Xuất khẩu hạt tiêu trúng đậm
Thị trường hạt tiêu trong nước và thế giới 10 tháng đầu năm nay phải nói là hiếm có năm nào có được, giá luôn ở mức cao và các kỷ lục cao về giá được thiết lập liên tục. Nhờ vậy, nông dân trong nước có 1 năm trúng mùa tiêu, còn doanh nghiệp xuất khẩu thì trúng giá đậm.
Kim ngạch tăng gấp đôi
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu hạt tiêu 10 tháng đầu năm nay được 120.000 tấn với kim ngạch 702 triệu đô la, tăng 15% về khối lượng nhưng kim ngạch thì tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu xuất khẩu năm nay tăng quá mạnh, cụ thể trong 9 tháng đầu năm giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 5.730 đô la/tấn, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái, còn trong tháng 10 vừa qua, giá tiêu xuất khẩu bình quân lên tới 7.200 đô la/tấn.
Trong 9 tháng đầu năm, ngoài thị trường Đức có khối lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và kim ngạch, đặc biệt là thị trường Ai Cập, Tây Ban Nha và Singapore có mức tăng 70-120% về lượng và hơn 200% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Giá tiêu trong nước 10 tháng qua liên tục tăng ở mức cao, đã có lúc vượt qua 150.000 đồng/kg tiêu đen nhân xô, mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay của thị trường hạt tiêu Việt Nam. Giá tiêu đen từ mức 148.000 -150.000 đồng/kg ngày 3/10 tăng lên mức kỷ lục 153-154.000 đồng/kg vào ngày 7/10, tăng hơn gấp đôi so với giá tiêu bình quân của cả năm ngoái chỉ 60-70.000 đồng/kg. Hiện tại giá tiêu đen xô quay về mức 146.000 – 148.000 đồng/kg.
Giá tiêu trắng ổn định hơn do nhu cầu tiêu trắng không nhiều, giá cao hơn tiêu đen, hiện đạt 190.000 – 195.000 đồng/kg. Tương tự như vậy, giá tiêu xuất khẩu tăng cao trong tháng 10, hiện giá tiêu đen 500g/l FOB đạt 7.500 -7.600 đô la/tấn, tiêu đen 550g/l FOB 8.000- 8.100 đô la/tấn, tiêu trắng xuất khẩu đạt mức 10.100-10.200 đô la/tấn, mức giá xuất khẩu cao chưa từng thấy trong lịch sử thị trường hạt tiêu.
Theo dự báo của Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng hồ tiêu xuất khẩu năm nay của cả nước gần 139.000 tấn với trị giá hơn 864 triệu đô la.
Dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2011
ThángThời điểm | Khối lượng (tấn)r=14.3 % | Giá trị (đô la)r=14,5 % |
Tháng 1*Tháng 2*
Tháng 3* Tháng 4* Tháng 5* Tháng 6* Tháng 7* Tháng 8* Tháng 9* Tháng 10** Tháng 11** Tháng 12** |
4.7465.137
16.126 15.355 13.102 15.177 13.168 16.988 10.119 10.283 9.520 9.140 |
23.240.34824.057.739
79.879.054 84.308.478 76.391.207 87.696.885 78.465.728 106.252.358 69.420.105 78.517.871 76.772.396 78.545.045 |
Cả năm 2011 | 138.862 | 863.547.214 |
Nguồn: Kết quả dự báo của Trung tâm Tin học và Thống kêGhi chú: r – Sai số dự báo trong mẫu * Số thực hiện ** Số dự báo |
Thế giới quá thiếu hạt tiêu
Theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2011 ước đạt 318.000 tấn, giảm 5,14% so với mức sản lượng 335,3 ngàn tấn năm 2010. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2011, tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu từ 6 quốc gia xuất khẩu lớn (Việt Nam, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Srilanka) đạt 188.000 tấn, giảm 4% so với mức 195 ngàn tấn cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam và Ấn Độ tăng mạnh, với mức tăng lần lượt là 14% và 10% trong khi đó xuất khẩu của Brazil, Indonesia, Malaysia và Srilanka giảm so với cùng kỳ năm 2010. Indonesia là quốc gia giảm xuất khẩu đáng kể nhất với mức giảm 38,1% từ 42,1 ngàn tấn năm 2010 xuống còn 26,3 ngàn tấn trong năm nay do sản lượng tiêu đen trong năm 2011 giảm mạnh cùng với nguồn hàng tồn còn rất ít vào đầu năm nay.
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê, giá hồ tiêu tại sàn Kochi, Ấn Độ chốt phiên ngày 27/10 giao kỳ hạn tháng 11,12 và tháng 1-2/2012 lần lượt là 36.430; 34.980; 35.160 và 35.500 rupi/tạ, tăng từ 65% đến 78% so với mức giá cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường châu Âu, giá tiêu đen Ấn Độ giao ngay đạt 8.300 đô la/tấn, tiêu trắng Muntok giao ngay đạt 11.700 đô la/tấn, tăng gần gấp đôi so với mức giá cùng kỳ năm 2010.
Tại Ấn Độ, giá thu mua hồ tiêu có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm vào thời điểm đầu tháng, giá tiêu đen nội địa đang ở mức 6.911 đô la/tấn; giá tiêu xuất khẩu đạt 7.124 đô la/tấn tăng 185 đô la/tấn (tương đương tăng 2,7%) so với thời điểm đầu tháng 10.
Tại thị trường Indonesia, giá thu mua tiêu đen nội địa đạt mức 7.504 đô la/tấn, giá tiêu đen xuất khẩu đạt 7.900 đô la/tấn, tăng lần lượt 135% và 97,5% so với mức giá cùng kỳ năm 2010, giá tiêu trắng xuất khẩu ổn định trong tháng đạt 10.600 đô la/tấn.
Theo nhận định của các thương gia kinh doanh hồ tiêu, dự trữ thấp, sản lượng toàn cầu thấp và nhu cầu xuất khẩu cao sẽ là các yếu tố giữ cho giá hạt tiêu thế giới tăng trong trung và dài hạn.