đến bao giờ. Thật là buồn phải không các bác.
Không cần phải chặt phá mà năm sau diện tích và sản lượng sẽ tự giảm đấy thôi
Hiện tại theo thống kê diện tích trồng hồ tiêu có vẽ vượt mức nhưng được bao nhiêu diện tích hồ tiêu cho thu hoạch đáng kể, số chết, số trồng mới không lên, số tàn lụi mà cứ thống kê vào cả… Năm nay giá xuống lại không ai đầu tư trồng mới vậy năm tới sản lượng sẽ được bao nhiêu… mà bảo dư. Chỉ có sự ép giá của tư thương mà nhà nước mình lại chưa có chính sách bảo hộ quyền lợi chính đáng cho bà con mà thôi…
Bạn công nhận 70% dân số mình sống nghề nông không?
Thu nhập trồng tiêu có cao hơn nhiều nông sản khác không?
Vậy thì để nhà nước bảo hộ cho các nông sản cho lợi nhuận thấp đã bạn nhé !
Không mở rộng thêm diện tích, không đầu tư hay chuyển đổi cây trồng là chuyện của người trồng, nhà nước cũng không khuyến khích mà muốn nông dân phải cân nhắc kỹ…
Bạn không muốn bán cho tư thương là việc của bạn, nhà nước không thu mua mà cũng không can thiệp vào thị trường vì đó là kinh tế thị trường !
Bây giờ chúng ta nên rút ra một điều không có cái gì giữ giá mãi được. Chúng ta nên làm đa canh. Trồng cà phê, tiêu, sầu riêng, bưởi, mít… để mất giá này có cái kia mà sống.
Giá tiêu 70 nghìn thì trồng tiêu năng suất cao mới được hòa vốn
VPA đi khảo sát hết lần này đến lần khác để làm gì nhỉ? Không thấy có tác dụng gì cả đối với giá tiêu và người trồng tiêu. Đi du lịch thì có, chán.
1. VPA là hiệp hội của các nhà sản xuất và xuất khẩu tiêu, bất kỳ ai chấp nhận điều lệ hội và sẵn sàng đóng hội phí 5 triệu/năm đều có thể là thành viên của VPA, nông dân cũng có thể tham gia nếu chấp nhận điều kiện đó, thực tế là đã có vài hội viên là nông dân.
2. VPA hoạt động vì lợi ích của hội viên chứ không phải VPA được sinh ra để đảm bảo tiêu không rớt giá.
3. Hoạt động khảo sát vụ ở VN và có thể ở các nước khác là nhằm đánh giá chính xác tổng sản lượng tiêu toàn cầu, giúp đánh giá cán cân cung-cầu, từ đó giúp các hội viên định hướng kinh doanh cho mình chuẩn hơn, tránh rủi ro trong kinh doanh. VD nếu VPA nhận định là cung vượt cầu, giá sẽ rớt, các hội viên cũng tin như vậy và đồng loạt không trữ, cuối cùng, nếu diễn biến đúng như vậy thật, nghĩa là VPA đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của họ đối với hội viên.
Hy vọng là những giải thích trên giúp bác hiểu rõ VPA đi khảo sát hết nước này đến nước khác nhằm mục đích gì.
Hiện nay giá 1 kg tiêu chưa bằng 1kg cá tươi ngon, thật là buồn phải không các bác.
Nếu hiện nay nông dân nào chỉ trồng cây tiêu chắc là tiêu hết quá, nhưng nói vậy thôi chứ chúng ta dù gì đi nữa cũng còn có cái để ăn chứ đồng bào miền Trung, miền Bắc bị thiên tai vừa qua thì còn khổ hơn nhiều. Vậy mà mới đầu năm lại tiếp tục có bão số 1 hình thành, thật đáng sợ phải không các bác. Thôi thì giá có hạ thế nào chúng ta cũng phải cố gắng. Bỏ công làm lời không được thì ta lại bỏ công làm liều, biết đâu theo tình hình giá cả và dịch bệnh như hiện nay số lượng tiêu chắc chắn sẽ giảm, lúc đó cầu sẽ vượt cung thế là tiêu lại trở thành vàng đen. Chúng ta hãy tin tưởng vào điều này. Chúc các bác vững niềm tin mà thành công trong sản xuất nhé.
Nếu tiêu không bệnh mà chết thì cũng chưa đến nổi đâu nhỉ?
Bác nào canh tác bền vững thì hãy tiếp tục kiên trì như vậy nhé, sẽ có lúc tiêu lại là vàng đen, khi mà các bác cường canh rơi rụng dần vì tiêu chết và đuối sức vì không còn tiền để theo đuổi việc cường canh, lúc đó giá lại phục hồi thôi.
Chắc cũng không lâu lắm đâu, Dan Viet thấy năm nay các vườn tiêu cường canh ra đi cũng bộn. Năm sau sẽ còn nhiều hơn nữa.
Vùng Tây nguyên là nơi đất lành chim đậu. Chả có mấy vùng đất mà trồng được nhiều loại cây công nghiệp như vậy đâu, nào là cao su, cà phê, điều, ca cao, cây ăn trái các loại … Nếu nhìn ra khu miền Trung với lũ lụt và đất đai “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thì thấy nông dân ở đó vất vả hơn nhiều các bác ạ. Nếu chúng ta canh tác hay đầu tư vốn liếng không theo kiểu bỏ trứng vào một giỏ thì không lo gì thiếu cái ăn, cái mặc đâu. Theo quan điểm của tôi thì ăn ít no lâu, canh tác hữu cơ cho lành.
Nói nhiều về giá xuống thì vụ này người trồng tiêu có thể có lời ít nhưng chưa có gì mà thê thảm như chăn nuôi được và nông nghiệp là thế. Cây tiêu vẩn là thế mạnh vì tăng diện tích nhanh nhưng cũng giảm nhanh, cứ canh tác bền vững cây không chết và không phá sẽ có ngày tươi sáng trở lại.
Giá tiêu rớt mạnh ngay đầu vụ. Theo một số đại lý lớn cho rằng do bà con lo sợ giá tiêu sẽ còn giảm sâu nên vội vàng thu hoạch sớm. Lượng hàng vụ mới này chất lượng không cao nên đã đè giá tiêu giảm liên tục mấy ngày qua, khả năng sẽ còn giảm sâu thêm nữa.
Hiện nay chỗ tôi đại lý mua đầu giá tiêu cũ cao hơn tiêu mới 2.000 đồng/kg.
Là thấy giá cả nông sản nói chung ở VN mình quá bấp bênh thương người nông dân vay mượn NH đầu tư cho lao động sản xuất có cho là chạy theo xu hướng cây có giá trị kinh tế cao thì thực ra cũng là hợp lí và không có gì xấu nhưng nhà nước nên có giải pháp quản lý để nông sản của bà con đảm bảo bình ổn giá cả trên thị trường chung !
Bạn cứ ngồi đó mà kêu, chẳng ai can thiệp hay quản lý giúp bạn đâu trong nền kinh tế thị trường, ngoại trừ bạn muốn quay lại nền kinh tế hoạch định như hồi chưa đổi mới… Khi đó bạn là người sản xuất, nhà nước là người thu mua. Mua giá bao nhiêu là nhà nước độc quyền ra giá, bạn chỉ việc sản xuất mà không thể kêu ca với ai…
Nói như bác @ Ngok “không bán cho tư thương là việc của bạn” như thế nông sản cứ mặc tư thương làm giá chăng, vai trò của các bộ ngành ở đâu bác, nhà nước đứng ngoài để nhìn dân “đánh cược” sao được bác! “Dân giàu thì nước mới mạnh” dân lâm cảnh lầm than, nợ nần thì xã hội sẽ ra sao…
Đó là chút tâm sự chia sẻ với bà con, còn tôi chỉ tăng gia dăm trăm trụ (p/s có xuống 20k/kg thì vẫn cơm ngày ba bữa), mong bà con bình tĩnh sáng suốt định hướng phát triển canh tác sao cho đạt hiệu quả hơn trên diện tích đất nhà mình bà con nhé, thân chào !
Nói thiệt nếu tiêu rớt giá thì thôi lỡ rồi chứ sợ lắm rồi, thấy ngon nhảy vô làm không quan tâm hậu quả dù biết trước, hết cao su cà phê giờ tới tiêu rồi đấy. Tiêu… tiêu đi đâu cũng tiêu, rồi cứ trồng nhiều vào tiêu luôn, làm cũng giỏi phá cũng giỏi. Đau thay cũng phá luôn kinh tế của những người làm tiêu thời nó còn khó khăn. Lỡ rớt rồi cho rớt không phanh, cho những người thấy cái lợi trước mắt mà trồng ồ ạt theo cho họ sáng mắt ra.
Trước đây tiêu 1 kg 80k, đùng một cái lên 230k. Hậu quả là người người, nhà nhà đầu tư vào tiêu. Gía nhân công, vật tư, đất đai đua nhau lên vù vù như diều gặp gió, bây giờ gió lặng, hậu quả để lại thật là khủng khiếp, nợ nần, phá sản và đất đai hoang tàn vì tiêu.
Ngành hồ tiêu của chúng ta thiếu người cầm chịch có tâm có tầm